Tàu ngầm tàu lặn  (1917) 
của Phạm Quỳnh

Bài báo này nằm trong mục Khoa học bình luận của Nam Phong tạp chí, đăng hai kỳ trong Quyển I, số 1số 2.

   

TẦU NGẦM TẦU LẶN

Cuộc chiến-tranh bên Âu-châu ngày nay thực đã phát-hiện ra nhiều sự mới lạ. Cái mới lạ hơn nhất là sự dùng tầu ngầm cùng tầu bay vậy. Cái lối đào hầm-hố để tương-trì nhau, dùng trọng-pháo để phá thành-quách, tuy ngày-xưa không có ghê-gớm dữ-dội như bây giờ, nhưng các trận đời trước cũng đã từng biết. Duy có tầu ngầm với tầu bay là mới xuất-hiện ra nới chiến-trường ở trên cạn cùng ở dưới nước lần này là lần thứ nhất. Hai thứ máy mới ấy thực là cái đặc-sắc của trận này. Các nhà làm sử đời sau muốn lấy cái khí-giới mà phân-biệt trận này với các trận trước, tất gọi trận này là « trận thứ nhất của tầu ngầm cùng tầu bay » vậy. Lần này ta hẵng bàn riêng về cái máy lội dưới bể, lần sau ta sẽ nói đến cái máy bay trên không. Vả cuộc chiến-tranh hiện bây giờ đương vào cái thời-kỳ dùng tầu ngầm rất dữ. Nước Đức từ đầu năm nay lập mưu đánh lừa các nước đồng-minh cùng các nước trung-lập, ngỏ nhờ điều-đình về việc giảng-hòa, lại đe rằng từ nay sẽ đánh toàn bằng tầu ngầm, bất cứ thương-thuyền hay chiến-thuyền, của địch-quốc hay của trung-lập, hễ gặp trên mặt bể thời đánh đắm không tha. Nhờ nói ngông thay ! Nhưng xem thế thì biết rằng lúc này thực là buổi thịnh-thời của tầu ngầm vậy. Bởi vậy chúng tôi lược-dịch trong các sách tây để tóm nhặt lấy những điều yếu-cần về cái lịch-sử, sự chế-tạo, cái nhiệm-vụ, sự hiệu-lực của các thứ tầu ngầm tầu lặn, cho người nước ta biết đại-khái cái tính-cách của một giống cá bể mới, cá phun lửa phun chết, nuốt hàng nghìn con người, nghìn triệu bạc, thực là giống cá riêng của cái đời « siêu văn-minh » này vậy. [1]

I

Xưa nay người ta vẫn hay ham-mê những cái mình không có, muốn chiếm-đoạt lấy những cái năng-lực mà tạo-vật không cho mình : như muốn bay lên trên không như con chim, lội xuống dưới nước như con cá. Bởi cái lòng ham-mê những sự không biết ấy mới sinh ra tìm-tòi cái cách để vượt không bằng tầu bay, vượt bể bằng tầu ngầm vậy.

Có một điều lạ nên nhận, là hai cái nghề bay nghề lội ấy thực là đồng thời với nhau. Cái tầu ngầm xuất-hiện ra trước nhất là cái tầu ngầm của người nước Mĩ tên là Bushnell, chế năm 1775. Quả khinh-khí-cầu thả lên cao trước nhất là quả khinh-khí-cầu của người Pháp tên là Pilâtre de Rozier cùng hầu-tước d'Arlandes năm 1784. Hai việc thực là cách nhau không mấy tí.

Được mười-lăm hai-mươi năm nay, tầu ngầm mới đem ứng-dụng ra thực-tế ; cũng vào khoảng bấy giờ thì cái lối « tự-do khinh-khí-cầu » mới thực là bắt đầu có hiệu-lực. Xem như thế thì biết hai nghề thực là đi ngang nhau vậy.

Nay ta hẵng kể qua lịch-sử nghề tầu ngầm, xem từ xưa đến nay đã tiến-bộ ra làm sao.

Cứ trong sách chép thì về thế-kỷ thứ 17 (năm 1624) đã có một người nước Hà-lan tên Van Drebbel chế ra một cái tầu đi ngầm dưới nước. Sách nói cả rằng tầu ấy có chạy dưới sông Tamise, mà vua nước Anh Jacques thứ II có xuống tầu ấy đi thử. Cái đó vị tất đã là thực. Sau còn nhiều người nữa nghĩ ra những kiểu tầu đi ngầm, nhưng không được mấy cái thành. Năm 1774 người nước Anh tên là Day đi thử một chiếc tầu ngầm bị chìm dưới bể, ở Plymouth. Đó là người đứng đầu tên trong cái sổ những người bị hại về nghề tầu ngầm vậy.

Nhưng cứ thực thì tị tổ nghề tầu ngầm là người Mĩ Bushnell. Hồi trận Độc-lập nước Mĩ, ông Bushnell chế ra năm 1775 một cái tầu ngầm đặt tên là Con rùa.

Cái tầu ngầm ấy có một chân-vịt ở đằng trước, một bánh-lái ở đằng sau, hai chỗ chứa nước ở trong đựng đầy nước, để cho cái sức chuyển nước [2] với cái sức nặng của tầu ngang nhau thì tầu mới chìm xuống dưới nước được. Có một cái ống-thụt để khi nào muốn nổi lên mặt nước thì thụt nước trong hai chỗ chứa ấy ra. Lại có một cái chân-vịt thứ nhì nữa, trụ thẳng để chuyển cho cái tầu chìm xuống dưới nước. Hai cái chân-vịt cùng bằng tay người vận-động cả. Cái tầu ngầm ấy không phải là một cái máy làm thử đâu ; chế ra là để chủ dùng về việc binh vậy. Muốn vào đánh chiếc chiến-thuyền nào thì người thủy-thủ ngồi trong tầu phải đưa tầu xuống dưới cái chiến-thuyền ấy, rồi đâm một cái khoan vào trong vỏ chiến-thuyền ; ở cái khoan ấy có buộc một cái giây đeo một hòm thuốc đạn, có cái máy như máy đồng-hồ, vặn ra thời trong năm phút truyền lửa vào thuốc đạn, bắn vào trong chiến-thuyền mà nổ tan ra vậy. — Ấy đại-khái cái tầu ngầm thứ nhất của ông Bushnell như thế. Cái tầu ấy nhỏ lắm, hình hơi như hình quả trứng, chỉ đủ chỗ cho một người ngồi thôi, nhưng trong có đủ cả cơ-quan cần-dùng : máy chuyển-động, máy thăng-bằng, máy chìm, lại thêm cái thủy-lôi nữa, tuy còn đơn-sơ lắm, nhưng cũng có thể gọi là một cái thủy-lôi được. Tầu Con rùa của ông Bushnell ấy chế ra giữa lúc trận Độc-lập nước Mĩ. Người Mĩ muốn thử dùng để đánh những chiến-thuyền của nước Anh, nhưng thí-nghiệm mấy lần không có công-hiệu gì bèn bỏ.

Sau ông Bushnell, lại có một người Mĩ nữa tên là Fulton cũng chế ra một cái tầu ngầm đặt hiệu là Nautilus. Ông Fulton chính là người nghĩ ra trước nhất cái tầu chạy bằng hơi nước. Hai lần ông sang hiến công cho nước Pháp để chế tầu ngầm, nhưng không đắc-dụng. Năm 1804 ông sang nước ANh, nước Anh cũng không muốn dùng tầu ngầm của ông, nhưng thưởng cho ông 37 vạn 5 nghìn phật-lăng. Từ bấy giờ không thấy ông làm tầu ngầm nữa. Xem thế thì biết nước Anh cho ông cái thưởng to như thế cũng là để ông đừng chế cái lối máy mới ấy mà đem bán cho nước khác thì có thể hại đến thủy-quân của mình vậy.

Năm 1851 có người Đức tên là Bauer chế thử một cái tầu ngầm đặt hiệu là Brandlaucher. Thí-nghiệm nhiều lần không được thành-hiệu lắm, sang hiến công cho nước Anh nước Nga cũng không đắt, đến năm 1875 nghèo khổ mà chết. Ông Bauer có nói mấy câu về tầu ngầm đối với những chiến-hạm nhớn, thực là tiên-tri cái hiệu-lực của tầu ngầm trong thế-kỷ ta vậy. Nói rằng : « Những chiến-hạm nhớn cùng những thiết-hạm các hạng, muốn cải-lương thế nào trong cách chế-tạo, rồi từ nay giở đi cũng là phải mỗi ngày một bỏ dần đi mà thôi. Cái tầu ngầm nhỏ với cái thiết-hạm nhớn đánh nhau, cái thiết-hạm tất phải thua, thế-kỷ sau này sẽ thấy két-cục sự cạnh-tranh hai lối tầu ấy... Các lối thiết-hạm cùng các lối tầu nhớn ngày nay cũng tức như là cái xe đám-ma để đem chôn những thuỷ-quân già-cỗi vậy. » — Nói thế thì cũng là quá đáng, nhưng thực là biết trước mà khéo đoán trong thế-kỷ này cái lối tầu ngầm sẽ thịnh-hành hơn các lối tầu khác. Sự chiến-tranh thực đã minh-chứng điều ấy vậy.

Năm 1860-1863, người Pháp tên là Bourgois (bấy giờ làm thủy-quân đại-úy, sau làm đến thủy-quân đại-tướng), cufnv với một nhà kỹ-sư tên là Brun chế ra một cái tầu ngầm đặt hiệu là Le Plongeur (Anh lặn). Mấy cái lối tầu ngầm nghĩ chế ra từ xưa đến nay đều bé cả. Tầu Le Plongeur chế thật to, trường 42 thước rưỡi, khoát 6 thước, sức chuyển nước 453 tấn. Nhưng vì to quá không được vững, khi chìm khi nổi không được đúng mực ; đến năm 1865 thì bỏ không thí-nghiệm nữa.

Hồi trận Nam-Bắc chiến-tranh ở nước Mĩ, có nhiều người Mĩ nghĩ ra mấy lối tầu ngầm để dùng về việc binh. Nhưng chưa được cái nào là trúng cách cả. Có một cái tầu ngầm hiệu David của quân phương Nam đánh đắm được một cái chiến thuyền của quân phương Bắc, nhưng chính mình cũng bị đắm theo. Đó là chiến-công thứ nhất của tầu ngầm vậy.

Sau đấy còn có một người Nga tên là Drzewiecki chế một lối tầu ngầm nữa chạy bằng điện. Nghề tầu ngầm bắt đầu dùng điện là tự đấy. Thử mấy lần được cả, chính-phủ nước nga bèn thuê ông Drzewiecki làm 52 chiếc cho nhà-nước. Tuy vậy cái lối tầu ấy còn nhỏ lắm (có 6 thước trường mà thôi), dùng thử thì được, nhưng dùng về việc quân thì e còn sớm quá.

Một người Pháp tên là Goubet bắt trước cái kiểu của nhà chế-tạo Nga mà chế ra một cái tầu ngầm đặt hiệu là tên mình *(tầu Goubet). Bộ Thủy-quân nước Pháp bắt thử mấy lần không được trúng cách lắm, đến năm 1891 không ưng nhận.

Từ năm 1881 đến năm 1887, một người Thụy-điển tên là Nordenfelt, lại chế ra một lối tầu ngầm nữa, thí-nghiệm mấy lần được cả, lừng-lẫy cả thế-giới. Nhưng xét ra cái lối ấy cũng còn khiếm-khuyến nhiều, như tầu đi ngầm dưới nước chưa được vững-vàng, khi chìm khi nổi không có điều-độ, trong tầu nóng lắm người không ở lâu được.

Sau đấy còn hai nhà chế-tạo tầu-ngầm nữa, một người nước Anh tên là Waddington (1885), một người nước Tây-ban-nha tên là Peral. Cái tầu ngầm của người Tây-ban-nha lúc mới chế ra lừng-lẫy cả trong nước. Tầu ấy xem ra cũng khá, nhưng từ đấy không thấy đem ra dùng bao giờ, hồi nước Tây đánh nhau với nước Mĩ cũng không thấy nói đến.

Rồi đến cái tầu ngầm hiệu Gymnote của người Pháp tên là Gustave Zédé. Tầu ấy nhỏ : có 20 thước trường, 1 thước 80 khoát. Chế năm 1886, thử năm 1889 ; lội giỏi lắm, đi dọc, đi ngang được cả. Từ đấy cái vấn-đề về sự đi ngầm dưới nước mới giải-quyết được thỏa-đáng vậy. Nhưng cái tầu ấy nhỏ quá. Đến sau chế một cái nhớn hơn, đặt hiệu là Gustave Zédé (tên nhà chế-tạo, lúc bấy giờ đã chết), dài 48 thước rưỡi ; thí-nghiệm ra thì lại hỏng không được bằng cái trước.

Bên Mĩ vào khoảng bấy giờ cũng có người tên là Holland chế ra một lối tầu ngầm nhỏ, rồi sau làm mẫu cho nhiều lối tầu mới của nước Mĩ, nước Anh, nước Nga, vân vân.

Hình thứ 1
Tầu ngầm lối Mĩ, thả năm 1913

Chẻ ngang hình tròn ; chỉ có một vỏ. — Hòm nước ở trong. — Sức truyển nước : trên mặt 390 tấn. dưới nước 520 tấn. — Sức nổi : 25 phân.

Hình thứ 2.
Tàu lặn kiểu Laubeuf, thả tự năm 1911 đến 1914
Chẻ ngang hình bồ dục. — Hai vỏ, một dầy, một mỏng. Sức nổi : 33 phân.

Năm 1896 bộ Thủy-quân nước Pháp có mở một cuộc thi tầu ngầm, để kén chọn lấy cái lối nào là hợp cách hơn. Bấy giờ một nhà kỹ-sư nước Pháp tên là Laubeuf đem ra ứng-thí một cái tầu ngầm đặt hiệu là Narval, chế theo một lối mới gọi là lối « tầu lặn » [3], trường 34 thước, khoát 4 thước, sức chuyển nước trên mặt 120 tấn, dưới nước 200 tấn. Cái tầu ấy hợp cách hơn cả, từ năm 1900 cho sáp-nhập vào thủy-quân nước Pháp. Nhiều lối tầu lặn của các nước về sau này cũng bắt chước lối ấy cả.

Từ bấy giờ nước Pháp trước nhất bắt đầu tổ-chức một hạm-đội tầu ngầm. Từ năm 1900 giở lên là cái thời-kỳ thuộc về lịch-sử, từ năm 1900 giở xuống là thời-kỳ thực-hành vậy.

Xem cái lịch-sử nghề tầu ngầm như trên kia thì biết phạm sự chế-tạo mới không phải là một mai mà thành được, phải kể hàng chục năm, hàng thế-kỷ vậy, mà những nhà chế-tạo không những là khổ về những sự khó-khăn trong cái nghề mới của mình, lại khổ vì người đương thời thường không hiểu mình, mà ít khi được người tán-trợ cho mình. Bởi thế mà nhiều nhà đến nửa chừng phải bỏ. Phải có cái nghị-lực, cái kiên-nhẫn rất mạnh mới theo đuổi cho cùng được. Sự tiến-bộ trong thế-giới bất quá cũng là gồm cái nghị-lực, cái kiên-nhẫn của những người đi tiên-phong trong các nghề, những người khai đường mở lối vậy.

