C

  1. Cá chậu chim lồng.
    Cơ hội sẵn sàng.
  2. Cá khô có trứng.
    Ví dụ chuyện phi thường, người cùng túng mà còn gặp may.
  3. Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe mẹ trăm đường con hư.
    Muối để mà giữ con cá cho khỏi hư khỏi thúi, mà con cá ươn thì lại không thấm muối.
  4. Cá sẩy cá lớn.
    Con cá sẩy không ai ngó thấy, cho nên có lẽ gạt người mà nói là con cá lớn, có ý chê người hay khoe khoang về sự người ta không ngó thấy.
  5. Cá không gặp nước.
    Cá mắc nắng hạn, gặp nước mưa dào thì mừng rỡ mình khỏi chết khô ; ví với người mắc hoạn nạn mà gặp phước.
  6. Cà răng múc mắt
    Nói về người mắc nợ cùng cố, tiền bạc đòi không trả, nhăn răng giơ mắt ; có giận cho lắm, cũng chẳng có lẽ cà răng múc mắt mà trừ.
  7. Cả vóc cả keo.
    Có câu rằng : trèo cao té nặng ; song xác nặng, ở đâu té cũng nặng. Hễ kẻ cao sang chẳng ngã, ngã thì đau, nghĩa là vinh bao nhiêu, nhục bấy nhiêu ; thường nói về người béo chắc, chẳng mấy khi đau, mà hễ có đau thì nặng hơn người ốm yếu.
  8. Cả vú lấp miệng em.
    Con thơ bé thường gọi là em ; hiểu nghĩa là người lớn ỷ thế hiếp người nhỏ, không cho phân nói lẽ phải chăng.
  9. Các hữu sở trường.
    Nghĩa là mỗi người đều có chỗ hay riêng.
  10. Cầm cân thăng bằng.
    Nghĩa là giữ phép công bình.
  11. Cầm dầu có hòng ướt tay.
    Giữ cho lắm cũng chẳng khỏi thâm hao.
  12. Cầm khỉ một ngày, biết khỉ múa.
    Có gần thì biết dễ biết tính ý, nói về đứa ăn đứa ở, có gần nó, thì hiểu đặng tính nết nó ít nhiều.
  13. Câm hay ngóng, ngọng hay nói.
    Kẻ câm tức mình muốn nói, cho nên hay ngóng ; k ngọng muón sửa tiếng nói, ám ức không chịu làm thinh, cho nên hay nói, đều là bịnh tự nhiên.
  14. Cám treo, để heo nhịn đói.
    Có mà không cho ăn.
  15. Cần bất như chuyên.
    Siêng chẳng bằng chăm chỉ, siêng năng nong nả có khi nhưng việc, chẳm chỉ thì là có ý làm hoài hoài.
  16. Cận đâu xâu đó.
    Nói về việc làng hay cứ dân gần mà bắt xâu ; người ta lại hiểu rằng gần đâu cứ đó.
  17. Cạn nước tới cái.
    Tới việc sẽ hay hay là tới đâu hay đó.
  18. Cắn răng, chằn con mắt.
    Cắn răng thì là ngậm miệng không nói ; chằn con mắt, thì là bách con mắt ra mà coi, nghĩa là rán sức ra mà chịu.
  19. Cận thủy tri ngư, cận lâm thức điểu.
    Gần nước biết cá, gần rừng biết chim, nước rừng là chỗ ổ cá chim, càng gần gũi càng biết tình ý.
  20. Canh điền bất kiến điểu, hòa thục điểu phi lai.
    Cày ruộng chẳng thấy chim, lúa chín chim bay tới ; khi khó nhọc thì không thấy người, lúc ăn chơi lại có người, cũng như nói ăn giùm thì có, làm giùm thì không.
  21. Cao bay xa chạy.
    Cao bay như chim, chạy hay như ngựa, nghĩa là có tài bay nhảy.
  22. Cao điểu tận, lương cung tàng.
    Com chim bay cao chết, cái cung hay giấu, nghĩa là có việc thì dùng, dùng đặng việc hay là hết việc thì bỏ, có ý trách kẻ làm vua chúa, dùng người không có ân hậu.
