Trang:Cong bao Chinh phu 709 710 nam 2020.pdf/25

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
27
CÔNG BÁO/Số 709 + 710/Ngày 23-7-2020


tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) và đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này.

2. Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này.

3. Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này.

4. Hòa giải thành là thông qua hòa giải, các bên tham gia hòa giải tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự mà phần này không liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự đó.

5. Đối thoại thành là thông qua đối thoại, các bên tham gia đối thoại tự nguyện thống nhất về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần khiếu kiện hành chính mà phần này không liên quan đến những phần khác của khiếu kiện hành chính đó.

6. Các bên tham gia hòa giải là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

7. Các bên tham gia đối thoại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

8. Người đại diện bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Điều 3. Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.

2. Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

3. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.