Bác cái thuyết "Nước Pháp giúp nước Nam về hồi cuối thế kỷ XVIII"
Thấy bài của M. Trần Huy Liệu biện luận về quốc sử đã đăng ở bổn báo số trước có nhiều chỗ sai lầm thái quá và lại có giọng tự phụ vô cùng, tỏ ra trình độ học thức có lẽ còn thấp kém thua một kẻ sơ học, nên ông C.D. không buồn trả lời; song nay ông viết bài này cũng tựa như là trả lời gián tiếp cho M. Trần Huy Liệu vậy.
Đ.P.T.B.
*
* *
(Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn).
Sử sách còn rành rành ra đó, không ai bịt mắt ai được, mà cũng không ai bưng mồm ai được, có người nói bướng thì phải có người cãi lại. Sự cải lại ấy không phải là hiếu thắng: chỉ vì, một là yêu lẽ thật, hai là muốn trừ cái hại cho nước về sau.
Về cái thuyết "nước Pháp giúp nước Nam" nầy, tôi có thể dẫn chứng trong nhiều sách của người Pháp người Nam chép ra mà đoán là lời không thật. Tiếc thay, trong khi có một cớ riêng buộc tôi phải vội vàng viết bài bác luận nầy thì trong tay tôi không có đủ sách mà tra khảo, cho nên chứng cứ không được dồi dào lắm. Dầu vậy, một chút chơn thực cũng đủ đánh đổ muôn vàn cái giả dối.
Việc nầy quan hệ với nước Nam nhiều hơn, cho nên phải lấy sử sách của người Nam chép ra làm chủ yếu.
Sách Đại Nam chánh biên liệt truyện về truyện Bá Đa Lộc chép rằng:
"Năm Giáp Thìn (1784), mùa thu, vua (Gia Long) lấy quân Xiêm về đánh Gia Định, bị thua. Vua lại trở qua nước Xiêm, sai người sang Chơn Bôn vời Bá Đa Lộc về phò Hoàng tử Cảnh qua Tây cầu viện. Ở Tây bốn năm, người Tây không có thể giúp được ; năm Kỷ Dậu (1789) khi vua đã lấy lại Gia Định rồi, Bá Đa Lộc bèn đem Hoàng tử Cảnh trở về".
(Xem Đại Nam chánh biên liệt truyện cuốn 28, tờ 8).
Sách Quốc triều chánh biên toát yếu, về năm Quý Mão (1783) vào năm vua Cao hoàng tức vị tại Gia Định được bốn năm, chép rằng:
"Vua nghe Bá Đa Lộc ở Chơn Bôn (đất Xiêm), sai người đi mời về. Bá Đa Lộc là người nước Pháp, thường đi truyền đạo trong các xứ Chơn Lạp và Gia Định, đã từng đến yết kiến vua, vua lấy khách lễ mà đãi. Lúc đó mời đến, vua bảo rằng: Vận nước ta đương hồi khốn khó, giặc giã chưa yên, thầy cũng vẫn biết ; bây giờ thầy có thể vì ta đi sứ bên nước Tây, nói với họ đem binh qua giúp ta không? Bá Đa Lộc bằng lòng xin đi, và hỏi lấy gì làm con tin. Vua đáp rằng: Con trai ta là Cảnh, lên bốn tuổi, nay ta đem nó mà phó cho thầy, thầy hãy giữ gìn lấy nó, đường sá xa xuôi, nếu gặp sự ruổi ro gì thì bảo hộ nó một chút. Bá Đa Lộc vâng lời.
Vua cùng bà phi gạt lệ mà đưa đi. Vua có sai phó vệ úy là Phạm Văn Nhân và Cai cơ là Nguyễn Văn Liêm đi với".
Về năm Giáp Thìn (1784), chép rằng:
"Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm cùng Bá Đa Lộc phò Hoàng tử Cảnh qua Đại Tây Dương, đến Tiểu Tây Dương, nghe bên Đại Tây trong nước có việc, bèn trú lại tại thành Phong-ti-thê-gi (Pondichéry)."
Về năm Bính Ngọ (1786), chép rằng:
"Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh qua Đại Tây, còn Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm trở về Mang-cốc tâu cho vua biết."
(Vì bấy giờ vua Cao hoàng đã chạy qua trú ngụ bên nước Xiêm.)
Về năm Kỷ Dậu (1789), chép rằng:
"Tháng Sáu, Hoàng tử Cảnh ở Tây về. Số là Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh đi cầu viện, hơn hai năm mới đến nước Tây. Vua nước ấy lấy vương lễ mà đãi Hoàng tử. Song nhơn vì trong nước có việc ! bèn cho kẻ thuộc hạ là Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Chấn theo Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử về. Về đến nơi, vua cả mừng, Thắng và Chấn[1] xin ở lại làm tôi tớ, vua bổ cho chức cai đội và ban cho một ngàn quan tiền".
