Tư tưởng nhà Nho có phải là cái tư tưởng bợ đít?

Tư tưởng nhà Nho có phải là cái tư tưởng bợ đít?  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 6 (5 Septembre 1936), trang 6.

Gần nay có người ký tên Trần Duy Vôn viết một thôi dài trên tờ báo Tràng An dưới cái tổng đề “Tư tưởng nhà Nho”, có tới mười mấy bài. Tôi chưa được hân hạnh biết ông Trần Duy Vôn là ai.[1] Nhưng sự ấy không hại gì, thấy bài cứ đọc bài là đủ.

Bực mình một nỗi, sau khi đọc đôi ba bài đầu thì tôi thấy cái khiếu (e không gọi được là tư tưởng) của tác giả còn bế tắc quá. Rồi tôi không theo nữa và cũng không để ý làm chi. Vì nghĩ rằng báo Tràng An đăng những bài ấy cốt để khoe cái gàn dở của mình thì cứ để mặc cho người ta khoe.

Ngặt lắm là tới ngày 18 Août vừa qua, Tràng An ra số 148, lại thấy cái tổng đề “Tư tưởng nhà Nho”, ông Trần Duy Vôn còn có bài nữa, bài “Cảm tưởng sau khi tạm biệt kinh thành Huế”, làm tôi không còn có thể bỏ qua mà không nói tới được.

Chính vì đối với bài ấy của ông mà tôi viết bài phê bình này. Bài này để dưới mục phê bình cho nó có vẻ đằm một chút, chứ kỳ thực nó là một bài bác luận, công kích, bài trừ một cái tư tưởng hủ lậu mà ô uế, nếu tự nó có thể gọi là tư tưởng.

Tôi không biết ông Trần Duy Vôn tự xưng nhà Nho mà ông đã học theo cái đạo Nho nào. Nếu cứ theo bài của ông mà tin đó là tư tưởng nhà Nho thì than ôi, tư tưởng nhà Nho ngày nay chỉ là cái tư tưởng bợ đít!

Nhưng, tư tưởng nhà Nho có phải là cái tư tưởng bợ đít? Điều ấy, rồi đây người ta còn cần phải hỏi lại ông Trần Duy Vôn!

Nãy giờ tôi quên: tôi dùng hai chữ “bợ đít” nghe nó thô tục mà tôi chưa xin lỗi bạn đọc. Xin bạn đọc biết thấu cái chỗ nghèo chữ của tôi, vì nếu không dùng hai chữ ấy thì tôi không còn biết lấy chữ chi để tả cho đúng cái ý tứ của tác giả họ Trần!

Vào bài, tác giả bợ đít cái kinh thành Huế. Rồi bợ đít Hoàng thượng. Rồi bợ đít các quan Thượng thư. Nói tóm lại toàn bài không còn có ý gì ngoài sự bợ đít cả. Ấy thế mà ông Trần Duy Vôn dám bảo đó là tư tưởng nhà Nho!

Dưới này tôi xin thuật đại khái những lời của tác giả và thuật đến đâu, công kích đến đó, đính chánh đến đó để bài xích cho tiệt cái tư tưởng hủ lậu mà ô uế định rải rắc vào óc người ta. Tôi xin phân bua một lần nữa: tôi đội lốt phê bình mà làm việc ấy chứ chẳng phải tôi phê bình.

Từ hồi Tây lại đến giờ, vì cái trục chánh trị xoay đi hướng khác mà Huế không còn giữ được cái tư cách kinh đô của một nước nữa. Huế đã phải nhường cái địa vị ấy cho Hà Nội, Sài Gòn, mà hạ mình xuống đứng ngang hàng với Vinh, với Tourane, với Quy Nhơn chẳng hạn. Ai đui hay sao mà chẳng thấy ở Huế dân cư ít ỏi, nhất thiết cái gì cũng kém hai cái đô thành của Nam, Bắc lưỡng kỳ? Phủ Toàn quyền đóng sáu tháng tại Hà Nội, sáu tháng tại Sài Gòn, điều ấy bảo chúng ta rằng cho đến chánh trị, Huế cũng đã hết cái thời kỳ trọng yếu.

