Trang:Cong bao Chinh phu 345 346 nam 2016.pdf/15

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
16
CÔNG BÁO/Số 345 + 346/Ngày 21-5-2016


đ) Toàn văn điều ước quốc tế bằng tiếng Việt dưới hình thức Phụ lục. Trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì Phụ lục là toàn văn điều ước quốc tế bằng một trong số các ngôn ngữ ký và bản dịch bằng tiếng Việt của điều ước quốc tế đó.

Điều 30. Đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế

1. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Chính phủ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn đối với điều ước quốc tế do Quốc hội phê chuẩn.

3. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.

Điều 31. Hồ sơ trình về việc phê chuẩn điều ước quốc tế

1. Tờ trình của cơ quan trình, trong đó có đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

2. Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức và kiến nghị biện pháp xử lý; dự kiến kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế.

3. Văn bản điều ước quốc tế.

Điều 32. Phạm vi thẩm tra điều ước quốc tế

1. Sự cần thiết phê chuẩn điều ước quốc tế.

2. Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế.

3. Tính hợp hiến và mức độ phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế.

5. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 33. Thẩm quyền thẩm tra điều ước quốc tế

Ủy ban đối ngoại của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội.