Thầy trò đời nay với thầy trò đời xưa

Thầy trò đời nay với thầy trò đời xưa  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 98 (3.9.1931)

Phong hóa có phải suy đồi không? - Xem một việc thầy trò thì thấy câu hỏi ấy chưa có thể trả lời bằng một cách khẳng định được

Thầy trò vốn không chiếm một luân trong năm luân, chỉ phụ thuộc về luân bằng hữu, nhưng từ xưa vẫn trọng. Sách Hiếu kinh có dạy rằng: Dân sanh ư tam, sự chi như nhứt[1], nghĩa là: người ta đối với ba đấng, thờ đó dường một; ba đấng tức là vua, cha và thầy. Xưa kia, các môn đệ đức Khổng, lúc thầy mình mất, đều để tâm tang ba năm; có kẻ bình nhựt được ngài thương yêu hơn, lại cất lều nơi mộ mà ở trong ba năm ấy nữa.

Học trò đối với thầy, vừa phục, vừa kính, vừa yêu đến như thế là vì sao? Theo Lễ, bậc cao nhứt lấy đức làm quý, rồi thứ đến, chuộng sự thi và báo[2]. Thi là sự ban ra, báo là sự trả lại; sự trả lại bao giờ cũng tuỳ sự ban ra. Cái nghĩa ấy cũng thông với nghĩa trong lời Jésus-Christ phán rằng: Các ngươi lường cho người ta mực nào thì người ta lường lại cho các ngươi mực ấy. Học trò sở dĩ coi thầy như cha là bởi thầy đã coi học trò như con vậy.

Ông thầy đời xưa dạy học trò chẳng những bằng sách mà bằng người; nghĩa là ông thầy lấy chính mình làm khuôn phép cho học trò noi theo. Ông thầy nào có hoài bão cao, đạo đức lớn mà được người học trò hiểu cho mình, làm theo mình, thì sự quan hệ với nhau lại còn đặc biệt hơn những trò khác. Tức như Khổng Tử với Nhan Uyên, nhiều lần ngài tỏ ra sự đặc biệt của mình đối với ông ấy. Có một lần ngài nói rằng: Ngươi Hồi coi ta như là cha, ta không thể không coi nó như là con[3][4].

Sự tương tri tương đắc của thầy trò nó cũng thân thiết như là vợ chồng bậu bạn. Nhiều khi cha con không hiểu nhau mà thầy trò lại hiểu nhau. Giữa cha con thường có một cái, không biết kêu tên nó là cái gì mà như bức tường để ngăn trở sự hiểu nhau; chớ còn thầy với trò mà đã vừa ý nhau rồi thì không còn có bức tường ấy nữa, tương tri tương đắc thì thật là tương tri tương đắc. Thầy trò mà đến bậc ấy thì khi một người chết đi, trong lòng người kia mang một cái vết thương trọn đời, chớ không những tâm tang ba năm mà thôi.

Sau đức Khổng, trong cõi học bị văn chương khoa cử choán mất rồi thì đạo thầy trò cũng kém xưa. Lúc bấy giờ chỉ là mấy anh thợ làm văn truyền nghề cho những thợ bạn của mình, chớ không còn phải là thầy trò. Không có cái hoài bão cao, đạo đức lớn nêu ra, thì lấy đâu có được sự tương tri tương đắc? Anh thợ làm văn ấy chết thì còn thiếu chi anh thợ làm văn khác; có điều đã theo nho giáo thì cũng làm ra bộ tâm tang cho có, chớ thiệt tình, trong lòng họ chẳng có cái gì là cái vết thương. Hồi nhà Đường, Hàn Dũ than thở mà nói đời nay không còn sư đạo nữa, thật không phải là lời quá đáng vậy.

Nói cho phải, Tống nho dấy lên, đó về sau trong học giới mới kéo lại cái đạo thầy trò. Cho đến đời nhà Minh nhà Thanh, vẫn còn lưu lại đến nay nhiều cái gương lành về sư đệ.

Tôi nhơn vừa đọc truyện Phí Mật, một vị học giả đời Thanh, thấy nói sự ông ta đi học và đối với thầy mà thèm lắm, bèn thuật lại vào đây.