II

Cái vấn-đề đem dùng tầu ngầm về việc binh mới thiết ra từ khi phát-minh được cái « tự-động ngư-lôi » (torpille automobile) vậy. Vào khoảng năm 1880, các nước Âu-châu chế ra được một cái khí-giới mới gọi là cái « tự-động ngư-lôi », cái khí-giới ấy cực mạnh, vì nó có thể đâm thủng một cái chiến-hạm mà đem thuốc-đạn vào nổ ngay treong ruột tầu, khiến cho tầu mạnh đến thế nào, thiết-giáp dầy đến bao nhiêu, cũng phải đến đắm vậy. Nhưng mà cái cự-li-độ của cái khí-giới ấy ngắn lắm. Muốn dùng nó cho có công-hiệu thì phải đến gần cái mục-đích, cách độ vài trăm thước mới được ; đứng xa thì cái thủy-lôi không bắn tới nó, hoặc tới mà cái sức nó kém đi vậy. Bởi thế mới bắt đầu chế ra một thứ tầu nhẹ, chạy rất nhanh, gọi là ngư-lôi-đĩnh (torpilleur), để dùng băn đêm cho khỏi bị trông thấy, khiến cho đến gần được cái chiến-hạm mình muốn đánh, ném ngư-lôi vào, rồi chạy đi thật nhanh. Nhưng cái lối tầu ấy cũng chưa được tiện, vì chỉ dùng được băn đêm, mà băn đếm nữa cũng không khỏi nguy-hiểm, vì có đèn chiếu soi thấy thì bị bắn mất. Vậy phải chế ra một thứ tầu khác có thể dùng băn ngày được, lặn xuống dưới cái chiến-hạm mà ném ngư-lôi ngay vào sườn thì mạnh hơn và công-hiệu hơn biết bao nhiêu. Tất phải dùng đến cái lối tầu-ngầm, vì chỉ có cái tầu ngầm là mới hợp cách, mới lợi-dụng « tự-động ngư-lôi » đến hết sức, đến cực-điểm được.

Lại giữa vào khoảng lúc bấy giờ cũng mới xuất-hiện ra cái lối máy chứa điện, có thể trữ cái sức điện cho bao giờ dùng cũng được, mà dùng trong một nơi kín không phát nóng, phát hơi độc gì cả. Nhờ có cái động cơ chạy bằng điện của nhà chế-tạo Gramme, thì cái sức điện ấy biến được ra sức vận-động quanh một cái trụ, trên cái trụ ấy cho quay một cái chân vịt : thế là cái vấn-đề đã tiệm quyết được vậy. Đã có cái động-lực đủ truyển-vận được một cái tầu thì chỉ còn phải nghĩ cách làm cho nó chìm xuống mà đi ngầm dưới nước được. Trong mười năm, từ năm 1886, các nhà chế-tạo tìm-tòi, nghiên-cứu mãi, nghiên cứu mãi, đến cái tầu-ngầm hiệu Gustave Zédé mới gọi là tiềm-tiệm được.

Đem một cái tầu vỏ bọc kín mít cả mà bỏ chìm xuống dưới nước thì tưởng cũng không lấy gì làm khó lắm, chỉ phải ngắn ở trong tầu lấy những khu riêng để chứa nước, khác nào như những hòm đựng nước có ống thông với ngoài, rồi mở cho nước chẩy vào đầy các hòm thì tầu đủ nặng mà chìm xuống vậy. Lúc nào muốn nổi lên mặt, hoặc muốn đứng lửng chừng thì có một cái ống thụt vặn bằng tay người thụt nước trong hòm ra thì tầu đủ nhẹ mà bổng lên. Truyển-vận cái tầu thì đã có cái động cơ chạy bằng điện ; lại còn phải khiến cho cái tầu lúc đi dưới nước cao thấp cho vừa độ, không nghiêng-ngửa mà được thẳng-bằng. Các nhà chế-tạo nghĩ mãi, sau mới chế ra một thứ như cái vây cá động đậy được, đính vào hai bên sườn tầu, tức là những cái bánh lái, nhưng bánh-lái đặt ngang, khiến cái tầu đi ngầm cũng như những cái bánh-lái đặt giọc khiến cái tầu đi nổi vậy. Nguyên cái lối vây cá ấy, trước đã dùng cho cái « tự-động ngư-lôi », vì cái « tự động ngư-lôi » cũng tức là một thứ tầu-ngầm nhỏ đi không có người vậy. Nhưng đem cái lối ấy ra mà ứng-dụng vào cái tầu-ngầm thực to hơn nhiều, thì cũng khó-khăn lắm. Phải chế đến mấy đôi bánh lái như thế — thường thì ba đôi, hai đôi hai đầu, một đôi ở giữa — thì mới đủ khiến cho cái tầu đi dưới nước cao thấp vừa độ mà không nghiêng chúi về một đầu nào.

Cái võ-trang của tầu ngầm là cái « tự-động ngư-lôi » vậy. Vì tầu ngầm chế ra mà dùng về việc binh cũng chỉ cốt là để lợi-dụng cái khí-giới mạnh ấy. Phóng cái ngư-lôi ấy ra thì hoặc bằng một cái ống đặt tự trong tầu, trong ống có không-khí ép, lúc mở ra thì không-khí rãn ra mà bắn mạnh cái ngư-lôi ra ngoài, hoặc bằng những máy có « lò-so » đặt ở ngoài vỏ tầu.

Nhưng cái tầu ngầm kín mít cả mà đi dưới nước thì biết đường nào mà đi ? Vậy muốn cho trông được ngoài mà ngoài không trông được mình, bèn đặt một cái ống thông tự trong tầu ra ngoài vỏ mà cao lên trên mặt nước, trong ống ấy sếp những kính ba góc thế nào cho phản-chiếu được cái hình-tượng ở ngoài vào trong tầu ; cái ống kính ấy gọi là « châu-thị-kính » (périscope, cái kính chiếu quanh). Cái ống ấy tức là cái mắt của tầu ngầm vậy. Nếu bị bắn vỡ thì cai tầu thành như người mù, không biết đường nào mà đi nữa, thật nguy-hiểm to. Nên các chiến-hạm đi bể thường phải nhìn kỹ trên mặt nước, hễ thấy cái ống kính ấy thập thò lên thì cố bắn cho vỡ. Những cái ống-kính trên mặt bể thì khác nào như cái kim trong chậu nước, mà cái kim nó cứ động đậy luôn, không đứng im một chỗ ; súng nào mà bắn cho trúng, bắn cho vỡ được. Nên đánh mù được cái tàu ngầm cũng không phải là một việc dễ vậy !

Đại-khái cái tầu ngầm như thế là thành thân vậy. Nếu đủ dùng để đánh thế công, cũng đủ dùng để giữ thế thủ được. Nhưng còn phải một điều chưa tiện, là những cái máy chứa điện ở trong tầu làm bằng những mảnh chì đẫm trong nước lưu-toan (acide sulfurique), thời nặng quá. Cái lối máy ấy thì thực là tiện để trử điện cho được nhiều mà có thể dùng được ngay. Nhưng mà cùng bấy nhiêu điện mà cái trọng-lượng của nó lại to quá. Như trong tầu ngầm hiệu Gustave Zédé có một bộ máy chứa điện thật to, để gần chật khắp cả tầu ; bởi thế mà tầu đi chậm không thể đi luôn được một ngày, đi cực nhanh không thể đi hơn được ba giờ đồng-hồ. Lại khi nào cái điện chứa trong máy dùng hết thì phải đến gần nhà máy nào mà lấy điện mới vào : bởi thế tầu ngầm không thể đi xa các cửa bể căn-cứ được.

