Tây sương ký/Phần I/Chương II

Cảnh thứ nhất: Biệt thự họ Thôi

BÀ LỚN (ra) Nói: - Hồng ơi! Mày truyền lời ta, sang hỏi sư cụ bên chùa, bao giờ thì làm chay cho ông lớn? Hỏi đích đáng rồi, về trả lời ta, nghe!

CON HỒNG - Dạ! (cùng vào).

Cảnh thứ hai: Chùa Phổ Cứu.

PHÁP BẢN (ra) Nói:- Lão tăng đây là Pháp Bản, trụ trì trong chùa Phổ Cứu này. Hôm qua lão vào trong làng làm chay, chẳng hay có khách nào đến thăm chùa không, chú Thông?

PHÁP THÔNG (ra) - Dạ bạch cụ: Hôm qua có một người học trò ở Tây Lạc đến thăm cụ, nhưng không gặp lại trở ra.

PHÁP BẢN - Vậy chú ra cửa coi. Nếu thầy ta đến thì vào nói tôi biết.

PHÁP THÔNG - Dạ.

CẬU TRƯƠNG (ra) – Hôm qua tình cờ gặp cô em, làm cho tôi suốt đêm mất ngủ. Hôm nay lại vào chùa thăm sư cụ, tôi sẽ nói câu chuyện (chào Pháp Thông).

Ví bằng thu xếp không xong,
Thì tôi đây oán sư ông mãn đời!

PHÁP THÔNG – Kìa thầy đã lại! Thầy dạy sao, tiểu tôi không hiểu!

CẬU TRƯƠNG:

Cho tôi thuê một gian ở dãy chùa ngoài.
Ở ngay đối cửa con người hôm qua.
Dù không ghẹo nguyệt, bẻ hoa,
Cũng nhìn cho con mắt oan gia đã đời!

PHÁP THÔNG – Thưa thầy dạy thế nào, tiểu tôi không hiểu...

CẬU TRƯƠNG:

Vốn tính tôi nhát gái lạ đời:
Thoáng trông là thẹn đỏ người lên ngay?
Cớ sao gặp gỡ lần này,
Bể lòng lại thấy vơi đầy yêu đương!
Mắt nhìn đã nảy hồng quang!
Nghĩ càng tê tái, mong càng ngẩn ngơ!

PHÁP THÔNG - Thầy nói thế nào, tiểu tôi không hiểu. Sư cụ đợi đã lâu, tôi xin vào trình lại.

CẬU TRƯƠNG (vào chào Pháp Bản)

Tiếng sang sảng, người to bệ vệ
Tóc bạc phơ, mặt trẻ phây phây!
Chân tu nên mới được thế này,
Thêm vòng hào quang nữa thì thực tượng thầy Đường Tăng.

PHÁP BẢN – Xin mời thầy vào chơi trong phương trượng. Hôm qua lão đi vắng, không được thừa tiếp, xin thầy thứ lỗi cho.

CẬU TRƯƠNG - Bấy lâu nghe tiếng sư cụ, chúng tôi vẫn muốn đến hầu. Không ngờ hôm qua sư cụ lại vắng chùa. Hôm nay được gặp, thực là ba sinh, âu cũng duyên trời chi đây!

PHÁP BẢN – Dám hỏi thầy quý quán đâu ta? Tôn tính đại danh thế nào? Có việc gì qua chơi?

CẬU TRƯƠNG – Chúng tôi họ Trương tên Củng, tự là Quân Thụy, nhân vào kinh dự thi, đường đi qua miền này.

Cụ đã có lòng hỏi đến,
Tôi xin thực chuyện thưa bày:
Quê hương tôi chính ở Lạc Tây,
Nhưng du học nay đây mai đó!
Gia nghiêm trước thượng thư lễ bộ.
Ngoài năm mươi xa bỏ cõi trần.
Bởi một đời, cha thanh liêm không khoét tiền dân,
Nên bốn bể, con trơ trọi chiếc thân công tử xác!
Gió thoảng mát trông lồng gương bạc,
Cụ là người lỗi lạc thông minh,
Tôi đến đây quên cả công danh,
Chỉ mong được nghe kinh lắng kệ.

Giữa đường không có gì làm lễ, gọi là có lạng bạc, cúng vào Tam Bảo, cụ vui lòng nhận cho.

Học trò kiết chỉ lấy đầu làm lễ,
Được đâu như những kẻ có đồng tiền,
Mặc cho miệng thế chê khen.
Chẳng tường gá bạc, không quen tuổi vàng!
Phải đâu giúp cụ tiền lương,
Chẳng qua đồng lễ dâng hương gọi là.
Lòng thành tôi đã dâng ra,
Dám xin cụ chớ nề hà nhận cho!
Mai ngày có trước mặt cô
Mười phần cụ nói đỡ cho một vài,
Thì tôi còn ơn cụ mãn đời...

PHÁP BẢN - Giữa đường gặp gỡ, sao thầy lại bày vẽ ra như thế. Chắc thầy lại có chuyện gì muốn dạy bảo nhà chùa hẳn thôi!

CẬU TRƯƠNG – Thưa thế này thực là đường đột... Chỉ vì nhà trọ rộn rịp quá, khó lòng ôn lại được sách vở, nên muốn nhờ cụ một gian phòng, sớm hôm học tập. Tiền phòng nhiều ít thế nào cũng được, xin cứ tháng đưa hầu.

PHÁP BẢN – Thưa được. Nhà chùa cũng có nhiều phòng bỏ không, xin tùy ý thầy chọn. Hay là ở quách ngay phương trượng nằm với lão cho vui.

CẬU TRƯƠNG:

Tôi chẳng cần chái Bắc, hiên Đông!
Gác kinh, nhà tổ, tôi không thiết mà!
Chỉ xin thuê Mái Tây ở cạnh vườn hoa.
Nhà quan Tướng Quốc phủ Hà bên kia!
Chứ nằm chung với cụ nước gì.

CON HỒNG (ra) – nói một mình:

Bà lớn sai tôi sang hỏi sư cụ, bao giờ làm chay cho ông lớn. Hỏi cho rõ rồi về thưa lại.

(Vào chào Pháp Bản) Bạch lạy cụ, bà lớn sai con hỏi bao giờ thì làm chay cho ông lớn.

CẬU TRƯƠNG:

Con người mới khá làm sao.
Bóng dáng thực con nhà lịch sự,
Trăm phần không lẫn nửa trai lơ!
Sẽ cúi đầu khép nép chào sư,
Môi son hé nói thưa phép tắc.
Khuôn mặt đẹp không cần trang sức,
Quần áo xô nhưng khéo mặt cũng xinh!
Cô em đã giống đa tình,
Con hầu lại tinh ranh hiếm có.
Liếc trộm mà xem con mắt nó.
Có thèm đâu nhìn ngó tới mình đây!
Em ơi! Hãy đợi đến ngày,
Ta cùng cô đã sum vầy phượng loan,
Quyết chẳng để em trải nệm quạt màn.
Lại thưa bà kiếm tấm chồng quan cho em nhờ!

PHÁP BẢN (giận dữ) - Thầy này coi người cũng tử tế, mà ăn nói ra cái gì thế!

CẬU TRƯƠNG - Cụ nên rõ tôi nói thế cũng là đáng lắm chứ!

Tội chưa! Sư cụ mếch lòng!
Con người tử tế nói sao không lựa lời!
Nhưng nhà quan chi thiếu kẻ hầu trai,
Sang chùa hỏi việc lại sai con đòi?
Cụ còn chối cãi nữa thôi?
Ngứa mồm tôi nói, cấm tôi được nào?

PHÁP BẢN – Không phải thế! Đó là do tấm lòng chí hiếu của tiểu thư. Vì là việc làm chay cho ông lớn nên tiểu thư dốc lòng thành kính không sai ai cả, phải sai chị Hồng sang đây là người hầu cận sang hỏi nhật kỳ. (Quay lại con Hồng): Việc làm chay, đàn tràng đã sắp đặt sẵn sàng. Rằm này là ngày cúng Phật, xin mời bà lớn cùng cô sang dâng hương.

