Tài mạng tương đố/Cuốn thứ nhứt
Ất-sửu-niên, Mộ-Thu (1925)
Tác-giả: NGUYỄN-CHÁNH-SẮT, tự BÁ-NGHIÊM
Truyện nầy tả đủ nhơn-tình thế-thái. Đờn-ông nên đọc, đờn-bà nên đọc; trai-tơ nên đọc, mà gai-tơ lại càng nên đọc hơn nữa.
Tác-giả giữ bút-quyền, cấm không cho ai được in theo nguyên bổn.
|
SAIGON IMPRIMERIE DE L'UNION NGUYỄN-VĂN-CỦA |
CUỐN THỨ NHỨT NGÀY 15 JUILLET 1926 XUẤT BẢN |
Đổ-khắc-Xương liều mình cứu Mộ-Trinh
TÀI MẠNG TƯƠNG ĐỐ
Ất-sửu-niên, Mộ-Thu (1925)
Tác-giả: NGUYỄN-CHÁNH-SẮT, tự BÁ-NGHIÊM
Tiết sang trùng-cửu, thời đến mộ-thu, mận nãy chồi sương, non quay bóng nhạn, lải rải sân ngô rơi lá bạc, le the giạu cúc trổ bông vàng. Lúc bấy giờ, đương buổi đêm thanh gió mát, lại thêm trăng tỏ làu làu, gặp cảnh tượng như vầy, những khách phong-lưu, ai là người không mượn lấy chén rượu với chung trà mà vui vầy cùng bạn tác.
Nhưng, cũng thì là đêm thanh gió mát, mà người vầy kẻ khác, thật cảnh cũng khéo chìu người; bỡi vậy cho nên, cũng đồng một trời một đất, một gió một trăng, mà người vui-vẻ, kẻ nhố-nhăn, mỗi người riêng mổi cảnh.
Ấy là: Người vui ngắm cảnh thêm vui, người buồn ngắm cảnh lại xui lòng buồn.
Trong một khoảnh vườn kia, phương viên độ chừng một mẫu, cam quít sum sê, bưởi bòng thạnh mậu; phía trước có một hàng dừa suôn đuột, phía sau thêm mấy bụi trúc xanh um; chính giữa có một tòa nhà ngói 5 căn, vì cất đã lâu năm, cho nên gạch ngói cũ mèm, vừa ngó thấy thì đã biết đó là một cảnh nhà giàu xưa vậy.
Nhưng mà, nhà tuy đã cũ, song cách ở ăn vén khéo, trong ngoài sau trước sạch sẻ chẳng ai bằng. Trước sân có trồng đủ các thứ danh-hoa, có ao nuôi cá, có chỗ rộng chim, có hồ thả sen, có hòn non bộ. Những khách qua lại ngoài đường, hễ vừa ghé mắt trông vào, tuy chẳng đợi hỏi ai, mà cũng biết người ở trong nhà ấy hẳn ắt là một tay hào-hoa phong-nhả.
Trong một cảnh nhà rất có vẻ phong-lưu như vậy, mà sao trong đấy lại có một người trai-tơ trạt chừng hai mươi ngoài tuổi, hình-dung thãm đạm, áo nảo âu sầu, xem ra dường như có cái tâm-sự gì mà ưu-uất lắm vậy.
Nguyên nhà nầy là nhà của một ông cựu nho kia tên là Đổ-khắc-Thới, vợ ông là Đoàn-thị, ở tại Chợ-gạo thuộc về tĩnh Mytho cách tĩnh thành chừng 12 cây số (12 kilomètres); nhà ông giàu có đã nhiều đời, lại thêm ông là người thanh-bạch, đạo đức hoàn toàn, cho nên tự quan chí dân người người đều kính phục.
Còn người trai-tơ mới nói trước kia vẩn là con của ông, tên chàng là Đổ-khắc-Xương, tuổi vừa 24 xuân-thu, thông minh dỉnh huệ, tài trí quá nhân, diện-mạo khôi ngô, hình-dung tuấn nhả; nho-học đã thông mà tây-học lại thêm lội lạc. Ay rõ ràng là: Nền phú hậu, bực tài danh, văn chương nét đất, thông minh tánh trời.
Vì thế mà có nhiều nhà hào-hộ phú-gia, đều gấm ghé muốn làm suôi với ông; nhưng mà, ông là người lịch duợt thế-tình, cho nên những kẻ muốn làm suôi với ông, tuy là nhà giàu rân rát mặc dầu, mà ông cũng chẳng ham, vì ông đã biết rõ những hạng người ấy đều là kẻ tham phú phụ bần, xu quyền phụ thế, nên ông khinh bỉ mà chẳng chịu hứa lời, cứ ừ hử gọi là, cho qua ngày qua buổi.
Còn Đổ-khắc-Xương, học hành tuy giỏi, mà bị câu: Tài bất thắng thời, cho nên chàng học tại trường Bổn-quốc 5 năm,[1] những bạn học một lớp với chàng, ai ai cũng nể mặt. Ngặt vì ông xanh hay gay gắt, tài mạng chẳng ưa nhau, sức chàng học tuy cao, mà thi hai khoa đều hỏng.
