Trở lại việc "nước Pháp giúp nước Nam"

Trở lại việc "nước Pháp giúp nước Nam"  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 742 (10.7.1928)

Sách Tàu nói bướng.
Các nhà Hán học ta mở mắt ra mà coi!

Cái.... thuyết "nước Pháp giúp nước Nam" kia đã tràn ra trong nước ta ít nữa là ba mươi năm nay, đã ngấm vào trong cái óc non nớt của con cái nhà Nam, rất đỗi hạng người viết báo làm sách mà còn bị nó phỉnh phờ, thế thì bây giờ nếu dụng công mà viết ra mươi, mười lăm bộ sách để mà bài trừ nó cũng còn chưa tuyệt nọc thay huống chi mới chỉ có vài bài của tôi và một bài của ông Huỳnh Ích Lợi, đã thấm vào đâu! Cho nên chúng tôi nói nữa. Chúng tôi biện bạch mãi, dầu ai nói rằng việc nầy "không cần biện bạch".

Tôi giận lắm, tôi tức lắm, tôi lấy làm xấu hổ lắm, là vì các thuyết ấy nó đã phỉnh gạt đến người Tàu! Mà không những một mình tôi, xin độc giả xem mấy đoạn sách sắp kể dưới này rồi ai nấy cũng phải giận, cũng phải tức, cũng phải lấy làm xấu hổ như tôi vậy.

Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn

Cái ngụy thuyết ấy tràn qua bên Tàu làm người Tàu đã khép nên hai cái án An Nam trong sách họ.

Sách Thanh giám dị tri lục của Hứa Quốc Anh về phần chánh biên, cuốn 19, tờ 11, dưới năm Quang Tự cửu niên chép rằng:

"Mùa thu, tháng bảy Việt Nam với Pháp Lan Tây định lập giao ước mới. Số là trong đời Gia Khánh (1796-1821), bên Việt Nam, chúa Nguyễn cũ dấy lên tại Nam Kỳ giành nước với Nguyễn mới (Tây Sơn), mượn binh của Pháp Lan Tây để mà diệt Nguyễn mới, hứa rằng sẽ lấy tiền bạc làm thù báo[1], về sau chỉ trả được có nửa số tiền. Trong đời Hàm Phong (1851-1862), lại vì sự giết cố đạo mà gây việc đánh nhau với nước Pháp. Vào khoảng đầu đời Đồng Trị (1862-1877) bắt đầu lập ước giảng hòa, cắt ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường của Nam Kỳ cho người Pháp. Năm Đồng Trị 12 (1874), lại đánh nhau nữa và lập hòa ước lại, Việt Nam phải cắt cho Pháp ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, ấy là đất Nam Kỳ về cả trong tay người Pháp..."

Đó, họ cũng nói một giọng với cái ngụy thuyết ấy mà rằng Nguyễn cũ mượn binh của nước Pháp để diệt Nguyễn mới, và thêm vào rằng hứa trả tiền bạc mà về sau chỉ trả được có nửa số tiền. Thế là Việt Nam đã ra mặt lừa đảo, vỗ nợ rồi!

Song le, theo bài lệ ngôn của Hứa Quốc Anh thì sách của va là theo sách Đông Hoa lục, mà Đông Hoa lục thì là một bổn thiệt lục triều Mãn Thanh, không phải sách có giá trị; vả lại tôi đọc cả bộ sách của va thì thấy va kém về sử học lắm, không hơi đâu mà đếm xỉa hạng đó, tôi phải kể đến thứ sách khác (Xin ông Huỳnh Ích Lợi chớ thấy vầy mà lại khen tôi học rộng, khen bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!)

Độc giả chắc cũng biết các sách của Thương vụ ấn thơ quán ở Thượng Hải đã biên tập và xuất bản là có giá trị dường nào. Như bộ Bách khoa toàn thơ của nhà ấy có bảy người biên tập mà đều là tay bác học cả, mới có bốn năm, từ Dân quốc 8 đến 12, mà in ra đến 12 lần. Vậy chúng ta nên trịnh trọng mà xem sách ấy nói về việc nầy ra làm sao.