CẬU TRƯƠNG (khóc)- Ối cha ôi là mẹ ôi! Cha mẹ sinh con, bao công khó nhọc! Trời già độc địa, báo đáp được đâu! Tiểu thư là một người con gái, còn biết lo ân trả nghĩa đền. Cho hết lòng của kẻ làm con, tôi cũng xin đưa năm mươi quan tiền, xin cụ mở lượng từ bi, sắm chút lễ vật, cúng siêu độ cho cha mẹ tôi nhân thể. Bà lớn biết ra nữa, chắc cũng chả ngại gì!

PHÁP BẢN - Có chi mà thầy ngại! Chú Thông đâu! Nhận tiền sắm lễ cho thầy!

CẬU TRƯƠNG (hỏi riêng Pháp Thông) - Chắc cô ấy có sang lễ không?

PHÁP THÔNG – Làm chay cho quan Tướng thế nào cô ấy chả sang!

CẬU TRƯƠNG (mừng rỡ) - Thế thì năm chục quan cũng đáng!

Hương kém ấm, ngọc thua mềm!
Trên trời dưới đất khôn tìm thấy hai!
Nói chi ôm ấp lả lơi,
Nhìn suông cũng đủ sướng đời! Cho nên
Tai qua nạn khỏi tự nhiên!
Làm chay nào được bằng nhìn Oanh Oanh!

PHÁP BẢN – Xin mời về cả phương trượng xơi nước!

CẬU TRƯƠNG – Tôi xin phép ra ngoài một chút(ra sân). Con bé chắc ra bây giờ! Mình cứ đứng chờ đây!

CON HỒNG – (từ giã Pháp Bản) Xin cụ đừng cho uống nước. Con xin về thưa lại, kẻo bà lớn quở! (ra).

CẬU TRƯƠNG – (đón chào) Xin chào chị ạ!

CON HỒNG – Không dám, chào cậu!

CẬU TRƯƠNG - Hỏi không phải: Chị có phải chị Hồng, người hầu cô Oanh không?

CON HỒNG – Thưa vâng! Có việc gì phiền cậu hỏi?

CẬU TRƯƠNG – Tôi có một chuyện không biết thưa có tiện không?

CON HỒNG – Tên kia đã bắn khôn về! Lời kia đã nói khôn bề xóa đi! Có chuyện gì cậu cứ nói không ngại!

CẬU TRƯƠNG – Tôi họ Trương tên Củng, tự là Quân Thụy, quán ở Tây Lạc, năm nay mới hai mươi ba tuổi, sinh giờ Tí ngày 17 tháng giêng. Tịnh chưa lấy vợ bao giờ!

CON HỒNG – Cái đó ai hỏi cậu đâu! Em cũng không phải thầy số, cần gì cậu phải kể ngày sinh tháng đẻ!

CẬU TRƯƠNG – Xin hỏi chị câu nữa; cô nhà thường khi có ra ngoài không?

CON HỒNG – (giận dữ) Ra ngoài thì làm sao? Cậu là người có học, há không nhớ câu: "Chớ làm việc trái lễ!" Bà lớn em lòng băng dạ tuyết, phép nhà rất nghiêm. Từ đứa trẻ sáu, bảy tuổi, không nghe gọi cũng không dám tự tiện bước lên nhà trên. Cậu không hề có bà con, sao lại được hỏi sỗ sàng như vậy! May mà trước mặt em đây, còn tha thứ được. Chứ bà lớn mà biết, sao chịu để cậu yên! Từ nay mà đi, điều gì nên hỏi thì hỏi, điều gì không nên hỏi chớ có hỏi càn như vậy! (vào)

CẬU TRƯƠNG – (đứng ngẩn người ra một lúc) Thế này thì đến ốm tương tư mà chết mất!

Những nghe nói đã rụng rời!
Đôi mày nặng cả một trời sầu thương!
Phép nhà nghiêm ngặt lạ nhường,
Lấy ai dắt nẻo đưa đường cho nên?
Ví bằng mình sợ mẹ giữ gìn,
Thì quay đi còn ngoảnh lại mà nhìn chi nhau?
Muốn đứt phăng! dễ đứt được đâu!
Mầm tình đã trót ăn sâu trong người!
Ví kiếp này mình cũng lỡ một lầm hai!
Chả hóa ra kiếp trước ta đã mắc tội trời chi đây!
Ta quyết làm cho bồng được lên tay,
Cho mắt này thờ phụng, lòng này mê tơi!
Chỉ nghe nói Vu Sơn xa cách bằng trời!
Ai ngờ lại ở bên ngoài Vu Sơn!
Thân tội này đứng tựa bao lơn.
Nhưng thần hồn những mê man chốn nào?
Này Hồng ơi! Em định đưa tin đến buồng đào.
Hay lại đem chuyện kín thưa vào nhà huyên!
Lòng xuân, có đâu dễ giữ gìn!
Hẳn cũng thấy: Bướm bay từng cặp, oanh chuyền có đôi!
Này Hồng ơi! Em trẻ người nóng tính thế thôi.
Chứ ta đây, cô đấy tốt đôi ai bì!
Miễn em hết sức giúp vì,
Bà dù bó buộc, làm gì được ai?
Mà mặt hoa, ta nhìn được tận nơi;
Mà nhị đào, cô sẽ được cho người tình chung!
Em mà vụng tính không xong,
Thì trai tài, gái sắc, lại cùng trạc tuổi như nhau,
Sẽ trông xuân, xuân đượm nét sầu.
Sẽ nhớ ai, ruột héo, mặt sầu vì ai!
Tội cho cô đức nết vẹn mười,
Mà thiệt cho tôi cũng một đời tài hoa!
Này Hồng ơi! Mày ai chỉ kẻ qua loa;
Mặt ai chỉ thoáng gọi là phấn son;
Cổ ai vừa trắng, vừa tròn,
Ngọc đông, phấn nặn so còn kém xa!
Trên thì, bên vạt áo tà.
Ngón tay muôn muốt như là búp măng!
Dưới thì, dưới bắc quần băng,
Gót chân thoăn thoắt nhỏ bằng cách sen!
Muốn quên hồ dễ mà quên.
Bao nhiêu hình bóng bạn tiên non Bồng,
Thì mình đừng đẹp nữa có được không.
Để tôi thôi cũng chẳng mệt lòng nhớ thương.

Chết! Quên chưa vào chào sư cụ! (Quay vào hỏi Pháp Bản) Thưa cụ, việc tôi xin trọ, cụ dạy thế nào?

PHÁP BẢN – Mái Tây chùa tháp có một gian phòng tĩnh mạc lắm, thầy ở đó thực vừa tiện. Tùy ý thầy dọn lúc nào cũng được.

CẬU TRƯƠNG – Thưa vâng! Chúng tôi xin về trọ đem hành lý lại.

PHÁP BẢN - Thế, thế nào thầy cũng dọn lại nhé! (vào)

CẬU TRƯƠNG - Dọn lại thì dọn, nhưng chịu sao cho nổi lạnh lùng đây!

Này Hồng ơi! Buồng văn đệm gối lạnh lùng.
Đèn soi hiu hắt, sách chồng lẻ loi!
Dù đền xong chí cả một đời.
Ngủ sao cho nổi những đêm dài lan man?
Ít ra cũng năm nghìn lần dài thở, văn than,
Với hàng vạn lượt tung màn, đập chăn!
Thoạt gặp nhau, vẻ xinh chưa nhớ rõ mười phần,
Đành không ngủ, căn ngón tay ta tưởng tượng dần cho ra!
Trong như ngà ngọc, đẹp như hoa,
Nhưng hoa mà biết nói, ngọc mà ngát thơm!

