Tây sương ký/Phần II/Chương I
Cảnh thứ nhất: Trại quân của Tôn Phi Hổ.
TÔN PHI HỔ - (cùng quân lính ra) Ta đây tên gọi Tôn Phi Hổ! Hiện nay thời buổi nhiễu nhương, chủ tướng là Đinh Văn Nhã không nghĩ đến chính sự. Ta lĩnh riêng năm nghìn binh mã, trấn thủ đất hà Kiều. Nghe tin con gái quan Thôi Tướng quốc tên gọi Oanh Oanh, xanh xanh mày lá liễu, mơn mởn mặt hoa sen, thật là trang nghiêng nước nghiêng thành; so chẳng kém Thái Chân, Tây Tử! Hiện cô ta đang cư tang, ở trọ trong chùa Phổ Cứu. Rằm hôm nọ làm chay cho quan tướng, nhiều người đã được biết mặt. Cứ như ta nghĩ: đến như chủ tướng ta còn làm điều bất chính, một mình ta thôi có sá gì! Ba quân lớn nhỏ, nghe hiệu lệnh ta đây! Ngựa giàm miệng lại! Người ngậm tăm vào! Đi suốt đêm sang phủ Hà Trung, bắt cóc Oanh Oanh cho ta! Cho hả dạ bấy lâu ao ước!(đem quân lính vào).
Cảnh thứ hai: Trong chùa Phổ Cứu.
PHÁP BẢN – (ra) hoảng hốt: Tai vạ tới nơi rồi! Ai biết đâu Tôn Phi Hổ nó lại đem năm nghìn quân giặc đến vây chùa, trong ngoài kín như một hàng rào sắt! Cờ mở trống dong, chiêng hôi loa dịch, nó rêu rao đòi bắt tiểu thư! Lão không dám chậm trễ, phải vào thưa ngay để bà lớn với tiểu thư được rõ!
BÀ LỚN - (hoảng hốt ra) Thế thì làm thế nào được? Làm thế nào được? Cụ? Chi bằng vào cả trong này ta bàn tính với cô xem sao?(cùng vào)
Cảnh thứ ba: Trong biệt thự họ Thôi.
OANH OANH – (cùng con Hồng ra) Hôm trước có đám chay, chính mắt ta trông thấy Quân Thụy. Đến nay ăn uống kém xưa, tâm thần hoảng hốt. Lại gặp trời chiều cuối xuân, nghĩ thêm nỗi xót xa! Ngâm:
Thơ hay có ý thương trăng sáng…
Hoa rụng không lời trách gió đông!
Hát:
Xác ve ngày đã hao mòn.
Xuân tàn càng thấy nỗi buồn mênh mông!
Áo là ướm mặc rộng thênh.
Hoàng hôn mấy độ một mình ngẩn ngơ!
Hương trầm bỏ mặc gió đưa!
Bông lê bỏ mặc trên mưa dập vùi!
Mành buông, cửa đóng ngậm ngùi!
Tựa lan chi nữa, đầy trời vẩn mây!
Hoa tàn lớp lớp tung bay!
Não người thay ngọn gió Tây vô tình!
Đêm qua mộng đẹp chẳng thành!
Sớm nay cảnh đẹp quanh mình còn đâu!
Bùn khô tổ én lớp đầu;
Tơ vương phấn bướm hết mầu xinh tươi!
Sầu dài tơ liễu chưa dài!
Cách tường xa, kể phương trời chưa xa!
Còn tô son, điểm phấn chi mà!
CON HỒNG – Thưa cô! Trong lòng cô không được thư thả, con đem chiếc chăn này, xông cho thơm, mời cô nằm nghỉ chốc lát.
OANH OANH
Chăn thêu đệm túy lạnh lùng!
Ra gì sạ ướp, lan xông ngạt ngào!
Dẫu bao nhiêu lan, sạ đổ vào,
Một mình ta đắp có cách nào cho ấm đâu!
Thơ dưới trăng, nghe rõ từng câu,
Sao người thềm ngọc gần nhau khó lòng!
Ngồi không yên, đứng không xong!
Lên cao mỏi mắt, đi rong mệt người!
Suốt ngày mê mẩn, bồi hồi!
(Buồn tênh! Chán ngắt cuộc đời rỗng không!)
Gối chăn em sắp đặt đã xong,
Thôi nghe em họa có nằm mòng được chăng!
Ta bước ra em lại theo chừng,
Như hình với bóng không từng xa nhau!
Có những bà bó buộc thôi đâu,
Còn em hôm sớm chực hầu bên ta …
Dưới là em, trên nữa là bà,
Đều tin ta vốn giữ nếp con nhà xưa nay:
Thấy khách vào la ta khó chịu ngay!
Họ hàng ra nữa cũng không hay đến gần!
