Tây sương ký/Phần IV/Chương II

Một cảnh: Biệt thự họ Thôi

BÀ LỚN - (cùng cậu Hoan ra) Mấy hôm nay tôi thấy con Oanh Oanh ăn nói ơ hờ, tinh thần hoảng hốt, khổ người vẻ mặt khác hẳn ngày thường, thực lòng tôi lấy làm phân vân quá!

CẬU HOAN - Thưa tối hôm nọ bà lớn đi nghỉ rồi, con thấy cô với con Hồng ra thắp hương ngoài vườn hoa đến mãi nửa đêm không thấy về?

BÀ LỚN - Mày gọi con Hồng ra đây? (cậu Hoan gọi con Hồng)

CON HỒNG - Cậu gọi gì tôi đấy?

CẬU HOAN - Bà biết mày với cô ra vườn hoa! Bây giờ gọi mày hỏi đấy!

CON HỒNG - (giật mình) Trời ơi! Cô làm khổ lây đến tôi rồi! Cậu cứ ra trước đi, tôi ra ngay đấy! Vỉa:

Nước đầy ao ngọc uyên nằm ngủ!
Gió lọt buồng thêu vẹt lắm lời!

Hát:

Muốn cho bể rộng, sông dài,
Đi khuya về sớm hôm mai họa là!
Chỉ vì cô đắm nguyệt say hoa,
Ngày đêm tôi những lo xa ngại gần!
Nằm lười ngủ gắng hư thân!
Dầm sương dãi gió quên dần cõi xưa!
Bà thì bụng dạ không vừa!
Thật không bà cũng đổ ngờ như không!
Ngờ: cô là vợ! Cậu là chồng.
Mà con Hồng là lão tơ hồng xe quanh,
Nữa là cô sóng thu đã gợn khóc tình,
Non xuân đã lọt màu xanh, lần lần;
Gài khuyết áo riết đai quần,
So ra gầy béo mấy phần khác xưa!
Nhìn xem đã lạ lùng chưa!
Tuy rằng vẫn đẹp, hẳn như hai người!

Tôi tính lát nữa, vào trước mặt bà lớn tất nhiên bà lớn thét: Con đĩ non kia!

Trước sau tao đã dặn mày:
Nó đi đâu phải đêm ngày trông coi?
Cớ sao mày lại nghe ai,
Vạch đường cho nó chạy rông dài những đâu!
Nào đáp sao cho trôi bấy nhiêu câu?

Tôi đành lẽ phải thưa: Bẩm bà! Con Hồng từ bé đến lớn không hề nói dối... Thế rồi...

Sẽ đem kể hết gót đầu bà nghe!
Thế nhưng nào tôi có được gì cho cam!
Đôi bên má tựa, vai kề,
Trăm trò còn có trò gì trò không!
Mình tôi lại đứng ngoài song,
Muốn ho cũng phải nén lòng đứng im!
Xanh xanh rêu phủ quanh thềm!
Hài hoa thấm ướt sương đêm lạnh lùng,
Bây giờ: đem da non đỡ lấy roi song,
Thiệt mình mà hỏi nên công cán gì.

Thôi! Thưa cô, con vào đây! Nói trôi ra! Cô chớ mừng! Nói chẳng trôi ra, cô cũng đừng nên giận! Cô cứ đứng đây mà nghe ngóng nhé! (Vào trước mặt bà lớn)

BÀ LỚN - Con đĩ non kia? Sao không quỳ xuống? Mày đã biết tội chưa?

CON HỒNG - Thưa bà, con không biết ạ!

BÀ LỚN - Mày còn già mồm à? Nói thực đi ta tha cho! Bằng không nói thực, bà đánh cho con đĩ non tan xác! (Hỏi) Nửa đêm hôm nọ, mày đưa cô ra ngoài vườn hoa phải không?

CON HỒNG - Thưa không! Ai trông thấy ạ?

BÀ LỚN - Thằng cậu Hoan trông thấy! Mày còn chối à? (rút roi đánh)

CON HỒNG - Bà bất tất phải đánh con cho bẩn tay! Xin bà bớt giận, lặng nghe con kể:

Canh khuya, tạm nghỉ tay làm,
Cô cùng con nói dã đàm mấy câu!
Mãi sau mới sẽ bảo nhau,
Rằng: sao anh yếu bấy lâu chưa lành?
Trộm phép bà, hai đứa chứng mình
Sang phòng sách hỏi bệnh tình xem sao?

BÀ LỚN - Hỏi thăm à? Cậu ấy nói ra làm sao?

CON HỒNG:

Cậu ấy bảo: Chỉ tại bà, ơn đổi làm thù,
Nên chi tôi: đương mừng mà hóa ra lo mọi bề!
Cậu ấy bảo: Hồng ơi em bề ngủ trước đi!
Cậu ấy bảo: Cô còn ở lại rồi thì về sau!

BÀ LỚN - Trời ơi! Con đĩ non kia! Nó là đứa con gái, để nó ở lại làm trò gì?

CON HỒNG:

Chắc là tiêm thuốc bổ cho nhau
Cái trò trai gái biết đâu cho cùng!
Kể đến nay hơn một tháng ròng,
Đôi bên đêm vẫn nằm chung một giường!
Bà tra chi ngành ngọn rõ ràng?
Thôi đi còn được, hãy liệu đường thôi đi!
Cả đôi cùng vàng đá tri tri,
Đã biết gì là sợ! Biết gì là lo!

BÀ LỚN - Chuyện này chỉ tự mày cả! Con đĩ non kia ạ!

CON HỒNG - Đó không phải lỗi tự con, tự cô con hay tự cậu Trương, mà lỗi tự bà cả!

BÀ LỚN - Con đĩ non kia! Dám đổ lỗi cho bà! Thế nào là lỗi tự ta?

CON HỒNG - Thưa bà, người ta ở đời, cốt có chữ tín, cái đó rất không nên! Hồi giặc vây chùa Phổ Cứu, bà hứa ai lui được giặc, bà gả con gái cho! Cậu Trương ví không say nhan sắc của cô con, thì có hoài công đâu mà bầy mưu, lập kế? Sau khi giặc tan, nhà yên, bà hối ngay lời hứa trước! Thế có phải là thất tín không? Bà đã không bằng lòng gả, thì nên đền công cho ít vàng lụa, để cho cậu ấy xa hẳn nhà này ra! Đâu có lẽ lại mời ở lại phòng sách, để cho gái không chồng, trai không vợ, gần kề gang tấc, dòm dỏ lẫn nhau? Ấy chỉ vì thế mà có câu chuyện này! Bây giờ nếu bà không bưng bít đi thì: một là nhơ nhuốc đến gia phả nhà ông lớn, hai là cậu Trương làm ơn mà thành ra phải chịu nhục, ba là kiện đến cửa quan, trước hết bà cũng có tội trị nhà không nghiêm. Chi bằng bà: đại lượng bỏ qua lỗi nhỏ, tác thành cho xong việc lớn! Như thế là tiện hơn cả!

"Gái to đừng để trong nhà!"
Phương ngôn đã dạy, dạy là chẳng sai!
Bên thì tài mạo tuyệt vời...
Bên thì sắc nước, hương trời ai hơn...
Bên thì công hạnh vẹn toàn...
Bên thì kinh sử thuộc trơn làu làu...
Lôi thôi ra, có được gì đâu!
Thù sâu đem trả ơn sau sao đành?
Lý ru? Còn phải có tình!
Cầu quân, phá giặc, công trình bao nhiêu
Cậu Trương mà nhục nhã đến điều,
Thì quan tướng cũng trăm chiều xấu xa?
Làm chi tội báo oan gia?
Sao cho khỏi hại thịt da nhà mình!
Dám xin bà lớn làm thinh!

BÀ LỚN - Con đĩ non này, nói nghe ra cũng có lẽ! Thật ta cũng vô phúc mới đẻ ra đứa con gái hư như vậy! Đến quan ra, cũng nhục nhã cho ông, cha lắm! Thôi! Thôi! Nhà ta đây, trai không có phạm tội, gái không có hai chồng... Đành gả cho thằng khốn nạn ấy vậy! Hồng! Mày hãy vào gọi con đĩ ấy ra đây cho ta!

CON HỒNG - (mời) Thưa cô! Chiếc roi của bà lớn cứ lượn mãi ở trên mình con, nhăm nhăm chỉ chực xơi thịt! Thế mà con nói trôi đấy! Bây giờ bà mời cô sang!

