Tản Đà tùng văn của Tản Đà
Tình lụy, III của không rõ, do Tản Đà dịch

III

Đêm đã sáng, bão cũng im, giời êm tạnh, gió sớm thanh mát. Mạc sinh cứ lệ thường dạy sớm, đi ngay ra bãi bể chơi thoáng, nhân xem lại cái tình-trạng đêm hôm qua còn lại ra làm sao. Chỉ thấy nước không gợn sóng, mặt bể như gương, cái cảnh-tượng quái-ác trước năm giờ đồng-hồ tưởng đã như về kiếp trước vậy. Nghĩ lại cái tầu đêm hôm trước, bây giờ ở đâu, sao không còn thấy một mảnh gỗ nào. Hết tầm mắt xa trông, chỉ thấy ở trên chỗ cái tầu bị đắm ấy có hai con chim trắng lượn quanh, xà-xà gần mặt nước, như thể thăm viếng cái tầu đắm mà không đi cho đành. Mạc-sinh đi chơi quanh ở bãi bể, độ hơn một giờ đồng-hồ mà giở về. Người con gái vớt lên hôm qua, đã đứng đợi ở cửa, chạy lại trước mặt để đón. Người độ mười chín tuổi, rong-rỏng cao, da trắng, hai con mắt trong biếc, thật là một người đẹp tuyệt nhân-thế! Đưa cái bàn tay trắng ra, muốn để bắt tay Mạc-sinh làm lễ chào. Anh chàng triết-học ấy không tiếp đi thẳng vào trong nhà. Tục Âu-châu rất kính trọng đàn-bà. Người đàn-bà muốn bắt tay mà không tiếp, thực rất là vô-lễ. Ai có bị thế, đều lấy làm một sự sấu-hổ lạ. Người con gái ấy trong khi ấy, đối với một người ân-chủ liều chết để cứu mạng cho mình thời dẫu vô lễ đến đâu, làm nhục đến đâu, cũng không dám kể làm trái mà oán-giận; duy sau lúc sống xót, lại gặp người vô-tình đến như thế, ai không nghĩ đến thân-thế mà ngậm-ngùi. Mạc-sinh đã vào trong nhà, ngồi nghỉ ở ghế tựa. Người con gái cũng theo vào, đứng tựa ở vách, mắt nhìn vào Mạc, như có ý ngờ sợ. Mạc-sinh hỏi tên cùng chỗ ở, thấy người con gái chỉ lắc đầu không nói, biết là người nước ngoài. Đem những tên nước Phật-lan-tây, Tây-ban-nha, Đức-ý-chí để hỏi, người con gái chỉ cứ lắc đầu; rồi đứng nói những nhời gì, Mạc-sinh cũng không hiểu một tiếng nào cả. Lúc ấy, cơm sáng đã xong, cùng đi ăn, hai người ngồi đối nhau, không có một câu nói nào. Mạc riêng nghĩ rằng: người con gái này, mình không biết lai-lịch ra làm sao thời không biết lấy cách gì mà sử-trí. Bấy giờ lại đi ra bãi bể, cố tìm cho được hơi thấy tung-tích của cái tầu đắm. Ngồi chiếc thuyền con, bơi quanh-quẩn chỗ rẫy đá, bỗng được một mảnh gỗ mắc ngang ở đá, là một miếng gỗ ở cái cột đằng cuối tầu. Lấy đem về trên cạn coi lại, thấy có bốn chữ « A-kham-khắc-nhĩ. » Á-kham-khắc-nhĩ là một chỗ đất đô-hội ở về miền bể Bạch-hải (Mer Blanche) về nước Nga-la-tư. Mạc-sinh đã xem kỹ, hiểu ra rằng: Phải rồi! Người con gái ấy là người nước Nga. Nhưng nước Nga-la-tư cách Tô-cách-lan xa lắm, người con gái ít tuổi, làm gì mà mạo-hiểm đi đến đây? Có nhẽ là bị bão đưa lại. Nhưng nguyên ý hắn định đến đâu? Nay dẫu biết là hắn tự A-kham-khắc-nhĩ lại đây mà ngoài ra thời không biết thế nào.

