Tôi không mâu thuẫn
Trả lời ông Nguyễn Trọng Thuật trong báo Nhật tân
Báo Nhật tân số 7, ra ngày 13-9-1933, ông Nguyễn Trọng Thuật có bài phản đối một vài ý kiến của tôi trong bài phê bình bản dịch Trung dung đăng ở Thực nghiệp dân báo từ mấy tháng trước.
Trước bài ông Nguyễn, Nhật tân có để mấy lời tòa soạn, nhắc lại hồi trước ông Nguyễn có gởi bài này cho Dân báo mà sao không thấy đăng, lấy làm lạ.
Sự không đăng bài này ở Dân báo là tại tôi, hôm nay tôi phải nói ở đây mà chịu trách nhiệm. Số là dạo ấy tôi mới đến Hà Nội, Dân báo vừa ra số đặc biệt, có nhờ tôi viết một vài bài thì tôi đã viết bài phê bình này và đăng trong số đặc biệt ấy. Một tờ báo hằng ngày như Dân báo mà viết những bài như bài này là không hiệp thể thức; có điều đăng ở số đặc biệt thì cũng không đến nỗi sao. Ấy là theo tôi nghĩ.
Sau đó, ông Nguyễn gởi bài tới phản đối, tôi nghe nói, đến tòa báo mượn về xem, rồi tôi giữ luôn trong ngăn kéo của tôi cho đến bây giờ. Tôi có xin tòa soạn Dân báo đừng phát biểu bài ấy, lấy cớ rằng nếu phát biểu thì sẽ thành một cuộc bút chiến “tử con viết rằng” trên tờ báo hằng ngày, vô vị lắm; chờ khi nào có ra số đặc biệt nữa rồi sẽ phát biểu. Nay tôi thú ra đây rằng đó là tôi mượn cớ; kỳ thực tôi thấy bài ông Nguyễn sự lý khí non nớt, trả lời thì cái chỗ non nớt ấy sẽ bị phơi ra, hoặc làm mích lòng ông chăng, tôi không muốn.
Rõ bách tôi quá! Việc tôi không muốn làm mà bây giờ tôi phải làm!
Bài ông Nguyễn đăng ở Nhật tân đây, tôi xem gọn ghẽ hơn bài gửi cho Dân báo; tuy vậy, sự lý thì như một. Đại ý ông Nguyễn trách tôi hai điều: một là ý kiến mâu thuẫn; một là chua chữ sai.
Ý kiến mâu thuẫn ‒ Ông Nguyễn nói tôi đã nhiều lần tuyên nguyên rằng không hiểu sách Trung dung là gì, lẽ thì tôi không đả động gì đến mới phải, sao lại còn phê bình bản dịch mà xem thử có đúng nghĩa với nguyên văn? Ông lấy một cái ví dụ: Một người đứng xem đá bóng đã tuyên ngôn rằng không biết cái cách đá bóng ra thế nào rồi, sao lại còn sấn vào phân xử sự phân tranh cho hai bên trong chỗ đấu trường?
Ông Nguyễn Trọng Thuật nói mới lạ chứ! Tôi chịu rằng tôi không hiểu sách Trung dung, thì sao tôi lại không phê bình được bản dịch Trung dung? Tôi thì tôi nói rằng mặc dầu tôi không hiểu, tôi cũng có quyền phê bình xem dịch đúng với nguyên văn hay không đúng.
Nếu cái việc tôi không có quyền làm mà tôi làm, ắt tôi sẽ làm bậy. Nay tôi đã làm mà làm phải, phải đến nỗi ông Nguyễn Trọng Thuật biểu đồng tình, thế đủ chứng tỏ ra cái việc ấy tôi có quyền làm!
Trong bài phê bình của tôi, tôi có trích ra mấy chỗ dịch giả đã dịch sai, thì ông Nguyễn cũng biểu đồng tình với tôi mà nói rằng: “Tôi cũng nhận như ông Phan Khôi là dịch sai”. Đó, ông Nguyễn, ông đã nhận cho cái thành tích sự phê bình của tôi là tốt rồi, tôi hỏi ông, tại làm sao ông còn trách về cái khởi niệm của sự phê bình ấy là không chính đáng?
Tôi đố ông hiểu được! Việc ông làm ra, do lòng ông nghĩ ra, ông không hiểu, nhưng tôi hiểu.
