biết lối nào mà xét. Còn Úy-nùng thì đi thuê thêm một tên đầy-tớ trai coi nhà, và hai tay du-côn để thường khi đi hộ-vệ. Từ đấy người trong nhà thường sậm-sột không yên. Nhà Úy-nùng vốn có xe nhà. Một hôm tên phu-xe đi đêm, bỗng bị người đánh một cái phạt ngang chân rồi chạy mất. Vết thương nặng lắm, phải xin phép chủ nghỉ mười ngày mà tìm người làm thay. Chàng bằng lòng, bảo đưa người ấy đến. Khi đến, trông thấy người ấy má lõm lưng gù, trạc đến ngót 50 tuổi, thì lại có ý không bằng lòng. Tên phu-xe biết ý, cười mà rằng:
— Ông có ý chê hắn già sao? Tuổi hắn già nhưng sức hắn còn khỏe lắm. Chàng không tin, nhân góc tường có một bộ giây xúc-xích bằng sắt, nặng đến hơn trăm cân, của một người chủ tầu để nhờ, chàng liền bảo ông lão rằng:
— Bác thử nâng cái kia lên ta xem. Ông lão hai tay nâng bỗng lên, coi nhẹ như không, theo bậc thang, chạy tuột ra đường phố. Úy-nùng cũng theo xuống, cười mà bảo:
— Bác khỏe thật! Thế nhưng có thể giăng thẳng được ra không? Ông lão cũng cười mà rằng:
— Ông tuổi trẻ, còn thích đùa. Đến như tôi thì tuổi già nhưng cũng tính trẻ con. Để tôi làm trò cười ông coi thử. Nói xong, ném đám giây sắt xuống đất, chống nẹ hai tay, đứng chân chữ bát, rồi đó lấy chân đá đám giây sắt, tung cao lên qua đầu, lại đưa một tay đỡ lấy đầu giây, xoay tròn như cái tán. Người đi đường thấy lạ, đứng xúm cả lại xem. Chàng đứng ngẩn ra nhìn, bảo thôi thu giây về. Ông lão mới dừng tay, lại khoác giây vừa cười vừa bước lên gác, nét mặt không đổi sắc. Chàng khen ngợi mà rằng:
— Coi bác chẳng những khỏe, lại ra dáng biết võ nữa. Được bác ở, còn lo gì trộm cướp, vậy bác nên thu xếp đến ngay. Ông lão vâng lời. Từ hôm sau trở đi, đến ở với Úy-nùng, ngoan ngoãn được lòng chủ nhà lắm.
Cơn mưa mới tạnh, trăng sáng đầy trời. Trên đường