Bách khoa toàn thơ quyển thượng thiên thứ 19, về ngoại giao, loại quốc tế điều ước, trương 55, chép việc nước Pháp chiếm lãnh Việt Nam, có nói rằng:

"Đầu đời Khang Hy (1662-1722), phong Lê Duy Hy làm An Nam vương, họ Lê nối nhau xưng thần phụng cống, không hề thất lễ. Kịp đến giữa đời Kiền Long, Gia Khánh, Nguyễn Quang Bình (Nguyễn Văn Huệ) dấy lên chiếm lãnh xứ Đông Kinh (Bắc Kỳ) tức gọi là "Nguyễn mới". Bấy giờ ở Quảng Nam, dòng dõi Nguyễn cũ là Phước Ánh (Gia Long) muốn thống nhứt cả nước, bèn cầu cứu cùng nước Pháp, hứa sẽ cho giảng đạo tự do và cắt cù lao Hóa Nam (?) để báo đền. Họ Nguyễn này đã thống nhứt được rồi, đổi tên An Nam là Việt Nam, bội lời giao ước cũ. Người Pháp giận lắm. Vừa lúc trận Nga-Thổ chiến tranh yên rồi, cái cuộc thế âu châu đã định, bấy giờ là Hàm Phong bát niên (1858), nước Pháp bèn cùng nước Y-pha-nho liên quân đánh Việt Nam,... lấy các pháo đài gần Thuận Hóa (Huế), trở qua phía nam phá được cửa biển Sài Gòn rồi lấy đất Nam Kỳ. Bấy giờ nhà Thanh đương bối rối vì loạn Hồng Dương, trung nguyên lắm việc, không có sức thừa đoái đến phương Nam được. Rồi Pháp-Việt đánh nhau đến bốn năm. Việt không chống nổi, phải cắt Sài Gòn cầu hòa..."

Đó, sách nầy họ cũng khép Việt Nam vào án bội ước nữa. Ngoài cái tội về pháp luật, lại còn có ý buộc tội về luân lý, là vong ân bội nghĩa, làm cho người Pháp giận!

Thanh giám dị tri lục đặt điều ra mà nói rằng Nguyễn triều hứa trả tiền cho nước Pháp rồi sau chỉ trả có phân nửa, cái đó láo quá, bậy không còn chỗ lựa! Bách khoa toàn thơ nói không đến nỗi bậy như vậy. Song cả hai đều nói rằng Việt Nam trước cầu Pháp giúp cho, sau xong việc thì bội ước, thế là ở khoảng giữa hai sử đó, họ đều đã nhận ngầm rằng nước Pháp có giúp cho nước Nam rồi, chỉ họ không nói rõ ra mà thôi.

Cái lầm của họ, hai sách đều giống nhau, song ta nên lấy lòng công bình và con mắt khoa học phân biệt ra mà xét.

Trên kia đã nói Thanh giám dị tri lục cứ theo Đông Hoa lục. Đông Hoa lục chép hồi còn Mãn Thanh. Người Mãn Thanh tự phụ mình là "Thiên triều" mà không cứu được Việt Nam là thuộc quốc mình thì lấy làm thẹn, cho nên làm sách ra, đặt chuyện mà đổ tội cho Nguyễn triều, ý nói rằng tại Nguyễn triều bội ước, gạt nợ, nên bị nước Pháp đánh mà mất nước là đáng, Trung Quốc dầu muốn binh cũng không binh được. Đông Hoa lục có mang cái ý ấy rồi mới đẻ ra Thanh giám dị tri lục, mẹ nó nói láo thì con nó cũng nói láo, chẳng thèm chấp làm chi. Còn như Bách khoa toàn thơ làm hồi Dân quốc, tôi tin cho tác giả không có ý xấu đó, vậy thì sự sai lầm ấy bởi đâu mà ra? Cái điều dưới này là tôi nhân những chỗ léo lắt trong sách họ rồi lấy ý mà đoán.

Các người biên tập Bách khoa toàn thơ có thuyết minh nơi đầu sách rằng họ lấy tài liệu ở các sách Trung, Tây, hoặc soạn hoặc dịch mà làm nên sách ấy. Vậy trong khi chép việc nầy chắc họ đã biết Đông Hoa lục là bậy nên họ không theo mà theo sách Tây. Rủi thay, họ vớ phải một cuốn sử nào đó của người Pháp, rồi họ cứ việc dịch mà tương vào, thành ra mới có mấy câu giống lột khuôn với các bổn Nam sử nhà trường ta như vậy.