  23. Cao lễ dễ thưa.
    Có ý nói châm qui kẻ làm quan hay dụng tình, tư vị kẻ nhiều tiền, bẩm thưa việc chi cũng dễ.
  24. Cao nấm, ấm mồ.
    Ngưu manh, mã lạp, thì là nấm mả, nấm mả cao dày thì mồ phần ấm cúng, bền vững lâu dài, nói tỉ phước đức cha mẹ cao dày, thì con cháu đặng nhờ lâu xa.
  25. Cao nhơn tất hữu cao nhơn trị.
    Người cao trí ắt có người cao trí trị, ấy là lời khuyên người đời chẳng khá cậy tài, xưng mình rằng hơn kẻ khác.
  26. Cát kè, yên dụng ngưu đao.
    Cát gà chẳng phải dùng dao trâu ; nghĩa là làm việc nhỏ chẳng phải dùng trí lớn, ấy là một lời nói một người anh hùng đời xưa.
  27. Cầu danh bất cầu lợi.
    Có câu rằng, danh hưng lợi tùng ; nghĩa là danh lợi không lìa nhau, hễ muốn danh thì ngụ đều muôn lợi ; lời nói cầu danh mà không thèm cầu lợi, cũng là lợi nói khoa trương.
  28. Cây có cội nước có nguồn.
    Có câu rằng : mộc bổn thủy nguyên, là chính chữ lời nôm dịch ra. Ai ai đều phải suy ông bà cha mẹ làm cội rễ, kẻ chẳng nhìn biết ông bà, hay là đứng sanh thành ông bà, thì là vong bổn.
  29. Cây đa cũ bến đò xưa.
    Cây đa cũ, là chỗ mình nghĩ mát, bến đò xưa, là chỗ mình đã qua đó, đều chỉ là chỗ cố cựu, người có nghĩa không nên quên.
  30. Cây độc không trái, gái độc không con.
    Ấy là lời trù, cây độc không đáng sanh trái, cũng như gái độc không đáng sanh con. Vị tất là cây độc không trái, vị tất là gái độc không con, có câu rằng : cây độc sanh trái độc.
  31. Cây không trồng không tiếc, con không đẻ không thương.
    Có biết khó nhọc thì mới biết thương tiếc, cho nên của không đổ mồ hôi xót con mắt, thì không biết tiếc.
  32. Cây muốn lăng, mà gió chẳng đừng.
    Nghĩa là không thế làm hòa, một đàng nhịn, một đàng không nhịn, thì làm cớ cho sanh sự cãi lẩy rầy rạc chẳng thôi, ấy là nghĩa thường.
  33. Cây nhà lá vườn.
    Nghĩa là vật ăn sẵn chẳng phải tốn tiền mua, có ý nói về cây trái.
  34. Cây vạy ghét mực tàu ngăy.
    Chỉ nghĩa là người quấy không ưa lẽ phải ; lại mực tàu bày cây vạy, lẽ thật chó lẽ tà, cho nên thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ.

Ch

  1. Cha mẹ cú đẻ con tiên.
    Nghĩa là cha mẹ xấu đẻ con tốt, cú là chim bất tường hay là chim xấu.
  2. Chải gió tắm mưa.
    Nghĩa là chịu phong trần lao khổ.
  3. Chơn trời mặt biển.
    Trời giống như cái chụp thì là có chơn, mặt biển rộng minh mông, không chỗ cùng tột, thì hiểu là đằng xa thẳm không cùng.
  4. Chơn thấp chơn cao.
    Ấy là tiếng nói xâm người làm mai dong. Lễ cưới thành, thì kẻ làm mai dong đặng ăn lễ ; chơn thấp chơn cao, thì là nhóng cho tới lễ thành. Có câu hát rằng : mai dong chơn thấp chơn cao, muốn ăn thịt mỡ nói vào nói ra.
  5. Chàng đâu thiếp đó.
    Hiểu nghĩa là gái phải tùng chồng. Con gái có tam tùng là nhỏ thì tùng cha, có chồng thì tùng chồng, chồng chết thì tùng con.