Phí Mật (1625-1701) năm 48 tuổi, sau khi mãn tang cha mình rồi, tuân theo di mạng của cha mà tới thọ nghiệp cùng ông Tôn Kỳ Phùng. Ông nầy là bậc đại nho đương thời, bấy giờ đã 90 tuổi. Nói rằng thọ nghiệp đó, không phải mỗi bữa ôm sách đi nghe giảng và đến kỳ làm văn như kiểu học trò ta mọi lần đâu. Phí Mật khi ấy học đã có sở đắc rồi, đến cùng ông Tôn, chỉ đem cái sở đắc của mình mà chất chánh cùng ông ấy, ông ấy bảo cho chỗ nào được, chỗ nào không được, thế là thọ nghiệp đó.

Họ Phí gần họ Tôn chỉ có hơn một tháng, cùng nhau giảng luận năm bảy lần, rồi từ giã mà về, ông Tôn đưa đường bằng bốn chữ ngô đạo kỳ nam[5]. Đó về sau thấy ông có gởi cho Phí bốn bức thơ văn vắn, đều nói về việc học, có bức vắn lắm chỉ có vài hàng chữ.

Vậy mà sau khi biệt nhau ba năm, Phí Mật nghe ông Tôn qua đời, vì đường xa không đi dự đám táng được thì cất riêng một cái am, đặt bài vị mà thọ phục và chịu phúng điếu; đủ 21 ngày bèn đốt bài vị và ra khỏi am, tuy vậy chớ trong lòng vẫn giữ tâm tang không hề quên.

Thầy trò tương tri tương đắc với nhau ở chỗ đạo lý, ở chỗ học vấn, như vậy mới đáng gọi là thầy trò. Chúng ta nên coi nó khác với sự thầy trò trong lối học khoa cử mới được. Vì trong cái học nầy, thầy chỉ dạy cho trò làm văn hay để thi đậu làm quan mà thôi; so với bên kia vì nghĩa, bên nầy vì lợi, không thể đồng nhau.

Nói đến sự thầy trò nước ta thì phải thú thật rằng chưa hề có thứ thầy trò như Khổng Tử với Nhan Uyên, Tôn Kỳ Phùng với Phí Mật, mà đều là hạng thầy trò trong cái học khoa cử cả.

Sư đạo ở nước ta có tiếng nhứt là ông Chu An ở đời Trần. Nhưng trong sử trong truyện chỉ truyền lại rằng môn đệ của ông nhiều người đậu to, nhiều người làm quan lớn; chớ không thấy nói nhiều người trở nên thánh hiền, hay là nói ông đã truyền cái học ông lại cho ai. Sử truyện chép rằng khi ông già rồi, học trò ông dầu là quan lớn, tới hầu ông cũng phải khăn đen áo rộng, vòng tay cúi đầu, giữ lễ như hồi còn học với ông; chớ không thấy chép rằng trong đám họ có ai đã tương đắc với ông về chỗ đạo lý học vấn gì khác. Hoặc giả cũng có, nhưng tôi dám quyết rằng phần ấy là phần ngẫu nhiên và phần ít, vì cái phần chính trong cái cảm tình thầy trò xứ ta xưa nay chỉ ở sự cảm ơn tác thành đó thôi.

Cảm ơn tác thành, sự ấy trong đạo thầy trò vẫn phải có. Nhưng muốn cho cao hơn một bậc nữa, thầy trò phải có tương tri tương đắc về đạo lý học vấn như Khổng-Nhan, Tôn-Phí vừa nói trên kia mới xứng đáng với cái lễ tâm tang ba năm được vậy. Song than ôi! cái của báu ấy, tìm trong nước ta đâu thấy!

Thôi, để riêng bậc cao ấy ra mà nói đến bậc thường. Bậc thường là hạng thầy trò trong cái học khoa cử mà theo như tôi biết trong đời tôi.

Hồi còn học chữ Hán, một ông thầy mở trường dạy học, nếu dạy gián đoạn hay là cạn ngày thì thôi, chớ dạy đến vài ba năm trở lên rồi thì học trò có lập đồng môn cho thầy. ấy là một cái hội có tư bổn nhiều hoặc ít, có làm sanh lợi, trước để cung cấp sự cần dùng cho thầy, sau để làm cái phí về sự vãng lai thù tạc trong đám với nhau. Nhiều đồng môn có cất nhà cho thầy, đặt đất hương hỏa cho thầy, sau khi thầy trăm tuổi rồi, vẫn giữ ngày giỗ cúng như cha mình vậy. Đó, trò ở với thầy như vậy, người ta cho là một cái tục hậu đó.