Riêng có ai là mới gặp đã sinh thân,
Bài thơ đêm trước theo vần ta họa theo:
Chữ dùng xinh, câu đặt cũng đều,
Hai bài thơ mới bao nhiêu sự lòng!
Lòng đôi bên cách một bức tường đông,
Kim vàng ai đó? Xin giắt sợi chỉ hồng cho ai!
Phong lưu, tài học vẹn mười!
Mặt trông sáng sủa, người coi dịu dàng!
Tình tình chắc hẳn nhẹ nhàng,
Bảo ta không nhớ đừng thương được nào!
Biết mình, ta vẫn ước ao...
Văn chương rạng vẻ trăng sao một trời!
Thương mình, ai kẻ đoái hoài...
Sách đèn những lúc dùi mài mười năm!
(Có tiếng gõ cửa).
CON HỒNG – (ra mở cửa vào nói): Thưa cô! Quái lạ! Không biết có việc gì mà bà lại mời sư cụ vào đến tận ngoài cửa phòng này! (Bà lớn cùng Pháp Bản vào, Oanh Oanh chào).
BÀ LỚN - Con ơi con! Con có biết không? Hiện nay Tôn Phi Hổ nó đem năm nghìn quân đến vây ngoài cửa chùa! Nó bảo con những là: mày lá liễu! Mặt hoa sen. Thật là nghiêng nước nghiêng thành! Chẳng kém Thái Chân, Tây Tử! Nó định bắt con về làm áp trại. Con ơi con! Biết làm thế nào bây giờ?
OANH OANH:
Này lúc cửa nhà tan nát!
Nghe tin mà hồn vía rụng rời!
Tay áo lau không kịp lệ rơi,
Kế tiến thoái nhất thời tìm chẳng thấy!
Cơn nguy cấp biết lấy ai nương cậy?
Mẹ con ta biết chạy lối nào?
Vô duyên sao mà vô phúc làm sao!
Không dưng bỗng hãm vào đất chết!
Mây tan tác! Bụi bay mờ mịt!
Trống đinh tai! Loa thét vang trời!
Miệng hư không đặt để nên lời,
Phao cho ta những hương trời sắc nước!
Trong chớp mắt, chúng có thể làm cỏ được!
Sư ba trăm mà giặc những năm nghìn!
Quân phụ nhà, phụ nước đã quen!
Bắt người chán lại cướp tiền hỏi của!
Nghĩ già cảnh danh lam rực rỡ!
Chúng chỉ cho mớ lửa mà xong!
BÀ LỚN - Như mẹ tuổi ngoài năm chục, chết cũng nên đời. Chỉ thương hại con đầu xanh tuổi trẻ, còn chưa nên vợ nên chồng! Chẳng may mắc phải tai nạn thế này, biết làm thế nào cho được?
OANH OANH - Cứ ý con nghĩ: Chỉ có cách đem con dâng cho tướng giặc, họa chăng giữ toàn được tính mạng một nhà!
BÀ LỚN - (khóc) Nhà ta xưa nay con trai không ai phạm tội, con gái không ai hai chồng! Đâu có lẽ dâng con cho giặc, để nhục nhã lây đến cha, ông!
OANH OANH – Thôi mẹ cũng đừng thương tiếc con nữa mà chi! Cứ dâng con cho tướng giặc, vì có năm điều tiện lợi:
Một là mẹ được yên lành!
Hai là chùa khỏi tan tành ra tro!
Ba là tăng chúng khỏi lo!
Bốn là cha con cũng được yên mồ, ấm nơi!
Năm là em Hoan tuy chửa nên người,
Mai sau dòng dõi họ Thôi vẫn còn!
Ví bằng tiếc một thân con,
Sốt gan, quân giặc chúng còn thương ai!
Chùa này sẽ cháy ngất trời!
Các sư đầu rụng máu rơi chan hòa!
Săng cha con chúng cũng đập tan ra!
Mà em, mà mẹ, cả nhà còn sống sót ai?
Hay là lấy dây co thắt cổ cho rồi!
Để thây con lại, chúng đòi thì đưa ra!
Giữ gìn như thế họa là,
Còn hơn theo giặc để nhục ông cha, muôn đời!
PHÁP BẢN – Xin cùng ra cả ngoài pháp đường, hỏi trong hai dãy hành lang, bất cứ kẻ tăng người tục, xem ai có cao kiến, mời lại cùng bàn cho ra kế mới được! (cùng ra).
Cảnh thứ tư: Trong chùa Phổ Cứu.
BÀ LỚN - Con ơi con! Biết làm thế nào bây giờ! Mẹ nói câu này, không phải không thương con đâu, nhưng là chuyện vạn bất đắc dĩ! Bây giờ cho hỏi mọi người trong hai dãy hành lang, bất cứ kẻ tăng người tục, miễn là ai có cách lui được quân giặc, thì mẹ bằng lòng đứng ra, bù tiền cưới mà gả con cho. Dù chẳng được môn đăng hộ đối nữa, cũng còn hơn hãm vào tay quân giặc! (Khóc) Xin sư cụ đem câu nói đó, rao to lên hộ cho. Con ơi con! Thật khổ thân con quá!