Chẳng những vậy mà thôi, phần thì ông Đổ-khắc-Thời là người đạo-đức, lại thêm tánh tình hào hiệp, lòng dạ khoan nhơn, xem bạc tiền như đất, trọng nhơn nghĩa hơn vàng; những kẻ nghèo mắc nợ của ông mà trả không nổi, ông cũng chẳng nỡ đòi; còn tá-điền rủi bị thất mùa không lúa ruộng mà đong, ông đã không làm khổ khắc là may, lại còn đong lúa nhà giúp thêm cho đủ no mà chờ mùa tới. Những kẻ cùng khổ trong làng, rủi có đau mà chết, ông lại bố thí quách quan, hoặc giúp thêm bạc tiền mà chôn cất. Mỗi khi có tai trời ách nước, những kẻ rủi vì bão lụt mà phải đói rách khốn cùng, thì ông cũng chẳng tiếc bạc ngàn, đem ra mà tế cấp.
Nhưng bỡi tánh ông từ-thiện, chẳng hay khổ khắc và sâu mọt của ai, mà ông chỉ cứ bố thí ra hoài; số thâu thì ít, số xuất thì nhiều, lại thêm luôn mãi 4 năm trời, mùa màng thất bát, cho nên gia-vận phải suy vi, lần lần ruộng đất tiêu mòn, chỉ còn tròi trọi có một cái nhà ngói năm căn với một mẫu vườn, huê-lợi chẳng bao nhiêu, mà tánh ông huy hoát đã quen, cho nên bề nhựt dụng tài nào mà không hụt. — Thật là lời thầy Mạnh nói chẳng lầm: hễ vi phú thì bất nhơn, mà vi nhơn thì bất phú.
Lúc bấy giờ, gia đạo của ông tuy đã suy vi, song ông cũng khăn khắn một lòng, cứ lấy chữ thanh bần mà làm gốc.
Ngày kia ông đang xơi nước với bà, bổng thấy tên lính trạm ngoài ngỏ bước vào, chấp tay xá ông rồi trao cho ông một phong thơ; việc tình cờ nên không biết là thơ của ai, đến khi mở ra xem hết đầu đuôi thì mới rõ là thơ của một người bạn-hữu của ông tên là Hoàng-hữu-Tâm đang làm thầu-khoán (Entrepreneur) ở Bắc-kỳ; Ông nầy vốn là người Vinhlong, trước kia vẫn có giúp việc cho nhà-nước Đại-pháp, làm đến chức Thông-phán, đổi ra Bắc-kỳ đâu được ít năm, nhằm lúc Chánh-phủ đặt đường xe lửa từ Hà-nội qua Vân-nam, ông bèn xin từ chức, ra làm nghề thầu-khoán. đứng đấu giá bao lãnh nạp cây cho nhà-nước làm đà xe-lửa và lãnh đổ đá sỏi trải đường; lần lần như vậy ít năm, bề sanh-kế của ông rất nên phát đạt. Mà thường những kẻ có chí dinh thương, hễ may mà gặp vận rồi thì cuộc thương-mải khoán trương rất chóng. Ngặt vì ông còn thiếu người tin cậy mà phú thát những việc lớn-lao. Nay ông nghe ông bạn của ông là Đỗ-khắc-Thới ở trong Nam-kỳ, tại tĩnh Mỷ-tho, vì thất mùa luôn trọn 4 năm, làm cho gia-vận phải suy vi, không còn có thế chi mà duy trì cho nổi nữa. Nhưng ông vẫn biết ông Đỗ-khắc-Thới tuy là người bên phái nho-học mặc dầu, song nhờ có ưa xem ưa đọc những tân-thơ; lại hay chuyên tâm nghiện cứu về môn khoán-vật-học (Minéralogie). Vã lại ông dòm thấy Bắc-kỳ là một giãi đất tối cổ, lâm-sản nhiều mà khoán-sản cũng nhiều, nên ông mới viết thơ mời ông Đỗ-khắc-Thới ra, trước là cho anh em được gần-gủi với nhau, sau là cho có người đồng chí với mình mà giản cứu về nghề khai khoán.
Còn ông Đỗ-khắc-Thới khi xem thơ rồi thì có ý mừng thầm, vì bấy lâu ông vẫn có chí muốn du-lịch Bắc-kỳ mà chưa đi được; nay sẵn gặp dịp tốt như vầy mà chẳng tính đi chớ còn đợi lúc nào. Ông nhứt định như vậy, bèn lo sắp đặt việc nhà đâu đó an bài, rồi từ giã vợ con mà đi ra Bắc. Đỗ-khắc-Xương theo đưa cha lên tới Saigon, đến khi ông xuống tàu rồi chàng mới trở về nhà, hủ hỉ sớm trưa với mẹ.
Gần đó lại có quan phủ đương quyền, tên là Từ-thế-Anh, ngồi Chủ-quận tại đó, vợ là Nguyễn-thị, sanh được một gái, tên là Từ-mộ-Trinh, mới 18 tuổi mà hình dung yểu điệu, cốt cách phương phi, gương mặt chữ điền, chơn mày vòng nguyệt, gót chơn cô đỏ như thoa son, ngón tay cô tròn như roi trống, cổ cô đã nhỏ, vai cô lại xuôi; hàm răng của cô đều-đặn như cưa, gò-má của cô có núng đồng tiền tròn ủm; càng xem lâu chừng nào thì lại càng thấy cái sắc đẹp của cô như một đóa phù-dung.