Lời phê bình cả chương sửa

Tôi đã từng xem văn của người xưa và nay. Có người viết mà viết không đến. Có người viết mà viết đến. Có người viết, mà trước chỗ viết, sau chỗ viết, những chỗ không viết đến đều đến được cả. Viết mà viết không đến thì viết câu nào viết câu nào là không đến câu ấy, dù có viết mười, trăm, nghìn, cho đến vạn câu nữa, cũng là mười, trăm, nghìn, vạn câu không đến cả! Hạng người ấy, thà đừng cầm đến bút còn hơn! Viết mà viết được đến, thì viết một câu là một câu đến; lại viết câu nữa, câu nữa cũng lại đến; rồi có viết mười, trăm, nghìn, vạn câu, thì mười, trăm, nghìn, vạn câu cũng đều đến cả. Như ngài, thực là người biết dùng đến ngòi bút vậy! Đến như viết mà trước chỗ viết, sau chỗ viết, những chỗ không viết đến đều đến được cả, thì người ấy là người lấy lò Cừ làm lòng, lấy thợ Tạo làm tay, lấy Âm Dương làm bút, lấy muôn loài làm mực... Chỗ mà lòng không đến được, bút đã đến rồi. Chỗ mà bút đã đến, lòng bất tất đến nữa, chỗ mà bút đã đến, lòng đã đến rồi. Chỗ mà lòng đã đến, bút bất tất đến nữa. Đọc văn họ, đọc thì vẫn đọc … Song kẻ biết đọc thì đọc rồi là đọc rồi, còn kẻ không biết đọc thì đọc rồi mà thực là chưa đọc! Sao vậy? Vì văn họ là ở sau, ở trước, ở chung quanh câu văn, chứ không phải ở chính câu văn. Cho nên, viết mà viết không đến, ấy tức như bao nhiêu những tập văn hại giấy, phí mực trong đời bây giờ! Viết mà viết đến, ấy tức như những văn Hàn, Liễu, Âu, Vương, Tam Tô mà đời còn truyền lại. Đến như viết mà trước chỗ viết, sau chỗ viết, những chỗ không viết đến, không chỗ nào là chỗ không đến, thì trừ Tả Truyện ra, ta không còn tìm đâu thấy nữa! Văn Tả Truyện, Trang Tử giống được vẻ phóng khoáng; bảy thiên Mạnh Tử giống được vẻ đột ngột; Chiến Quốc Sách giống được vẻ chu đáo; Thái Sử Công giống được vẻ cao kỳ. Như Trang Tử, Mạnh Tử, Chiến Quốc Sách, Thái Sử Công thôi còn phải nói gì! Tôi chỉ không ngờ Mái Tây là một vở tuồng mà cũng dùng lối văn ấy. Vậy thì người viết Mái Tây thật là lấy Cừ làm lòng, thợ Tạo làm tay, Âm Dương làm làm bút, mà muôn loài làm mực vậy! - Sao thế? Tức như hôm trước cậu Trương thoáng trông thấy người đẹp, thật là như trăng bên phương trời, như hoa trên đầu Phật, muốn lại gần cố nhiên là chẳng được, xong muốn xa ra cũng quyết nhiên là chẳng được nào! Đã quyết nhiên chẳng xa được nào, thì cần phải sao cho gần lại... Thế nhưng cho gần lại, thì phải bắt đầu phải làm thế nào? Suốt đêm không ngủ, suốt đêm suy nghĩ, cậu Trương là một tài tử thông minh rất mực, bỗng dưng đã bàng hoàng tính ra. Cậu cho rằng: Việc thiên hạ, có lúc lựa khớp, có lúc lắp mộng... Lựa khớp là việc đầu, lắp mộng là việc cuối... Câu chuyện ngày nay; chưa tính đến lắp mộng, hãy tính đến lựa khớp đã! Con người đẹp kia, thăm thẳm ở trong biệt thự, cái mộng ấy chưa dễ mà lắp được! Thế nhưng biệt