Người ta cho là tục hậu, hậu thật. Nhưng tôi xin hỏi, cái tục hậu ấy có ích gì cho đời không? Có ảnh hưởng gì đến học giới không? Hỏi sao từ xưa đến nay, mấy ông thầy nước ta không tác thành ra thánh hiền mà chỉ tác thành ra ròng những quan lớn? Thầy tác thành ra một đống quan lớn, nên người được tác thành đền đáp như vậy cũng phải; song xét kỹ thì chỉ là lấy lợi ban ra, lấy lợi trả lại đó thôi, chớ có gì đâu mà khen ngợi trầm trồ!

Độc giả đọc bài nầy từ đầu đến đây, đã thấy cái đạo thầy trò xứ ta hồi xưa mà ta cho là hậu đó, đem mà so với đạo thầy trò chơn thật như cửa Khổng ngày xưa vẫn đã khác nhau xa lắm rồi. Huống chi đến thầy trò ngày nay, đem mà so với hồi còn học chữ Hán, lại thấy khác nhiều nữa. Vậy mà hiện bây giờ, người ta còn muốn học trò trong nước ta phải giữ cái lề thói ngày xưa ấy đối với thầy họ, là nghĩa làm sao?

Chừng mươi lăm năm nay, nhiều người cứ than thở cho nước ta phong hóa suy đồi. Họ thấy giữa cha con vợ chồng thường có biến cớ xảy ra, rồi họ nói quyết như vậy. Có khi họ cũng lấy sự trò đối với thầy làm chứng. Về vấn đề đó, tôi sẽ viết một vài bài mới nói hết được; hôm nay xin nói riêng về việc thầy trò mà thôi.

Phải chi trong khi đổi theo Tây học nầy mà cách dạy cũng như cũ, cũng một ông thầy râu ria đạo mạo, mang áo rộng đen, ngồi ván ngựa, dựa gối xép mà giảng những toán pháp, địa dư, cách trí cho hàng mấy trăm học trò, thế rồi đến khi họ lập thân được rồi, họ quên thầy đi, không còn kể tình sư đệ nữa, thì mới đáng trách chớ. Như vậy, phong hóa mới là suy đồi chớ. Nhưng cách dạy đời nay, thầy dạy học đời nay, có phải vậy đâu.

Ngày xưa, người ta từ nhỏ đến lớn có thể học chuyên với một ông thầy mà thôi. Đời nay, một người, kể từ ấu học đến đại học, có thể trải qua đến một trăm ông thầy. Nội một chỗ đó cũng đủ làm cho cái cảm tình bạc đi, không tài nào hậu được.

Vả lại, cái tư cách ông thầy đời nay cũng khác đời xưa. Ai có mới mở mũi ra đã cho đi làm thầy người ta? Trong đám đó có nhiều kẻ không nhìn mình là sư phạm nữa, họ không chịu cái trách nhiệm dạy bằng người mà chỉ chịu cái trách nhiệm dạy bằng sách. Như vậy thì lấy cái gì mà cảm phục đến cái lòng học trò của họ được?

Thầy trò đời nay, phần nhiều là tuổi tác xấp xỉ nhau, sự từng trải bằng nhau, nết na một chín một mười với nhau, cho đến sự tri thức cũng không hơn không kém nhau là mấy, vậy mà nghiễm nhiên một đằng ngồi bàn trên, một đằng ngồi ghế dưới, chẳng qua phân biệt ở cái trình độ biết tiếng Pháp được ít hay nhiều! Ôi! chỉ có cái hư danh vậy thôi, chớ có gì đâu mà cũng buộc vào nghĩa sư sanh, sánh với hàng quân phụ cho thêm rầy?

Người ta không ngó đến cái danh ra sao rồi ngó lại cái thiệt thử ra sao. Thầy trò đời nay chỉ có cái danh mà mất hẳn cái thiệt, tuy vậy trong khi xưng hô vẫn còn kêu là thầy trò. Đã kêu vậy rồi, có điều chi xích mích một chút, ấy là đem luật thầy trò ra mà buộc, mặc kẻ bị buộc đó có mang tiếng hay là có chết dưới cái luật ấy cũng không cần! Thế mà đã chịu thôi đâu, còn lên mặt đạo đức, thả giọng lo đời, ngồi mà than rằng: Ôi! phong hóa suy đồi! Ôi! Suy đồi phong hóa!

