Tôi từ nhà quê chạy đến kinh thành, thấm thoắt đã qua sáu năm rồi. Trong đó, những việc gọi là việc lớn nước nhà mà mình tai nghe mắt thấy, kể cũng không ít ; song nó đều không để lại một tý dấu vết trong lòng tôi, bây giờ nếu bảo tôi tìm vang bóng của những việc ấy ra để mà nói, thì chỉ làm cho tôi thêm ác cảm, - thật thà mà nói, chỉ làm cho tôi coi người ta không ra chi càng ngày càng hơn.

Song le có một việc nhỏ, đối với tôi lại có ý nghĩa, nó kéo tôi ra khỏi ác cảm, làm cho tôi không quên được đến bây giờ.

Mùa đông năm thứ sáu Dân quốc, gió bấc đang thổi mạnh, tôi vì việc sinh kế, một buổi sớm phải ra đi trên đường. Dọc đường hầu như không gặp người ta, khó khăn lắm mới thuê được một chiếc xe kéo, bảo kéo đến cửa S. Một lát, gió bấc dịu đi, bụi trên đường đã quét sạch, còn lưu lại con đường lớn làu làu, người phu xe chạy càng nhanh hơn. Vừa đến gần cửa S, bỗng dưng trên càng xe vướng phải một con người, chậm chậm ngã xuống.

Người ngã đó là một người đàn bà, đầu tóc hoa râm, áo quần rách rưới. Bà ta từ bên kia đường vụt chạy ngang qua trước cái xe, người phu xe đã tránh, song cái áo lá lót bông của bà không cài cúc, có gió nhẹ làm nó phất phơ, cho nên mắc vào càng xe. May mà người phu xe hơi ngừng kịp, không thì bà ta đã phải lộn nhào một keo nặng, đến nỗi vỡ đầu chảy máu.

Bà ta chum hum trên đất ; người phu xe cũng dừng chân đứng hẳn. Tôi chắc rằng bà già ấy không bị thương tích gì, lại không có ai thấy cả, bèn lấy làm quái cho người phu xe sao mà đa sự, tự mình chác lấy sự lôi thôi, cũng làm nhỡ chặng đường của tôi.

Tôi bèn nói với hắn: Không có việc gì đâu. Anh cứ chạy đi!.

Người phu xe chẳng thèm đếm xỉa, hay là cũng chẳng nghe thấy nữa, lại nhè buông cái xe ra, đỡ bà già chậm chậm đứng dậy, cầm cánh tay cho đứng vững, hỏi rằng:

Bà thế nào đấy?

Tôi ngã hỏng rồi.

Tôi nghĩ, chính mắt tôi thấy bà chậm chậm ngã xuống, thế nào lại đến ngã hỏng được, chỉ làm bộ thôi, thật đáng ghét. Còn anh phu xe cũng đa sự, tự chác lấy khổ cho mình, bây giờ thì tự anh xoay xở lấy đi.

Người phu xe nghe bà già nói xong, chẳng chần chờ tí nào cả, vẫn cầm lấy cánh tay bà, đi bước một tới đằng trước. Tôi hơi lấy làm lạ, vội nhìn đằng trước, thì là một cái đòn cảnh sát, sau cơn gió lớn, bên ngoài cũng không thấy có người. Người phu xe dìu bà già đi, chính là nhằm đi tới cái cổng đồn ấy.

Lúc đó tôi vụt cảm thấy một thứ cảm giác lạ thường, thấy cái bóng phía sau của anh phu xe đầy người bụi bặm kia, tức khắc cao lớn lên, vả lại càng đi càng lớn, phải ngước nhìn mới thấy. Lại nữa, anh đối với tôi, dần dần hầu như biến thành một thứ uy lực đè lên người tôi, đến nỗi muốn ép cho lòi ra cái nhỏ giấu trong lớp áo da.

Sức sống của tôi lúc đó chừng như có hơi ngừng lại, cứ ngồi không động đậy, cũng không nghĩ ngợi, cho đến khi thấy trong đồn đi ra một người cảnh sát, mới xuống khỏi xe.

Người cảnh sát đến gần tôi, nói: Anh thuê xe khác mà đi, anh ấy không kéo được nữa đâu.

Tôi chẳng có suy nghĩ gì hết, vốc trong túi áo ngoài ra một vốc lớn xu đồng, đưa cho người cảnh sát, và nói: Nhờ anh đưa cho anh ấy.

Gió lặng hẳn rồi, đường vẫn rất vắng. Tôi vừa đi vừa nghĩ, hầu như e sợ không dám nghĩ đến chính mình. Thôi thì hẵng gác cái việc về trước lại, một vốc lớn xu đồng ấy lại là có ý gì? Để thưởng anh ta phỏng? Tôi mà lại còn phán đoán anh phu xe được à? Tôi không thể tự trả lời cho mình được.

Việc ấy đến bây giờ, vẫn cứ mỗi lúc lại nhớ đến. Nhân đó tôi cũng mỗi lúc chịu đau khổ, rán sức để nghĩ đến chính mình tôi. Những văn trị võ công[1] mấy năm nay, ở tôi cũng đã giống như những Tử viết Thi vân[2] mà hồi nhỏ mình đã học trầm chẳng được nửa câu. Chỉ có một việc nhỏ này, lại cứ vờn trước con mắt tôi, có lúc càng rõ ràng lắm, làm cho tôi xấu hổ, giục cho tôi tự mình đổi mới, mà còn giúp cho cái dũng khí và cái hy vọng của tôi thêm nẩy nở.

Tháng 7 năm 1920
(Dịch ở Nột hám)

   




Chú thích

  1. Văn trị võ công: Cai trị thì dùng văn, đánh giặc có công trạng thì dùng võ. Đó là một thành ngữ sẵn có. Lúc bấy giờ bọn quân phiệt cầm quyền thống trị, về cai trị chỉ đè ép nhân dân, chẳng có gì là văn, giặc thì không đánh, chỉ vì tranh quyền đoạt lợi, trong nước đánh với nhau, chẳng có gì là võ. Tác giả dùng bốn chữ này với cái ý phân ngữ (ironie). Nguyên văn đổi một chữ mà nói võ lực. Nhưng tôi tưởng, đã dùng với ý phân ngữ thì cứ nói võ công cũng được.
  2. Tử viết, Thi văn: trong sách Luận ngữ và sách Trung dung, thường có chữ Tử viết, nghĩa là Khổng Tử nói ; lại hai sách ấy và sách Đại học, sách Mạnh Tử cũng thường có chữ Thi văn, nghĩ là dẫn lời Kinh Thi. Đó cũng là một thành ngữ, có ý mỉa: cái gì cũng theo lời của người xưa.