(Nhẫn lên xem Quốc triều chánh biên toát yếu cuốn 1, tờ 6-7, 9-10, 17)
Cứ như hai sách đó, dầu rằng biên chép sơ lược quá, song cũng đã là rõ ràng. Nói rằng "người Tây không có thể giúp được" và nói rằng "nhơn vì trong nước có việc bèn sai người đưa Hoàng tử về" thì đủ biết lúc bấy giờ nước Pháp không có đem binh lính hay là khí giới gì qua giúp cho vua Gia Long hết. Nếu quả nước Pháp đã có giúp gì cho vua An Nam ít nữa cũng phải có chép lấy một vài lời, chứ không có lẽ nào bỏ qua đi được.
Tuy vậy, chúng ta lấy con mắt nhà sử học mà xét thì hai cái chứng cớ ấy cũng chưa đủ lấy làm tin, vì thường tình cũng có lấy sự mang ơn kẻ khác làm xấu hổ, hoặc giả nước Pháp có giúp thật mà sử gia An Nam giấu đi để có phi ơn, cũng chưa biết chừng.
Nếu vậy thì, bước tới một bước nữa, chúng ta hãy tra xem sách của chính tay người Pháp viết ra.
Sách Việt Nam cận thế sử (Histoire moderne du Pays d'Annam) của ông văn khoa tấn sĩ Charles B. Maybon chép việc nầy đầu đuôi rõ lắm song sự tích khí dài không thể dịch y theo nguyên văn mà lục ra đây được, vậy xin tóm tắt lại như dưới nầy.
Nguyên khi Cao hoàng sai giám mục d'Adran (tức Bá Đa Lộc) phò Hoàng tử Cảnh qua Pháp thì có phó cho một bức thơ, trong có 14 khoản đại lược nói nhờ nước Pháp giúp cho 1500 quân và tàu bè súng ống thuốc đạn thì ngài sẽ nhường cho nước Pháp cửa Hàn, đảo Côn Lôn và để quyền buôn bán trong nước mình riêng cho nước Pháp chớ không cho nước nào khác bên Âu châu dự vào.
Giám mục d'Adran ở nước An Nam ra đi ngày tháng chạp năm 1785 đến cuối tháng hai năm sau thì đến ấn Độ tại Pondichéry. Bấy giờ Coutenceau des Algrains làm tổng đốc cai trị năm tỉnh của Pháp ở Ấn Độ, giám mục liền nói ngay với ông nầy xin đem quân sang giúp Cao hoàng. Coutenceau từ chối rằng việc ấy phải chờ lịnh vua Pháp chớ mình không giám tự chuyên. Rồi d'Adran với Hoàng tử trú lại ở đó. Sau đó Charpentier de Cossigny sang thay cho Coutenceau cũng không chịu nhận lời d'Adran, chỉ cho tàu chở cả bọn d'Adran về Pháp mà thôi.
Đầu tháng hai năm 1787 thì d'Adran tới cửa biển Lorient nước Pháp rồi đến Paris. Giám mục đưa Hoàng tử[2] đi dự các hội hè và đến đâu cũng cổ động rằng việc giúp vua An Nam là việc nghĩa và cũng có lợi. Người vận động đến các quan lớn trong triều, nên không bao lâu thì được vào yết kiến vua Louis XVI. Người hết sức nói cho vua nghe việc cứu vua nước Nam là phải, thì vua nhận lời. Tháng 11 năm ấy vua Louis XVI ký tờ Pháp Việt giao ước tại Versailles, song cái quyền thi hành tờ giao ước ấy cũng ví rằng ông nầy ở đó thì rõ việc nước Nam hơn.
Cũng trong lúc ấy bộ ngoại giao nước Pháp có viết thơ cho De Conway mà dặn rằng nhà vua đã giao việc nầy cho thì phải cẩn thận, nhứt là nhà vua đương túng bấn về đường tài chánh mà định bỏ ra 20 vạn đồng bạc để làm việc nầy thì khí nguy hiểm; vậy phải liệu cử binh mà có lợi thì hãy cử không thì thôi, đừng làm gì si sứt đến món tiền hai mươi vạn ấy.
Giám mục d'Adran và Hoàng tử Cảnh ở Pháp về, ngày 18 tháng 5 năm 1788 thì đến Pondichéry. Giám mục đến yết kiến De Conway, xin cấp tiền công cho mình và hoàng tử để tiêu dùng thì ông ấy không cho; và xin phái một chiếc tàu nhỏ đi báo tin cho Cao hoàng thì cũng trớ[3] và không chịu. Từ đó hai người không ưa nhau. Khi nào d'Adran nói đến việc cử binh giúp vua An Nam thì De Conway cũng kiếm lời nói trớ đi, nhứt định không chịu.
Tháng ba năm 1789, d'Adran có được một bức thơ ở Nam Kỳ gởi sang nói rằng: "Bây giờ Nguyễn chúa đã lấy được năm tỉnh phía Nam rồi, có nhiều tàu chiến và có thể mộ thêm bảy tám vạn binh; song ngài chỉ ước ao có một đạo binh lớn nào đến làm thanh viện, cho lòng dân thêm vững". D'Adran bèn viết thơ xin De Conway gởi cho Cao hoàng một chiếc tàu to, mấy chiếc tàu nhỏ, một trăm lính pháo thủ, sáu khẩu súng lớn và thuốc đạn, và có nói rằng, về tổn phí các món trên đó, Nguyễn chúa sẽ chịu cho. Song De Conway cũng không nghe.
De Conway lại còn viết thơ về bộ ngoại giao mà bác lời d'Adran đi. Vì vậy nên triều đình Pháp mới quyết định không thi hành tờ giao ước ấy nữa. Việc ấy có chứng đành rành. Một là lời phê của quan Thượng ngoại giao phê trong tờ bẩm của ông Moracin ngày 20 tháng 7 năm 1788 rằng: "Tôi đã thay mặt Hoàng thượng tư cho ông De Conway hoãn việc cử binh qua Nam Kỳ rồi". Hai là bức thơ của Cao hoàng gởi sang Pháp, về đầu năm 1790 trong đó cảm ơn vua Louis XVI có lòng tốt giúp ngài, song lại nói cho vua biết rằng quan tổng đốc Pháp ở Ân Độ là người do dự không chịu thi hành các khoản mà vua đã hứa giúp ngài."
(Nhẫn lên lấy ở thiên thứ V và thứ VI trong sách Việt Nam cận thế sử).
Thế là việc Cao hoàng sai Bá Đa Lộc phò Hoàng tử Cảnh sang cầu viện bên nước Pháp rút lại không hiệu quả gì cả. Sách của ông Charles Maybon chép đây có kỹ lưỡng hơn, song đến chỗ kết cục thì cũng không trái với sử sách của người An Nam làm ra.
Đến như cái công của Giám mục Bá Đa Lộc đối với Nguyễn triều thì chúng tôi không hề chối. Chúng tôi cũng nhìn nhận rằng khi Bá Đa Lộc ở Ấn Độ về, có đem theo các người Tây và tàu bè, súng ống, thuốc đạn để giúp vua Cao hoàng.
Sử An Nam chép việc nầy rời rạc và không rõ ràng lắm, không thể trưng dẫn được; song sách của ông Maybon thì chép rõ. Cứ theo sách ấy thì lúc bấy giờ Bá Đa Lộc nhờ mấy nhà buôn Pháp ở Pondichéry và Ile de France giúp tiền cho, lại hồi đó vua Cao hoàng cũng đã có tiền để mà chi dụng về việc quân phí, nên người mới mua được tàu bè súng ống và đưa lần lần về Nam Kỳ.
Đầu hết có tàu La Dryade đến tại đảo Côn Lôn, chở một ngàn khẩu súng mua cho đức Cao hoàng. Sau có chiếc La Garonne và chiếc Le Robuste ở Ile de France chở súng đến; trong tàu Garonne có hai khẩu súng đại bác. Vào mùa thu năm 1789 có chiếc Le Moyse và chiếc Saint-Esprit chở thuốc đạn và lương thực đến Nam Kỳ. Tháng bảy năm ấy, Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh cũng đáp tàu Méduse về tới nơi.
Bá Đa Lộc có rủ được nhiều người Pháp cùng đến, lắm người đương có chơn trong đạo hải quân Pháp mà cũng bỏ, đi theo người. Trước hết có Victor Olivier đến ngày 19 tháng 9 năm 1788 theo vua Cao hoàng. Sau có những ông J. Baptiste Guillon, Guillaume, Guilloux, Théodore Lebrun, Magon de Médine, Julien Girard, L'Isle Sellé Vannier, de Forsans, Laurent Barisy và hai người thầy thuốc là Desperles và Despiau. Có công nhứt là D'Ayot, ông nầy có rủ anh mình là Félix đến nữa. (Nhẫn lên lấy ở thiên thứ VII trong sách Việt Nam cận thế sử).