Một điều làm chứng chắc rằng họ dịch sách Tây ra, là bởi có hai chữ "Hóa Nam". Cù lao Hóa Nam chẳng biết là cù lao nào của nước ta. Theo lịch sử thì chỗ đó nên nói cù lao Côn Lôn là phải, song vì nguyên văn chữ Tây là gì đó, họ không biết sóng với tên đất của ta là gì nên họ cứ dịch âm là Hóa Nam. (Tôi không nói quyết nó là Côn Lôn vì nếu là Poulo Condore mà dịch ra Hóa Nam thì xa quá).

Theo phép khoa học, sự đoán ước chừng là một sự nguy hiểm. Song ở đây tôi có chứng cớ rõ vững vàng nên tôi dám đoán rằng mấy lời trong sách Bách khoa toàn thơ đó là do cái ngụy thuyết ở bên nầy mà ra.

Tôi lại nói thêm rằng nếu Thanh giám dị tri lục theo Đông Hoa lục thì cũng là cốt do sách Tây mà ra. Vì sau đó, về Quang Tự thập niên, Thanh giám có chép việc ông Lê Tuấn nước ta cãi nhau về vấn đề quốc tế với người Pháp mà lại chép là Lê Tuần. Ấy đó, nếu họ theo tài liệu bằng chữ Hán thì chữ Tuần với Tuấn không thể nào sai được, song vì theo tài liệu chữ Tây, cho nên viết lầm ra như thế.

Thế là cái thuyết "nước Pháp giúp nước Nam" không những nhồi một mình sọ An Nam thôi, mà lại nhồi luôn cả sọ "Chệt" nữa!

Tôi cho nước Nam ta mất là đáng số. Rủi gặp cái hồi các nước Âu châu đương cần đi kiếm đất thực dân, mà mình lại yếu hèn, không cự địch nổi, không mất với nước Pháp thì cũng mất với nước khác, sự đó tôi không than vãn gì. Tôi giận là giận cho người ta vu rằng tại nước Nam vong ân bội nghĩa cho nên nước Pháp mới gia binh!

Tôi cũng sẵn lòng mà dung thứ cho nước Pháp nữa. Nước Nam ngu và yếu thì nước Pháp cứ việc mà chinh phục đi, sự đó tôi không trách móc gì. Tôi tức cho chiếm cứ nước người lại còn đặt lời vu cáo!

Phép chép sử hai chiến quốc nào, phải lấy sử liệu của cả hai nước ấy làm gốc. Như người Tàu chép chuyện Pháp chiếm lãnh Việt Nam đây, tất phải căn cứ ở sách Pháp và sách Việt Nam. Song trong khoảng trăm năm nay trừ ra bổn sử chữ quốc ngữ và chữ Pháp của Trương Vĩnh Ký, Việt Nam có ai chép cái gì bằng chữ Hán đủ làm tài liệu cho người Tàu tham khảo đâu, trách nào họ chẳng vớ lấy chỉ một mình sách Pháp! Ấy thế mà hễ mở mồm ra là khoe: nào là con rồng cháu tiên! nào là lịch sử bốn ngàn năm! nào là đồng bào hai mươi triệu!

Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn

Bây giờ bốn trăm triệu dân Tàu đã thuộc sách Thanh giám dị tri lục và sách Bách khoa toàn thơ làm lòng, rồi ngồi ở bên kia trấn Nam Quan kêu lũ "con rồng cháu tiên" mà nói rằng: "Hỡi bay! Bay đã mắc nợ nước Pháp mà không trả đủ số, bay đã nhờ nước Pháp cứu viện mà lại đem oán trả ơn, bay mất nước là đáng kiếp lắm!" Song, ở bên nầy, có người An Nam tai mắt lại trả lời rằng: "Thôi đi, cái đó không cần biện bạch! "

Cắn cỏ mà kêu các nhà Hán học An Nam! Cắn cỏ mà kêu các ông tấn sĩ từ hồi Minh Mạng khai khoa đến giờ! Việc trước đã lỡ, các ông đã không làm được cuốn sách gì, đem sự thực nước mình mà kể cho người Tàu nghe, để đến nỗi họ phải nói bậy như vậy, thì bây giờ các ông nên làm một cuốn sách mà đính chánh lại, trước để minh oan cho tổ quốc, sau để chuộc tội các ông, có được không?

Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn

C.D.

   




Chú thích

  1. Thù báo: báo đền lại, trả lại