Trang:Cong bao Chinh phu 909 910 nam 2022.pdf/39

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
40
CÔNG BÁO/Số 909 + 910/Ngày 15-12-2022


vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

d) Người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới;

đ) Người chuẩn bị kết hôn.

3. Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho người thực hiện tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.

Điều 17. Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình

1. Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực gia đình.

Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

2. Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Chủ động, kịp thời, kiên trì;

b) Tôn trọng sự tự nguyện của các bên và an toàn của người bị bạo lực gia đình;

c) Khách quan, bình đẳng, có lý, có tình, phù hợp với quy định của pháp luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam;

d) Bảo đảm bí mật thông tin về đời sống riêng tư của các thành viên gia đình được hòa giải;

đ) Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

Điều 18. Chủ thể tiến hành hòa giải

1. Thành viên gia đình, dòng họ có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình phát sinh hoặc tái diễn.