Cô đã có cái vẽ xinh-đẹp như thế, mà cô lại còn thêm có khiếu thông minh; học chữ cũng hay, học đờn cũng giỏi, họa tranh cũng đúng, cờ tướng cũng tài; gia dĩ dung hạnh đoan trang, ngôn từ nghiêm chánh. Hai ông bà câng cô như trứng mỏng, mà cô chẳng hề đỏng đảnh như những gái tầm thường; mỗi khi cô có cần dùng đều chi mà sai khiến kẻ ở trong nhà, thì cô nói cái giọng rất ngọt ngào, ai nghe tới cũng êm tai mát dạ. Bỡi cô là một người con gái sắc tài gồm đủ, đức hạnh vẹn hai, cho nên tự trong tới ngoài, xa gần đều nức tiếng.
Cô lại có một nàng tỷ-tấc, tên là Trần-lệ-Dung, mới 17 tuổi mà dung nhan sắc-sảo, tánh nết nhu-hòa; lại thêm có khiếu thông-minh, bề học-thức sánh với cô cũng xấp-xỉ.
(Nguyên Trần-lệ-Dung nầy cũng là con nhà thi-lễ, dòng dỏi thơ-hương; nhưng rủi vì cha mẹ nàng mất sớm, không ai bảo thủ gia-nghiệp cho nàng, bị những kẻ bất-lương nó mạo xưng rằng chú chú, cô cô, kẻ khuân món nầy, người đoạt món kia, làm cho sự-nghiệp tiêu điều, nàng phải ra thân tất-tưởi; lại còn bị một bà cô bạc-ác, thấy nàng còn nhỏ dại, bắt nàng đam đợ phứt cho quan phủ Từ-thế-Anh. Thiệt là độc địa bấy cao-xanh, xưa nay những kẻ có tài-tình, ắt chẳng khỏi bị Hóa-công đày đọa.
Ấy là: Bắt phong-trần phải phong-trần, cho thanh-cao mới được phần thanh-cao.
Từ ngày Lệ-Dung vào ở đợ nơi nhà quan Phủ, ban đầu thì nàng cũng phải châm lo làm lụn các việc hèn hạ, như là rửa chén, bửa củi, quét nhà, theo phận tôi đòi ở nơi nhà dưới. Sau lần lần bà phủ thấy nàng dung nhan mỹ lệ, cử chỉ đoan trang, ăn nói đàng hoàn, nết na đầm thấm; bà mới đem lòng thương, bèn bảo nàng lên ở nhà trên, giúp đỡ việc thêu thùa với con bà là nàng Từ-mộ-Trinh sớm trưa cho có bạn. Mà thường những con nhà có giáo-dục dầu gì cũng dễ chịu, bỡi vậy cho nên, tuy Lệ-Dung đã được lên ở nhà trên mà bậu bạn với Mộ-Trinh thì mặc dầu, song nàng cũng cứ giữ phận tôi-đòi; không thêu-tỉu cũng vá-may, ngày chí tối chẳng hề dám để hở cái tay trong giây phút.
Lần lần đầu lạ sau quen, Từ-mộ-Trinh biết rõ lai-lịch của nàng vốn là dòng dỏi thơ-hương, thi họa cầm kỳ, nghề nào cũng thạo; từ đó đến sau, lúc đua nghề vẽ, lúc lại đánh cờ, hoặc đàm luận thế-tình, chị em ý hiệp tâm đầu, lấy làm tương đắc. Bà phủ thấy vậy lại càng cắp-củm mừng thầm, cho nên tuy Lệ-Dung là tôi-tớ của bà, mà bỡi bà yêu vì nết, trọng vì tài; cách đối-đãi bà xem nàng cũng như con ruột.
Bà lại nhơn thấy con của bà, phận tuy là gái, mà thông minh tuyệt thế, kiến-thức quá nhơn; cho nên bà đã lập tâm, quyết kiếm cho được một người giai-tế, tài mạo lưỡng toàn, thì bà mới chịu gả nàng cho xứng đôi vừa lứa.
Mà bỡi Từ-mộ-Trinh là con nhà sang trọng, đã có tài lại thêm có sắc; cho nên thiếu chi nhà hào-hộ danh-gia, nay có con quan phủ nầy mai có con quan huyện kia, hoặc con ông Hội-đồng, hoặc con thầy Cai-tổng, biết bao người muốn đến cầu hôn. Ngặt vì mấy cậu công-tử nầy tuy là nhà-cữa giàu sang, mà cậu thì có tài lại không có mạo, còn cậu thì có mạo lại chẳng có tài; vì vậy mà chẳng những là bà phủ đã chẳng vừa lòng, mà Từ-mộ-Trinh cũng không đẹp ý.