OANH OANH - Thẹn chết đi mất! Còn mặt mũi nào trông thấy mẹ?

CON HỒNG - Trời ơi! Cô lại còn... Trước mặt mẹ, có việc gì mà thẹn! Thẹn thì đừng... có được không!

Đầu cành vừa thấp thoáng ánh trăng.
Cuối vườn cô đã băng chừng tìm hoa,
Làm con cũng thẹn lây mà...
Tỳ răng cắn vạt áo là đứng yên.
Sẽ đưa con mắt liếc nhìn,
Thấy cô để hở gót sen bên ngoài...
Bên thì ấm ứ van nài,
Bên thì mải miết chẳng dời ra cho.
Bấy giờ sao không thẹn, thưa cô?

(Oanh Oanh vào trước mặt bà lớn)

BÀ LỚN - Con ơi con!... (Khóc, Oanh Oanh khóc theo, con Hồng cũng khóc)

Con ơi con! Con bây giờ bị người quyến dỗ, làm những việc hèn hạ như thế, đều là nợ kiếp trước của mẹ cả, còn trách ai được. Thưa đến qua ra, nhục nhã đến cha con. Con nhà một ông Tướng quốc như nhà ta, đâu có làm những việc như thế. (Oanh Oanh khóc òa lên!) Con Hồng đỡ cô, con! Thôi! Thôi! Chỉ tự ta không biết đường dạy con cả! mày ra phòng sách gọi thằng mặt chó ấy vào đây!

(Con Hồng gọi cậu Trương).

CẬU TRƯƠNG - Ai gọi tôi đấy?

CON HỒNG - Việc của cậu vỡ rồi, bà cho gọi cậu đấy.

CẬU TRƯƠNG - Chị Hồng, cực chẳng đã! Chi che đậy cho chút! Không biết đứa nào mách lẻo với bà? Tôi sợ quá, sang sao được bây giờ?

CON HỒNG - Cậu đừng vờ cẩn thận nữa! Hãy đánh bạo sang. Mau lên.

Việc vỡ rồi. Che đậy được đâu.
Chính em thú hết trước sau với bà.
Bà bằng lòng bù rượu, bù trà...
Cậu còn vẽ chuyện lo xa lo gần.
Lễ nghi, mối lái không cần!
Thiếu đâu cứ bổ vào thân con Hồng!
Tốt mã mà đoảng chuyện lạ lùng!
Ai ngờ dáp bạc lại cốt trong sáp vàng!

(Cậu Trương vào chào bà lớn)

BÀ LỚN - Cậu học trò hay chữ, há không nhớ câu "Điều gì trái với đức nết các vua đời trước, ta không dám làm!..." Giờ tôi đưa cậu đến trước cửa quan, chỉ thêm nhục nhã cho gia thế nhà tôi! Cực chẳng đã đành gả con Oanh Oanh cho cậu! Thế nhưng ba họ nhà tôi không hề kén dạng rể áo vải! Ngày mai cậu phải vào kinh thi Hội! Còn vợ cậu để đây tôi nuôi hộ! Bao giờ thi đậu làm quan thì về! Bằng thi hỏng thì đừng nhìn tôi nữa!

(Cậu Trương nín lặng quỳ lạy).

CON HỒNG - Tạ trời! tạ đất! Muôn tạ ơn bà!

Thôi chẳng còn ủ mặt, chau mày!
Tương tư nhẹ gánh từ rày về sau.
Ái ân mới chạm nước đầu...
Nào ai có liệu được đâu việc đời.
Trời sinh khuôn mặt xinh tươi,
Cũng cần phải để cho người yêu đương!

BÀ LỚN - Hồng! Ra bảo thu xếp hành lý; sắp đặt cỗ bàn rượu quả; ngày mai đem ra trường đình để tiễn cậu Trương vào kinh!

Gửi lời nhắn liễu dặn mai;
Mắt xanh sắp sẵn đưa người đi xa

(Cùng Oanh Oanh vào)

CON HỒNG:

Tiệc vui hãy đợi ngày về,
Một nhà loan phượng, bốn bề sanh ca!
Chứ bây giờ mối đã được chi mà!
Rượu cheo cỗ cưới còn là chuyện suông!

