Tản Đà tùng văn của Tản Đà
Tình lụy, IV của không rõ, do Tản Đà dịch

IV

Giời về chiều, tất lại ra chơi ở bãi bể, là cái lệ thường của Mạc-Biên-Địa-Thuật. Ac vàng gác núi, ráng đỏ khắp giời, muôn rặm bể khơi, một mầu hồng nhuộm. Chọn một chỗ đất cảnh-sắc đẹp hơn nhất, ngồi để xem sách. Bỗng đằng trước như có bóng người. Ngẩng đầu nhìn xem thời xa-xa có một người con giai cao nhớn, đương ngóng cổ trông ra bể, như có nghĩ sự gì. Trong chỗ tịch-mịch không có người như thế này mà đâu nẩy ra một kẻ lạ như thế. Con người đó là ở dưới đất chui lên? hạy ở trên giời sa xuống ru? Mạc-sinh mới nhìn thấy mà rật nẩy mình. Rồi xem kỹ người kia thời tướng-mạo khôi-ngô, sức-vóc mạnh khoẻ, thật là một người con giai rất cứng-cát; mặt hơi ngăm-ngăm đen, tóc đen mà quăn, râu ngắn, mũi nhọn, cổ cao, mắt sáng quắc. Cứ cái nét mặt, quyết không phải là người tầm-thường. Hai tai lại có đeo vòng vàng; mình mặc một cái áo nhung sắc xanh, mùi đã cũ; chân đi đôi giầy ghệt, ngoảnh lưng vào tà-dương mà đứng chơ như một cây gỗ. Mạc ngắm kỹ một lúc, hình như có hơi quen; lại nghĩ kỹ ra thời rật mình. Lạ thật! người đó không phải là người con giai đứng ở trên cái tầu bị đắm khi nọ mà chơ như đá, vững như đồng đó ru? người kia mắt chỉ nhằm trông ra ngoài bể, cho nên không biết ở cạnh có người ngồi. Mạc-sinh đứng dạy, đến gần mà nói rằng: « Tài thật! Lại sống được mà về đứng đây ư? » Người ấy nghe nói, không kinh ngạc chút nào, chỉ nói lại rằng: « Cũng là sự thường thôi, có gì mà lạ. Tôi bấy giờ bị sóng đánh đưa đi, sang đến bờ bên kia, gặp hai người đánh cá vớt lên, lại được sống. Người ta vớt tôi vẫn là hay, nhưng ở tôi thời đừng gặp người vớt mà chết đi là hơn. » Nói xong, ngùi-ngùi trông ra bể. Mạc-sinh nghe nhời nói, rất hợp với ý mình, lấy làm thích lắm. Lại nhẩm lại câu nói ấy rằng : « Đừng gặp người vớt mà chết đi là hơn. » Rồi nói to lên rằng: « Ông thật là hiểu thấu được chỗ tinh-vi của chân-lý. Nhân tôi xin hỏi ông, nghĩ thế nào mà ông muốn chết? » Người con giai kia thở dài mà nói với Mạc rằng: « Có một cái đáng yêu nhất của tôi, tôi từng đem hết linh-hồn, trọng-bảo, thân-mạnh để đổi lấy mà bây giờ đã chìm xuống dưới cái rẫy đá kia rồi. Đêm hôm nọ, nếu tôi được cùng với nó cùng chết ở đấy, thật rất là thỏa; tôi không có muốn đâu người ta vớt tôi lên như thế này. » Mạc-Biên-Địa-Thuận nghe ra cái cớ của người ấy muốn chết, không lấy làm thích. Nghĩ ngấm trong bụng rằng: Thằng này ngu xuẩn, chẳng qua cũng lại là đồ tục, không phải bọn mình. Tức thời bảo anh kia rằng: « Thôi tôi không nói lôi-thôi làm gì, khu đất này là của tôi, tôi rất không bằng lòng để có người khác đứng lâu ở đây, xin ông đi chỗ khác cho. Còn như người của ông rất yêu, có khi cũng đã ở trong nhà tôi rồi, » Người kia nghe câu nói sau cùng, lấy làm lạ lắm, hỏi lại rằng: « Thật thế à? Người rất yêu của tôi, cũng được gặp vớt lên à? » Mạc nói: « Có thật đấy, ông thử xem nếu phải là người của ông thời xin ông đem về nhân thể. » Người con giai kia chưa biết rõ rằng thực hay dối, nhìn kỹ mặt Mạc-sinh một lúc. như có nghĩ ra. Chợt quay mình chạy thẳng về chỗ cái nhà đá, nhanh như gió, ít thấy có chân người như thế. Mạc hãi quá, không hiểu nó làm ra trò gì. Tức thời cũng theo sau mà đi. Người kia chạy được mười bước, Mạc chỉ mới đi được một bước, cố theo mà về, những chúi vấp luôn mãi; trông người kia thời đã sấn vào nhà mình rồi. Tức lắm, hết sức cố đuổi. Gần đến cửa, nghe tiếng người con gái kêu hét. Cáu lên nói rằng: « Lại có nhẽ thế à! » Vội chạy ngay vào chỗ người con gái thời thấy ngồi nép xuống ở một chỗ só buồng, mặt tái mét, tiếng nói như người rên. Người đàn-ông kia thời đứng ở giữa nhà mà nhìn chăm-chắm vào người con gái. Người con gái đương sợ hoảng, như muốn dình thế để chạy chốn. Mạc-sinh chạy vào, đứng ngăn vào giữa mà quát người kia rằng: « Anh định làm gì thế! Đây là nhà tôi ở, không cứ người nào, không có phép tôi cho vào thời không được tự-tiện mà vào. Đi ra ngay!

Người kia nghe nói, hòa nét mặt mà xin lỗi rằng: Thật có thế, tôi rất thất lễ với ông, không biết lấy câu gì để tạ lỗi. Duy tôi có một nhời muốn thưa ông.

— Anh còn có nhời gì! Tự-tiện sấn vào nhà người ta, nhẽ đã trái lắm rồi.

— Điều ấy thật là tôi càn. Ông cho tôi xin lỗi.

— Không cần phải xin lỗi, chỉ xin anh đi ra ngay cho.

— Ông hãy rộng cho. Tôi xin thưa thật với ông, nhờ ông vớt cho mà được sống, chính là người vợ tôi, cùng với tôi ở A-kham-khắc-nhĩ lại đây. Tôi là người nước Nga-la-tư.

— Thế thời tên với họ anh là gì?

— Tôi là Đại-Giải-sinh.

— Vừa rồi anh không bảo người con gái này là vợ anh à? Thế thời chỉ là anh nói dối. Vợ phải theo họ chồng, ở đâu cũng thế cả.[1] Anh là Đại-Giải-sinh, người đàn-bà này là Lan-Lộ-Thọ-Mỹ, không theo họ với nhau, ấy là một cái trứng rằng không phải là vợ chồng. Lại phàm người đàn-bà đã lấy chồng, ở tay phải có cái nhẫn, người đàn bà này tay không có đeo nhẫn, thật là chưa có chồng. Người ta chưa có chồng, thời có nhẽ nào là vợ anh. Thế là hai cái trứng rằng không phải là vợ chồng. Có hai cái trứng-nghiệm rõ như thế mà anh bảo người ấy là vợ anh, chẳng nói dối là gì?

Đại-Giải-sinh ung-dung nói lại rằng: Thật chưa có lễ cưới làm vợ chồng, nhưng đã có thề lấy nhau ở trước đức Chúa, chỗ ấy người khác không biết đâu đến. Người con gái này thật là vợ tôi, xin giao giả về cho tôi.

Lúc bấy giờ người con gái ngồi nép ở đằng sau Mạc-sinh, không giám dời ra một bước nào, sợ Đại-Giải-sinh mà nương vào Mạc-sinh vậy. Mạc-sinh nói: Tôi quyết không thể đem người con gái này về cho anh được, vì người này thật không phải là vợ anh.

Đại-giải-sinh gắt lên nói rằng: Người con gái này hứa với tôi đã lâu, ông bảo không phải là vợ tôi, do ở đâu mà ông biết thế?

Mạc-sinh trỏ vào người con gái, nói rằng: Anh thử trông thế kia là cái tình-trạng gì. Làm người vợ mà khiếp người chồng đến như thế, có thế bao giờ không? Vợ chồng tất phải yêu nhau, không yêu nhau thời quyết-nhiên không phải là vợ chồng. Xin anh lui ra ngay, đứng lâu trong cái nhà này, làm mất cả công-việc của tôi. Đi ra ngay!

— Thế thời ông không giao người vợ ấy về cho tôi à?

— Cái thế còn phải nói gì nữa.

— Ấy tùy ông đấy. Nhưng thế nào tôi cũng lấy được về mới thôi.

Đại-Giải-sinh nói xong, đứng buồn thừ người ra. Mạc-sinh thời như người phát rồ, trọn lấy một thanh củi ở cạnh bếp, cầm ở tay, nói rằng: Xin anh trông cái này. Ta muốn tha anh, nhưng cái củi ở tay ta, nó không dung-thứ cho anh đâu.

Đại-Giải-sinh không chống lại, chỉ trông quanh mọi người, rồi dần dần lui ra ngoài nhà. Mạc-sinh cũng theo sau đi ra. Đại-Giải-sinh đã ra khỏi cửa, đi mấy bước, lại đứng dừng trông lại Mạc-sinh, nói rằng: « Anh nên liệu đấy! vợ tôi là ở trong quyền tự-do của tôi, người Tô-cách-lan là con giai, người Nga-la-tư cũng là con giai. » Nói xong, đi thẳng về đằng núi.

Từ đấy về sau, hơn một tháng, không thấy có sinh ra chuyện gì. Người con gái ở đấy chỉ nương vào Mạc-sinh cho qua ngày. Có lúc đi quét tước, nấu nướng, làm các công việc trong nhà; có lúc đi lẻn vào trong buồng thí-nghiệm, đứng im ở đằng sau Mạc-sinh để xem làm công việc thí-nghiệm; ngày tháng lân-la, nước mây man-mác, như cũng quên cả tình gia-hương. Tự Mạc-sinh coi người con gái ấy, chẳng qua trong nhà thêm một người khách-ăn; nàng Lan-lộ-thọ-mỹ kia thời chỉ như một người triết-học nữ-học-sinh mới theo về phái chán đời vậy.

  1. Tục Âu-châu người đàn-bà đã lấy chồng thời lấy tên mình theo họ chồng.