Một đêm kia hai chị em đương ngồi trong buồng mà thêu với nhau, Từ-mộ-Trinh vùng vổ vai Trần-lệ-Dung mà nói rằng: « Nầy em, từ ngày chị gặp được em đến nay, đôi ta ý hiệp tâm đầu, thiệt rõ ràng em là Khuê-trung lương-hữu[2] của chị đó. Bỡi vậy cho nên chị hằng tin cậy em như ruột thịt vậy, chẳng có việc gì mà chị không nói thiệt cùng em; vậy sẵn lúc nầy đêm vắng canh khuya, để chị tỏ hết cái tâm-sự của chị cho em nghe, hoặc là em có cái kiến-thức chi cao mà luận bàn cho nó hã cái lòng uất-ức của chị được chăng. Vã con người ta ở đời là trọng vì tài đức, chớ không phải trọng lấy bạc tiền, mà sao chị coi cái nhơn-tình buổi nầy phần nhiều họ hay trọng cái sự giàu sang trước mắt, mà họ không biết dè-dặc cái đều nguy hiểm sau lưng. Bỡi vậy cho nên có nhiều nhà đã có phước mà sanh con gái được hình dung xinh đẹp, đức hạnh lại hoàn-toàn; đến lớn khôn họ lại không biết kén chọn rể hiền, cũng như châu-chấu thấy sáng đèn, hễ nghe giàu sang thì gả bướn. Đó! Em nghĩ lấy đó em coi, như may mà gặp được kẻ biết đều, thì dầu có dốt cũng còn dễ chịu; nếu rủi mà đụng nhằm mấy tay công-tữ-bột, thì ôi thôi! Thôi còn chi nữa mà mong, đời người đến thế là xong một đời! Bỡi nghĩ vậy, cho nên chị đã thệ tâm, nguyện cùng trời đất, quyết chọn cho được một người tài mạo lưỡng toàn, đức hạnh gốm đủ, thì chị mới đành gởi phận trao thân. Bằng chẳng vậy, thôi thì thà là ở vậy mà hủ hỉ với em đây còn hay hơn là thất thân với những kẻ phàm-phu tục-tử. Nhưng, chị trộm xem cái ý của mẹ chị thì cũng đồng như chị vậy, duy còn cha chị thì chị chưa dò biết được cái ý của người ra thể nào. Ngặt những cậu cô chú bác của chị, có nhiều người hay trọng vì cái thế-lực kim-tiền; nên thường hay tới lui bàn luận với cha mẹ chị, bảo cha mẹ chị phải lựa cho được những chỗ quyền cao tước trọng, hoặc là giàu sang cho tột bực thế-gian thì sẽ làm suôi, để phòng ngày sau cho có chỗ mà tương y tương ỷ với nhau trong khi huởn cấp. Thiệt chị thấy những lời của mấy người ấy bàn luận mà chị bắt lạnh mình. Em ôi! Sang giàu mà chi? Thế-lực mà chi? Nếu giàu sang mà thất đức, có thế lực mà bất nhân, gian manh tham nhủng, sâu mọt của dân; thì cái giàu sang ấy, cái thế-lực ấy có khác chi hơn là hòn núi tuyết; nếu gặp mặt trời có yến sáng chiếu vào, thì ắt tiêu tang trong nháy mắt. Đã biết vậy, nhưng chị lại lo vì cha chị tuy là người có học-thức, người trong đám cân-đai thì mặc dầu, mà hễ nếu mấy người ấy họ tới lui to nhỏ, giọng quyển tiếng kèn, kẻ đờn người thổi mãi riết đây rồi; vạn nhứt cha chị cũng lầm nghe theo họ mà sa vào cái vòng thế-lực kim-tiền rồi; còn chị đây lại là phận làm con, xưa nay dễ áo mặc qua khỏi đầu; chừng ấy mới tránh sao cho khỏi. Bỡi thế cho nên chị rất lo sợ cho cái tiền-đồ của chị, không biết sau nầy duyên phận thể nào? Cho nên: Một mình lưỡng lự canh chầy, đường xa nghĩ nỗi sau nầy mà kinh... » Lệ-Dung đương thêu, nghe nói tới đó vùng ngừng kim lại, nhìn sửng Mộ-Trinh rồi mĩn cười mà nói rằng: « Thiệt bấy lâu em không nghe chị nói đến, nên em cũng chẳng dám hở môi; chớ như nay chị đã tin em mà tỏ thiệt cái tâm-sự của chị ra rồi, thì em đi há chẳng hết lòng với chị mà đền ơn tri-ngộ hay sao? Vã buổi nầy những đấng tài tình thì ít, còn những phường công-tử-bột thì nhiều; nếu mình chẳng biết khéo toan năm lọc mười lừa, để cho rủi mà sa nhằm trong tay bọn ấy đi rồi thì ối thôi! Phẩm tiên rơi đến tay hèn, hoài công nắng giữ mưa gìn với ai. Nhưng em lại nghĩ, tài sắc như chị vậy thì có lo chi là không nơi giàu-có sang-trọng mà sánh đôi. Ngặt em e vì trong hạn người ấy phần nhiều thường có những người giàu sang trong trứng mà giàu ra, nên hễ họ thấy có của sẵn thì cứ việc ăn xài, lảng phí chơi bời; chớ họ có biết cái công-lao khó nhọc của ông cha xưa đã tươm hết bao nhiêu mồ-hôi máu mới có cái sự-nghiệp ấy đâu. Mà cái cách của họ xài là xài với những bọn buôn hương bán phấn, xài với những phe tửu-điếm trà-đình, dầu hao tốn bạc muôn cũng không biết ngán; chớ chẳng hề thấy họ làm đều chi hữu ích cho Xả-hội được nhờ. Những hạng người như vậy thì chị em mình đây có thế nào mà chịu cho nổi được; phải không chị? » Mộ-Trinh và gặt đầu và cười. Lệ-Dung lại nói tiếp theo rằng: « Còn như bây giờ mà muốn kiếm cho được một người hiền-lương phương-chánh, tài-đức vẹn toàn, xứng đáng cho mình sửa trắp nưng khăn, thì xin chị chớ có luận tới cái sự sang hèn giàu khó, chị nghĩ sao? » Mộ-Trinh gặt đầu khen phải, rồi bước lại gần vổ vai Lệ-Dung, chúm-chím miệng cười và nói rằng: « Quí hóa thay cái lời của em luận đó, ấy rõ ràng là kim thạch chi ngôn, thiệt chị không bì kịp. Nhưng mà, cái hạng người giàu-sang thì dễ có, chớ cái hạng người tài-đức thì rất khó mà kiếm cho được lắm em. » Lệ-Dung nói: « Có chớ, sao không? Rất đổi là thập thấc chi ấp còn tấc hữu trung-tín thay! Huống chi là cả xứ Nam-Kỳ nầy lại chẳng có người tài-đức sao chị; duy có sợ e cho mình phước bạc mà chẳng gặp được đó mà thôi chớ! Nầy chị, nay chị em mình đã thấy rõ lòng dạ nhau rồi, nên em cũng chẳng còn giấu-giếm nhau nữa làm chi; vì thuở em còn bé, cha em có dạy em học phép xem tài-tướng, đến khi em lớn lên rồi, em cũng thường thử cái sở-học của em, quả là tướng-pháp như thần, lũ thí lũ nghiệm, em cũng chẳng nói phách với chị làm chi; thiệt nghề xem tướng của em, mười người không sai một, đa chị à. Từ ngày em mông ơn tri-ngộ của chị đến nay, em hằng cạnh cạnh nơi lòng; nên em đã lấy hết bình-sanh sở học của em ra, ý muốn tìm giùm cho chị môt người chồng cho được phẩm-hạnh đoan trang, cho xứng đáng mà trao thân gởi phận; nay em tìm đã được rồi, song em không biết ý chị thể nào, nên em chưa dám nói cho chị rõ. » Mộ-Trinh nghe nói có ý thẹn thầm, bèn cười lỏn-lẻn mà nói bởn với Lệ-Dung rằng: « Nếu Thuật-sĩ coi tướng thiệt hay, thì ngày sau tôi sẽ thưởng; song chưa biết người ấy là người thế nào, ở gần hay xa, Thuật-sĩ có cho tôi biết được hay chăng? » Lệ-Dung cũng mĩn cười mà ngâm rằng: « Nguyên người quanh-quất đâu xa, Khắc-Xương họ Đổ vốn nhà thơ-hương. »
Mộ-Trinh nghe nói dứt lời mặt có sắc buồn, bèn nói rằng: « Tưởng là ai kìa, chớ như người ấy, chị vẫn có nghe danh đã lâu, thiệt là con nhà đạo-đức, dòng-dỏi thơ-hương, tài học của chàng cũng chẳng phải tầm thường; nhưng mà. trong mấy năm nay, cha mẹ chàng gia-đạo đã suy vi, lại thêm rủi cho chàng, vì vận chưa đạt mà công-danh lở-dở. Nếu nay mà em muốn cho chị kết tóc với chàng thì chị lại e bất tiện lắm em. » Lệ-Dung nghe Mộ-Trinh nói vừa dứt lời, liền nghiêm nét mặt mà nói rằng: « Ủa! chị là người học-thức, mà cũng chưa thoát khỏi cái tình-đời nữa sao? Em dám đoan với chị, nếu người ấy mà nghèo hoài, thì em quyết khoét cặp con mắt mà quăng, chớ chẳng thèm coi tướng nữa đa chị à! » Mộ-Trinh lắc đầu mà đáp lại một cách rất buồn rằng: « Đã đãi nhau là tình tri-kỷ, ý khí tương đầu, mà em cũng còn tưởng cho chị là kẻ tham phú phụ bần nữa sao em? Vậy chớ cái lời của chị mới nói với em khi nảy đó, em đã quên rồi hay sao?? Vì trong hàng cô bác của chị thì có nhiều người tánh hay trọng phú khinh bần, lại hay nói ra nói vào với cha mẹ chị; nên hễ họ biết chàng nghèo, thì chi cho khỏi họ kiếm đều gàn trở cha chị mãi đi rồi thì có phải là bất tiện chăng em? Huống chi chị là phận làm con, dầu khi lá thấm chỉ hồng, nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. Vã lại mình cũng chưa rõ được nông-nỗi bên nhà ấy là thể nào, chẳng qua là mình mới tính phỏng với nhau đây mà nghe vậy thôi; chớ em lấy chi mà làm chắc? Thoản như mình thì hữu ý, mà người ta lại vô tâm, chừng ấy em mới tính sao? » Lệ-Dung lại mĩn cười mà đáp rằng: « Việc ấy có khó chi, nếu quả chị mà trọng vì tài đức, chớ chẳng luận sự giàu nghèo, thì em cũng có thể điều đình cho an thỏa được; em chỉ e là e cho chị chí chẳng được bền đó mà thôi, chớ nếu cái chí đã quả quyết, đã bền chặc rồi; thì dầu sanh tử ai mà đoạt được. » Mộ-Trinh tuy cũng cho lời luận của Lệ-Dung rằng phải, song nàng là con chi hiếu, không biết về sau cha mình có chìu theo ý mình chăng; cho nên nàng hằng ngại ngại trong lòng, không biết cái việc tương lai của mình sau nầy may rủi thể nào, nên cũng nhắm mắt đưa chơn tới đâu hay đó.