Tôi hiểu rằng trong khi viết bài phản đối này ông đã nhận sai, ông đã nhận hai việc làm một việc. Nghĩa và lý, ông đã đánh xô bồ làm một.
Tôi nói tôi không hiểu sách Trung dung là không hiểu về phần lý kia. Trí trung hòa mà làm sao cái công hiệu lại đến thiên địa vị, vạn vật dục? Đại để những chỗ đó tôi mới không hiểu. Chứ còn về phần nghĩa, tôi cũng như ông, sao tôi lại không hiểu? Tôi hiểu nghĩa Trung dung cho nên tôi mới phê bình bản dịch. Tôi đã hiểu rồi mới phê bình, cho nên phê bình mới đúng, đến nỗi ông biểu đồng tình cùng tôi.
Tóm lại, tôi đã tuyên ngôn không hiểu sách Trung dung thì duy có khi nào tôi phê bình sách ấy, ông mới nên phản đối; còn nay tôi phê bình bản dịch mà cái thành tích của sự phê bình ông đã cho là tốt, thì ông còn phản đối cái gì? Còn phản đối vào chỗ nào? Bởi đâu ông thấy được có sự mâu thuẫn ở trong tôi? Nghĩa với lý rạch làm hai, tôi cưa mạch nào đứt mạch ấy, sao ông bảo là mâu thuẫn?
Bây giờ bỏ bản dịch Trung dung đi, nói đến nguyên thư. Tôi không hiểu phần lý của nguyên thư thì tôi không có quyền phê bình, tôi không đặt miệng vào sự phải trái của nó được; nhưng sao lại cấm tôi đừng đả động? Tôi không đả động đến phần lý của nó thì sao cho phơi bày được cái sự không hiểu của tôi ra? Cho nên tôi cũng xin ông Nguyễn Trọng Thuật hiểu chỗ ấy và từ nay cho phép tôi đả động đến sách Trung dung.
Tôi là thằng cha dốt nghề đá bóng, không hiểu kỷ luật nó thế nào. Trong khi tôi đứng xem, nhân một sự đã xảy ra sao đó rồi cãi nhau, họ hỏi đến tôi, tôi bèn lấy sự mắt thấy ra làm chứng cách công bình, chứ tôi chẳng hề sấn vào đòi làm giám cuộc mà phân xử đến sự được thua là sự quan hệ đến kỷ luật.[1] Ấy, cái ví dụ của tôi là thế. Thế thì chẳng có mâu thuẫn gì tất cả.
Chua chữ sai ‒ Trong bài phê bình của tôi, tôi có dùng chữ “chủ nghĩa tồn nghi”. Sợ mấy người không thạo chữ Hán không hiểu nghĩa tồn nghi là gì hoặc hiểu không rõ, nên tôi mới chua thêm chữ tây là “Agnosticisme”. Tôi sợ thế ấy nó lại trật qua thế khác. Nay chính ông Nguyễn Trọng Thuật là người thông chữ Hán trở lại không hiểu đúng nghĩa chữ tồn nghi rồi bảo tôi chua chữ Tây sai.
Trước hết ông nói rằng: “Tồn nghi là (còn) ngờ, còn ngờ thì còn có thể để lại rồi xét sau, chớ agnosticisme thì là cái chủ nghĩa nó tỏ ra một cách rằng thần trí loài người không thế nào hiểu tới được, tức là “bất khả tri” hay là “bất khả tư nghị” vậy”.
Theo nghĩa chữ “tồn nghi” mà ông hiểu đó, ông bảo tôi chua như thế là sai cũng phải. Kỳ thực, nghĩa chữ tồn nghi đâu có phải như ông đã cắt nghĩa.
Nay tôi xin đính chánh lại rằng tồn nghi là sự nghi còn hoài hoài. Trong sách nho có chữ tồn nhi bất luận 存 而 不 論, nghĩa là đối với cái gì mình không hiểu, cứ để nó còn đó hoài hoài mà không bàn đến. Chữ “tồn” tôi cắt nghĩa là “còn”, lại thêm chữ “hoài hoài” nữa, chắc ông sẽ bảo là tự tôi bịa ra. Không, cái ý của nó thật quả như thế, bởi vậy chữ exister, existance, người ta mới dịch là tồn tại 存 在. Chính chữ “tồn” trong chữ “tồn nghi” cũng đồng một nghĩa với chữ “tồn” trong chữ “tồn nhi bất luận” và “tồn tại”, để tỏ ra rằng sự nghi còn hoài hoài. Chẳng những thế thôi, “tồn nghi” cũng tức là “tồn nhi bất luận” nữa.
Ông bảo tồn nghi là còn ngờ, còn ngờ thì còn có thể để lại rồi xét sau. Câu này ông khéo dùng hai chữ “còn” thành ra nghe như có lý, chứ thực ra thì sự ngờ mà đã còn thì nó còn hoài hoài, sau còn xét gì nữa mà để lại?
Sự ngờ nào mà về sau còn có thể xét lại thì sự ngờ ấy không được nói là tồn nghi mà phải nói là hoài nghi. Chữ hoài 懷 nghĩa là ôm vật gì vào lòng, cho nên đàn bà có mang, nói “hoài thai”. Vật gì ôm vào ắt có lúc thả ra, cho nên hoài nghi là cái nghi có lúc giải cũng như hoài thai, cái thai có lúc đẻ, khác với tồn nghi là cái nghi cứ còn hoài hoài với trời với đất! (Xin ông Nguyễn và độc giả tha lỗi, câu này tôi có ý dùng đùa cái điển (!) “thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn” để pha trò chơi cho vui).
Tôi nói: Sự ngờ nào mà để sau xét lại, ấy là hoài nghi, tiếng Tây, thuộc về scepticisme; còn sự ngờ nào mà còn hoài hoài, tức là sự mình không biết mà cứ để đó, ấy là tồn nghi, tiếng Tây, thuộc về agnosticisme. Thế thì ở dưới chữ “tồn nghi”, tôi chua chữ agnosticisme, sao ông Nguyễn lại bảo tôi chua lầm?
Chữ agnosticisme, chỉ về sự vật gì cao diệu quá trí khôn người ta, người ta không thể biết được, phải đành để đó, nên thường dịch là “bất khả tri luận”. Nhưng điều gì mình đã không có thể biết được, tất cũng phải còn có sự nghi ngờ trong lòng mình hoài hoài, như thế, sao lại chẳng dịch được là tồn nghi?
Ông Nguyễn bảo tôi chua sai rồi, còn nói thêm rằng cái chủ nghĩa bất khả tri, nhà khoa học thường dùng mà đối với cái lẽ gì kia, như cái thuyết Thượng đế, linh hồn cùng bản thể của vạn vật kia; chứ Trung dung là cái nghĩa muốn đem thực hành giữa nhân sinh mà cũng đến bất khả tri, thì ông cho là không còn gì quái gở bằng. Hay! Sao ông nói lẩn thẩn thế? Trước khi tôi bảo nó là bất khả tri, tôi đã đả động đến nó rồi, tôi có cử ra mấy điều bất khả giải trong Trung dung rồi; những điều đó ông cũng có nhắc đến trong bài phản đối của ông, mà ông còn lấy làm quái gở hay sao? Khi ông chưa giải đáp được những điều đó, ông không có phép bảo cái thuyết của tôi là quái gở.
Thật, cái thái độ của tôi đối với sách Trung dung cũng như các nhà khoa học đối với cái thuyết Thượng đế và linh hồn. Trừ ra khi có ai giải đáp những điều nghi vấn của tôi mà tôi hết chỗ hỏi vặn lại thì tôi mới tin. Mà con người ấy, phi Khổng Tử, Tử Tư sống lại, đời không có nữa; cho nên tôi đối với nó đành giữ chủ nghĩa tồn nghi, ngờ nó hoài hoài, tức là “agnosticisme”.
Rốt bài ông Nguyễn có chỉ trích vài câu tôi dịch thử Trung dung, ông cho rằng sai đi mấy chữ. Tôi coi việc đó không quan trọng lắm vì không phải việc của tôi cho nên tôi bỏ qua. Xin biết cho rằng báo này là báo phụ nữ, đem sách vở chữ nho nói vào đây đã quá lắm rồi, nếu còn kiện nhau từng chữ, ắt sẽ làm bực mình độc giả hơn nữa. Vậy tôi xin chịu nợ ông ấy về khoản đó.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Từ ‟kỷ luật” chỗ này nên được hiểu là ‟luật chơi” ngày nay.