Thầy trò đời nay có thể lấy nhau được không?

Thầy trò đời nay có thể lấy nhau được không?  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 18 (30 Avril 1935), trang 1.    

TRẢ LỜI CHO MỘT VỊ ĐỘC GIẢ Ở THANH HÓA

Trước đây tôi có tiếp được một bức thư:

“Thanh Hóa, 27 Mars 1935,

Thưa ông,

Tôi nhớ hồi trước ông có viết trong Phụ nữ tân văn một bài dài về vấn đề: “Thầy trò đời xưa và thầy trò đời nay”, kết luận rằng cái nghĩa thầy trò xưa và thầy trò nay nó khác nhau nhiều lắm rồi. Tôi rất đồng ý và cũng vì thế mới có bức thư này.

Nguyên có một người bạn tôi hỏi vấn đề “thầy trò đời nay có thể lấy nhau được không?” Đó là nói vị thầy là đàn ông mà dạy học trò gái. Theo thiển kiến của tôi thì sự ấy không có gì là trái cả. Trả lời cho ông bạn, tôi muốn có một bài nói chung với tất cả mọi người. Bỗng tôi sực nhớ đến ông và cái bài kia của ông. Tôi nghĩ rằng chỉ có ông mới có thể bàn rõ về vấn đề ấy, và cũng chỉ có ông mới có thể nói quyết được rằng sự ái tình giữa thầy và trò đời nay không phải là trái (trừ sự dụ dỗ học trò, nhưng nếu là dụ dỗ thì không phải là ái tình rồi!).

Vậy có mấy lời này mong ông viết một bài về vấn đề ấy.

Kính chúc ông cùng quý báo Tràng an!

L.T.”

Thư tiếp được đã lâu mà vì có nhiều việc khác cần phải nói đến trước, thành thử hôm nay mới có bài trả lời, xin ông L.T. thứ cho sự chậm trễ ấy.

Cái vấn đề ông nêu ra đó là một cái ca mới mà đời ông đời cha chúng ta chưa hề gặp đến, thế thì tự ý chúng ta muốn giải quyết thế nào thì giải quyết, phong tục lễ giáo cũ chẳng lấy cớ gì ràng buộc hay bác bẻ chúng ta được, có phải không ông?

Thật thế, đời ông đời cha chúng ta chưa hề có một ông thầy nào lập một cái trường dạy toàn năm bảy mươi học trò con gái hết. Vậy thì có khi nào xảy ra cái sự thầy trò phải lòng nhau mà muốn trở nên vợ chồng cho dư luận đời ấy phán đoán rằng nên hay chẳng nên?

Trải xem sử sách chỉ thấy về đời Chúa Nguyễn, có ông quan lớn họ Phạm sinh được cô con gái thông minh hiếu học tên Phạm Lam Anh, ông có rước ông thầy khóa Nguyễn Dưỡng Hạo về nhà ngồi dạy cô học. Dạy trong vài năm, thầy trò tương đắc cùng nhau lắm đến nỗi cô … to bụng. Phạm tướng công chừng cũng lấy làm bực mình thì phải, bèn gả lặng cô nọ cho thầy khóa mà đám cưới hình như không làm linh đình gì cả, vì tướng công nhận cho sự đó là sự làm tồi bại gia phong của mình.

Tuy vậy theo bụng tướng công nghĩ hay bụng chúng ta nghĩ cũng vậy, trong việc hai người lấy nhau làm vợ chồng đó chẳng lấy gì làm nhục hết, nếu có nhục thì ở chỗ chưa thành hôn mà đã “trung hưng” đó thôi. Chưa thành hôn mà trung hưng thì dù là không phải dụ dỗ như ông nói, đã phạm mặt luật “hòa gian”, tức là nhục vậy.

Ngoài việc Nguyễn-Phạm đó, không có cái án nào về thầy trò lấy nhau phát ra trong sử sách nên phong tục lễ giáo không biết mà đề phòng. Vậy thì ngày nay chúng ta ở một thời đại mới, gặp một hoàn cảnh mới, chúng ta có một thủ đoạn mới của chúng ta: thầy trò yêu nhau thì cứ lấy nhau làm vợ chồng đi, miễn đừng phạm tội dụ dỗ như ông nói đó là được, chứ có việc gì mà phải bàn luận cho thêm phiền?

Thầy trò đời nay, thật như tôi đã nói trong Phụ nữ tân văn ngày nọ, không có tình nghĩa sâu nặng như thầy trò đời xưa. Một người học sinh bất luận nam nữ, từ ấu học lên tới đại học, trong khoảng non 20 năm đó có hàng trăm ông thầy, thì lấy đâu cho có tình có nghĩa mà nhắc lại được cái câu “dân sinh ư tam sự chi như nhất”[1] nói về thầy trò lớp trước? Nghề thế, hễ cái gì nhiều quá thì nó loãng. Ân ái hay tình nghĩa giữa người ta với nhau cũng vậy.

