3° Tự-tôn.

Phàm người tất biết tự-trọng, rồi mới biết tự-tôn, cho nên đức tự-tôn lại ở sau đức tự-trọng; đã biết tự-trọng tất nên biết tự-tôn, cho nên đức tự-trọng lại tiếp đến đức tự-tôn. Tự-trọng là không tự lấy ta theo thuộc cái khác, giữ lấy địa-vị của ta sinh làm người; tự-tôn là lấy mọi cái khác theo thuộc ta, tự để địa-vị của ta cao hơn địa-vị của người khác. Nguy vậy thay! cái nghĩa tự-tôn.

Tự-tôn, lấy sự-thực mà nói, chỉ là tự-nhiệm. Tự nhiệm là tự lấy mình đởm-nhiệm nhưng các công việc chung. Khảm con thuyền mà sang sông, ngồi trong thuyền, đàn bà trẻ con những ai, đều không có trách-nhiệm gì; tự nhiệm việc sang ngang đó là người mũi, người lái. Tự những người tự-nhiệm đó, dẫu không nói ra miệng, thực đã đem tính-mạnh, tài-sản trong một thuyền theo thuộc vào mình; ấy tức là tự để địa-vị của mình lên trên địa-vị của người khác, ấy tức là tự-tôn. — Hoặc cho rằng trách-nhiệm người sãi đò cố-nhiên phải như thế. Như không phải là người sãi đò mà tự nhiệm như thế, chẳng là tự-tôn mà sao? — Tự những người tự nhiệm kia, chỉ biết tự mình nên tự nhiệm, còn ngoài mình có ai đởm nhiệm nữa thời không kịp tính đến, ấy thực là tự-tôn. Đương trong lúc nước bằng giời quang, thuyền êm lái nhẹ mà người tự-nhiệm đó đã là tự-tôn; lại như lúc nước to gió nhớn, đò đầy sóng cao thời người tự-nhiệm kia lại rất là tự-tôn vậy. Lấy những người bơi thuyền đó mà nghĩ, mà đã có thể biết cái đức tự-tôn là sang.

Người ta ở trong một xã-hội, không kể địa-vị mình thế vào, đều có thể tự-tôn. Lấy một nhà mà nói, trách-nhiệm trọng ở chủ, chủ nhà là tôn; phàm người nhà, ai tự-nhiệm lấy công việc nhà, ấy là tự-tôn ở trong nhà. Lấy một nước mà nói, trách-nhiệm trọng ở vua, vua nước là tôn; phàm người nước, ai tự-nhiệm lấy công việc nước, ấy là tự-tôn ở trong nước. Lấy thiên-hạ mà nói, trách-nhiệm không truyên trọng ở ai, không có ai là tôn; phàm người thiên-hạ, ai tự-nhiệm lấy công việc thiên-hạ, ấy là tự-tôn ở trong thiên-hạ vậy. Ông Y-Doãn là ông thánh về sự tự-nhiệm, đương trong lúc đi cầy nói rằng: « Giời sinh ra dân, khiến kẻ biết trước hiểu cho kẻ biết sau, kẻ hiểu trước hiểu cho kẻ hiểu sau. Ta là kẻ hiểu trước ở trong dân nhà giời, ta phải lấy cái đạo ấy hiểu cho cái dân ấy; chẳng ta hiểu cho mà là ai. » Vua Lê-Tổ nước ta, đương trong lúc tiềm-long mà nói rằng: « Người trượng-phu nện phải vớt cái nạn nhớn, dựng cái công nhơn. » Đức Thích-Ca nói rằng : « Phổ-cứu chúng-sinh là một việc nhớn ở mình. » Ấy đều là đức tự-tôn có phát-hiện ra ở nhời nói. Ông Lư-Thoa ở trong loài người, địa-vị cũng như một người khác mà tự lấy dân-quyền nhân-ước làm việc mình. Ông Lâm-Khẳng ở trong loài người, địa-vị cũng như một người (Thống-Lĩnh) khác mà tự lấy phóng thích hắc-nô làm việc mình. Đức Khổng-Tử, đức Thích-Ca, đức Gia-Tô ở trong loài người, địa-vị cũng như một người khác mà tự lấy danh-giáo, tôn-giáo làm việc mình. Ấy lại đều là đức tự-tôn có phát-hiện ra ở công-nghiệp vậy. Lấy những bậc thánh hiền đó mà xem, mà thực biết cái đức tự-tôn là rất sang.

Vậy thời phàm người muốn tự-tôn, không ai ngăn cấm, trong xã-hội vẫn thường mong có người tự-tôn; Phàm người không tự-tôn, chỉ là tự mình không muốn tự-tôn, tự mình kém cái đức tự-tôn vậy. Tự người có cái đức tự-tôn thời dẫu không làm nên những sự-nghiệp tự-tôn mà cũng vẫn là người tự-tôn; tự người kém cái đức tự-tôn thời không mong có làm nên sự-nghiệp tự-tôn vậy. Một cái đức tự-tôn thức là rất quí của loài người, sau đức tự-ái, đức tự-trọng mà tiến được đức tự-tôn thời thánh-hiền hào-kiệt cách gang tấc. Cho nên quân-tử quí tự-tôn.

Tự-ái, tự-trọng, tự-tôn chỉ là tự mình đối với mình, cho nên gọi rằng « tự »; nghĩa chữ « tự 自 », tức là nói mình vậy, cho nên gọi rằng đức-riêng.

Phàm người đều có cái ta về tinh-thần là nên yêu tiếc. nên trọng, nên tôn. Có cái ta về tinh-thần mà không biết tự yêu tiếc, không biết tự-trọng, không biết tự-tôn, như thế chỉ gọi là người ngu. Người mà ngu thời không hơn giống vật được mấy, cho nên bảo rằng « chẳng làm thánh-hiền, tiện làm cầm thú, » thật không phải nhời nói ngoa vậy. Người mà cầm thú thời thật đáng khinh mà đáng thương; đáng khinh đáng thương mà thường không tự biết thời cái ngu thật khó phá. Cái ngu mà không phá được thời học-vấn thật cũng vô-ích, cho nên bao nhiêu người ngu ở thiên-cổ, như Trần-ích-Tắc, như Ngô-thời-Sĩ,... chỉ để cho người sau đáng khinh mà đáng thương, Người ta khinh mình, mình không lo, hoặc mình mà tự-trọng; người ta thương mình, mình không lo, hoặc mình mà tự tôn; người ta đáng khinh, đáng thương mình thời mình thật đáng lo vậy. Bởi thế cho nên người ta phải có học; bởi thế cho nên học phải cốt cho phá ngu.

Học, nghĩa là bắt-chước mà cốt để cho phá ngu; học mà nếu không biết bắt-chước thời sao cho phá ngu, mà sao gọi là học. Người nước ta mấy nghìn năm trước, chuyên học ở nước Tầu, từ luân-thường đạo-lý trong gia-đình, đến văn-chương thi cử ở trường-ốc, nhất-thiết theo Tầu cả. Trong mấy nghìn năm đó, những người tự-ái, tự-trọng, tự-tôn của ta còn chép tên trong sử-sách, truyền miệng ở nhân-gian cũng thường có không ít, ấy một là minh-đức của loài người bẩm-sinh ra rất tốt, hai là cũng có được những tinh-thần tốt ở tự thánh-kinh hiền-truyện ngấm-nghía vào nhân-tâm. Nay ta xem ở trong sử, những đời quan Tầu sang ta, ngoài ba ông Sĩ-Nhiếp, Nhâm-Dyên, Tích-Quang, không ai dạy bảo cho ta học; sau thời chỉ tự ta dạy ta, mà tự ta học sách của Tầu. Ông thầy dạy ta ngày nay là người nước Đại-Pháp, từ Âu-châu sang ta, cùng ở với ta mà dạy ta, rèn-cặp ta, nung-đúc ta, mở-mang cho ta, mong cho ta cũng có cái tinh-thần như người Pháp. Giời cho ta đến nay được có ông thầy tự-ái, tự-trọng, tự-tôn như người nước Đại-Pháp để dạy cho ta học; nếu tự ta không biết bắt-chước, chẳng thật là đáng tiếc lắm du? Sự bắt-chước, không phải là chỉ ở những cái mũ cho sang, giầy cho đẹp, tiệc ăn cho trọng-thể, đàn hát cho thích ý, nhà ở cho hợp cách vệ-sinh; cũng không phải chỉ toàn ở những cái học cho rộng, nghề cho tinh, hiệu buôn mở cho to, đồn-điền mở cho nhiều, thầu-khoán cho năm bẩy mươi vạn; muốn học cho phá ngu thời cốt ở cái tinh-thần tự-ái, tự-trọng, tự-tôn của ông thầy dạy ta, mới thật càng nên phải bắt-chước. Cái tinh-thần tự-ái, tự-trọng, tự-tôn của người nước Đại-Pháp, từ xưa đến nay, in chép trong sử sách, phô bầy ra công việc, trang-hoàng lênh-láng ở nhân-gian, tưởng những người hơi có học-vấn đều biết cả, nay cũng không phiền kể mà thật cũng không xiết kể. Chỉ xem ngay ở trước mặt ta, như hai quan Công-Sứ tỉnh Thái-Bình trước là ông Jean Minault và ông Gaston Perret[1]. Ấy cái tinh-thần ấy, như thế là tự-ái, như thế là tự-trọng, như thế là tự-tôn. Chúng ta đã được học ông thầy tự-ái, tự-trọng, tự-tôn mà nếu ta không biết bắt-chước được chút nào thời chỉ để cho người ngoài như người Tàu, người Ấn-Độ đều có thể khinh ta; nếu ta bắt-chước được ít nhiều cái tinh-thần ấy mà tự-ái, tự-trọng, tự-tôn thời người làm thầy ta cũng càng muốn dạy cho ta học; chúng ta nếu không muốn tự-ái, tự trọng, tự-tôn thời người làm thầy ta không có thể dạy cho ta bắt chước; chúng ta nếu muốn bắt-chước cái tinh-thần tự-ái, tự-trọng, tự-tôn thời sẵn có ông thầy tự-ái, tự-trọng tự-tôn để dạy ta; chúng ta nếu đã biết tự-ái, tự-trọng, tự-tôn thời tức là tự ta yêu tiếc nhà, tôn trọng nước; chúng ta nếu không biết tự-ái, tự-trọng, tự-tôn thời ngay cái ta về tinh-thần, tự ta còn bỏ mất mà nói chi đến nước, đến nhà. « Nhớ nước đau lòng con quốc-quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia-gia, » người đời xưa có hai câu thơ thế; nay thời nước chúng ta được có Đại-Pháp bảo-hộ, nhà chúng ta đều được có Đại-Pháp bảo-hộ, hai câu thơ ấy không phải là cảm-hoài của ta. Chỉ lo rằng cái ta về tinh-thần mà ta không tự-ái, không tự-trọng, không tự-tôn mà tự ta bỏ mất thời thật đáng thương mà đáng tiếc, thật nên phải mỏi miệng mà đau lòng. « Cậy em, em có chịu nhời, ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. » trong chuyện Kiều có câu như thế; nay thời ta xin thưa trước, ai có nhận nhời mà tự-ái, tự-trọng, tự-tôn đó thời sẽ xin lạy sau. Yêu nhau xin nhớ nhời nhau.


  1. Quan công-sứ Jean Minault hết lòng về sự đào sông làm cho hạt Thái-Bình đến nay được giầu thịnh. Quan công-sứ Gaston perret hết lòng về việc đê, vì sự vỡ đê mà tự chết. Muốn biết tường công-đức của hai quan công-sứ ấy, nên xem bức bia ở Thái-Bình.