Thiệt ra thì trong sự học đời nay không còn có thầy trò nữa. Đừng nói sự tương đắc về đạo lý học vấn là sự không thể có được; cho đến chuyện kể sự thi báo tầm thường như hồi còn khoa cử cũng không kiếm đâu ra! Đã vậy thì những sự không tốt xảy ra giữa hai người mà người ta kêu là thầy trò đó, kỳ thiệt không phải thầy trò đâu, mà chỉ là hai người thường thôi vậy. Người thường với người thường thì sự lấn cướp nhau cũng là thường, sao được vin lấy đó mà đổ tội cho phong hóa?

Nước ta ngày nay vào thời kỳ quá độ. Giống gì trong xã hội nầy cũng đương ở vào cái tình trạng quá độ ấy hết. Cho đến giữa cha con vợ chồng mà có sanh ra điều biến cớ thì cũng lại tại có lẽ khác, chớ chưa đến nỗi phong hóa suy đồi thật đâu. Sự đó tôi sẽ giải quyết về sau.

Đối với sự giáo dục trong nước ta ngày nay, tôi không bằng lòng nhiều điều lắm, mà tưởng không phải một mình tôi. Tức như một cái tuổi của thầy giáo mà không định hạn cho nghiêm, mới 19, 20 tuổi, đậu sư phạm rồi, cũng ra làm thầy được, thì thật là dễ dãi quá. Theo tôi, bất kỳ thầy dạy học cấp nào, nhà nước nên buộc phải ngoài 30 tuổi trở lên. Có vậy thì ông thầy mới ra ông thầy, và học trò đối với họ mới có sanh cái lòng kính phục ra được chớ.

Nhưng mình đã chẳng có quyền thiệt hành trong tay, cứ ngồi mà ước ao suông cũng vô ích. Cũng thì ước ao, ước ao nơi người, chi bằng ước ao nơi mình là hơn? Bởi vì việc nào quyền ở nơi mình, hễ mình muốn và mình làm, thì việc ấy ắt có hy vọng.

Tôi ước ao rằng trong lúc nước ta bắt đầu mở mang học thuật nầy, làm sao cho có thứ thầy trò tương tri tương đắc về đạo lý học vấn như đã nói trên kia. Được một ông thầy ấy đủ mà chấn chỉnh cái học phong trong một thời kỳ, và ảnh hưởng đến xã hội không phải nhỏ. Rày về sau, chúng ta nên treo cái nghĩa thầy trò ấy lên làm mục đích rồi ai nấy hăm hở sốt sắng mà bươn theo.

Cái nghề, kỳ vọng ở nơi rất cao như vậy rồi nó hạ xuống thấp là vừa. Chớ còn khăng khăng giữ sự thi báo tầm thường, một đằng lấy lợi ban ra, một đằng lấy lợi trả lại, là sự thấp thỏi hèn mạt lắm, không đáng cho chúng ta lấy nó làm luân lý. Trong khi chưa đạt đến nơi rất cao thì thà ngồi mà đợi, còn hơn buộc nhau bằng cái luân lý thấp thỏi hèn mạt ấy, vì nó không ích gì cho học giới tương lai hết.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. 孝經 : 民生於三,事之如一 (nguyên chú).
  2. 禮 : 太上貴德", 其次務施報 "thái thượng quý đức, kỳ thứ vụ thi báo" (nguyên chú).
  3. 論 鋙 Luận ngữ : 子曰: 回也視予猶父也,予不得不視猶子也 "Tử viết: Hồi dã thị dư do phụ dã. Dư bất đắc bất thị do tử dã" (nguyên chú).
  4. Lưu ý : Đối chiếu với các bản Luận ngữ dịch in ở Việt Nam, ví dụ bản của Đoàn Trung Còn (Trí đức tòng thơ, Phật học thư xã, Sài Gòn, 1950, tr.164) thì đoạn dẫn trên ở Luận ngữ, chương 11 tiết 10 là : "Tử viết : Hồi dã thị dư do phụ dã. Dư bất đắc thị do tử dã", được dịch là : "Khổng Tử nói : Trò Hồi coi ta như cha, [nhưng theo lễ] ta chẳng được coi trò ấy như con". Như vậy có thể khi viết chỗ này, Phan Khôi đã căn cứ vào một bản Luận ngữ khác chăng, hoặc có thể ông đã nhớ thừa một chữ "bất" nên đã lầm "bất đắc thi do tử dã" ("không thể coi nó như con") thành "bất đắc bất thị do tử dã" ("không thể không coi nó như con") chăng?
  5. 吾道其南 "ngô đạo kỳ nam" (nguyên chú).