Thiều-châu Văn hiến miếu

Thiều-châu Văn hiến miếu[1] - 韶州文憲廟
của Nguyễn Trãi
Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

反狀當年辨羯兒
至明先見若蓍龜
濟時儒術生平有
諫主忠言死後知
萬古不磨金鑑錄
千年猶享曲江祠
高風追想渾如昨
手拂青苔認古碑

Phản trạng đương niên biện yết nhi[2] ;
Chí minh tiên kiến nhược thi qui.
Tế thì nho thuật sinh bình hữu ;
Gián chúa trung ngôn tử hậu tri[3].
Vạn cổ bất ma Kim giám lục[4] ;
Thiên niên do hưởng Khúc giang từ[5].
Cao phong truy tưởng hồn như tạc ;
Thủ phất thanh đài nhận cổ bi[6].

Bấy giờ vạch rõ tình trạng phản nghịch của tên Phiên (An Lộc-sơn) ;
Rất sáng suốt thấy trước như bói dịch bói rùa.
Cứu đời thuật nhà nho bình sinh vẫn có ;
Can chúa lời trung trực sau chết mới hay.
Muôn thuở không mòn sách Kim giám lục ;
Nghìn năm còn thờ ở đền Khúc-giang.
Cao phong tưởng lại vẫn như mới hôm qua ;
Tay chùi rêu xanh để xem bia cổ.

   




Chú thích

  1. Đền thờ Trương Cửu Linh, tể tướng nhà Đường, ở huyện Khúc giang, phủ Thiều Châu tỉnh Quảng Đông. Cửu Linh quê ở Khúc giang
  2. Bản Dương Bá Cung chép là « Yết nhi », tức là người rợ Yết, rợ Hồ, tức người Phiên. Các bản khác đều chép là Lộc nhi tức An Lộc Sơn. Trương Cửu Linh nói với Đường Huyền Tông rằng An Lộc Sơn đánh Khiết Đan bị thua, nên giết, không giết thì sau nó làm phản
  3. Sau khi Trương Cửu Linh chết, An Lộc Sơn phản, Đường Huyền Tông cho ông là tiên tri
  4. Kim giám lục: lễ sinh nhật của Huyền Tông mọi người dâng của quý, duy Cửu Linh dâng sách Thiên thu kim giám lục, bày tỏ những lẽ hưng vong của các đời, Kim giám nghĩa là gương vàng
  5. Khúc giang từ: đền thờ Trương Cửu Linh ở phía nam huyện thành Khúc giang
  6. Cổ bi: các bản cũ đều chép là « thạch bi 石 碑 » là bia đá. Có lẽ vốn là « cổ bi 古 碑 » là bia cổ mà chép lộn ra