  6. Chẳng lấy cũng khuấy cho hôi.
    Ấy là tiếng oán, nói về việc vợ chồng ; mình ưng người ta, người ta không ưng mình, hoặc làm bạn không đặng thì oán mà làm cho nhau mang xấu.
  7. Chẳng ngon cũng sốt, chẳng tốt cũng mới.
    Sốt thì tỏ ra sự nóng nảy, mới thì tỏ ra sự nguyên vẹn, tinh hảo ; có ý nói về vật ăn hay là lễ phép cho vật ăn khi còn sốt dẻo, thì càng tỏ tình thảo lảo ; còn như vội vã chào mầng, đang khi mới tới, thì lại tỏ ra lòng thành kính.
  8. Chẳng thương cũng làm đò cúm núm.
    Có ý nói về sự dâu rể ở với hai bên cha mẹ, không nên tỏ sự giận ghét, kẻo mất sự hiếu thảo thuận hòa, nghĩa là có không ưa cững phải để bụng ; về sự con cái ở cùng cha mẹ cũng vậy.
  9. Chẳng trúng cũng cọ bia.
    Bất trúng diệc bất viễn, chánh nghĩa là không xa sự thật, gỉa như nghi ngờ sự gì, nhứt là về tội phước, mà đều nhi cùng sự tình có lẽ ám hiệp, dầu chẳng đặng sự thật, thì cũng có lẽ tin đặng ít nhiều.
  10. Chẳng ưa nói thừa cho bỏ.
    Bỏ là bỏ ghét, thói đời có giận ghét ai thì hay nói thêm hoặc gia tiếng oán cho đã giận đã ghét.
  11. Châu chấu thấy sáng đèn.
    Chê kẻ tham sang giàu, mà không nghĩ hậu ; con châu chấu thấy đèn sáng, thì ra tuồng ham hố nhảy vào, chẳng nghĩ sự cháy cánh phỏng mình, vì ngọn đèn.
  12. Châu chấu chống xe.
    Ấy là lời ví người không sức kình với người cả sức.
  13. Chậu úp khôn soi.
    Nghĩa là sự kín nhiệm không lẽ hiểu thấu, giả sử có đều hiểu được thì còn có đều sót, cũng như mặt trời soi còn sót chỗ chậu úp.
  14. Chạy chơn không bén đất.
    Hiểu nghĩa là bôn chôn lo lắng, cũng có nghĩa là chạy nhặm lẹ.
  15. Chạy lờ, mắc đó.
    Cái lờ nhỏ, cái đó to, đều là đồ ví cá, chạy chỗ nhỏ mắc chỗ to. hay là chạy chỗ nầy lại vương mang chỗ khác.
  16. Cháy nhà ra mặt chuột.
    Đáo đầu mới biết việc, thường nói về sự nghèo giàu.
  17. Chạy trời không khỏi nắng.
    Nghĩa là không chỗ thoát khỏi.
  18. Chèo xuôi mát mái.
    Nghĩa là biết nhịn nhục hay là thuận theo thì thế, thì êm mát vô sự.
  19. Chết no hơn sống thèm.
    Nghĩa là không chịu kiêng cữ.
  20. Chết trẻ khỏe ma, chết già lú lẩn.
    Già trẻ cũng đều chết, có chết trẻ cũng không nên tiếc.
  21. Chỉ mành treo chuông.
    Chỉ mành treo chuông.
  22. Chích khuyễn phệ Nghiêu.
    Chó người đạo Chích sủa vua Nghiêu, ấy là sủa vì lạ mặt, không phải vì ông Nghiêu bất nhơn ; làm tôi ai thì biết nấy, (Lời Khoái thông).
  23. Chim cầu khách quán.
    Chim cầu thoạt đậu thoạt bay, khách quán hoặc đi hoặc ghé, chỉ nghĩa là bình bồng, ở đi không nhứt định.
  24. Chim khôn tránh bẩy tránh dò, người khôn tránh kẻ hồ đồ mới khôn.
    Cũng là câu hát, biết giữ mình, mới gọi rằng khôn.
  25. Chim không kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
    Cũng là câu hát, người khôn ăn nói không bỏ lễ phép.
  26. Chim sổ lồng.
    Chẳng trông trở lại, chẳng còn phải câu thúc.
  27. Chim trời cá nước.
    Sự thế buông lung không định chỗ ở,
  28. Chịu đấm ăn xôi.
    Có ăn nhờ thì không nệ xấu hổ.
  29. Chỗ ăn không hết, chỗ thết không khẳm.
    Phải lấy chỗ dư, bổ chỗ thiếu.
  30. Chó ăn vụng bột.
    Tang tích sờ sờ, không giấu được.
  31. Chó cậy nhà, gà cậy vườn.
    Nghĩa là cậy thế hoặc cậy là quen thuộc.
  32. Chở củi về rừng.
    Nhứt là nói về hàng hóa, chỗ đắt chẳng bán, để đem về chỗ ế nghĩa là chỗ có người bán mà không có người mua.
  33. Chó đâu có sủa lỗ không.
    Có hình tích chi nó mới sủa.
  34. Chó gầy xấu mặt nhà nuôi.
    Nhà nuôi không có đủ mà cho nó ăn.
  35. Chó hở môi, răng lạnh.
    Có câu chữ rằng, thần vong tắc xỉ hàn, nghĩa là mất môi thì răng lạnh. Hai nước giao lân là thần xỉ, giao kết cùng nhua, nếu để giặc lấy nước nọ, thì nước kia cũng phải hiểm nghèo, cho nên phải giữ lấy nhau. Bây giờ người ta lấy làm lời dặn bảo rằng phải cho cẩn mật kẻo sanh sự bất bình.
  36. Chó thấy thóc.
    Chó thấy thóc ăn không đi, thì tuồng mặt lơ láo, hiểu nghĩa là anh em bạn hữu thấy nhau mà làm mặt vô tình.
  37. Chơi dao, có ngày đứt tay.
    Hiểu nghĩa là liều mình làm sự hiểm nghèo, thì có ngày phải mắc.
  38. Chơi hoa cho biết mùi hoa, cầm cân cho biết cân già cân non.
    Cũng là câu hát, nghĩa là phải cho trải việc.
  39. Chơi với chó, chó lờn mặt ; chơi với con nít, con nít dể ngươi.
    Kẻ làm lớn không giữ thể diện, để bề dưới lân la, thì nó sẽ lờn dể.
  40. Chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già lóc thóc nó thì theo sau.
    Cũng là câu hát, nghĩa là phải chơi cho kịp thì.
  41. Chồng ghét thì ra, mụ gia ghét thì vào.
    Nghĩa là phải ở cho đặng bụng chồng.
  42. Chơn ướt chơn ráo.
    Hiểu nghĩa là mới tới hãy còn bợ ngợ.
  43. Chủ trung tín.
    Giữ trung tín làm căn bổn, trung là ngay thảo, tín là thật lòng, nghĩa là phải lấy trung hậu tín thành làm gốc.
  44. Chưa giàu đà lo ăn cướp.
    Lo xa quá.
  45. Chung thì chạ.
    Chạ là lộn lạo, rối rắm, như sự làm chung buôn chung, thì hay sanh đều bất hòa.
  46. Chuối đút miệng voi.
    Miệng voi lớn quá, trái chuối nhỏ quá, đút bao nhiêu ngốn hết bấy nhiêu, không hay vừa đủ. Người tham lam thái quá, cho ăn bao nhiêu cũng không vừa.
  47. Chuông chẳng đánh chẳng kêu, đèn chẳng khêu chẳng sáng.
    Việc chẳng phô trương, chẳng nói, thì chẳng ai biết.
  48. Chưởng qua đắc qua, chưởng đậu đắc đậu.
    Trồng dưa đặng dưa, trồng đậu đặng đậu ; lời sấm truyền rằng giao giống nào gặt giống ấy : làm dữ chẳng trông gặp lành.
  49. Chuột sa chình nếp.
    Lời nói chơi người nghèo gặp vợ giàu, sẵn của cho mà ăn.
  50. Chuột bầy làm chẳng nên hang.
    Nghĩa là không có ai chủ chốt, cầm bầy, thì chẳng làm nên việc.
  51. Cô âm bất thành, cô dương bất trưởng.
    Một mình khí âm không nên, một mình khí dương không lớn, nghĩa là phải cho âm dương tương đắc.
  52. Cờ bạc sanh trộm cướp.
    Thua lắm phải làm quấy.
  53. Có cây dây mới leo.
    Có chuyện nầy, mới sanh chuyện khác, có gốc mới có ngọn, lại bỡi có thế cho nên dây mới leo, hoặc bỡi mình bắc thang.
  54. Có cha có mẹ có hơn, không cha không mẹ, như đờn đứt dây.
    Cũng là câu hát, cha mẹ tại đường thì là cụ khánh.
  55. Có chẳng hơn không.
    Bất luận ít nhiều tốt xấu, một cái có thì là hơn cái không, như có con hơn không con, có phần hơn không phần.
  56. Cò chẳng tha ngao.
    Nghĩa là không nhịn nhau, sự tích đã kể trước.
  57. Có con nhờ con, có của nhờ của.
    Con thì đỡ chơn tay, của thì sanh lợi, có câu rằng : nuôi heo rán lấy mỡ, nuôi con đỡ chơn tay.
  58. Có chửa có đẻ.
    Nghĩa là có một ngày một có, không lẽ giấu.
  59. Có cốt có vác.
    Nghĩa là đã ra tay thì phải làm luôn, không lẽ bán đồ nhi phế, có câu rằng : hễ làm ơn thì làm ơn cho trót, hễ gọt thì gọt cho trơn.
  60. Cờ gian bạc lận.
    Đều là cuộc gạt gẫm mà ăn tiền.
  61. Có gian thì có ngoan
    Có trí mới sấp đặt đặng đều gian, cho nên phải có ngoan, kể ít oi thiệt thà, khó làm đều gian, giả linh có làm đều gian đặng, thì khi có việc cũng chẳng biết đàng trở tráo.
  62. Có khế ế chanh.
    Nghĩa là gièm nhau, có món nầy chê món khác.
  63. Có khó mới có nên.
    Có chịu khó nhọc mới đặc thành thân, có làm tớ mới đặng làm thầy.
  64. Có mợ thì chợ cũng đông, không mợ thì chợ cũng không không bữa nào.
    Nghĩa là một người không làm nên đủ thiếu.
  65. Cơ mưu bất mật họa tiên phát.
    Cơ mưu chẳng kín thì họa phát trước, mong lòng hại người ta mà lậu việc thì ắt là mình phải hại trước.
  66. Có nước thì có cá,
    Hiểu nghĩa là các nước không lìa nhau, hễ có vật kia thì phải có vật nọ.
  67. Có nước đồng nước sông mới dẫy.
    Con cháu làm nên, nhờ có gốc cha mẹ giàu. Có vốn lớn mới làm lợi lớn.
  68. Có phước có phần.
    Số phận có thì phải có.
  69. Có phước làm quan có gan làm giàu.
    Làm đặng quan thường nhờ phước mạng, còn sự làm giàu thì phải có gan, đãm đương việc lớn.
  70. Có phước tảng tài, vô phước tảng mạng.
    Sống đặng thì là có phước, có câu rằng : mình sống hơn đống vàng.
  71. Có quyền thì có duyên.
    Duyên là sự làm cho người ta ưa hạp.
  72. Có sức ăn có sức chịu.
    Cũng như nói ăn bao nhiêu, chịu bấy nhiêu.
  73. Có tài có tật.
    Tật là tật tánh tình, thường thấy những người có tài năng, hay cờ bạc rượu trà, người ta gọi là tật.
  74. Cơ thâm họa diệc thâm.
    Mưu độc chừng nào, họa hại chừng nấy, thâm hiểm chừng nào mắc chừng ấy.
  75. Có thân có khổ.
    Nghĩa là ở đời sao cho khỏi gian-nan ; con mới lọt ra khỏi bụng mẹ, thì đã biết kêu rằng khổ a.
  76. Có tích dịch ra tuồng.
    Có sự cớ người ta mới nói, chẳng phải là thêu dệt.