PHÁP BẢN - Kế ấy kể còn được. (rao).
OANH OANH:
Thương con, mẹ phải cầu người!
Nỗi lòng nói hết ra lời được sao?
Thôi, sá chi tôi phận thơ đào,
Nào ai là mặt anh hào ở đây,
Ra tay quét gió, giũ mây,
Giặc kia đánh vỡ, chùa này giữ yên,
Thì xin bù mọi lễ cưới xin,
Cùng người vâng kết nhân duyên Tấn Tần!
CẬU TRƯƠNG – (vỗ tay ra): Tôi có kế lui được quân giặc, sao không hỏi tôi (Chào bà lớn).
PHÁP BẢN - Bẩm bà lớn! Người này tức là người bà con tôi, xin phụ lễ rằm hôm nọ.
BÀ LỚN - Kế của cậu thế nào?
CẬU TRƯƠNG - Giải thưởng lớn tất tìm ra người giỏi; thưởng phạt minh tất thành được kế hay...
BÀ LỚN - Vừa rồi tôi đã nói với sư cụ: Hễ ai lui được quân giặc, tôi xin gả ngay con em cho.
CẬU TRƯƠNG - Nếu vậy chúng tôi có một kế, mà trước hết là dùng đến sư cụ...
PHÁP BẢN - Chịu thôi. Tôi không biết võ vẽ gì cả. Xin thầy gọi người khác.
CẬU TRƯƠNG – Nào ai mượn cụ ra đánh giặc mà cụ sợ! Cụ ra nói với tướng giặc bảo là bà lớn truyền rằng: Tiểu thư hiện đương có tang, Tướng quân nếu muốn vào làm rể, thì hãy bỏ gươm cuốn giáp, lui quân ra một chút. Đợi trong chùa làm lễ ba ngày đêm cho tròn công đức đã, bấy giờ tiểu thư sẽ thay mặc lễ phục, vào rước linh cữu ông lớn, và cho tướng quân đón dâu. Chứ nếu cho đón dâu ngay bây giờ thì có hai điều bất tiện: Một là tiểu thư đương bận đồ chế; hai là như thế không lợi cho việc quân. Ấy, cụ ra cứ thế mà nói.
PHÁP BẢN – Nhưng xong ba ngày rồi thì sao?
CẬU TRƯƠNG – Chúng tôi có người bạn cũ, họ Đỗ tên Xác, thường gọi là quan Tướng Ngựa Bạch hiện đương cầm mười vạn quân trấn thủ ở Bồ Quan. Anh ta với tôi là bạn chí thân. Nhận được thư tôi, thế nào cũng đem quân đến cứu...
PHÁP BẢN - Bẩm bà lớn; nếu quan Tướng Ngựa Bạch mà đến cho thì có trăm Tôn Phi Hổ cũng không đáng sợ. Xin bà lớn cứ yên lòng.
BÀ LỚN - Như vậy xin đa tạ cậu. Hồng ơi! Đưa cô vào nhà trong yên nghỉ thôi con.
OANH OANH - Hồng ơi! Người đâu thật hiếm có quá!
Bọn học trò, ai nấy chạy lấy người!
Gia đình nhà khác đoái hoài đến đâu!
Khách cùng mình quen biết chi nhau,
Đem lòng tính trước lo sau hộ mình!
Phải đâu phường thư sinh ngứa miệng bàn quanh,
Cũng là sợ lúc cháy thành vạ lây!
Nhân duyên chi kể sự mai ngày!
Được thua dùng tạm kế này cho qua!
Cơn nguy nan tội nghiệp cho ta!
Nếu phong thư ấy quả là thành công,
Thì ra một đám giặc đông,
Quét bằng một ngọn bút lông có thừa!
NGOÀI SÂN KHẤU
TIẾNG PHÁP BẢN – (gọi): Xin mời tướng quân ra tôi thưa chuyện,
TIẾNG TÔN PHI HỔ - (đem quân ra): Mau mau dâng Oanh Oanh ra đây.
TIẾNG PHÁP BẢN – Xin tướng quân bớt giận! Bà lớn có truyền tôi ra thưa với tướng quân, v.v...
TIẾNG TÔN PHI HỔ - Đã vậy ta hẹn cho nhà ngươi ba ngày! Nếu không đem nộp thì các ngươi sẽ biết tay ta: Một mống không còn, cả chùa chết sạch! Nhà ngươi vào thưa với bà lớn: Một người tốt nết như ta, gọi gả con gái cho cũng là đáng lắm chứ sao! (vào)
PHÁP BẢN – (vào) Quân giặc lui rồi! Thầy mau mau viết thư đi!
CẬU TRƯƠNG – Thư đã viết sẵn đây rồi! Chỉ cần lấy một người đưa thư đi hộ.
PHÁP BẢN – Tôi có một tay đồ đệ, tên gọi Huệ Minh, thường ở dưới nhà bếp! Bình sinh nó chỉ thích đánh chén với đánh nhau! Nếu nhờ nó đi tất nó chẳng đi nào! Nhưng nếu nói tức nó, thì thế nào nó cũng đòi đi bằng được. Ấy, chỉ có nó là có thể sai được.
CẬU TRƯƠNG – (gọi) Tôi có phong thư, đưa sang cho quan Ngựa Bạch. Trừ chú Huệ Minh ở dưới nhà bếp không thể cho đi được, còn các chú, có ai dám đi hộ không?
HUỆ MINH – (ra) Huệ Minh này nhất định đi đó! Nhất định đi đó!
Chẳng kinh kệ cũng không tụng niệm!
Quăng mũ ni, lại ném áo sồng!
Chuyện giết người lộn mật anh hùng!
Bẻ cột sắt, mỗ múa vung tàn tán!
Không phải dám khoe tài khoe cán,
Nào đòn trường, đòn đoản mỗ không thông!
Nhưng khi máu đã nổi xông,
Mỗ chấp cả đồng rầm, hang hổ!
Không phải mỗ lòng tham tính phụ:
Cơm chay ăn quả thực nó nhạt mồm!
Chưa nói chi xào, nấu, bung, om,
Năm nghìn giặc hãy trói tôm tất cả! …
Cắt tiết nóng uống tiêu khát đã!
Moi tim tươi ăn lót dạ chơi!
Ai chê tanh, chê tưởi mặc ai!
Còn hơn những chè, xôi, oản chuối!
Nào đậu phụ, tương tầu, cà muối!
Nọ canh xuông, nộm rối, dưa chua!
Anh em ơi! Phong vị nhà chùa,
Nhạt nhẽo thế! Mà bốn mùa chén mãi!
Nam mô Phật! Nói thế này không phải:
Giặc năm nghìn trói lại bó giò chơi!
Còn thừa ra các chú chớ bỏ hoài!
Muối ướp kỹ để dành xơi được mãi!
PHÁP BẢN - Huệ Minh! Thầy cử Trương không mượn chú! Chú lại nhất định đòi đi! Vậy chú có thật dám đi không đã!
HUỆ MINH:
Tôi hãy hỏi: Cụ muốn sai hay chẳng muốn sai?
Chứ dám đi hay không dám cụ hỏi chi tôi cho phiền!
Phi Hổ dù lừng lẫy một miền,
Cũng phường thích gái, ham tiền đấy thôi!
CẬU TRƯƠNG – Chú là người tu hành, sao không chịu khó sớm hôm kinh kệ, theo đòi với các sư, lại đòi đi đưa thư hộ tôi?
HUỆ MINH:
Mỗ dở dang vốn sẵn tính trời,
Đã không kinh kệ, lại vốn lười ăn chay!
Thanh giới đao này mới mài đây!
Sáng choang chẳng dính mảy may bụi đời!
Khác với phường dở gái, dở trai,
Suốt ngày đóng cửa nằm dài trong buồng chay!
Việc đời trối kệ mặc thây!
Đốt chùa, đạp bụt, cũng bó tay ngồi nhìn!
Ví bạn thầy quả có vạn quân quyền;
Nếu thư thầy quả có vạn quân quyền;
Nếu như thầy muốn vượt dặm nghìn quan san,
Để cứu mọi người qua bước gian nan,
Thì tôi đưa thư hộ, có can cớ gì!
CẬU TRƯƠNG - Thế chú đi một mình, hay cần có người giúp sức?
HUỆ MINH:
Có! Xin cho mấy tiểu vác phướn đi đầu.
Một anh sãi ốm, chống thần xích theo sau kêu gào!
Còn thầy thì đứng vững chân cho chư tăng khỏi nôn nao!
Để mỗ vác que cời lửa đánh vào địch quân!
CẬU TRƯƠNG – Nhưng chúng không cho chú đi thì làm thế nào?
HUỆ MINH - Thầy cứ yên tâm. Chúng không dám không cho mỗ đi.
Mỗ cau mắt trông là bể động ầm ầm!
Mỗ lên tiếng thét là núi chuyển rầm rầm khắp nơi!
Đạp chân vào là trục đất rụng rời!
Giơ tay vịn đến là cửa trời lung lay!
Xa mỗ phang cho một gậy sắt này.
Gần thời lưỡi giới đao đây mỗ chặt tức thời!
Nhỏ nắm chân mỗ vật chết tươi!
Lớn nhằm đầu mỗ chém, chết bỏ đời không kịp kêu!
CẬU TRƯƠNG - Giờ giao thư cho chú, chừng bao giờ chú có thể đi được?
HUỆ MINH:
Đời mỗ đây cho dẫu rằng hèn,
Trời sinh được cái gan liền tướng quân!
Dúng tay vào việc khó khăn,
Không từng e sợ ăn năn bao giờ!
Nói như đanh đóng cột trơ trơ!
Nào phải phường cầm gạch ném vờ ra vườn hoang!
Sắp gươm đao tức khắc lên đường!
Hơi đâu rùi rắng rềnh rang hết ngày!
Cho chết ngày thì cũng đi ngay!
Phải biết rằng tính mỗ xưa nay thế nào!
Mềm buông ra nhưng rắn lại nắn vào!
Đắng cay thì chấp chứ ngọt ngào không ưa?
Nhưng thưa thầy, thầy đã chắc chưa?
Có sao nói vậy chớ lừa nhau chi!
Nếu giặc kia không đuổi được đi,
Thì con người ấy có đến gì lượt cậu cả Trương!
Nói khoác thành ra chẳng phải đường!
Nghĩ sai một lúc mà thẹn mang suốt đời!
Tôi đi đây! Anh em!
Giúp oai thần, thét hộ một tiếng chơi!
Nhờ sức Phật, đổ hộ ba hồi trống rung!
Dưới phướn thêu thoáng thấy bóng anh hùng!
Non gan, quân giặc xa trông đã sợ hết hồn!
(Huệ Minh vào)
CẬU TRƯƠNG – Xin bà lớn bảo cô cứ yên lòng. Thư tới nơi, tự khắc có quân đến cứu.
Cảnh thứ năm: Viên môn Đỗ Tướng quân
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – (cùng quân lính ra) Tôi đây họ Đỗ, tên Xác, tự là Quân Thực, quê nhà ở Tây Lạc, lúc nhỏ cùng học nho với Trương Quân Thụy. Sau bỏ văn học võ, thi đậu Trạng Nguyên, được cử làm Chinh Tây đại tướng quân, lĩnh chức quản quân nguyên soái. Hiện cầm mười vạn binh trấn thủ Bồ Quan. Vừa rồi có người bên phủ Hà Trung sang, hỏi thăm thì ra Quân Thụy hiện ở trong chùa Phổ Cứu, không hiểu tại sao không sang chơi với tôi? Gần đây Đinh Văn Nhã không thiết gì chính sự, dung túng cho quân lính cướp bóc nhân dân. Đáng lẽ tôi phải cất quân đánh, nhưng chưa rõ thực hư, không dám vội vàng lỡ việc. Hôm qua lại phải sai người đi do thám. Hôm nay ra trướng, xem có ai báo cáo gì không? (Lính mở cửa trại quân Tướng quân ngồi)
HUỆ MINH – (ra nói một mình): Tôi rời Chùa Phổ Cứu, giờ đã sang tới Bồ Quan. Nay viên môn Đỗ Tướng quân đây! Tôi phải vào bừa đi mới được! (quân lính bắt giữ vào báo cáo).
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Cho nó vào đây! (Huệ Minh vào, quỳ) Nhà sư kia! Định đi do thám cho ai đó?
HUỆ MINH - Bẩm, chúng tôi không phải quân do thám, mà là tiểu bên chùa Phổ Cứu. Hiện có Tôn Phi Hổ làm loạn, đem năm nghìn quân đến vây chùa, định bắt con gái quan Thôi Tướng quốc. Có người khách đến chơi chùa là Trương Quân Thụy, viết thư sai tôi đem sang trình quan lớn. Xin quan lớn mau mau cứu cho quan cơn nguy cấp này!
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Quân bay! Tha nhà sư ra, Trương Quân Thụy là em ta, mau đưa thư ta coi! (Huệ Minh khấu đầu dâng thư, quan Tướng Đỗ mở ra đọc)
"Bạn cùng học, em là Trương Củng, cúi đầu hai lạy, dâng thơ dưới cờ Nguyên soái quan anh Quân Thực: Từ ngày cách mặt, thấm thoắt hai năm. Cữ gió tuần mưa, xiết bao thương nhớ. Từ quê vào Kinh, đường qua Hà Trung. Vẫn định sang hầu, cùng ôn truyện cũ. Đường xa vất vả, người chợt mắc đau. Hiện đã tạm đỡ, xin đừng quan ngại. Khăn gói gió đưa, lại vào cửa Phật. Quanh vòng giường ghế, bỗng nổi binh đao! Quan Thôi Tướng quốc, cữu gửi trong chùa. Gia quyến chịu tang, cùng về chịu tang, cũng về ở tạm. Nào ngờ tướng giặc, biết mặt tiểu thư, kéo quân vây chùa, toan điều vô lễ. Thấy việc bất bình, xiết bao tức giận. Giúp người hoạn nạn, là nghĩa đáng làm. Bực mình ngày thường: trói gà không nổi! Mạng hèn ong kiến nào phải tiếc đời! Chợt nhớ đến bạn: trấn thủ một miền. Quát thét phương nào, gió mây đổi sắc! So với người xưa: Phương Thúc, Thiện Hổ, như tài quan anh thực cũng không thẹn. Trong cơn nguy cấp, nói chẳng hết lời; xin nghĩ tình thân, ra tay giúp đỡ. Tuốt gươm truyền lệnh: Thẳng tới Hà Trung. Sớm tối tới nơi, nhanh như sấm chớp. Thờn bơn chút phận, được đội ơn mưa. Quan tướng có thiêng, ngậm vành kết cỏ. Trương Củng khấu đầu kính lạy. Thư viết ngày 26 tháng Hai."
Đã vậy ta phải cất quân ngay mới được. Nhà sư hãy về trước. Ta sẽ cho quân đi suốt ngày đêm! Có lẽ khi nhà sư về đến chùa, thì ta đã bắt sống được tướng giặc rồi đó.
HUỆ MINH – Trong chùa hiện mười phần nguy cấp! Xin quan lớn cũng tới ngay cho (vào).
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – (ra lệnh) Ba quân lớn nhỏ, nghe hiệu lệnh đây. Mau điểm lất năm nghìn người ngựa, ngày đêm đi gấp, thẳng đường sang chùa Phổ Cứu phủ Hà Trung. Em ta hiện bị giặc vây, ta phải đi mới được.
QUÂN LÍNH – Xin tuân lệnh. (cùng vào)
Cảnh thứ sáu: Trước chùa Phổ Cứu
TÔN PHI HỔ - (đem quân chạy) Quan lớn Ngựa Bạch đã đến. Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ? Thôi, chúng ta đành ném gươm cởi giáp, xuống ngựa xin hàng, Ngài thương phận nào, ta nhờ phận nấy!
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – (kéo quân ra) Quân bay làm trò gì mà đứa nào cũng ném gươm cởi giáp, xuống ngựa, quỳ gối, xin ta tha thứ cho? Đã vậy hay. Chỉ đem chặt đầu một mình Tôn Phi Hổ, ra lệnh cho các quân. Còn đứa nào muốn làm lính nữa, mau khai tên ta thu biên cho. Bằng không muốn thì cho về làm việc. (quân giặc dạ, vào)
Cảnh thứ bảy: Trong chùa Phổ Cứu
BÀ LỚN - (cùng Pháp Bản ra) Thư đi đã ba ngày, sao chưa thấy trả lời chi cả?
CẬU TRƯƠNG – (ra) Ngoài cửa chùa tiếng động vang trời, có lẽ anh tôi đã tới. (Đỗ Tướng quân ra, đôi bên lạy chào nhau). Từ khi cách mặt, đã lâu lắm chưa được hầu chuyện. Hôm nay gặp mặt, chẳng khác gì trong giấc chiêm bao...
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Nghe tin chú đến chơi ngay hạt láng giềng, mà chưa kịp sang thăm. Thôi cũng đánh chữ đại xá cho anh nhé. (chào bà lớn)
BÀ LỚN - Đường cùng mẹ góa, con côi, cầm chắc thế nào cũng chết. Hôm nay được sống sót, thực nhờ ơn tái tạo của quan lớn.
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Hạ quan không kịp đề phòng, để cho quân giặc làm càn, phiền cụ lớn phải lo sợ thực là tội đáng muôn chết!... Nhưng anh hỏi chú, sao lại không sang chơi bên anh?
CẬU TRƯƠNG – Em vì giữa đường bị cảm, nên chưa kịp sang hầu. Hôm nay đáng lẽ cũng theo anh về chơi bên dinh, song dở vì cụ lớn hôm qua có hứa gả lệnh ái cho... Chẳng dám phiền quan anh đứng làm mối nào. Vậy em định sau khi thành hôn, đầy tháng rồi sẽ xin sang bái tạ.
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Nếu vậy anh xin mừng cho chú. Thưa cụ lớn, hạ quan xin vui lòng đứng làm mối cho cô em.
BÀ LỚN - Thưa quan lớn! Để chúng tôi còn phải thu xếp! Sắp cơm nước đây, các con!
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Thôi, xin cụ lớn chước đi cho! Vừa rồi quân giặc đầu hàng đến năm nghìn, hạ quan cần phải sắp đặt. Để hôm khác sẽ xin sang mừng cụ lớn.
CẬU TRƯƠNG – Em cũng không dám giữ quan anh. Sợ không tiện cho việc quân.
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – (lên ngựa)
Nhạc thét, ngựa rời chùa Phổ Cứu,
Hát mừng, người thẳng lối Bồ Quan (vào)
BÀ LỚN - Ơn cậu không quên được! Từ nay cậu bất tất ở trong chùa nữa! Xin dọn sang nghỉ trong phòng sách bên chùa. Ngày mai gọi là có chén rượu nhạt, cho con Hồng sang mời, thế nào cậu cũng chiếu cố cho. (vào)
CẬU TRƯƠNG – (từ giã Pháp Bản) Tôi xin dọn hành lý sang bên phòng sách, thưa cụ!
Ấy ai gây cuộc binh đao,
Đem duyên kim cải buộc vào cho ai!
Tôn Phi Hổ ơi! Tôi thực cám ơn bác quá!
PHÁP BẢN – Có rỗi, mời thầy cứ sang phương trượng chơi, ta nói chuyện (cùng vào)
Lời phê bình cả chương
sửaVăn chương có phép "dời nhà cho hợp cây". Ví như ngày hè đọc sách, đã được nơi đọc sách, nhưng sau nhà có cây, rất nhiều bóng mát. Nay muốn bỏ cây đó ở sau nhà, thì thực không bằng đem cây đó lại trước nhà... Song cây lớn không thể dời lại đằng trước; chi bằng nhà mới ta dời quách về phía sau! Nếu không thế, cứ để cây ở sau nhà thì cố nhiên nhà vẫn là nhà đẹp, cây vẫn là cây đẹp, thế nhưng nhà đã không ăn thua gì với cây, mà cây lại càng không ăn thua gì với nhà! Vậy nay thử tính bề hơn thiệt, dời nhà lại cho hợp với cây, thì cây vẫn còn nguyên mà nhà đã thêm nhiều bóng mát. Đó thực là một việc rất tiện ở trong đời... Kìa như Oanh Oanh với cậu Trương, nào khi xướng họa, trong lòng vốn đã cảm thầm; tại buổi làm chay, chính mắt lại từng trông thấy. Đó thực là miệng tuy không nói nhưng lòng nào tạm quên... Nay trong khi bất ý chẳng ngờ, bỗng dưng vỗ tay ứng mộ, viết thư cầu cứu, lại chính là con người ấy. Lúc đó thì dẫu muốn cố tình ngậm miệng, giả vờ không để ý đến, mà sao có đặng! Cứ lý, cứ tình, cứ thế thì tất phải cảm tạ trời đất, bụng nghĩ sao, miệng nói vậy, trút ra cho hết những nỗi lo buồn uất ức ở trong lòng... Để tỏ ra rằng con người xinh xinh đã lọt vào con mắt ta kia, vốn chẳng phải là hạng cùng vời cùng đứng với vô số, vô số người ở trong hai dãy hành lang! Thế nhưng một là bà lớn ngồi bên, có nói sao được! Hai là tăng chúng đông đảo, có nói sao được! Ba là thế giặc đương mạnh, có nói sao được! Đã không thể nói được mà đành chịu không nói, thì kẻ đọc truyện đến đây, sao cho khỏi ngờ Oanh Oanh lúc ấy, đối với việc cậu Trương ứng mộ, có lẽ cũng thoáng qua chẳng để vào lòng! Tác giả vốn đã hiểu trong văn chương có phép "dời nhà cho hợp cây", nên trước khi chưa nghe tin biến, phải tả ra bao nhiêu là nỗi nhớ niềm mong, để tỏ ra rằng cậu Trương đối với Oanh Oanh, đã là giọt máu ở đầu tim, tấc hơi ở cuống họng, cùng mật, cùng lòng, cùng thân, cùng mạng! Cho đến đoạn dưới chỉ thuận tay điểm qua, là đủ mượn ngấm tất cả bao nhiêu những lời tâm sự ở đoạn trên xuống. Đó là một điều mà các bạn viết văn sau này cần phải khéo bắt chước lấy. (Trong Tả Truyện nhiều đoạn trước kinh đã chua chuyện, tức là phép ấy.)