Vậy muốn cho tầu ngầm dùng về thế công được, tất phải tăng thêm cái độ đường nó lên, khiến cho có thể đi xa ra ngoài bể mà bắt gặp được những chiến thuyền mình muốn hại. Ông Laubeuf ở nước Pháp, ông Holland ở nước Mĩ, hai người cfng một lúc bèn nghĩ ra đặt thêm vào cái trụ chân-vịt, ngoài cái động-cơ chạy điện để đi ngầm dưới nước, một cái động-cơ chạy nóng nữa để đi nổi trên mặt. Ông Laubeuf thì dùng một cái máy hơi nước có nồi nước đốt bằng dầu-hỏa ; ông Holland thì dùng cái động-cơ chạy bằng tinh-dầu (gazoline), nhẹ hơn nhưng không được cẩn-chắc bằng, vì cái tinh-dầu hay có bốc hơi cháy lên mà sinh hỏa-hoạn được. Nhưng hai đằng đều là tiện-lợi cả, mà tăng thêm cái trường-hợp của tầu ngầm ra được nhiều lắm ; vì từ nay có thể đem vào trong tầu đủ đồ « nhiên-liệu » (là đồ dùng để đốt, như dầu hỏa, tinh dầu, v.v.) để đi bể luôn trong mấy ngày được. Mà từ nay cái tầu ngầm được quyền độc-lập tự-trị, không phải tùy thuộc vào cửa bể hoặc nhà máy nào, vì cái động-cơ chạy điện có thể dùng làm « máy sinh điện » (générateur), nhờ cái động-cơ chạy nóng mà truyền sang cái máy chứa để thay cái điện cũ đã dùng hết. Cái bộ máy chứa cũng có thể giảm đi được, không hại gì, cho nó bớt nặng, vì trong tầu đã có cách thay điện lấy được, thì chỉ nên chưa cho đủ dùng mà thôi. Phàm những tầu ngầm của nước Pháp cùng các nước khác chế tự bấy giờ đều theo một phép ấy cả.

Sự tiến-bộ ấy đã là to, nhưng xét trong cách sang-nghĩ cái lối tầu ngầm của ông Laubeuf còn có một cái ưu-điểm nữa. Phàm tầu ngầm dùng thế công trong một cái trường to rộng phải có thể đi bể được lâu mà gồm đủ tư-cách như những tầu đi trên mặt nước cùng to bằng thế ; lại phải có thể người ở được, khiến cho thuyền-viên lợi-dụng được cái trường-hợp của mình cho đến kỳ cùng vậy. Những tầu ngầm chế ra lúc mới đầu, khi đi trên mặt nước, cái sức nổi nó kém lắm, không được đến hơn 5 phân (1 trăm phần 5 phần) cái thể-tích cả tầu. Ông Laubeuf bèn tăng thêm được lên đến 30 phân, khiến cho cái thân tầu nổi cao lên trên mặt nước, đi bể được thêm tiện-lợi hơn nhiều. Ông lại nghĩ ra cái cách đặt hòm chưa nước ra ngoài cái vỏ dầy, khiến cho cái hình tầu ở trong vẫn là hình cái thoi (hay là hình điếu sì-gà), vì cái hình ấy đã nghiệm ra chịu được áp-lực của nước mạnh hơn các hình khác, mà cái hình vỏ ở ngoài thì giống như hình các tầu đi trên mặt nước. Nhân thế mà trong tầu lại được thêm giộng ra, ở dễ chịu hơn. Cái lối ấy là cái lối « tầu lặn » vậy. cái tên tầu lặn, nay không thường dùng nữa mà gọi chung cả là « tầu ngầm », nhưng cái kiểu tầu lặn thì thực là thông dụng. Nói rút lại thì cái lối « tầu ngầm » là chủ một cái mục-đích như thế này : làm lấy một cái kiểu phóng-ngư-lôi vừa gồm đủ tư-cách cái tầu thường di trên mặt bể, mà lại vừa có cái năng-lực lặn xuống nước mà đi ngầm được, để vào công-kích mà không bị người ta trông thấy. (Xem nhời chua trên kia về hai lối tầu ngầm, tầu lặn).

Hết thảy những tầu ngầm chế ở nước Pháp từ năm 1904, cùng phần nhiều những tầu ngầm mới chế của các nước khác, đều là thuộc về kiểu tầu lặn cả. Xưa khi mới phát-minh ra cái lối tầu lặn, trong thủy-quân-giới các nước nghị-luận về cái vấn đề sức-nổi của tầu ngầm nhiều lắm, mỗi người bàn một khác, không giống ý-kiến nhau. Từ bấy đến nay kinh-nghiệm đã sác-chứng rằng tầu ngầm phải có cái sức-nổi mạnh thì mới có thể đem dùng ra công-thế được. Về cái phương-diện ấy thì các lối tầu ngầm thông dụng ngày nay không khác nhau mấy tí. Đến những cái tư-cách khác cần cho việc binh thì các lối tầu ngầm cũng đại-đồng tiểu-dị như nhau cả : như cái tốc-độ, cái trường-hợp trên mặt bể, cái tốc-độ, cái trường hợp trong khi lặn, đại-để cao thấp giộng hẹp cũng không hơn kém nhau là bao nhiêu. Dần dần, các thủy-quân chưa được bằng lòng, lại còn thi nhau mà muốn tăng-tiến phát-đạt những cái tư-cách ấy lên ; nhưng muốn tăn-tiến phát-đạt một cái nào mà vẫn giữ cái sức truyển nước cũ, thì những cái khác tất phải giảm kém đi, muốn tăng-tiến phát-đạt cả bấy nhiêu cái thì thế-tất phải tăng đến khung-khổ mà chế những tầu ngầm mỗi ngày một to lên vậy. Bởi thế như ở nước Pháp thoạt-tiên tầu hiệu Narval mới có 150 tấn, năm 1901 tầu Aigrelle tăng lên 230 tấn, năm 1904 tầu Circé 250 tấn, năm 1905 tầu Pluviôse 400 tấn, năm 1907 tầu Archimède 600 tấn, năm 1911 tầu Gustave-Zédé lối mới 800 tấn ; gần đây nghe nói còn có cái đến nghìn tấn cùng hơn một nghìn tấn. Các nước khác đại-để cũng tuần-tự mà tăng-gia như thế. Tầu ngầm cũng không tránh khỏi cái lệ thường của các chiến-hạm cùng thương-thuyền ngày nay, là mỗi ngày phải nhớn thêm mãi lên, không biết đến đâu là cùng vậy. Đâu đâu cũng vậy, hoặc là để tiện dùng về việc binh, hoặc là vĩ nhẽ khác, các nước đều thi nhau mà phát-đạt các lối tầu bể cho cực hoàn-toàn, nhất là phát-đạt cái sức đi, cái tốc-độ của tầu vậy. Như tầu Narval của ông Laubeuf khi xưa đi mỗi giờ trên mặt được 8 hải-lí, dưới nước được 5 hải-lí. Ngày nay các tầu ngầm đi trên mặt được hơn 20, đi dưới nước được ngót 15 hải-lí vậy. Chắc là chế những tầu to mà nhanh như thế thì kinh-phí phải nhiều hơn, nhưng lợi-dụng các khí-giới cũng lại tốt hơn nhiều.

Cái khí-giới ấy vẫn là cái « tự-động ngư-lôi » (torpille automobile). Những tầu ngầm nhớn thường có 6, 7 cái, đặt sẵn để lúc nào phóng ra cũng được. Ngư-lôi chế theo cái kiểu tối-tân thì chạy nhanh được 35 đến 40 hải-lí một giờ trong một khoảng từ 700 đến 800 thước (cái khoảng rộng đến mấy nghìn thước thì cái tốc-độ phải kém đi nhiều, mà phải dùng một cách lấy cữ riêng). Hiện nay thì muốn phóng cho trúng chỉ lại gần cái mục-đích là chắc hơn cả, nhưng nếu cái mục-đích ấy là một cái tầu đương chạy, mà chạy nhanh hơn cái tầu ngầm lội dưới nước, thì đến gần được cũng không dễ ; lại còn phải nhằm cho kỹ nữa, lượng cho đúng cái tốc-độ của cái tầu mình đuổi cùng cái phương-hướng nó đi ; bấy nhiêu cái mà đứng trong một cái tầu ngầm trông qua cái ống kính thì cũng khó lắm vậy. Ném một cái ngư-lôi cho có công-hiệu phải cho khéo tay, phải có may rủi mới được. Xưa nay biết bao nhiêu là ngư-lôi ném hỏng !

Nước Đức muốn dùng tầu ngầm để công-kích các thương-thuyền cho dễ, bèn đặt súng đại-bác vào những cái tầu ngầm mới chế. Tầu ngầm vốn không phải là để dùng đến đại-bác, mà thấy đại-bác đột-nhiên xuất-hiện ra ở tầu ngầm như thế, thì thực là một các hình-trạnh mới của cuộc hải-chiến đương bây giờ vậy. Các thủy-quân thấy thế lấy làm lạ lắm, đồ cho rằng người Đức dùng đại-bác thế là có ý để cho tầu ngầm lại chống-cự với tầu ngầm được. Nước Anh cũng đã bắt chước làm. Hiện nay những tầu ngầm mới chế của Đức có mang một khẩu đại-bác 76 li, lúc nổi thì dương ra, lúc lặn thì thu vào trong vỏ, cùng hai khẩu 37 li để thò ra ngoài. Những súng ấy cũng là những súng nhỏ cả, cái khẩu-kính nó vừa nhỏ, cái số nó vừa ít, không đủ giao-chiến với những tầu phóng ngư-lôi võ-trang tốt hơn, nhưng mà đủ hại những tầu buôn không có cách phòng-bị ; nước Đức được thế cũng là mãn-nguyện vậy.

III

Nay ta đã biết cơ-thể cái tầu-ngầm thế nào cùng cách nó cử-động làm sao, vậy ta kể qua cái nghề tầu-ngầm hiện bây giờ phát-đạt chừng nào.

Ngày nay các thủy-quân đều đua nhau mà chế tầu ngầm. Muốn đo cái bước đường đã tiến được trong mấy năm, thì nên biết rằng đầu năm 1901, cái số tầu ngầm ở các nước mới có thế này :

Nước Pháp, 5 tầu ngầm, 1 tầu lặn đã chế xong.

4 tầu ngầm, 4 tầu lặn con đương chế.

Cộng

14 chiếc.

Nước Mĩ, 1 tầu ngầm đã chế xong.

7 tầu ngầm còn đương chế.

Cộng

8 chiếc.

Nước Anh, 6 tầu ngầm còn đương chế.
Nước Ý, 2 tầu ngầm đã chế xong.

Ngoài mấy nước ấy, những nước khác bấy giờ chưa có một chiếc tầu ngầm nào.

Đến giữa năm 1902, nước Pháp vẫn còn đứng bậc nhất. Nguyên trước đã có 14 chiếc, năm ấy lại thêm 25 chiếc nữa đương chế chưa xong. Nước Anh thì năm ấy mới có được 9 chiếc cả thẩy, nước Mĩ thì 8 chiếc. Nước Pháp được nhanh hơn các nước nhiều như thế, tưởng còn được phần hơn lâu nữa. Nhưng từ đấy các liệt-cường khác, nhất là nước Đức trước chưa có một chiếc nào, bèn gắng sức chế ra thực nhiều cho kịp, mà nước Pháp thì trung-gian nhãng bỏ nghề tàu mất một độ. Đến khoảng năm 1905-1906 nước Pháp mới lại chế thêm thì các nước khác đã có gần khắp cả rồi. Vả nước Pháp xướng ra nghề tầu ngầm trước nhất, những kiểu chế lúc ban đầu, mấy năm sau thành ra cũ cả mà phải loại. Các nước khác chậm hơn, được bắt chước những kiểu tốt nhất về sau, không phải mất mấy. Cho hay cái lệ thường những người đi tiên-phong vẫn phải chịu sự thiệt-thòi, mà cái phường học lỏm vẫn khéo cướp lấy phần hơn vậy !

Đến đầu năm 1941, mấy tháng trước sự chiến-tranh, thì cứ theo sổ tổng kế của Thủy-quân-bộ nước Anh, số tầu ngầm của các nước như sau này :

TÊN NƯỚC

SỐ TẦU NGẦM

CỘNG
đã chế đương chế
Anh 69 29 98
Pháp 50 26 76
29 25 54
Nga 25 18 43
Đức 24 14 38
Ý 18 2 20
Nhật 13 2 15
Áo 6 5 11
Đan-mạch (Danemark) 6 4 10
Thụy-điển (Suède) 5 3 8
Hà-lan (Hollande) 5 3 8
Na-uy (Norvêge) 3 2 5
Hi-lạp (Grèce) 2 2 4
Ba-tây (Brésil) 3 0 3
Chi-lợi (Chili) 0 2 2
Bồ-đào (Portugal) 1 0 1
Cứ xem cái bảng trên ấy thì biết trong 13 năm (từ năm 1901 đến năm 1914) cái số tầu-ngầm của các nước đã tăng thêm lên là bao nhiêu. Tổng-số những tầu đã chế rồi hoặc hiện đương chế cả thảy đến 400 chiếc. Các nước bực nhất bực nhì đều có cả. Duy có nước Tây-ban-nha (Espagne), cùng nước Á-nhĩ-nhân-đinh (Argentine) là có thủy-quân mà chưa có một chiếc tầu-ngầm mà thôi.

Như thế thì phàm nước nào có thủy-quân nhớn là chế tầu-ngầm nhiều. Chắc một thứ tầu mạnh, tiện mà rẻ như cái tầu-ngầm, thì nước nào dù nhớn dù nhỏ, dùng cũng là có lợi. Nhưng xưa nay các nước vẫn mê-tin những chiến-hạm 2, 3 vạn tấn, tưởng rằng trong cuộc thủy-chiến chỉ có những giống kềnh-nghê đời thượng-cổ ấy mới là có hiệu-lực, còn những giống cá con thì không được việc gì. Có người chê tầu-ngầm gọi là « bụi bể ». Việc chiến-tranh ngày nay thực đã mở mắt cho những người mê-tin như thế. Từ ngày khai-chiến đến giờ, trừ ra một vài lần có mấy chiếc chiến-hạm nhớn của nước Anh cùng nước Đức giao-chiến với nhau, cũng chưa gọi là những trận hải-chiến nhớn được, còn thì chỉ rặt tầu-ngầm đánh nhau mà thôi. Xem như thế thì biết cái nhiệm-vụ của tầu ngầm trong việc chiến-tranh không phải là nhỏ vậy. Chắc rằng chưa bao giờ thay hẳn những tầu nhớn được, nhưng cái thế-lực rồi mỗi ngày một to mãi lên. Cuộc chiến-tranh ngày nay rồi gây nên một sự cách-mệnh nhớn trong nghề thủy-quân ; cái kết-quả sự cách-mệnh ấy là giảm bớt quyền áp-chế của những vua chúa trong các hạm-đội là những giống thiết-hạm to nhớn lạ lùng vậy.