Bấy giờ thế Tây Sơn đã rúng lắm và kế đến Nguyễn Huệ đau chết, vua Cao hoàng đã đắc thắng luôn mà lại nhờ có các người Tây và khí giới tàu bè ấy nữa, nên dễ mà đánh lấy lại đất cũ của chúa Nguyễn và thống nhứt nước Nam.
Vậy thì, nhơn thấy giám mục Bá Đa Lộc nhờ tiền của mấy nhà buôn Pháp hoặc lấy tiền của vua Gia Long gởi sang mà mua tàu súng và mộ người Pháp về giúp vua để đánh lại Tây Sơn, rồi nói rằng đó là nước Pháp giúp, có được không? Không được, vì đó là mấy mươi người riêng của nước Pháp giúp, chứ không phải chính nước Pháp giúp. Mấy mươi người ấy hoặc có vì lòng háo nghĩa chăng nữa, song đã không phụng mạng bổn quốc mình, ăn lương của vua Cao hoàng mà đi đánh giặc mướn, thì người ta chỉ coi như một bọn lính thuê mà thôi.
(Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn)
Nói rằng nước Pháp giúp đi nữa, thì sự giúp ấy cũng chỉ giúp vua Gia Long mà thôi, nào có giúp gì cho nước An Nam mà hòng kể công với dân An Nam? Vì bấy giờ, cuộc loạn trong nước Nam chỉ là một cuộc nội tranh, bên nào thắng thì làm vua đó thôi, còn dân An Nam vẫn cứ làm dân, và nước An Nam cũng không hề bị mất mà.
Trái lại, phỏng khiến nước Pháp bấy giờ quả quyết thi hành theo như giao ước mà đem quân sang giúp Cao hoàng, thì có lẽ nước Nam lại vong quốc ngay bởi nước Pháp trong lúc đó chưa biết chừng. Ừ, quả vậy thì cái công ơn ấy mới lớn cho! Mà cái giả thuyết ấy có lẽ lắm, vì về việc nước Pháp không giúp cho đây, một nhà trứ thuật người Pháp là ông Faure có lấy làm tiếc mà nói mấy lời như vầy: "Giá phỏng bấy giờ chánh phủ Pháp sẵn lòng giúp Giám mục d'Adran thì có lẽ ông ấy đã lập nên cho nước Pháp thành cuộc bảo hộ ở nước Nam từ cuối thế kỷ XVIII rồi, không cần về sau phải dùng đến binh lực mới thành công được."
Cứ lời ấy mà suy, thì sự giúp nhau lại là sự nguy hiểm lắm. Mà phải, tổ tiên An Nam chúng tôi đã hiểu thấu điều đó nên có đặt ra câu cách ngôn mà dặn dò chúng tôi rằng đừng có "rước voi về giày mồ"! [...]
Nước Nam còn được tự chủ già nửa thế kỷ rồi mới bị nước Pháp chinh phục, sự ấy người An Nam ta nên cảm ơn ai? Có lẽ nên cảm ơn bộ ngoại giao về đời vua Louis XVI và quan Tổng đốc ở Ấn Độ bấy giờ là ông De Conway mà thôi. Còn những ông giám mục Bá Đa Lộc, chúa tàu Long, chúa tàu Phụng, vân vân, đối với nước An Nam, dân An Nam thật không có một mảy ân tình chi hết, dầu mà mỗi năm đến ngày mồng 2 tháng năm, Nam triều có làm lễ kỷ niệm các ông ấy tại nhà chung Phú Cam rất trọng thể.
Bây giờ chúng tôi lại cảm ơn ai nữa? Chúng tôi lại còn cảm ơn ông Charles B.Maybon, vì ông đã viết bộ Việt Nam cận thế sử, mà lưu lại những tài liệu chơn thật về cuộc Pháp-Việt giao thiệp hơn một thế kỷ về trước cho chúng tôi, nhờ những tài liệu ấy, chúng tôi có thể đánh đổ những sự giả dối của mấy nhà làm sử bất công ngày nay vậy.
C.D.
Chú thích
- ▲ Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn là những người Pháp; sách Quốc triều chính biên toát yếu ghi theo họ tên đã Việt hóa của họ sau khi họ đã trở thành cận thần của vua Gia Long
- ▲ Bản gốc là Hoàng nữ, hẳn do in sai, ở đây sửa lại
- ▲ Trớ: tránh, lảng; nói trớ đi: nói lảng đi (Từ điển phương ngữ Nam Bộ)