— Để rồi xem trong lòng hình như không cho lời vợ nói là phải.
Được mấy hôm thì có thư ở Hương-cảng đến, chàng biết là thư dục đi, ném đấy không xem. Nàng sốt ruột cầm kéo cắt ra coi thì trong có hai mảnh hoa-tiên, nét chữ viết đằng-tả coi ra ý trân-trọng lắm. Nàng liền sẽ hé đôi hàm răng ngọc, cất tiếng đọc lên, thư rằng:
« Lý-đại-huynh nhã giám: Từ ngày cách mặt, chốc đã mấy tuần. Chắc hẳn cửa nhà vui vẻ, làng xóm bình yên mặt ngọc thêm hương, áo xanh hầu rượu, cái lạc thú gia đình kể sao cho xiết. Bản hiệu từ tết đến na, kể hơn năm ngoái, những khách đến xơi nước, ai cũng bảo các đồ nước phi tay thày Lý làm không khéo, thường thường căn vặn, nói thực tốn nhời. Đó cũng là cái hoa tay của ông anh mà cũng là cái vinh-hạnh cho bản-hiệu. Ông anh về mới hơn mười hôm nay, chắc bận việc nhà, có đâu dám dục; thế nhưng lúc này là lúc cần thiết, bán đắt buôn may, không nên lỡ dịp, sau này lờ lãi, chúng tôi có phần thì ông anh cũng có phần, xin chú-ý cho. Bởi vậy dám viết giấy mời, mong ông anh mau mau sắp sửa hành trang. Bên này cảnh-xuân chiều khách, trong trường náo nhiệt thiếu gì cuộc mua vui. Lạo-thảo mấy lời, nóng lòng mong đợi. Nhân tiện gửi lời thăm bà-chị và kính chúc vạn-an ».
Quan-đoàn đọc xong, cau mày, chịp miệng, sa sầm nét mặt mà nói rằng:
— Cậu ngồi rỗi-mồm thường đem tôi làm câu chuyện nói đùa với anh em phải không? Giống đàn ông thật không trông cậy được việc gì hết! Lý-Hoa ngạc nhiên, không hiểu câu vợ nói. Quan-đoàn lại nói tiếp:
— Đời thuở nhà ai viết thư lại viết những câu « mặt ngọc thêm hương, áo xanh hầu rượu » cùng là « gửi lời thăm bà chị » là nghĩa lý gì! Lý-Hoa cười sằng-sặc mà rằng: