Tặng Nguyễn Biểu  (1413) 
của Trùng Quang Đế

Theo Việt Nam văn học sử yếu: Lại theo sử CM (q. 12 tr. 36b–37a) thì "năm Trùng Quang thứ 5 (1413), mùa hạ, tháng tư. Tướng nhà Minh là Trương Phụ 张 辅 đánh Nghệ An, vua Quý Khoách 季 擴 chạy vào Hóa châu... sai người bầy tôi là Nguyễn Biểu 阮 表đi cầu phong, đem phương vật đến Nghệ An để tặng. Phụ giữ ông lại, ông giận mắng rằng: "Trong thì mưu kế đánh lấy nước người, ngoài thì phô trương là quân nhân nghĩa, trước nói rằng lập con cháu nhà Trần, nay lại chia đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải, lại còn tàn hại sinh dân, thật là đồ ngược tặc." Phụ giận đem giết đi.

Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng-hoa,
Trịnh-trọng rày nhân dựng khúc ca.
Chiếu phượng mười hàng tơ cặn-kẽ,
Vó câu ngàn dặm tuyết xông-pha.
Tang bồng[1] đã bấm lòng khi trẻ,
Khương quế[2] thêm cay tính tuổi già.
Việc nước một vai công ngõ vẹn,
Gác lân[3] danh tiếng dọi lâu xa.

   




Chú thích

  1. Tang bồng: tức là tang bồng hồ thỉ 桑 蓬 弧 矢, cái cung làm bằng gỗ dâu và cái tên làm bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai cả thì sai người lấy một cái cung bằng gỗ dâu và sáu cái tên bằng cỏ bồng bắn trên trời, dưới đất và ra bốn phương. Làm như thế là có ý mong cho người con trai sau này có chí vẫy-vùng trong khoảng trời đất bốn phương. Các nhà làm thơ văn thường dùng những chữ « tang bồng », « hồ thỉ », « cung tên » để chỉ cái công việc của người con trai phải gánh vác ở trên đời hoặc cái chí lập nên công-danh sự-nghiệp
  2. Khương quế 薑桂 : gừng và quế
  3. Gác lân: tức là Kỳ-lân các, tên một cái gác do vua Hán Tuyên-đế sai làm, vẽ tượng mười một người công thần


 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.