Trang:Cong bao Chinh phu 867 868 nam 2023.pdf/12

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
14
CÔNG BÁO/Số 867 + 868/Ngày 30-7-2023


2. Trường hợp pháp luật yêu cầu hoặc cho phép chuyển đổi hình thức từ văn bản giấy sang chứng thư điện tử đối với các loại giấy tờ mà pháp luật cho phép chuyển giao quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất thì văn bản giấy không còn giá trị pháp lý ngay khi việc chuyển đổi được hoàn thành và đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 của Luật này.

3. Trường hợp pháp luật yêu cầu hoặc cho phép chuyển đổi hình thức từ chứng thư điện tử sang văn bản giấy đối với các loại chứng thư điện tử mà pháp luật cho phép chuyển giao quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất thì chứng thư điện tử không còn giá trị pháp lý ngay khi việc chuyển đổi được hoàn thành và đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 của Luật này.

Điều 21. Yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử

1. Việc lưu trữ chứng thư điện tử phải tuân thủ quy định về lưu trữ thông điệp dữ liệu tại Điều 13 của Luật này.

2. Hệ thống thông tin phục vụ lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin mạng tối thiểu cấp độ 3 theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

Chương III
CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ VÀ DỊCH VỤ TIN CẬY

Mục 1
CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ

Điều 22. Chữ ký điện tử

1. Chữ ký điện tử được phân loại theo phạm vi sử dụng bao gồm:

a) Chữ ký điện tử chuyên dùng là chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ;

b) Chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng;

c) Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công vụ và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.