  77. Có tiền tiên hay múa.
    Nghĩa là có tiền làm việc chi cũng đặng ; tục đất nầy hay làm phép sai tiên, mà hỏi việc lành dữ ; dẫu sai tiên múa thì tiên cũng phải múa.
  78. Có tiếng mà không có miếng.
    Miếng ấy là miếng ăn, là phần kiến, phần nhờ ; ai nấy tưởng rằng có phần mà thật sự không ngơ.
  79. Cố ư trung tất hình ư ngoại.
    Vốn trong có, ắt phải bày ra ngoài, nghĩa là trong mình có làm sao, thì bày ra ngoài miệng cũng vậy. Lấy ngoài mà đoán trong.
  80. Cờ về tay ai nấy phất.
    Quyền về ai nấy làm.
  81. Có vinh có nhục.
    Có câu rằng : vinh thường thủ nhực, ấy là đàng đi người quân tử ; đứa tiểu nhơn chẳng có chi là vinh nhục. Cũng là tiếng khuyến khích.
  82. Cóc đi guốc.
    Cười đứa hèn, đèo bòng sự tử tế, có câu khác rằng : khỉ đeo hoa cũng về một nghĩa.
  83. Coi bằng mặt, chớ bắt bằng tay.
    Nghĩa là không nên đá động.
  84. Coi mặt đặt tên.
    Nhắm xem cho biết sức người, đối với câu nhắm em xem chợ.
  85. Cơm cá giả mặt bụt.
    Đã buôi, làm cho qua tang lề.
  86. Cơm mai cháo chiều.
    Nghĩa là thất thường, bữa đủ bữa thiếu ; có câu rằng : cơm tẻ ngày hai, thì là đũ đỗi.
  87. Còn cha gót đỏ như son, một mai cha thác, gót con như chì.
    Cũng là câu hát : hễ còn cha, người ta hay nói rằng con có cha. Lại có câu : Còn cha nhiều kẻ yêu vì, một mai cha thác, ai thì kể con.
  88. Con cháu đẻ ông vải.
    Nghĩa là con cháu cải ông bà.
  89. Con chờ cha.
    Con chửa hoang còn ở trong bụng mẹ, ai cưới mẹ nó thì là cho nó.
  90. Con công chẳng giống lông cũng giống kiến.
    Nghĩa là nòi nào sanh giống ấy, cho lịch sự con cũng lịch sự, chẳng nhiều thì ít.
  91. Còn da long mọc còn chồi nên cây.
    Nghĩa là còn có thế, còn lập lại đặng ; người ta cũng nói rằng : còn tre thì măng mọc, không tuyệt giống.
  92. Con gái mười hai bến nước.
    Bến nước là chỗ người ta ghé mà qua đò ; thân con gái là như chiếc đò, gọi là thuyền tình, gặp người xứng đáng thì là bến trong, gặp người không xứng đáng thì là bến đục ; cả thảy có nhiều bến, lấy số mười hai mà nói cho xuôi vần.
  93. Con là máu, cháu là mủ.
    Ai nấy đều thương con hơn thương cháu.
  94. Con là nợ vợ là oan gia.
    Nói về con dại vợ ngây, gia tình bần bách, thì câu nầy dễ hiểu hơn. Người ta hay nói rằng : thê truyền tử phược, nghĩa là con vợ là dây bó buộc, làm cho người đờn ông mất sự thong thả.
  95. Con mắt là ngọc.
    Đặt ra có con mắt, thì phân biệt sự thiệt giả, tốt xấu, đừng để cho ngư mục hổn châu, nghĩa là con mắt cá lộn với hột châu.
  96. Còn người còn của.
    Dạy người ta không nên sờn lòng, hễ còn sống thì còn làm đặng mà ăn, có câu rằng : người chết của hết.
  97. Con ruồi đỗ nặng đòn cân.
    Nghĩa là trong một mảy cũng có nặng nhẹ, hơn thua.
  98. Con sâu làm rầu nồi canh.
    Bị một con sâu làm cho phải bỏ nồi canh, nghĩa là phải hại đến việc khác. Vì một người mà bà con phải rầu buồn.
  99. Con tỏ cha tớ tỏ thầy.
    Nghĩa là can danh phạm ngãi.
  100. Con trai đen dái, con gái đen đầu.
    Ấy là dấu làm chứng về sự con nít mới sanh bẩm thọ mạnh mẽ.
  101. Công giả trường.
    Nghĩa là, luống công khó nhọc. Dọc bãi biển có con giả trường hình tích giống con cua mà nhỏ lắm, hay xúc cát đem lên bãi mà kiếm vật ăn, bị sóng dánh nước xao cũng cứ việc làm mãi. Có câu hát rằng : Công-gia-Trường thường ngày xe cát, sóng ba đào ai xét công cho.
  102. Cốt nhục tương tàn.
    Nghĩa là bà con hại nhau.
  103. Cư bất quá dong tất.
    Ở chẳng qua có chỗ để đầu gối. Nghĩa là ở vừa được thì thôi ; không cầu chỗ ở.
  104. Cú kêu dữ miệng cú.
    Cú là con chim hay đem tin dữ, cũng là chim bất tường, chỉ nghĩa là ai làm dữ nấy lo.
  105. Cũ người mới ta.
    Ta chưa biết chưa dùng thì gọi rằng mới.
  106. Cử nhứt khả dĩ suy kỳ dư.
    Lấy một đều có lẽ xét đến đều khác.
  107. Của chẳng ngon chớ nào lỗ miệng.
    Nghĩa là quý tại lòng thảo, không quí tại đồ än : Mình khéo chiêu đãi, bào chuốt hay là khéo tiếng nói thì dầu là của chẳng ngon cũng phải vừa miệng khách.
  108. Của chẳng ngon nhiều con cũng hết.
    Đông người giành, vật hèn cũng hóa quí ; ít người mới có kén chọn, chỉ nói về vật ăn.
  109. Của chồng công vợ.
    Chồng làm ra, vợ giữ gìn cũng đều có phép hưởng dùng.
  110. Của đổ mà hốt.
    Ấy là của liều. Của đổ đi mà hốt lại, sao cho toàn vẹn, sao cho khỏi hao.
  111. Của gối đầu bà già.
    Của để không chắc.
  112. Của là nuốm ruột.
    Ai ai cũng thương tiếc tiền của, có người phải chết vì của.
  113. Của một đồng, công một lượng.
    Công trượng hơn của mười phần, phải lấy công ơn làm trọng.
  114. Của thế gian, ai khôn ngoan thì đặng.
    Của đời hay luân chuyển, không chắc về ai, ai có tài có trí thì đặng hưởng dùng.
  115. Của vắn mặt dài.
    Của ăn hay hết cho nên của vắn, mặt còn thấy nhau cho nên mặt dài, ấy là nghĩa câu nôm. Của ăn hay hết, người còn thấy nhau.
  116. Củi đậu nấu đậu.
    Cũng như nói lấy đó dùng việc đó, không phải dùng món khác.
  117. Củi tre một bọn, bài thập một môn.
    Cũng một loài, cũng như nhau, không khác chi nhau.
  118. Cùng nghề đương thúng, túng nghề đương nia.
    Túng thì phải biến, có câu rằng : anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than.
  119. Cười người chớ khá cười lâu, cười năm trước năm sau cười mình.
    Ai ai cũng có chuyện cười, muốn cho khỏi cười thì đừng cười ai.
  120. Cương quế chi tánh, dủ lão dủ tân.
    Ấy là ví người tuổi tác, sỏi sành, ăn nói khôn ngoan, ý vị.
  121. Cưu cư thước sào.
    Có câu rằng : duy thước hữu sào, di cưu cư chi, nghĩa là tu hú ở ổ quạ quạ, thì là hưởng nhờ của sẵn.
  122. Cứu một người dương gian, bằng một vàn âm ti.
    Cứu sống cấp hơn cứu chết ; cứu người còn sống, ơn trọng hơn cứu người khuất mặt.
  123. Cửu tử nhứt sanh.
    Trong mười phần, phần chết hết chín, phần sống có một. Ngặt nghèo, không còn trông sống.
  124. Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán.
    Nhơn tình đen bạc, không bằng con ngoại vật.