Tấn kịch vui về con vịt

Tuyển tập tiểu thuyết của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Tấn kịch vui về con vịt

Ông Êrôsenkô[1], thi nhân mù nước Nga, sau khi mang cái đàn sáu dây của ông đến Bắc Kinh không lâu mấy, thì kêu khổ với tôi rằng: Vắng vẻ quá đi, vắng vẻ quá đi, vắng vẻ như ở trong sa mạc thế này!.

Đó có lẽ là sự thật, song ở tôi lại chưa từng cảm thấy ; tôi ở đã lâu rồi, vào cái nhà chi lan, lâu mà chẳng nghe mùi thơm[2], cứ cho là ồn ào quá đi mất. Nhưng, cái mà tôi gọi là ồn ào đó hoặc tức là cái mà ông gọi là vắng vẻ, chưa biết chừng.

Có điều tôi thấy ở Bắc Kinh hình như không có mùa xuân và mùa thu. Những người ở Bắc Kinh già đời thì nói, khí đất chuyển sang phương bắc rồi, ở đây trước kia không có đâu đằm ấm thế này. Tuy vậy, tôi thì cứ cho là không có mùa xuân và mùa thu ; cuối đông và đầu hè liên tiếp nhau, mùa hè vừa qua, mùa đông đã lại bắt đầu rồi.

Một ngày nọ, trong lúc cuối đông đầu hè ấy, vả lại là ban đêm, tôi tình cờ được rỗi, đi thăm ông Êrôsenkô. Ông từ trước đến giờ trọ ở nhà ông Trọng Mật, lúc đó cả nhà đã ngủ hết, thiên hạ rất im lìm. Ông một mình ngả người trên giường riêng, đôi chang mày rất cao hơi nhíu lại ở giữa những sợi tóc vàng đậm, đó là ông đang nhớ lại cái nơi ông đã đi chơi trước, xứ Diến Điện, mùa hè của xứ Diến điện.

Ban đêm thế này, ông nói, ở Diến điện khắp nơi là âm nhạc. Trong nhà, giữa cỏ, trên cây, đều có côn trùng ngâm hát đủ các thứ tiếng, thành ra hợp tấu, rất lạ lùng. Trong đó chốc chốc lại kèm thêm tiếng rắn gáy: te te, mà cũng ăn nhịp với côn trùng. Ông nói vậy rồi lặng thinh ngẫm nghĩ, như muốn đuổi theo cái tình cảnh lúc bấy giờ.

Tôi không mở miệng được. Cái thứ âm nhạc kỳ diệu ấy, quả thật tôi ở Bắc Kinh chưa hề nghe qua, cho nên dù có yêu nước đến đâu cũng không binh vực được, bởi vì ông ta tuy con mắt không thấy, chứ lỗ tai vẫn không điếc.

Bắc Kinh thì cả ếch kêu cũng không có.... Ông lại than thở nói thêm.

Ếch kêu thì có chứ!. Cái than thở ấy lại làm cho tôi hăm hở lên, cãi lại: Đến mùa hè, sau cơn mưa lớn, ông có thể nghe được nhiều con ễnh ương kêu, chúng đều ở trong đường cống, vì Bắc Kinh chỗ nào cũng có đường cống.

À à...

*

* *

Sau đó mấy ngày, lời nói của tôi quả được chứng thực, vì ông Êrôsenkô đã mua được mười mấy con nòng nọc. Ông mua rồi thả trong cái ao nhỏ giữa sân trước cửa sổ. Cái ao dài ba thước, rộng hai thước, là cái ao sen Trọng Mật đào để trồng sen. Trong cái ao sen ấy, tuy từ hồi nào đến giờ chưa thấy có nở ra nửa cái hoa sen nào, song để nuôi ễnh ương thì lại là một chỗ rất đúng chỗ.

Lũ nòng nọc kết đàn nhau lội trên mặt nước, ông Êrôsenkô cũng thường thường bước đến thăm chúng nó. Có lúc, trẻ con nói với ông: Ông Êrôsenkô ơi, chúng nó đã mọc chân rồi. Thì ông vui vẻ mỉm cười mà rằng: Thế à!.

Nhưng mà, cái việc đào tạo ra nhà âm nhạc ở ao cũng chỉ là một việc của ông Êrôsenkô. Ông vốn là người chủ trương cái thuyết làm lấy mà ăn, thường nói người đàn bà có thể chăn nuôi, người đàn ông thì nên cày ruộng. Bởi vậy, khi gặp được người bạn quen thân thì ông khuyên nên trồng cải bắp ở sân ; lại cũng nhiều lần khuyên bà Trọng Mật nên nuôi ong, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi bò, nuôi lạc đà. Sau rồi trong nhà Trọng Mật quả nhiên có nhiều gà con, bay nhảy đầy sân, mổ tiệt những lá non như gấm giải đất, chừng như tức là cái kết quả của lời khuyên ấy.

Từ đó những người nhà quê đi bán gà con cũng thường hay đến, mỗi lần đến lại mua mấy con. Vì gà con dễ bị tích thực, hay toi, ít có con được sống lâu ; mà lại có một con còn thành ra vai chính trong cái tiểu thuyết Tấn kịch buồn về gà con, cái tiểu thuyết độc nhất của ông Êrôsenkô viết ở Bắc Kinh. Có một buổi mai, người nhà quê kia bất thình lình mang vịt con đến, nó kêu chíp chíp ; nhưng mà bà Trọng Mật nói không cần mua. Ông Êrôsenkô cũng chạy tới, họ mới đặt một con lên hai bàn tay ông, con vịt bèn ở trên hai bàn tay ông chíp chíp kêu. Ông Êrôsenkô cho là cũng rất đáng yêu, rồi không thể không mua được, mua tất cả bốn con, mỗi con tám chục đồng tiền.

Vịt con cũng đáng yêu thật, cả mình màu vàng lợt, thả ra, đi cáng náng trên đất, bao giờ cũng kêu gọi nhau, cùng nhóm lại một chỗ. Ai nấy đều khen là tốt ; ngày mai sẽ đi mua cá nhét cho chúng nó ăn. Ông Êrôsenkô tuyên bố rằng: Món tiền mua vịt đó về phần tôi chịu.

Thế rồi ông đi dạy học ; ai về nhà nấy. Một chốc chi đó, khi bà Trọng Mật đem cơm nguội cho chúng nó ăn, thì từ xa đã nghe tiếng quậy nước lên, chạy đến xem, thấy bốn con vịt đã tắm trong ao sen rồi, vả lại còn lộn nhào, ăn cái này cái nọ. Đến khi khua cho chúng lên bờ, thì cả ao nước đã đục ngầu, một chặp, nước đứng lại, chỉ thấy trong bùn lòi ra mấy cái ngó nhỏ ; vả lại tìm mãi không ra một con nòng nọc đã mọc chân nào hết.

Yhôhikhô ông ơi[3], con nhỏ của ễnh ương mất cả rồi. Lúc chiều, lũ trẻ thấy ông về một cái, đứa trẻ nhất vội vàng mách ông như thế.

Ễnh ương à?

Bà Trọng Mật cũng ra đến, báo cho ông biết cái tin vịt con đã ăn hết nòng nọc.

Ông Êrôsenkô bài hãi: ối chao!

*

* *

Đến chừng lũ vịt con thay lông vàng, ông Êrôsenkô lại thình lình cứ ngậm ngùi nhớ bà mẹ Ngalatư của ông[4]. Bèn vội vã đi sang Xích tháp[5].

Đến chừng tư bề có ếch kêu, lũ vịt con cũng đã lớn, hai con trắng, hai con đốm hoa, vả lại không kêu chíp chíp nữa mà kêu cặp cặp. Cái ao sen cũng không đủ cho chúng xây quanh, may mà chỗ đất nhà Trọng Mật ở rất thấp, mưa hè xuống một cái là nước ngập đầy sân, chúng bèn hớn hở, lội, hụp, đập cánh, kêu cặp cặp.

Hiện giờ lại từ cuối hè sang đầu đông, mà ông Êrôsenkô vẫn không có tin tức gì hết, chẳng biết rốt lại ông ở đâu rồi.

Chỉ có bốn con vịt lại vẫn cứ ở trên sa mạc kêu cặp cặp.

Tháng 10, năm 1922
(Dịch ở Nột hám)

   




Chú thích

  1. Êrôsenkô, thi nhân mù nước Nga, từng viết nhiều bổn đồng thoại bằng tiếng Thế giới ngữ và tiếng Nhật Bản. Năm 1921, ông từ Nhật Bản sang Trung Quốc, dạy món Thế giới ngữ ở trường đại học Bắc Kinh. Ông có cái tác phẩm gọi là Mây màu điều, từng bởi Lỗ Tấn dịch thành tiếng Trung Quốc.
  2. Đây là câu trong sách xưa, nguyên văn là nhập chi lan chi thất cửu nhì bất văn kỳ hương, theo nó còn có một câu là nhập bảo ngư chí tứ cửu nhị bất văn kỳ xú, nghĩa là vào trong hàng cá ươn lâu mà chẳng biết mùi thối. Cả hai câu có ý là: người ta thường bị hoàn cảnh làm cho quen thuộc quá đi, không nhận ra tốt và xấu.
  3. Đây là đứa bé nói trại bẹ, gọi Êrôsenkô thành ra Yhôhikhô.
  4. Bà mẹ Ngalatư là một cách gọi thân mật mà người nước Nga dùng đối với Tổ quốc mình.
  5. Xích tháp, tức là Chi ta, một xứ ở Tây bá lợi á.