Lời phê bình cả chương

sửa

Hồi xưa cùng Trác Sơn, cùng ở trọ đất khách, mưa dầm mười ngày, nằm nhìn nhau buồn rứt! Nhân thi nhau nói những chuyện sướng để cho lòng đỡ bạo bực... Đến nay đã cách hai mươi năm cũng không còn nhớ nữa... Nhân đọc chương "Khảo hoa" ở Mái Tây thấy miệng con Hồng nói ra bao nhiêu câu sướng miệng, nghĩ lại tiếc bấy giờ sao không lục ra cùng đọc thì buồn đến đâu mà chả phải tan. Vì thế bèn cố nhớ lại, còn ghi được mấy điều phụ chép dưới đây... cũng không còn phân biệt được câu nào là của Trác Sơn, câu nào là của Thánh Thán nữa.

1. Mùa hè qua tháng bảy, mặt trời đỏ ngang trời... Gió cũng không. Mây cũng không. Sân trước, sân sau, nắng chói như lò lửa. Không một con chim nào dám bay. Bồ hôi ra khắp mình, ngang dọc thành rãnh nước. Cơm để trước mặt không sao nuốt được. Gọi chiếu muốn nằm xuống nước thì đất ướt như mỡ. Ruồi xanh lại xúm đến, leo lên cổ, đậu lên mũi, đuổi chẳng buồn đi. Đương lúc không biết làm thế nào được, bỗng mây đen kéo kín, tiếng rầm rầm rộ rộ nghe như có trăm vạn chiêng trống... Mái tranh chảy như thác. Bồ hôi trên mình biến mất! Đất ráo như lau... Ruồi bay hết. Cơm ăn thấy ngon miệng, chẳng cũng sướng sao.

2. Người bạn xa mười năm, thình lình đến vào chiều hôm. Mở cửa chào nhau xong, chẳng kịp hỏi đi thuyền hay đi bộ, cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường... Hàn huyên qua loa, liền chạy mau vào nhà trong, sẽ hỏi mẹ đĩ: Mình có được như là Đông Pha, sẵn có rượu để dành không? Mẹ đĩ tươi cười, rút cành trâm vàng đưa cho. Tính ra có thể thết khách được ba ngày... Chẳng cũng sướng sao?

3. Phòng không ngồi một mình, đương đêm nghe qua tiếng chuột bực quá. Không biết nó sồn sột gặm nát cái gì của mình? Soàn soạt xé rách sách nào của mình? Trong lòng bồi hồi, chưa nghĩ ra sao... Bỗng thấy con mãn đẹp, chú mắt, vẫy đuôi, như đã trông thấy vật gì. Nín tiếng nín hơi, đợi chờ chốc lát, thì thấy nó chồm nhanh như gió, "chí" một tiếng! Con vật đó đã chết rồi! Chẳng cũng sướng sao?

4. Trước phòng sách, nhổ những cây tử kinh, cây thùy ty hải đường đi, trồng thêm vài chục gốc chuối... Chẳng cũng sướng sao!

5. Đêm xuân cùng các tay hòa uống đã nửa say, thôi đã khó thôi, thêm cũng khó thêm... Bên cạnh bỗng có đứa trẻ hiểu ý, đưa vào hơn chục pháo chuột. Liền đứng dậy ra ngoài tiệc, lấy lửa đốt chơi! Mùi lưu hoàng xông từ mũi vào tận óc, khắp người khoan khoái, chẳng cũng sướng sao!

6. Qua phố thấy hai bác đồ gàn, cãi nhau về một chuyện... Cả hai đều đỏ mặt tía tai, tưởng chừng không đội trời chung. Vậy mà còn chắp tay lên, khom lưng xuống, đầy mồm "chi, hồ, dã, giả"... Câu chuyện kéo dài, có thể mấy năm không xong. Bỗng có tay tráng sỹ vung tay đi lại, ra oai quát một tiếng, thế là nín thít. Chẳng cũng sướng sao?

7. Nghe học trò đọc bài, thuộc trơn như dốc nước ở bình ra, chẳng cũng sướng sao!

8. Cơm xong vô sự, đi rong vào chợ. Thấy có món đồ vặt, nghịch lại mua chơi. Mua xong rồi, tiền đưa chẳng thiếu là bao, mà chú lái kỳ kèo, nhất định không chịu. Nhân móc trong túi, lấy một cục bạc cũng suýt soát bằng cục đưa trả trước, ném đưa cho cả... Chú lái bỗng đổi ra vẻ tươi cười, chắp tay "không dám" luôn mãi. Chẳng cũng sướng sao!

9. Cơm xong vô sự, lục lọi hòm bát, thấy các văn tự nợ mới cũ, có đến mấy trăm bức. Những người thiếu nợ đó, hoặc chết rồi, hoặc còn sống, tóm lại đều không sao trả nổi. Vắng người liền lấy lửa, trộn lộn đốt sạch. Ngẩng nhìn trời cao, vắng ngắt không mây... Chẳng cũng sướng sao!

10. Ngày hè đầu trần, tràn chân, tự cầm chiếc ô che nắng, xem bọn lực điền vừa hát ngao, vừa đạp guồng nước. Nước nhất thời cuồn cuộn tuôn lên như tuyết tan, bạc lộn... Chẳng cũng sướng sao!

11. Ngủ sớm vừa dậy, hình như nghe tiếng người nhà than thở, nói chàng nọ chết đêm qua. Vội gọi hỏi xem, thì là một tay khôn vặt nhất trong cả một thành. Chẳng cũng sướng sao!

12. Tháng hè dậy sớm, xem người ta ở dưới gốc thông, cưa ống bương để làm thùng chứa nước, chẳng cũng sướng sao!

13. Trời râm suốt tháng, thấy mình như người say, người ốm! Bỗng nghe các giống chim đua hót ra vẻ mừng nắng... Vội đưa tay vén màn, dun cửa sổ trông ra thì thấy ánh mặt trời sáng quắc, cây rừng sạch như rửa, chẳng cũng sướng sao!

14. Đêm nghe nói người nọ là người khá, sáng ngày thử sang chơi... Bước qua cổng, nhìn vào nhà, thì thấy người ấy đương tựa bàn quy tựa về phía Nam, xem một cuốn văn. Thấy khách vào, lẳng lặng chào xong, liền kéo áo mời ngồi mà rằng: Bác đã đến đây, cũng nên coi thử cuốn sách này. Cùng nhau vui cười, đến mãi khi ánh nắng hết. Chủ nhà đói bụng liền thong thả hỏi khách: Bác cũng đói rồi chứ! Chẳng cũng sướng sao!

15. Vốn không muốn làm nhà, chợt có món tiền để rồi, liền làm thử mấy gian. Bắt đầu từ hôm ấy, cần gỗ, cần đá, cần ngói, cần gạch, cần vôi, cần đanh, không kể sớm chiều, những chuyện ấy lúc nào cũng nhang nhác ở bên tai. Rồi đến bắt sẻ, hun chuột, cái gì cũng tính toán vì nhà, mà nào đã được nhà ở. Đành yên chịu như là số mệnh vậy. Bỗng dưng một ngày kia, nhà đã lạc thành... Nạo tường, quét đất, dán song, treo tranh, nhất thiết thợ thuyền, ra cửa về hết. Bạn hữu đã tới, chia ghế ngồi xuống. Chẳng cũng sướng sao!

16. Đêm đông uống rượu, lại thấy lạnh thêm... Mở song thử nhìn, tuyết lớn bằng bàn tay, đã xuống dày đến ba, bốn tấc. Chẳng cũng sướng sao!

17. Ngày hè trong mâm sơn son, rút dao sắc bổ quả dưa hấu xanh vỏ, chẳng cũng sướng sao!

18. Lâu vẫn muốn đi tu, khốn nỗi không được công khai ăn thịt. Ví cho được làm sư, lại được công khai ăn thịt, thì ngày hè lấy nước nóng, dao sắc, gọt sạch tóc đầu... Chẳng cũng sướng sao!

19. Còn ba bốn mụn lở ở chỗ hiểm, thời thường gọi nước nóng, đóng cửa mà rửa, chẳng cũng sướng sao!

20. Trong tráp bất ngờ soạn được bức thư của người cũ, chẳng cũng sướng sao!

21. Học trò nghèo đi vay tiền, không dám rỉ răng, lại lần chần nói ra việc khác. Mình xét biết nỗi khổ tâm, kéo ra chỗ vắng người, hỏi cần dùng nhiều, ít? Vội vào trong nhà, như số đưa cho. Rồi đó mới hỏi: Cần về ngay để thu xếp việc ấy? Hay có thể ở lại đánh chén đã? Chẳng cũng sướng sao!

22. Ngồi thuyền nhỏ, gặp gió thuận, khổ nỗi không căng được buồm. Bỗng gặp chiếc thuyền đinh, đi nhanh như gió. Thử đưa câu liên ra quặc chơi. Không ngờ quặc liền mắc ngay, liền lấy sợi dây, ràng thuyền mình vào đuôi thuyền họ. Miệng ngâm to câu thơ của cụ Đỗ: "Non xanh sườn vàng biết quýt chín"! Rồi khúc khích cười vang, chẳng cũng sướng sao!

23. Lâu vẫn muốn tìm ở chỗ khác, để cùng ở với người bạn, nhưng khổ không được đất lành. Bỗng có người đồn rằng: Có cái nhà chỉ độ hơn mười gian, nhưng cửa quay ra sông cái, chung quanh cây tốt xanh om! Liền cùng người ấy cùng ăn cơm xong, thử chạy thăm xem sao, chưa biết nhà như thế nào, nhưng vào cửa đã thấy một khoảng đất không, rộng đến sáu, bảy mẫu. Mai ngày rau, dưa, không cần phải lo nữa... Chẳng cũng sướng sao!

24. Đi vắng lâu mới về, xa trông thấy cửa thành, đàn bà, trẻ con hai bên đường, đều nói tiếng quê nhà, chẳng cũng sướng sao!

25. Món đồ sứ đẹp đã sứt mẻ, chả còn cách gì hàn gắn, xem đi ngắm lại chỉ thêm rối ruột. Nhân giao cho nhà bếp dùng làm đồ đựng vặt không bao giờ lại qua mắt nữa, chẳng cũng sướng sao!

26. Mình không phải là thánh sao cho khỏi có lỗi. Đêm qua lén làm một việc, sớm dậy áy náy trong lòng không yên. Chợt nhớ nhà Phật có phép Bá tát: không hề giấu diếm, tức là sám hối. Nhân tự đem lỗi mình, nói phăng cho tất cả khách quen, khách lạ đều biết, chẳng cũng sướng sao.

27. Xem người viết đại tự, chẳng cũng sướng sao.

28. Mở cánh song giấy, thả cho con ong ra, chẳng cũng sướng sao.

29. Làm quan huyện hàng ngày vào lúc đánh trống tan hầu, chẳng cũng sướng sao!

30. Xem người ta thả diều đứt dây, chẳng cũng sướng sao.

31. Xem ma trơi, chẳng cũng sướng sao.

32. Trả nợ xong, chẳng cũng sướng sao.

33. Đọc truyện "Khách râu quăn", chẳng cũng sướng sao.

Nhưng thực không ngờ chương "Khảo hoa" của Mái Tây, trong miệng con Hồng, lại có những câu văn sướng đến thế vậy, ta thực không ngờ lại có câu "Sẽ đem kể hết gót đầu bà nghe". Ta thực không ngờ lại dám thú chuyện "nằm chung hơn tháng..." Ta thực không ngờ lại dám giảng nghĩa "gái to đừng để trong nhà..." Ta thực không ngờ lại có đoạn tha thướt kể ơn huệ của cậu Trương... Ta thực không ngờ lại có đoạn chua xót tiếc gia thanh nhà quan tướng... "Thất" của Mai Thặng chữa được sốt rét. Hịch của Trần Lâm khỏi được nhức đầu[1]. Văn chương thực có sức thay đổi được tính tình. Tôi rất tiếc trước đây hai mươi năm thi nhau nói những chuyện sướng như các cô con gái bày trò "chọi cỏ", lại quên không đem chương này ra mà trưng với Trác Sơn...

   




Chú thích

  1. Trần Lâm là người thời Tam quốc. Khi Viên Thiệu khởi binh đánh Tào Tháo, sai Trần Lâm làm bài hịch mắng Tháo. Bài hịch truyền đến Hứa Đô, lúc đó Tào Tháo bị bệnh đau đầu, sau khi xem xong bài hịch, toát hết mồ hôi, khỏi cả bệnh nhức đầu