Hiện nay thì các nước nhỏ không thể chế được những hạng « vô-úy-hạm » (dreadnoughts) cùng « siêu vô-úy-hạm » (superdreadnoughts) 2, 3 vạn tấn, tất đã hiểu rằng cái tầu-ngầm là rất cần cho mình, vì nó là cái khí-giới tuyệt-diệu để giữ thế thủ.

Những thủy-quân đứng vào hạng nhì, như nước Hà-lan, Thụy-điển, Tây ban-nha, Bồ-đào-nha, Hi-lạp, Thổ-nhĩ-kỳ, Lỗ-mã-ni, Bảo-gia-lợi, cùng những nước cộng-hòa ở Nam-Mĩ, đã không thể chế được những chiến-hạm nhớn kinh-phí đến 50, 70 triệu phật-lăng một cái, mà cứ chế mãi những thiết-hạm nhỏ, tự 2500 tấn đến 7000 tấn, thì thực là phí-tiền vô-ích. Vì những tầu ấy kém những tầu nhớn lắm lắm, khi chiến-tranh với một nước nhớn thì không được hiệu-lực gì cả.

Như nước Hà-lan hiện chỉ có những thiết-hạm hiệu Tromp 4500 tấn. Giả thử có việc khởi-hấn với nước Nhật-bản thì những cái thiết-hạm tí-ti ấy giữ làm sao nổi những thuộc-địa Hà-lan ở quần-đảo Mã-lai, đối với những thiết-hạm nhớn của Nhật hiệu Kashima ? Một tầu Katori của Nhật cũng đánh đắm được nửa tá tầu Tromp.

Thử lấy một cái thí-dụ như sau này thì minh-chứng được điều ấy : Như năm 1807, một hạm-đội của nước Anh đến đánh kinh-đô nước Đan-mạch. phá-hoại thủy-quân của nước ấy để báo thù vì đã về bè với vua Nã-phá-luân.

Giả-thiết ngày nay nước Anh cũng lại muốn đánh nước Đan như thế nữa, thì nước Đan chống lại thế nào ?

Hiện bây giờ nước Đan chỉ có 7 cái thiết-hạm nhỏ tự 2500 tấn đến 5500 tấn, cả thẩy có độ 15 chiếc đại-bác. Nước Anh thì có đến 50 cái đại chiến-hạm từ 1 vạn dưởi đến 2, 3 vạn tấn, chỉ lấy ra 5, 6 cái cũng đủ phá-tan được cái thủy-quân ti-tị của nước Đan vậy.

Nhưng nếu nước Đan mà có được 10, 12 cái tầu lặn, 10, 12 cái tầu ngầm, thì có thể lấy tầu lặn mà ngăn những đường khe bể gần vào nước mình, chiến-hạm của địch-quốc đến thì đánh đắm được, còn tầu ngầm thì dùng mà giữ những bờ bể cùng của bể của mình, cái tầu địch nào vào lọt được đến đấy thì đánh đắm nốt. Như thế thì nước Anh đến đánh được, cũng khó vậy.

Cứ tính giá 7 chiếc thiết-hạm nhỏ của nước Đan-mạch thì ước là 50 triệu, 12 cái tầu-lặn với 12 cái tầu-ngầm cả thẩy mới đến độ 20 triệu mà thôi. Một cái thiết-hạm nhớn theo kiểu bây giờ mà nặng 2 vạn 3 nghìn tấn thì giá đến hơn 70 triệu. Cứ so-sánh bấy nhiêu số tiền thì biết cái lợi ở đâu, cái bất lợi ở đâu.

Tự năm 1899, ông Goschen đã nói ở Hạ Nghị-viện nước Anh rằng : « Cái tầu-ngầm là cái khí-giới của những nước nghèo, những nước yếu. » Từ bấy đến nay, các nước nghèo nước yêu chưa chịu cho nhời ấy là phải. Sau cuộc chiến-tranh này tất mới hiểu rõ hơn.

Ông Laubeuf ở hội « Thủy quân kiến-chúc » ở thành Bordeaux năm 1907 có nói rằng :

« Nhân-loại ta tiến-hóa còn chậm lắm, phải nên phát-đạt lấy những cách phòng-bị hơn là những cách công-kích. Cái đó cũng là một cái độ đường thứ nhất để tiến đến cái thời-đại có thể bỏ hẳn được sự chiến-tranh.

« Cứ tinh-hình của thế-giới văn-minh ngày nay, thì bàn sự bãi binh để mong được hòa-bình, thực là một cái hư-tưởng hại.

« Muốn bảo-hộ cho cuộc hòa-bình thì chỉ nên tìm cái cách cho nước nào cũng có thể giữ mình được.

« Tầu-ngầm đã được cái danh-dự to gọi tên là cái khí-giới của nước nghèo, cái khí-giới của nước yếu. Nên mong rằng các thủy-quân bực nhì chóng có những hạm-đội nhỏ tầu ngầm.

« Thiết-tưởng nhân-loại sẽ nhớ ơn những nhà chế-tạo đã giúp cho những nước nhỏ, nước yếu có cách giữ minh được đối với những nước nhớn, nước mạnh, thường hay lạm dùng cái sức mạnh của mình. »

Nếu được như thế thì còn gì quí-báu bằng ! Nhưng hiện nay các nước nhỏ chưa có đủ tầu ngầm để giữ mình mà những nước nhớn cường bạo như nước Đức đã chế ra thực nhiều, thả giông dưới bể, để đánh đắm những thương-thuyền vô-tội, mà ngăn-trở sự giao-thông trong thế-giới. Những nhà chế-tạo như ông Laubeuf lúc sáng-nghĩ ra cái tầu ngầm ngờ đâu rằng ngày nay những nước không nên dùng tầu ngầ mà lạm dụng tầu ngầm đến thế. Tiếc thay !

IV

Nước Đức mới khởi đầu chế tầu-ngầm tự năm 1905, kém nước Pháp 6, 7 năm.

Tầu ngầm của Đức đặt hiệu bằng chữ U bên cạnh có chữ số thứ tự (U là viết tắt chữ Đức « Unterseeboot », nghĩa là tầu đi ngầm).

Tầu hiệu U-1, là cái tầu lặn thứ nhất của Đức, thả thử ngày 30 tháng 8 năm 1905. Chế theo lối tầu lặn của Pháp kiểu Aigrette (năm 1902). Tầu U-1 có những đặc-tính như sau này : trường 39 thước, 10 phân ; khoát 3 thước 60 phân, cao 2 thước 80, sức truyển nước 185 tấn trên mặt, 240 tấn dưới nước. Có hai cái động-cơ kiểu Kœrting, mỗi cái 200 mã-lực, sức chạy 11 hải-lý một giờ ở trên mặt, 8 hải-lí ở dưới nước. Tầu có một cái ống phóng ngư-lôi, 3 cái ngư-lôi ngang-giữa 450 li.

Tầu U-1 thử được rồi thì đến năm 1906, bộ thủy-quân Đức mới chế thêm 3 chiếc nữa U - 2 đến U - 4, năm 1907, 4 cái nữa, U - 5 đến U - 8.

Từ năm 1907 đến năm 1914 tiền kinh-phí về việc chế tầu ngầm cứ mỗi năm một tăng thêm lên. Xem như cái sổ liệt sau này thì biết :

Năm
1907
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
6
triệu 25 vạn
»
1908
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
9
» 75 »
»
1909
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
12
» 50 »
»
1910
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
18
» 75 »
»
1911
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
18
» 75 »
»
1912
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
18
» 75 »
»
1913
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
25
» 00 »
»
1914
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
23
» 75 »

Nước Đức tự năm 1906 thực đã hiểu rõ tầu ngầm quan-trọng về việc binh là nhường nào, mà hết sức chế cho kịp các nước khác để chuộc lại cái chậm của mình.

Tự năm 1908, nước Đức chế được 24 cái tầu-ngầm U - 9 đến U - 32. Cái kiểu tự U - 12 đến U - 32 thì đã tiến-bộ hơn trước nhiều : trường 65 thước, khoát 6 thước 10, cao 3 thước 60, sức truyển nước 650 tấn trên mặt, 800 tấn dưới nước, sức chạy 16 hải-lí trên mặt, 10 hải-lí dưới nước. Có hai ống phóng ngư-lôi đằng trước, hai ống đằng sau, cùng 8 chiếc ngư-lôi ; hai khẩu đại-bác 88 li ; hai cái động-cơ chạy dầu mỗi cái từ 900 đến 950 mã-lực, hai cái động-cơ chạy điện mỗi cái 400 mã-lực.

Trong năm 1913 chế thêm 6 cái nữa, U - 33 đến U - 38.

Còn trong khi chiến-tranh chế được bao nhiêu cái nữa không được rõ lắm. Chỉ nên nhớ rằng đầu năm 1914, nước Đức mới có 38 cái tầu-ngầm, kể cả những chiếc chưa làm xong.

Nước Đức bắt đầu chế tầu ngầm sau các nước khác thì vừa có lợi vừa có hại. Lợi là vì các nước đã thí-nghiệm trước mình, mình đến sau chỉ việc bắt chước những kiểu tốt. Hại là vì làm chậm không chế được nhiều bằng các nước khác.

Dù cái số ít như thế mà từ khi khai-chiến đến giờ tầu-ngầm của Đức cũng giúp cho quân Đức được nhiều, nhưng cũng làm nên lắm cái thủ-đoạn tàn-ác mà ghê-thảm.

Người Đức dùng tầu-ngầm mà đánh các chiến-thuyền cùng thương-thuyền, thì được nhiều điều tiện-lợi. Vì đánh bằng tầu ngầm khác nào như ăn trộm giữa đường, đứng nấp vào một nơi nào, đợi người ta đi qua vô tình mà chạy sồ ra đánh hoặc cướp. Song cũng có điều nguy-hiểm.

Như tầu ngầm dễ bị thương lắm. Chỉ một vết thủng vào vỏ, như tầu khác thì không việc gì, vào cái tầu ngầm thì không thể chìm xuống được, có chiếc ngư-lôi-đĩnh nào ở đấy thì đến bắt hoặc đánh đắm được ngay. Bởi thế cho nên tầu ngầm thường không giám giao-chiến với những tầu có võ-trang tốt. Vì vậy mà nhiều nhà chủ công-ti tầu đã nghĩ rằng muốn phòng-bị những tầu buôn của mình khỏi tầu ngầm đến đánh, thì chỉ đặt mỗi chiếc hai khẩu đại-bác vừa-vừa cũng đủ. Ở bên nước Anh đã có nhiều tầu buôn làm như thế. Chưa làm được khắp cả là chỉ vì tầu buôn nhiều lắm, phải cần đến nhiều đại-bác, nhiều pháo-thủ mới đặt cho đủ được. Chắc nước Đức tá-khẩu lấy vạn-quốc công-pháp mà nói rằng tầu buôn có súng thì cũng coi như chiến thuyền mà có thể đánh đắm được không trái phép. Nhưng vạn-quốc công-pháp là cốt giữ cho việc giao-thông trên mặt bể được yên-ổn. Chiếc tầu buôn mà đem kèm một vài khẩu đại-bác đi, thì có khác gì người đi đường xa rắt cái súng lục trong người để giữ cho khỏi kẻ trộm cướp côn-đồ nó sâm-phạm vào mình ?

Các nước đồng-minh muốn ngăn-ngữ sự hành-động của tầu-ngầm Đức đã lập thành một đội tầu chinh-sát đi tuần các mặt bể. Thường dùng những ngư-lôi-đĩnh từ 100 đến 1000 tấn. Dùng rất nhiều, để đi lùng ngoài bể luôn ; tuy cũng không thể nào canh giữ được cho khắp, nhưng cũng trở ngại được quân-địch, tầm-nã nó, khu-trục nó, có khi nó rắp khởi-hành cái thủ-đoạn độc-ác gì mình chợt đi đến, can-thiệp vào thì nó phải bỏ chạy. Như thế cũng giảm bớt được những số tầu bị hại. Thường thì dùng đại-bác, dùng ngư-lôi, hoặc sông vào đâm, nhưng lắm khi thì có mình đấy cũng đủ làm cho nó phải nớp sợ. Đi săn tầu ngầm như thế thực là một sự đi săn kỳ lạ ở trên mặt bể mông mênh, con vật thường ẩn nấp ngay bên cạnh mình mà mình không biết, khác nào như con thú nằm trong bụi rậm. đợi người đi rồi thò đầu ra. Mà đi săn như thế cũng lắm lúc chán mà nhọc, vì con vật không có mấy khi gặp, mà lúc nào cũng chăm-chăm chú-ý, ngày cũng vậy, đêm cũng vậy, để nhìn kỹ trên mặt nước xem có cái chấm sáng hoặc cái đám tối nào biết rằng quân địch ở gần đấy.

Đến như cái tầu ngầm thì cái cách « làm ăn » của nó lại còn khổ hơn nữa. Trong một chuyến đi, mươi mười hai ngày, kể cả về, thì thuyền-viên lúc nào cũng phải rình-mò, nghé mắt vào trong ống kính mà nhìn khắp bốn phía, xem có « mồi » nào mình có thể làm hại được, hoặc có cái chiến-hạm nào đi tuần để mình tránh, khi nào đã nhìn kỹ thấy trên mặt bể phẳng-lì cả, không có cái vết gì, thì bấy giờ mới dám nổi lên mặt nước, mở cửa ra cho thoáng hơi ở trong tầu, cùng truyền điện thêm vào các máy chứa điện, để xong rồi lại lặn xuống. Nhưng mà những lúc kinh-hoảng cũng nhiều, bấy giờ thì phải lặn xuống nước cho nhanh. Viên quân-quan Đức coi cái tầu ngầm hiệu U-16 có thuật lại với một nhà làm báo người Mĩ cái tình-cảnh ở trong tầu ngầm như thế này : không-khí nặng-nề, đầy những hơi dầu-hỏa cùng hơi lưu-toan bốc lên. Hai mươi, hai mươi nhăm con người chồng-chất nhau ở trong một cái khoảng chật-hẹp như thế thì những thở ra mà cũng đủ ngạt. Ở trong tầu buồn ngủ không thể dừng được, người như ê-chề, chán-chê, vì không được đi-lại vận-động cho nó khoan-khoái. Ăn thì ăn những đồ ăn lạnh, vì làm bếp thì lại phí mất cái sức điện còn dùng để chạy tầu. Ban đem cũng không thể lên đứng trên mặt nước được, vì những tầu đi tuần đi không có đèn lửa, sợ nó đến nơi mình không chạy kịp. Có đứng trên mặt thì bao giờ cũng phải sắp-sẵn để lúc lâm-nguy lặn xuống được ngay, hoặc muốn cho cẩn-thận thì phải lặn xuống tận đáy bể mới ngủ đêm được yên. Có ngày bể phẳng-lặng quá, không thể làm gì được, vì cái ống kính thò lên trên mặt nước, ở xa cũng trông rõ ; có ngày bể sóng gió nhiều, tầu ngầm những điên cùng đảo, giữ mình chưa yên đánh người sao được. Có khi săn đuổi mất công, chờ đợi vô ích, trông thấy chiếc tầu buôn hay chiếc chiến-hạm đi đằng xa mà nó đi nhanh quá hay xa quá, không thể tới kịp. Lại còn phải e-sợ, những thủy-lôi rắc khắp mọi nơi, thủy-lôi của mình cũng có, của người cũng có, vô-ý đâm vào thì xong đời. Đằng-đẵng mấy ngày giời lao-tâm lao-lực như thế, mà đến lúc về cửa bể nhà không ném được trúng cái ngư-lôi nào, không bắn được trúng phát đại-bác nào, thì sấu hổ biết chừng nào !...