Một buổi sớm mai kia, chiếc đò ngang đưa bộ-hành nơi sông Mỷ, chở hành-khách khẩm mèm, lại nhằm lúc nước rông chảy mạnh; đò vừa qua được nửa sông, thình lình đâu lại có một tốp ghe-chài chở nặng, ở ngoài đại-giang thả thẳng vô vàm, gần đụng chiếc đò; lúc bất cập, tên chèo đò lính-quýnh, để cho chiếc đò nằm cảng ngang trước mũi ghe chài, nên phải nghiêng úp. Đò chìm rồi, bao nhiêu hành-khách kẻ la người khóc, hụp hưởi dưới sông. Trên ghe chài ai nấy hoảng kinh, liền la ó om sòm, lớp thì chèo, lớp thì sào, ném đại xuống sông cho mấy người ấy đeo, rồi mới thả tam bản xuống bơi theo mà vớt. Trên bờ thiên-hạ cũng lao-xao, hối thúc nhau bơi xuồng ra tiếp cứu.
Đương lúc rộn-ràng như vậy, hai bên bờ sông ai nấy cũng đều cứ châm chỉ ngó ngay theo lối chỗ đò chìm. Không dè cách đó độ chừng một trăm ngoài thước, lại thấy một người còn ló có hai bàn tay, chới với giữa dòng, hụp lên hụp xuống. Thoạt đâu trong bờ lại có một người trai-tơ, ôm một tấm ván lội ra, vừa tới nơi thì hai bàn tay ấy đà hụp mất. Người trai ấy thất kinh, liền buôn tấm ván lặn nhầu theo, may sao vớ được cánh tay, bèn ráng sức kéo nhóng lên cho cái đầu vừa khỏi mặt nước, rồi hụp xuống, hai tay xóc ngang nách người ấy giơ nhóng lên, còn hai chơn chòi đạp, quyết lội vào bờ. Chẳng dè hai tay thì mắc hết, chỉ còn có hai cái chơn thì lội sao cho mạnh được, phần thì nước rông chảy mạnh, thật khó nổi duy trì, trong giây phút người trai-tơ ấy sức cũng đà muốn đuối. May nhờ có xuồng ghe trong bờ bơi ra tiếp cứu; nếu không, thì ắt cả hai đều hồn nương vầng mây bạc, xát theo ngọn thủy-triều rồi. Nguy hiểm thay!
Khi đem vô tới bực rồi, ai nấy xúm lại coi, mới biết là một nàng con-gái, tuy còn hơi hoi hóp, song đã bất tỉnh nhơn sự rồi. Người trai ấy cũng phải ra sức bồng thẳng lên bờ, những kẻ hảo tâm thấy vậy, liền lấy chiếu trải ra, để nàng nằm êm, lấy rượu cỏ-nhác mà đổ cho nàng, rồi lại rủ nhau vầy lửa xúm hơ, trong giây phút thì nàng ấy mới lần lần tỉnh lại.
Còn đàng kia, chiếc tam-bản đã vớt được mấy người hành-khách mà chở vào bờ rồi, trong đó lại có một cô con-gái mặt mày dớn-dác, dường như tìm kiếm vật chi, xem trước ngó sau một hồi rồi vùng khóc rống lên và nói rằng: « Trời đất ôi! Còn chị tôi đâu không thấy? Hay là chị tôi đã chìm mất đi rồi! Mấy chú ôi! Xin mấy chú làm phước lặn mò kiếm vớt giùm chị tôi với mấy chú ôi!! » Ai nấy nghe nói hổi ôi, còn đang bối rối, chưa biết tính lẽ nào, bổng nghe mấy người trên bờ kêu cô gái ấy mà nói rằng: « Kia cà! Phía đàng kia người ta cũng vớt được một người con-gái kia cà!! Cô hãy lại đó nhìn coi, có phải chị cô hay chăng? » Nàng ấy nghe nói nửa mừng nửa nghi, liền vội vả chạy lại, vừa thấy mặt mày, hai người liền ôm nhau, khóc lở khóc, cười lở cười, ấm ức nghẹn ngào nói không ra tiếng.
Té ra người rủi-ro ấy tuy là tóc-tai xụ-xợp, quần áo ướt dầm, mặt mủi tái xanh, tay chơn rung rẩy mặc dầu, song nhìn rõ lại thì chẳng phải ai đâu lạ; thật rõ ràng là một cô thiếu-nữ cực kỳ xinh đẹp, cực kỳ thông minh, đứng chánh vai tuồng trong bộ sách nầy, tên cô là Từ-mộ-Trinh đây. Còn cô con-gái khóc vang khi nãy đó, chẳng cần nói mà khán-quan cũng biết là nàng Trần-lệ-Dung, chớ không ai vô đó.
(Nguyên vì ngày ấy nơi nhà quan phủ gần ngày kỵ cơm, nên bà Phủ mới sai hai chị em cô đi chợ mua đồ, không dè lại bị sự rủi ro như vậy.
Còn người trai-tơ mà liều mình lội ra cứu được Mộ-Trinh đó là Đổ-khắc-Xương, vì ngày ấy chàng-ta cũng đến tĩnh-thành đặng có mua cò mà gởi thơ ra Bắc; ai ngờ lại gặp dịp mà cứu nàng; ấy chẳng phải là việc tình cờ, tưởng khi hai đàng cũng có tiền-duyên túc-trái chi đây, nên mới khiến cho gặp gở nhau trong cơn nguy-hiểm như vầy mà gây cái mối nhơn-duyên về sau không tránh đâu cho khỏi. Thật rõ ràng là cái ý khéo của Thiên-công, mà hẳn thật hai đàng cũng vương vấn mối tơ tình từ đó.)