Một điều dễ nhận thấy hơn hết, thầy trò đời xưa rõ ràng là một ông già với một bọn trẻ mà thầy trò đời nay tuổi thường xấp xỉ với nhau; một đôi khi, quá lắm, học trò lại muốn lớn một vài tuổi hơn thầy. Bởi chỗ đó mà ngày nay thầy trò đều là nam thì sau khi ra trường hay ngoài lớp học có thể làm bạn cùng nhau; còn thầy nam trò nữ thì, nếu yêu nhau, có thể lấy nhau làm vợ chồng được vậy.

Do các lẽ đó, ông hỏi: “Thầy trò đời nay có thể lấy nhau được không?” Tôi xin trả lời một cách quả quyết vững vàng không sợ ai kích bác hết: “Thầy trò đời nay có thể lấy nhau được lắm. Ai đã yêu nhau thì cứ chính thức mà lấy nhau đi!”

Muốn chặn trước cái ngọn người ta kích bác – nếu hiện nay còn có người ấy – thì tôi còn phải ngó qua mặt luật một chút nữa mới được.

Phong tục lễ giáo tuy không cấm thầy trò lấy nhau, nhưng nhớ như luật Gia Long có một điều “cấm tôn trưởng dữ ty ấu vi hôn”,[2] nghĩa là người tôn kẻ lớn không được làm dâu gia hay làm vợ chồng với người thấp kẻ bé.

Tôi chưa đọc trọn bộ luật mới, không biết điều đó có trong luật mới chăng; nhưng ở trước luật mới có điều nói rằng: “Phàm hết thảy những điều luật cũ nào phản đối với luật mới thì đều bị bãi bỏ không dùng nữa”. Như thế, cái điều luật cũ kể trên đây chưa biết là trái hay không trái, nó hoặc còn có giá trị để ta phải chú ý đến.

Nay hẵng cho điều đó có giá trị tồn tại đi, là cái ca thầy trò lấy nhau ngày nay cũng không can phạm mà.

Thầy trò đời nay phần nhiều là tuổi xấp xỉ nhau như trên đã nói, thế thì không sợ gì chữ “trưởng ấu” đó cả. Ta chỉ còn áy náy về chữ “tôn ty”.

Thầy với trò, theo luân lý cũ, rõ là tôn với ty thật. Nhưng, theo chủ nghĩa nhân đạo ngày nay, nhứt là ở dưới lá cờ tam tài có cái huy hiệu bình đẳng của nước Pháp, chúng ta có thể châm chước mà đừng kể tôn ty nữa cũng được.

Huống chi ái tình không có giai cấp, không có giới hạn. Thế thì chữ “tôn ty” cũng nên xóa đi khi nó đã đứng trước mặt chữ ái tình.

Nói cho hết lẽ mà nghe, chứ ở trong xứ này đã có một cái gương sáng cho thầy trò soi mà lấy nhau được rồi, không còn phải e sợ vì điều luật “tôn ty” ấy nữa.

Ngày xưa vua chúa chọn con gái các bậc đại thần vào cung lâu lắm mới được lên làm “phi”; mà bây giờ chính Hoàng thượng đã chọn một người con gái nhà bách tánh đặt ngay lên làm “hậu”. Thế đủ biết ở trước mặt ái tình, chữ “tôn” dù còn, chữ “ty” đã dần dần mất tích. Lại trong việc đó tôi thấy ra như điều luật “tôn ty” nọ đã bị xóa bỏ rồi nữa kia. Bởi điều luật ấy nên vua đời xưa không có vợ. Không phải là không có vợ thật, nhưng là không có một người đàn bà địch thể[3] cùng mình. Vì vua là chí tôn vô đối. Cho nên mấy người đàn bà của vua hồi trước không được xưng là “hậu” mà chỉ xưng là “phi”. Bà hoàng hậu hiện nay xưng là “hậu”, địch thể với Hoàng đế, mà bà ấy vốn ở nhà bách tánh mà ra, thế có phải là như đã xóa bỏ điều luật nọ rồi không?

Bởi vậy tôi dạn lắm mà nói cùng ông L.T. và hết thảy bạn đọc rằng, thầy trò đời nay lấy nhau được, không có gì ngăn trở hết về phương diện đạo đức, cả về phương diện pháp luật.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. “dân sinh ư tam sự chi như nhất”  民 生 於 三 事 之 如 一 : ba bậc mà người ta có nghĩa vụ phải phụng sự như một, đó là: vua (君 quân), cha mẹ ( 親 thân) và thầy (師 sư)
  2. “cấm tôn trưởng dữ ty ấu vi hôn”  禁 尊 長 與 卑 幼 為 婚 : cấm bậc tôn trưởng và người bậc dưới kết hôn (rút gọn lời Chu Thiện [1340-1413] đời Minh, theo Minh sử, quyển 137)
  3. “địch thể”  敵 體 : bày vai, so sánh với (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.), sánh ngang nhau.