Vì rằng tuy cái cách hành-động có tiện-lợi cho tầu ngầm Đức, tuy những tầu bể đi lại vẫn nhiều mà không sợ, song tầu Đức từ trước đến nay đánh đắm cũng chưa được mấy. Bộ Hải-quân nước Anh mỗi tuần-lễ đem công-bố một cái sổ tổng-kế những tầu xuất-nhập các cửa bể cùng những chiếc bị hại vì tầu ngầm Đức, liệt rõ từng tên từng số một, không ẩn-lậu tí gì, thực là hợp với cái tính-cách chính-trực của người Anh. Cứ xem qua những sổ tổng-kế ấy thì biết số tầu xuất-nhập các cửa bể nước Anh mỗi ngày hơn 220 chiếc ; trong tháng 2 năm 1915 cứ tính trung-bình thì hai ngày mới phải một chiếc bị trúng thủy-lôi hay trúng đại-bác ; tháng 3 thì mỗi ngày một chiếc ; tháng 4 đã thấy kém bớt đi. Trong số những tầu bị hại ấy phải kể cả những tầu đánh cá nhỏ đi men các bờ bể, kể cả tầu buôn các nước trung-lập, như nước Hà-lan, Thụy-điển, Na-uy. Xem như thế thì biết quân Đức muốn dùng tầu ngầm để thi-hành cái « ám-sát sự-nghiệp » trên mặt bể, thực cũng không lấy gì làm công-hiệu lắm.

Chắc rằng người Đức khởi ra cái lối chiến-tranh « giặc bể » ấy, tất là có ngăn-trở sự giao-thông, hại sinh-mịnh cùng tài-sản người ta. Nhưng xưa nay phàm sự chiến-tranh mà quay lại hại buôn bán thì không có lợi cho cái chiến-cục bao giờ. Nước Anh mất răm ba chiếc thương-thuyền thì có thấm vào đâu. Nhưng nước Đức thì nay phải cách-biệt với thế-giới, tầu nhớn không giám thò cổ ra, ủy cho tầu ngầm cả cái nhiệm-vụ của hải quân. Người Đức không biết rằng cái tầu ngầm dù mạnh bạo đến thế nào cũng chỉ là một bộ-phận rất nhỏ trong sức hải-quân của một nước. Cái sức ấy là cốt ở chiến-hạm nhớn, có thiết-giáp tốt, võ-trang tốt. Cứ cái tình-hình bây giờ thì những tầu nhớn của Đồng-minh tuy không ra khỏi cảng mà thực là hám-chế cả trên mặt bể. Thương-thuyền, chiến-thuyền của Đức vẫn khiếp các hạm-đội Anh mà đành phải đứng yên một chỗ. Tuy có dùng tầu ngầm, nhưng có đổi được cái tình-thế hai bên đâu.

Xem như thế thì biết tầu ngầm tầu lặn tuy là những võ-khí mãnh-liệt, nhưng vẫn là những võ-khí bực nhì mà thôi, cái hải-quyền còn ở trong tay các hải-quân nhớn, chưa dễ mà cướp được ngay. Nếu chế nhiều tầu ngầm mà mong đoạt được cái thế-lực trên mặt bể của một nước như nước Anh, thì chẳng hóa ra dễ lắm ru ? Nước Đức mong đợi ở tầu ngầm nhiều quá, rồi có ngày thất-vọng vì tầu ngầm. Ngày ấy cũng không xa đâu.

Phạm Quỳnh.






Chú thích

  1. Trong bài này chúng tôi thường lược theo sách : Sous-marins et submersibles (Tầu ngầm và tầu lặn) của ông laubeuf (Paris, 1915). Ông nguyên làm chức kỹ-sư trong thủy-quân nước Pháp. Chính ông đã nghĩ-chế ra cái lối tầu ngâm bây giờ. Các nước, nhất là nước Đức, đều bắt chước mà theo kiểu của ông cả. Mấy cái hình trong bài này cũng vẽ theo trong sách ấy.
  2. Tầu đặt xuống nước thì đẩy nước đi mà đứng, một phần nước phải chuyển đi để lấy chỗ cho tầu. Thế gọi là cái « sức chuyển nước » của tầu.
  3. Tầu ngầm (sous-marin) với tầu lặn (submersible) thực là hai lối khác nhau. Đại-khái thì cái lối tầu ngầm thuần đi ngầm dưới nước, ít đi trên mặt ; lối tầu lặn thì to hơn, muốn đi trên mặt, đi dưới nước cũng dễ cả. Nhưng hai lối còn khác nhau ở cái cách chế, cái sức nổi, cái hình giạng. Cách chế thì ở tầu ngầm cái « hòm đựng nước » (Water ballasts) đặt ở trong vỏ, ở tầu lặn thì « hòm đựng nước » to hơn mà đặt ở ngoài vỏ. Bởi thế tầu lặn phải có hai vỏ : một vỏ trong phải chịu áp-lực của nước thì dầy ; một vỏ ngòai chịu áp-lực ít thì mỏng. Sức nổi thì tầu lặn mạnh hơn tầu ngầm. Tầu thường thì cái sức nổi bằng nửa (50 phân) cái thể-tích cả tầu. Tầu ngầm thì chỉ được 12 hay 13 phân mà thôi, ma tầu lặn thì được đến hơn 40 phân. Bởi thế mà tầu ngầm đi trên mặt nước thấp quá, cũng phải đóng kín mít như đi dưới nước vậy. Tầu lặn thì đi trên mặt nước cao như tầu thường, được nhiều điều tiện hơn. Hình-giạng thì tầu ngầm như hình điếu thuốc lá « sì-gà », chùng-chục giữa, thon hai đầu. Tầu lặn thì hình giạng như tầu thường đi trên mặt nước chẳng khác gì hình một cái ngư-lôi-đĩnh (torpilleur) vậy. Người ta vẫn thường chê cái lối tầu-lặn không được tiện, là đương đi trên mặt mà truyển ra đi ngầm thì phải đổi cái động-cơ chạy nóng (moteur thermique) mà dùng cái động-cơ chạy điện (moteur électrique), lại phải cho nhiều nước vào giữa hai lần vỏ thì tầu mới mất hết cái sức nổi mà chìm xuống được : làm bấy nhiêu việc thì phải mất nhiều thì giờ, trong lúc ấy thì cái tầu nguy mất. Trước kia thì có cái bất-tiện ấy thực. Như cái tầu lặng Narval mới chế ra phải đến nửa giờ đồng-hồ mới chìm được. Nhưng ngày nay đã tiến-bộ lắm rồi ; tầu lặn kiểu Pluviôse của nước Pháp mới chế năm 1905, đương nổi mà truyển ra chìm không đầy 5 phút đồng-hồ, chẳng kém gì tầu ngầm vậy.