Hiện trạng rõ ràng như vậy, ông Trần Duy Vôn tự bịt con mắt mình đi để nói được rằng Huế là trung tâm điểm nền chánh trị Việt Nam, là linh hồn của Tổ quốc. Cố nhiên là ông Trần Duy Vôn nói dối. Sự nói dối ấy không có làm gì nếu chỉ là Trần Duy Vôn nói dối; nhưng thực ra thì nó có hại, vì tác giả đã vỗ bụng mà xưng rằng đó là tư tưởng nhà Nho.

Huế chẳng phải là trung tâm điểm của nền chánh trị Việt Nam, cũng chẳng phải là linh hồn của Tổ quốc, thế mà họ Trần lại tưng bốc nó như thế, chẳng qua chỉ muốn bợ đít nó.

Khả ố nhất là ông Trần Duy Vôn bợ đít Hoàng thượng. Ông đã sánh Hoàng thượng với vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Thành Vương; lại tán bá thàm rằng Hoàng thượng cũng như Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế.

Làm sao lại có người thích nhắm mắt để nói bậy! Nghiêu, Thuấn, Thành Vương, Tần Hoàng, Hán Võ là những ông vua đời cổ, sao lại đem so được với một vị hoàng đế đời nay? Huống mấy ông vua đó tư cách khác nhau, hoặc đến trái nhau, ông loạn óc rồi hay sao mà đem Hoàng thượng bì với Nghiêu, Thuấn, Thành Vương, lại còn đem bì với Thủy Hoàng là một vị bạo quân, gây ra cái mầm vong quốc?

Chúng ta nên biết một ông vua đời nay nếu còn muốn làm vua mãi thì không đem mà so bì với những vua chuyên chế đời xưa được. Vua đời nay muốn làm như vua Thuấn lấy đến hai vợ cũng còn không được nữa là bạo ngược như Tần Thủy Hoàng. Nước ta tuy chưa phải một nước lập hiến, chứ kể thực sự thì Hoàng thượng cũng đã như ông vua nước lập hiến. Thế thì mong cho ngài được như vua Nhật, vua Xiêm còn có lý, việc quái gì lại lôi đến nhị Đế tam Vương?

Người ta đi guốc trong bụng ông Trần Duy Vôn: ông ấy tưởng những Nghiêu, Thuấn, Thành Vương, Tần Hoàng, Hán Võ đời xưa là thánh đế minh quân hẳn; bây giờ muốn bợ đít Hoàng thượng, không còn gì hơn đem các ông ấy đọ với ngài. Nhưng bợ đít như vậy để làm gì? Có được gì không? Nếu quả thật nhà Nho mà như thế thì cái nhà Nho ấy cũng nên nhờ Tần Thủy Hoàng là ông vua “đại anh hùng” của Trần Duy Vôn chôn đi mới đáng.

Đến lượt ông Trần Duy Vôn bợ đít các quan Thượng thư thì tôi tưởng chính các ngài cũng phải tức mình mà khạc trêu ông, chứ đừng nói kẻ bàng quan như tôi thấy mà khó chịu.

Tác giả đem sánh quan Thượng thư Bộ Giáo dục là ông Phạm Quỳnh với ông Quỳ, quan Thượng thư Bộ Tư pháp là ông Bùi Bằng Đoàn với ông Cao Dao, ông Thái Văn Toản, Thượng thư Bộ Lại với ông Chu Công, ông Tôn Thất Quảng Thượng thư Bộ Công với ông Đại Võ. Đến chỗ này thì không cần tôi giãi bày nữa, bạn đọc cũng dư rõ cái người làm sự so sánh ấy có tâm địa thế nào... Chỉ bợ đít mà thôi!

Tác giả đã gọi nó bằng tư tưởng, chúng ta cũng cho đi là tư tưởng. Chúng ta chỉ cần phải giết chết cái tư tưởng ấy khi nó mới rải ra, đừng để nó nứt mầm lên giữa xã hội.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Có lẽ đây là tác giả Trần Duy Vôn, tự hiệu Nhàn Vân Đình, quê tỉnh Nam Định, từng đỗ cử nhân Hán học, đến những năm 1970 có cộng tác dịch thuật và nghiên cứu tư liệu với Viện nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội.