Phê bình bản dịch Trung dung của Hà Tư Vị và Nguyễn Văn Đang
Hiện ở nước ta, quốc văn nếu muốn thành lập thì bao nhiêu sách vở chữ Hán ta đã học từ trước, phải dịch ra quốc ngữ hết: ấy là một việc cần phải làm, không làm không được, và làm sớm chừng nào hay chừng nấy; chúng tôi cũng nhìn nhận như thế.
Đã thấy có người dịch Kinh Thi, Đại học, Luận ngữ, Mạnh tử ra rồi; hiện nay lại có người dịch đến Trung dung.
Ấy là hai ông Hà Tư Vị và Nguyễn Văn Đang đã chịu khó làm nên công việc cần yếu này. Dịch xong, ông Nguyễn Văn Đang lại cùng ông Hà Ngọc Thụ đứng in thành sách, sách in rất đẹp, đáng khen.
Riêng về phần tôi, người viết bài phê bình này, vẫn nhìn nhận từ trước rằng mình không hiểu sách Trung dung cho lắm. Đại để như một chỗ kể cái công hiệu của nó to tát quá, nói rằng: "Trí trung hòa, thiên đại vị yên, vạn vật dục yên"; theo bản dịch Hà-Nguyễn, dịch rằng: "Rất mực cân bằng (trung) và êm ái (hòa) thời trời đất yên ngồi, không sinh ra tai biến, muôn vật sinh dục điều hòa, không sinh ra tật dịch". Tôi chẳng biết một người suy tất cả đức trung hòa của mình thì làm sao lại có được cái công hiệu đến như thế!
Trời ở trên, đất ở dưới, cái ngôi của nó lúc nào mà chẳng yên? Muốn cho muôn vật khỏi tật dịch thì tôi tưởng chỉ có dùng hợp vệ sinh phòng bệnh, chớ như những là thổ tả, hạch chuột, thì dầu cho chính bậc thánh nhân có trí trung hoà đến đâu cũng chẳng làm gì trừ được nó. Vả lại từ xưa đến nay chẳng hề có ai ‒ dầu là ông vua nữa ‒ bởi đức tính xấu, không rất mực trung hòa mà lại làm được cho trời nghiêng đất ngửa, muôn vật chết dịch chết toi hết bao giờ.
Lại những chỗ nói về lẽ trung dung, Khổng Tử nói rằng: "Trung dung kỳ chi hĩ hồ dân tiển năng cữu hĩ!" Lại rằng: "Thiên hạ quốc gia khả quân dã, tước lộc khả từ dã, bạch nhẫn khả đạo dã: trung dung bất khả năng dã!". Tiển năng thì còn là ít ai hay, chớ đến bất khả năng thì là ngài nói mồn một rằng tuyệt đối không thể biết và làm theo lẽ trung dung ấy được. Một cái lẽ mà đã khó hiểu khó theo như vậy, sao còn đem mà dạy thiên hạ làm chi? Như thế thì sao có người lại bảo rằng trung dung là lẽ bình thường?
Tóm lại là, đối với sách Trung dung tôi chỉ giữ một cái chủ nghĩa tồn nghi (agnosticisme). Tồn nghi, tức là như đức Khổng nói: "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã". Chính thế, với sách Trung dung, tôi không biết thì tôi nói rằng tôi không biết.
Nhưng về sự dịch sách Trung dung ra quốc văn thì tôi cũng không hề phản đối, vì cái lẽ đã nói trên đầu bài này. Có một điều nên hỏi, là dịch có đúng cùng chăng đó thôi. Tôi phê bình bản dịch này cũng chỉ chăm vào một chỗ đó, hỏi hai ông Hà và Nguyễn dịch có đúng cùng chăng đó thôi.
Người ta nói sách Trung dung của Tử Tư làm ra, tôi không biết có chắc không, nhưng hẵng tạm nhận là của Tử Tư làm. Dầu thế cũng lại phải biết rằng còn có sách Trung dung của Chu Hy nhà Tống nữa, ta chớ nên lầm của người nầy ra của người kia.
Tôi nói thế, nghĩa là: sách Trung dung của Tử Tư là sách cổ, về sau Chu tử sợ người ta không hiểu mà lấy ý mình giải vào. Có chỗ chữ đâu nghĩa đó, giải đúng với ý Tử Tư, chẳng nói làm chi; còn có chỗ nguyên văn một nơi, giải nghĩa một nơi, những chỗ ấy đủ làm cho sách Trung dung của Tử Tư thành hẳn ra của Chu tử chớ không còn dính dáng gì với Tử Tư nữa; điều đó ta rất nên để ý, nhứt là trong khi ta đem mà dịch ra quốc ngữ.
Bản dịch này có thanh minh, trong bài tựa, rằng dịch theo sách Chu Hy chương cú thế thì hẳn là có những chỗ theo ý kiến của vị Tống nho kia mà chẳng còn phải là của ông cháu nhà họ Khổng.
Như câu đầu hết: "Thiên mạng chi vị tính", cứ đó mà cắt nghĩa, chẳng qua nói được rằng "cái điều trời phú cho mình ấy gọi là tính", thế thôi. Vậy mà Chu tử lại thêm vào, nói rằng trời lấy âm dương ngũ hành mà phú cho người, ấy gọi là tính; thành ra bản dịch theo thuyết ấy, làm lời bổ nghĩa rằng:
"Trời lấy âm dương tức là cang nhu và ngũ hành tức là kim mộc, thủy, hỏa, thổ hóa sinh ra nhân vật; trời phó cho ngay những nhân vật ấy đủ cả các lẽ thường đều thuộc về âm dương ngũ hành, tức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tức là tính".
Một câu "thiên mạng chi vị tính" mà giải ra như vậy đó, ai xem vào sẽ nghĩ thế nào, chớ tôi, xin thú thật là không hiểu.
Nói trời lấy âm dương tức là cang nhu phú cho người, thì còn nghe được; chớ như lấy ngũ hành tức là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ mà phú cho người, là nghĩa làm sao? Sắt, cây, nước, đất, lửa, người ta có thể lấy những vật ấy mà chế tạo ra vật khác, như rèn sắt làm con dao, chuốt cây làm cái thước, nung đất làm đồ sành … thì được; song lấy những vật ấy nặn nên hình người cũng còn không được thay, huống nữa là phú cho làm tính! Đến như những lẽ thường tức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, của trời phú cho, mà cho rằng đều thuộc về âm dương ngũ hành thì cũng lại rất là bất thông. Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thì cứ việc nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, nó độc lập không được sao mà bắt nó phải thuộc về âm dương ngũ hành? Việc gì lại bắt nó phải thuộc về như thế?
Trong đoạn đó có dùng chữ "nhân vật" cũng lại là kỳ quái lắm nữa. Đây chỉ nói trời phú tính cho người mà thôi, sao lại nói cả đến vật nữa? Thế thành ra con mèo, con chó, cây tre, cây chuối cũng đều có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, là tính tự nhiên của trời phú cho hay sao? Nhưng đó là cái lỗi của dịch giả, không phải của Chu tử, vì Chu tử chẳng hề nói thế bao giờ.
Câu đầu của sách Trung dung đây để cắt nghĩa về cái nguyên lý của sự sống, luôn với hai câu kế theo đều giảng về cái cội gốc của một cái triết học. Thế mà dịch giả không dịch đúng theo nguyên văn, nhè đi theo lời bịa đặt của hậu nho mà giải thích, thành thử mất cả bản ý của tác giả.
Dịch sách Trung dung, gặp chỗ trọng yếu như chỗ này, ắt là dịch giả phải thông thạo các phái triết học của Trung Hoa xưa nay đã thay đổi thế nào thì mới khỏi nhắm mắt theo càn, cắm cằm bà kia bằng râu ông nọ.
Số là triết học Tàu từ Khổng Tử trở về trước có nói tính có nói âm dương, có nói ngũ hành, nhưng mà mỗi cái riêng ra, không nhập một cùng nhau. Thuyết âm dương bắt đầu trong kinh Dịch, nói "nhất âm nhất dương chi vị đạo": một âm một dương gọi là đạo chớ không thì gọi là tính. Còn Tùng hành thấy trước nhất ở thiên Hồng phạm của Kinh Thư, nói nó là cái nguồn sanh sản ra muôn vật chớ không nói lấy nó làm nên tính người. Sau đó ước hai ngàn năm, đến Tống nho, mới bắt đầu lấy âm dương ngũ hành làm căn bản của triết học, cho nên bất kỳ giải thích điều gì cũng đem âm dương ngũ hành mà xem vào được hết. Tự nhiên Chu tử cũng lấy đó mà giải câu "thiên mạng chi vị tính".
Kỳ thực, "thiên mạng chi vị tính" nghĩa là gì? Tử Tư thấy người ta sanh ra đói thì biết đòi ăn khát thì biết đòi uống có cha có mẹ thì biết yêu thương… Sự biết đòi ăn đòi uống và biết yêu thương cha mẹ đó, phải gọi nó là gì, âu là gọi nó bằng "tính". Cái tính ấy ở đâu mà ra, không ai biết được, chỉ thấy nó tự nhiên mà có, âu là bảo rằng từ trời phó cho. Cứ chính văn mà cắt nghĩa thì ý Tử Tư hay là ý Khổng Tử cũng chỉ có thế mà thôi, chớ chẳng hề nói tới âm dương ngũ hành gì cả. Nếu chúng ta đem âm dương ngũ hành mà giải thêm vào thì thành ra sai nghĩa, vì đó là theo triết học của Tống nho, chớ chẳng phải của Khổng Tử và Tử Tư.
Trên đây, tôi cử ra một câu đầu sách để cho thấy hễ dịch theo Chu Hy chương cú, không theo nguyên văn, thì ắt có sự sai lầm như thế đó thôi. Một câu gốc từ đầu đã sai thì về sau hẳn còn theo đó mà sai nữa, nhưng vì tờ báo nầy buộc tôi không được viết dài quá, nên tôi không có thể chỉ trích ra cho hết.
Ấy là nói về phương diện nghĩa lý; còn về phương diện văn tự nữa, cũng nên nói tới một vài nơi.
Dịch Hán văn, ‒ mà cho văn nào cũng thế ‒ cốt phải thông thạo văn pháp (grammaire) cho lắm thì dịch mới khỏi trật. Văn pháp chữ Hán, trọng nhất là những chữ gọi bằng hư tự, tức là như chi, hĩ, giả, kỳ, hồ, v. v... Bản dịch này có nhiều chỗ hình như dịch giả không để ý về văn pháp cho lắm, thành ra dịch hỏng.
Như câu: "Nhân dai viết dư tri, khu nhi nạp chi cổ hộ hãm tỉnh chi trung nhi mạc chi tri tị dã". Chữ chi cuối cùng trong câu ấy mà chua nghĩa là "ai" thì sai lạc chẳng biết đến chừng nào mà kể!
Muốn dịch câu này cho đúng, phải hiểu những điều về văn pháp chữ Hán như dưới này:
- Chữ "mạc" là pronom personnel[1] dùng làm sujet trong những câu négatif, giống như chữ aucun trong tiếng Pháp. Thế thì phải cắt nghĩa chữ "mạc" là "chẳng ai".
- Chữ "chi" cũng là pronom personnel dùng để thế cho một hoặc nhiều nom nào đi trước, mà trong câu phải có verbe transitif; nó giống với những chữ le, la, les trong tiếng Pháp.
- Chữ "chi" ấy, khi dùng trong câu positif thì nó ở sau verbe. Như nói: "Thử nhân, ngã dĩ kiến chi" = người ấy, tôi đã thấy "đó" rồi. Còn khi dùng trong câu négatif thì nó lại phải ở trước verbe. Như nói: "Vị chi kiến, bất chi tri, mạc ngã khẳng cố", v. v…
Đã hiểu những luật ấy rồi thì tự nhiên phải cắt nghĩa câu "mạc chi tri tị dã" là "chẳng ai biết lánh điều đó vậy". Điều đó tức là chữ "chi", chỉ về bốn chữ "cổ hộ hãm tỉnh" ở trên. Như thế thì làm sao lại cắt nghĩa chữ "chi" là "ai" được?
Lại chữ "yên" là để thế cho những noms hay pronoms nào mà trong câu có verbe intransitif giống như chữ y hoặc où trong tiếng Pháp. Phải cắt nghĩa chữ "ở đó" mới đúng. Thế mà trong bản dịch này, bao nhiêu chữ "yên" đều chua là "vậy" cả. "Yên" là vậy, thì nó còn có khác gì với chữ "dã" đâu?
Còn có chữ "chư" là để thế cho chữ "chi ư", khi nào nên nói chi ư thì nói chư, thế là trong chữ préposition lại hàm có chữ pronom vào đó. Luật này cũng như luật articles contractés tức là du pour de le, au pour à le trong tiếng Pháp. Thế mà chỉ dịch chữ "chư" là "ở" thì cũng không hết nghĩa.
Trong Trung dung hay dùng cách đặt câu bằng lời không quả quyết, là cách "kỳ… hĩ hồ". Cách này cũng hơi giống như trong tiếng Pháp, ở verbe dùng mode subjonctif.[2] Vậy thì khi dịch những câu ấy không được dùng lời quả quyết.
Vậy mà "phụ mẫu kỳ thuận hĩ hồ", dịch là "tất nhiên cha mẹ được vui lòng"; "Quỷ thần chi vi đức kỳ thịnh hĩ hồ", dịch là "quỷ thần có đức thịnh lắm", thì thật trái hẳn với nguyên ý, vì chữ "tất nhiên" và chữ "lắm", là giọng quả quyết rồi!
Về phần văn tự cũng như về phần nghĩa lý, tôi chỉ ra ngần ấy chỗ cũng đã dài quá cho cái bài nầy lắm rồi. Vậy xin tóm tắt vài lời kết luận cho xong việc phê bình một quyển sách.
Sự phê bình quý hồ cho công chính, chỗ nào đáng khen phải khen, chỗ nào đáng chê hãy chê. Có người đọc bài này, chắc lấy làm lạ rằng sao chỉ thấy chê mà khen thì không thấy.
Tôi xin trả lời rằng vì phê bình một cuốn sách dịch có khác với một cuốn sách tự viết ra. Bổn phận người dịch sách là phải dịch cho đúng. Vậy dịch đúng chẳng qua là làm trọn bổn phận mình, có đáng khen gì đâu. Thế thì trong sách này nếu có nhiều chỗ dịch đúng tôi cũng không có thể hạ bút vào đâu mà khen dịch giả được, vì đó chỉ là chỗ dịch giả làm tròn bổn phận.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Các thuật ngữ chữ Pháp trong đoạn này: pronom personnel: đại từ nhân xưng; sujet: chủ ngữ; négatif: phủ định
- ▲ Các thuật ngữ chữ Pháp trong đoạn này: verbe intransitif: nội động từ; préposition: giới từ; pronom: đại từ; articles contractés: những mạo từ viết chập lại; du pour de le, au pour à le: viết du thay cho de le, viết au thay cho à le; mode subjonctif: thức liên tiếp.