Đây nhắc lại việc Mộ-Trinh và Lệ-Dung khi thấy nhau còn sống thì mừng rở chẳng cùng, tiếng khóc pha lẩn với tiếng cười, không nói chi được hết. Rồi lại nhớ tới người cứu mình khi nảy bèn day lại mà tạ ơn; chừng đó mới biết là Đổ-khắc-Xương, liền quì sụp xuống nơi trước mặt chàng và lạy và nói rằng: « Lúc em đương chới với giữa dòng, may nhờ có thầy là người nghĩa-dỏng, dám mạo hiểm mà cứu được em; may đó, chớ không thì thầy cũng đã vì em mà chết đuối rồi; thật cái ơn tái-sanh nầy sánh tày trời đất, em phải khắc cốt minh tâm, quyết kết cỏ ngặm vòng, chờ ngày đền đáp. » Đổ-khắc-Xương nghe giọng nói rất thanh thao, lại thêm lễ nghĩa đủ đều thì lấy làm lạ, bèn day lại mà nhìn, chừng ấy mới biết là nàng Từ-mộ-Trinh con gái của quan phủ đương ngồi Chủ-quận tại quận của mình, liền vội vàng đáp lễ lại và nói rằng: « Phàm hễ thấy nạn thì cứu, thấy nghĩa thì làm, ấy là phận làm trai, phải làm cho tròn cái nghĩa-vụ đó mà thôi, chớ có công ơn gì cho trọng lắm đâu, xin cô mựa chớ để lòng mà lao phiền quí-thể; thôi, hai cô hãy đi kiếm nhà quen mà đổi thay y phục, chớ có để mang đồ ướt trong mình, sợ e cảm nhiểm phong-hàng mà sanh bịnh hoạn không nên đa hai cô; còn phận tôi đây, tôi cũng phải đi thay đồ mới được. » Nói dứt lời liền từ biệt hai nàng rồi quày quả đi liền. Mộ-Trinh thấy vậy thì biết là người nghĩa-sĩ, nên cứ ngó mông theo hoài, trong lòng ngùi ngùi, quyết tính thế nào mà đền đáp ơn chàng cho được mới an. Lệ-Dung biết ý Mộ-Trinh, bèn bảo rằng: « Thôi chị, bây giờ mình phải trở về thưa lại cho ông bà hay và lo thuốc thang bổ dưỡng ít ngày cho tinh-thần bình phục lại đã, rồi sẽ xin ông bà mời chàng đến nhà mà đền ơn đáp nghĩa mới xong. » Mộ-Trinh gặt đầu và nói rằng: « Em tính vậy cũng phải, mà ngặt bây giờ đây tay chơn của chị vẩn còn bải hoải, đi đứng chẳng yên, vậy thì để chị ngồi đây nghỉ ngơi giây lát, em phải đi kêu một cái xe, mướn nó đưa chị em mình về nhà mới được. » Lệ-Dung vâng lời liền vội vả chạy đi kêu xe; trong giây phút thì nàng đã đem lại một cái xe hai bánh, rồi bước xuống đỡ Mộ-Trinh lên xe, hối kẻ đánh xe chạy thẳng về dinh quan phủ.
Khi về đến nhà, vợ chồng quan phủ xem thấy cả hai áo quần ướt hết, không hiểu duyên cớ làm sao, liền gạn hỏi căng do, mà nhứt là bà phủ lại càng nóng nảy lăn xăn hơn nữa. Còn nàng Từ-mộ-Trinh khi mới bước chơn vào nhà vừa thấy mặt mẹ cha, trong lòng nửa mừng nửa tủi, giọt lụy chứa chan, ấm ức nghẹn ngào, nói không ra tiếng. Lệ-Dung bèn thế cho Mộ-Trinh, đem hết đầu đuôi các việc thuật lại một hồi. Quan phủ nghe nói giựt mình, bà phủ cũng hết hồn hết vía; bà liền vói kéo nàng lại cho gần bà và vò lia vuốt lịa, than thở chẳng cùng, rồi lại hối hết cả hai dắc nhau vào phòng mà thay quần đổi áo. Liền đó bà lại sai người đi rước thầy về săn sóc thuốc thang, trong ít ngày, cả hai chị em, tinh-thần đà bình phục.