Trong văn chương có phép "trăng rọi hành lang". Ví như đêm xuân ấm hòa, người đẹp chưa ngủ, đốt hương cuốn mành, thao thức chờ trăng. Lúc ấy mới tối, trăng mọc từ phương Đông, ánh sáng lạnh lùng, tất phải từ mái hiên soi xuống cột hiên, lại soi xuống bao lan; rồi mới dần dần soi đến ngoài hè, soi đến ngoài song, sau đó mới soi đến người đẹp... Trong bao nhiêu thì giờ ấy, người đẹp kia kể cũng đã lâu, vẫn chịu đứng chờ trong bóng tối. Nhưng dù ra sao nữa, trăng kia có thể nào không soi tới người đẹp! Thế nhưng trước khi soi tới người đẹp, ánh trăng tất phải từ mái hiên xuống bao lam, rồi mới xuống ngoài hè, xuống ngoài song; như vậy thì trước khi soi tới người đẹp mới như mờ, như tỏ, như gần, như xa, nẩy ra biết bao nhiêu là cảnh đẹp! Nếu không thế mà con người kia lại đột nhiên ở dưới trăng, thì là điều rất đáng chê! Vì rằng không có thân phận vậy! Kìa như Oanh Oanh với cậu Trương, nào khi xướng họa, trong lòng tuy đã cảm thầm; tại buổi làm chay, chính mắt lại từng trông thấy; thế nhưng mình là bậc quý nhân ngàn vàng, trên thờ mẹ già, dưới vâng thầy dạy, cái cậu Trương người dưng nước lã kia, tấc dạ châu ngọc, há rằng lại nên nghĩ đến? Cửa miệng hoa sen há rằng lại nên nhắc đến? Thế thì tác giả biết làm thế nào? Ví phỏng Oanh Oanh thật vì cớ sợ thầy, sợ mẹ, tấc lòng châu ngọc, trước sau không dám nghĩ, cửa miệng hoa sen trước sau không dám nhắc, thì suốt cả truyện Mái Tây, đành chịu không có câu nào để tả Oanh Oanh thương nhớ cậu Trương hay sao? Tác giả vốn đã biết trong văn chương có phép "trăng rọi hành lang", nên trước hết hãy thong thả tả xuân tàn; lại thong thả tả đến con người ở cách tường, lại thong thả tả chuyện xướng họa ở dưới trăng... Đến đây bỗng lại thu bút lại, tả đến ý: ta là kẻ con nhà, ta tự biết giữ mình ta, cứ đợi gì người khác phải đề phòng xét nét... Thế rồi mới xuống đến câu "Riêng có ai mới gặp là đã sinh thân..." Nên viết cả một đoạn văn ở trên, cốt yếu là chỉ để tả một câu ấy, để phục sẵn cái cớ Oanh Oanh phải mừng lòng thích mắt về việc cậu Trương vỗ tay ứng mộ ở bên dưới. Mà theo phép viết văn cho có tầng thứ, thì tất phải thong thả tả dần, chứ không thể nói một câu nói buột ngay ra được. Đó lại là một điều mà các bạn viết văn sau này cần phải khéo bắt chước lấy.
Trong văn chương có phép "thúc trống tẩy uế"! Ví như câu ba Lý (Đường Minh Hoàng) ngày ba, tháng ba, ngồi dưới lầu Hoa Ngạc, sắc sai lấy bộ chén pha lê xanh, rót rượu nho Tây Lương cùng Quý Phi uống chơi. Uống dở say, vừa hay năm đức ông, ba bà dì, cùng đến cả một lúc. Lòng vua rất vui, sai nhạc công cử nhạc. Hôm ấy tòa Thái Thường vừa mới chế xong một bài đàn, đặt tên là khúc "Núi vắng không sầu", vua sai đem gẩy ngự nghe. Cứ xong một đoạn, nhà vua lại cau mày, hoặc nhìn Quý Phi, hoặc nhìn ba bà dì, hoặc nhìn năm đức ông, mặt rồng ra vẻ bạo bực kém tươi. Kế đó sắp đến đoạn thứ mười một, nhà vua nhẩy vọt dậy, miệng phán: "Hoa nô! Mau đem trống đây! Ta muốn tìm cách tẩy uế!" Liền đó tự tay thúc trống, theo nhịp "Ngự dương tam qua". Tiếng trống "thình thình", làm cho các hoa chưa nở ở trong vườn, chốc lát nở hết... Kìa như Oanh Oanh khi nghe tin giặc đến vây chùa, không có lẽ không viết thành một chương. Thế nhưng khi viết ra, thật là bút vắn, mực khan, chả có gì là thú! Kẻ đọc buồn tênh! Mà người viết cũng sốt ruột! Không biết làm thế nào được, thì chợt nhớ đến vốn văn chương có phép "thúc trống tẩy uế", tác giả liền buông ngọn bút chết, cầm ngọn bút sống, thình lình mượn vai người đưa thư, bịa ra một chú Huệ Minh bố láo! để cho hả hê cái bạo bực đã nghẹn ngào chứa chất ở ngọn bút hàng nửa ngày trời! Thơ Đỗ Phủ có câu "Cây tiên lật gió rung ngày trắng! Cá kình đạp sóng vùng bể khơi!". Lại có câu: "Trắng tan xương mục, hùm, rồng chết! Đen kịt trời chiều, sấm, sét vang!" Đều là một lối văn lạ lùng thế cả! Có những câu văn ấy, đủ làm cho cả chương lập tức sáng ngời như có hào quang soi tỏ! Đó lại cũng là một điều mà các bạn viết văn đời sau nên khéo bắt chước lấy!