Trang:Co xuy nguyen am.pdf/68

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
II — LUẬT PHÚ

Từ phú là một lối văn-chương cao-diệu để phúng vịnh sự đời, hoặc tả tình, tả cảnh.

Lối làm phú dầu không câu-nệ luật cách bằng trắc như lối thơ lắm. Nhưng làm theo lối biền-ngẫu, nghĩa là phải đặt câu đối nhau, thì cũng phải niêm-luật, lựa theo tiếng bằng, tiếng trắc, vần bằng, vần trắc mà làm.

Độc-vận, hạn-vận, phóng-vận

Trong bài phú cốt phải hạ vần cho đích đáng, hoặc độc-vận, hạn-vận, hay phóng-vận.

Độc-vận. — Độc-vận là từ đầu đến cuối chỉ theo một vần.

Hạn-vận. — Hạn-vận hoặc ba bốn vần hay năm bảy vần.

Phóng-vận. — Phóng-vận là muốn làm theo vần nào cũng được.

Lối câu bát-tự, song-quan, cách-cú, gối-hạc

Bát-tự. — Trong bài phú mỗi một đoạn trước hết phải đặt một vài câu ngắn như là mỗi câu bốn chữ đối với nhau, hai câu thành tám chữ, thì gọi là bát-tự.

Hoặc dùng vần liên-châu, nghĩa là vần câu trên liên tiếp với vần câu dưới; hoặc dùng bằng trắc đối nhau, thì chỉ hạ hai vần ở chữ cuối cùng hai câu bát-tự mà thôi.

Thí dụ câu bát-tự:

Ngán thay thế tục! ngán thay thế tục!
Nước chảy bến mê, gió hun lửa dục.

Song-quan. — Song-quan là hai câu song đối, mỗi vế độ sáu bảy chữ hay tám chín chữ đối nhau gọi là song-quan.