thự ở ngay bên cửa từ bi quảng đại, cái khớp ấy họa là có lựa được chăng... Trời sáng rồi chăng? Sao gà vẫn còn chưa gáy! Trống tam canh rồi chăng? Sao trống vẫn còn chửa tan canh! Ta không mong cho lắp mộng, hãy mong lựa khớp đã... Mộng mai sau có lắp nổi chăng? Đó là việc mai sau... Đến như khớp lúc này thì cần phải lựa, cần phải lựa ngay chứ để chậm không xong! Ấy đó là việc ngay lúc này! Ta mong sao cho gà chóng gáy, canh chóng tan, trời chóng sáng, để vào chùa mà hỏi Pháp Thông! - Gà chưa gáy, canh chưa tan, trời chưa sáng, cậu chưa thể vào chùa mà hỏi Pháp Thông, lòng cậu lúc đó rối như mớ bòng bong, ta có thể tưởng mà biết vậy! - Nhưng ví phỏng chốc nữa đây gà gáy rồi, canh tan rồi, trời sáng rồi, ta vào chùa hỏi Pháp Thông mà Pháp Thông chẳng nhận lời, thì ta biết làm thế nào cho được? Cố nhiên một là Pháp Thông nhận lời ta, hai là Pháp Thông chẳng nhận lời ta! Nhận lời ta, là sự tự nhiên, mà chẳng nhận lời ta, cũng là sự tự nhiên hoặc muôn một... Nghĩ lại thì nhận lời hoặc chẳng nhận lời, đều có thể cả... Lại nghĩ lại nhận lời ta, phần đó phần ít, mà không nhận lời ta, phần đó phần nhiều! Lại nghĩ lại nữa thì tất nhiên Pháp Thông không nhận lời ta! - Thôi thế là việc gấp rồi! Lòng chết rồi! Thần hồn tán loạn rồi! Nói năng rối bét rồi! Vào chùa thấy mặt Pháp Thông, liền phát cáu ngay: "Nếu mà thu xếp không xong, thì tôi đây oán sư ông suốt đời!" Nghe câu ấy, Pháp Thông phải sửng sốt cả người! Vì sao? Vì cậu Trương chưa hề nói đến chuyện xin thuê phòng thì Pháp Thông còn chưa biết thu xếp là chuyện gì nữa. Nhưng cậu Trương chưa nói chuyện thuê phòng, mà đã phát cáu nói ra câu "thu xếp không xong" đó, là vì câu đó là câu suốt một đêm miệng hỏi lòng, lòng hỏi miệng đã có hàng trăm, nghìn, muôn lượt, cậu cũng chẳng cần người khác hiểu hay không hiểu nữa! Chỉ có hai câu mở đầu ấy mà vẽ được hết cả thần tình cậu Trương suốt đêm không ngủ, ta đọc thấy như hiển hiện ở trên tờ giấy! Cái hay của cách viết được trước chỗ chưa viết, tài tình là thế! Lối đó chỉ trong Tả Truyện là thường có dùng... Than ôi! Câu chuyện văn chương, thông được với tạo hóa! Trong đời này chẳng thiếu gì tay tài tử, tôi biết các bạn ở ngoài nghìn dặm, muôn dặm, tất tưới rượu xuống đất, gọi vọng Thánh Thán mà rằng: Anh nói phải đấy! Anh nói phải đấy! Vậy ngoài nghìn dặm, muôn dặm, Thánh Thán cũng tưới rượu xuống đất, gọi vọng các bạn tài tử mà rằng: Các anh là những người có thể viết được hạng văn suýt soát với vở Mái Tây!

Trở lên là cả một đoạn văn ở trước câu "ví bằng thu xếp không xong" mà tác giả cố ý giấu đi, Thánh Thán xin viết hộ ra đây để tỏ rằng câu "ví bằng thu xếp không xong" thần hiệu đến như thế. Ta thử nghĩ hai câu "ví bằng...", "ví bằng"... chỉ gọn lỏn có mười bốn chữ, mà trong lại chứa một đoạn văn dài như vậy, có lạ tuyệt không?