Về đến nhà, đem cái tên A-kham-khắc-nhĩ để hỏi, người con gái cũng không hiểu. Như thế thời thật chịu. Mặc-sinh vốn là người không năng để ý vào các sự nhảm, cũng chẳng cố xét kỹ làm gì, đi vào luôn chỗ buồng thí-nghiệm, làm những công việc ngày thường. Đến bữa ăn chiều, thấy người con gái ngồi ở cạnh bàn ăn, đương khâu vá những áo mặc rách. Mạc-sinh lại thử hỏi thời không biết gì cả, sau phải lấy tay ra hiệu để nói chuyện. Người con gái cũng lấy tay làm hiệu, trỏ về chỗ cái tầu đắm, rồi lại tự trỏ vào mình, làm các bộ-dạng, như muốn hỏi những người đi cùng tầu có phải đều chết cả mà chỉ một mình sống. Mạc gật đầu. Người con gái đương ngồi, đứng dạy nhẩy múa, vui-vẻ đắc-ý lắm. Mạc-sinh thấy tình-trạng như thế, trong bụng nghĩ ngầm rằng: Bao nhiêu người cùng đi một tầu đều chết cả, chỉ một mình nó sống, đó chẳng là sự đáng thương-tâm lắm ru? mà sao nó vui thú như thế? con bé này tâm-tính thật khác người! Đã nghĩ thế, lại nhớ lại trong đêm hôm ấy, lúc đứng trên bờ mà xem cái tầu đương sắp đắm, người con giai kia mở cái túi mà đem đứa con gái này ra, một đứa thời hôn, một đứa thời đẩy ra. Vậy ở trong tất có tình-tiết ra làm sao. Nghĩ ngẩn ra một lúc. Ăn cơm xong, Mạc-sinh đi vào buồng hút thuốc lá để ngồi nghỉ. Người con gái lại theo vào, tay cầm cái bút chì với một mảnh giấy đưa cho Mạc-sinh, trong mảnh giấy có mấy chữ « Lan-Lộ-Thọ-Mỹ » ; lấy tay làm hiệu, ý nói mấy chữ ấy là tên mình; lại ra hiệu như muốn biết tên của Mạc-Biên-Địa-Thuận. Mạc-Biên-Địa-Thuận không chịu được nó quấy nhiễu, cầm bút bỏ vào túi, đứng dạy đi thẳng lên trên buồng thí-nghiệm; lại tự hối rằng cái việc làm trong đêm hôm nọ thật vô-vị, vô-cố đem một người rắc-rối về để chứa ở trong nhà. Bây giờ nó đã đến đây, nguyên nên hỏi thăm ngay xem nhà cửa nó ở đâu, kiếm cách mà đưa cho nó về, cho xong cái việc mình làm phúc; nhưng khốn mình với nó tiếng nói không thông thời không biết làm thế nào được. Cách ngoài hai-mươi rặm có một cái thôn, muốn trình báo cho những người làm việc ở trong thôn, để họ liệu cách sử-trí; song lại nghĩ: nếu đã báo quan thời các viên-dịch kéo nhau đến, trông thấy mặt những bọn ấy thời lại càng khó chịu lắm, thà chịu cái khổ mỗi ngày phải tiếp con bé này còn hơn. Thật là một sự tức-mình mà không biết làm thế nào được.

Mạc-Biên-Địa-Thuận đã chán ghét những sự tạp-nhạp ở cái đời vô-vị, phải đi chốn lánh người đời, mới ra ở một mình ở đấy; không ngờ cái lụy đâu lại cũng theo gót mà đến. Con người ta đã sinh ở trong cõi trần-tục, muốn tuyệt trần thoát tục mà khó thay!