Ngày kia trong nhà nhằm lúc rảnh rang, Mộ-Trinh bèn thừa dịp thưa với cha mẹ, xin mời Đổ-khắc-Xương đến nhà mà đền ơn đáp nghĩa cho chàng. Bà phủ cũng nói với quan phủ rằng: « Con nó nói như vậy cũng phải đa ông, người ta đã cứu con mình, không lẽ mà mình làm thinh sao phải, vậy thì ông hãy sai đứa nào đi mời Đổ-khắc-Xương qua đây mà đền ơn cho... » Bà nói chưa kịp dứt lời, quan phủ liền xì miệng một cái rất mạnh mà nói rằng: « Síc! Dữ không!! Thứ nó là một tên dân nghèo ở trong quận của mình, trọng vọng gì lắm đó hay sao mà phải mời phải rước; nếu nó có công cứu được con mình, thì sai đứa nào đó, cầm năm ba đồng bạc đem qua mà cho nó phứt cho rồi, lại còn bày đặt thỉnh thỉnh mời mời cho rộn. » Bà nghe ông nói như vậy thì bất bình, bèn phản đối lại rằng: « Sao ông hay ỷ quyền mình quá, đã biết nó là dân ở trong quận của mình thì mặc dầu; nhưng mà con mình bị nạn, nó cứu tử huờn sanh, thì tức nhiên nó là người ơn của mình, phải lấy lễ mà đải nó mới phải, chớ ông cứ ỷ quyền mình mà nói ngang như vậy, tôi e cho thức-giả người ta chê cười chăng ông? » Quan phủ nổi nóng nạt lớn lên rằng: « Hứ! ai cười? Mụ khéo nói xúc tâm tôi cho sanh chuyện, đều nói thì nói mà nghe, chớ mụ phải biết tôi đây là quan phụ mẩu, nó là một đứa dân quèn ở trong quận của tôi; ấy là cái phận-sự buộc nó phải làm, chớ có ơn chi mà kể. » Bà phủ vẩn biết ý chồng, nên phải làm thinh, không thèm cải nữa; còn Từ-mộ-Trinh thấy cha mình như vậy cũng chẳng dám nói chi, liền bước rảo vô buồng, nhìn sửng Lệ-Dung mà rưng rưng nước mắt.
Rồi đó quan phủ liền lấy ra 5 đồng bạc giao cho một tên lính và dặn rằng: « Mi hãy đem 5 đồng bạc nầy qua nhà Đổ-khắc-Xương mà trao cho nó và nói với nó cho rõ rằng: vì nó có công vớt giùm con gái của ông lúc chìm đò hôm nọ, nên nay ông thưởng cho nó một số tiền nầy để uống rượu chơi vậy. » Tên lính vâng lời đi trọn một buổi rồi đem 5 đồng bạc trở về trả lại cho quan phủ và bẩm rằng: « Tôi vâng lịnh ông đem bạc qua cho Đổ-khắc-Xương và tôi cũng nói với chàng y như lời của ông dạy vậy; chàng không chịu lấy bạc, lại chúm chím miệng cười và nói rằng: việc chút đỉnh chẳng có đáng gì, cần chi mà ông phải nhọc lòng nghĩ tới, vã lại cái việc của chàng làm đó là làm cho xong cái phận-sự làm người, chớ chàng chẳng có tính việc đó là ơn nghĩa với ai; huống chi ông là cha mẹ của dân, thì có lý nào mà chàng lại ăn tiền ăn bạc của ông, nên chàng xin kính lại cho ông, chớ chàng không dám thọ. » Quan phủ nghe nói lấy làm tự đắc, bèn gặt đầu và nói rằng: « À! Vậy chớ sao? Thằng biết đều quá. » Rồi day lại mà nói với bà phủ rằng: « Đó! mụ thấy không? ở trong quận của mình, mà mình là quan phụ mẩu, mình có ăn tiền của ai được thì ăn, chớ ai mà lại dám ăn tiền của mình sao mụ? » Bà phủ nghe vậy làm thinh, trong lòng tuy cũng bất bình mà không dám nói.
Bữa nọ tới kỳ hầu lệ, quan phủ phải đi lên trên tĩnh một ngày. Bà phủ ở nhà bèn kêu Mộ-Trinh mà nói rằng: « Nầy con, cái việc chàng Đổ-khắc-Xương cứu con hôm nọ, thật là ân nghĩa rất nặng dày, mà cha con coi chẳng ra chi, lại cứ ỷ quyền mình, muốn làm chi tự ý, thật má e chẳng khỏi bị thức-giả người ta chê cười lắm con. Vậy sẵn nay cha con đi vắn, má muốn lén cha con, mời chàng qua đây đặng mà đền ơn đáp nghĩa cho chàng kẻo e thiên hạ họ chê rằng mình là kẻ vô ơn bạc nghĩa; ý con nghĩ sao? » Mộ-Trinh nói: « Má tính vậy thì phải lắm, nhưng mà, nếu mà sai lính đi mời, con e cha con hay đặng thì ắt khó lòng; chi bằng má giả ý thèm cam hay quít chi đó, mà sai Lệ-Dung đi mua, rồi nó dùng dịp ấy mà mời chàng thì chẳng ai biết được; khi cha con về có hay mà hỏi chàng đến việc chi, thì má cứ nói rằng chàng qua mà đáp lễ cái ngày cha sai lính đi cho chàng tiền hôm nọ. » Bà phủ nghe nói rất mừng, liền bước vô buồng dặn nhỏ Lệ-Dung, rồi lại trở ra ngoài, kêu Lệ-Dung mà nói lớn rằng: « Lệ-Dung, bữa nay sao bà thèm cam mật quá con, vậy con biểu chị hai con nó đưa tiền cho, rồi con đi kiếm mua về cho bà vài chục trái, mà phải coi lựa thứ cam nào cho ngọt nó nghe con. » Lệ-Dung dạ dạ vâng lời, liền thay đổi áo quần rồi lấy dù ra đi.
Đây nhắc[đính chính 1] lại Đổ-khắc-Xương, từ ngày thấy mặt Mộ-Trinh lòng những ngẩn ngơ, ngày hằng mơ tưởng; song biết nàng là con gái nhà quan, giá cao khó vói, vã lại chàng-ta vẩn biết tánh quan phủ nầy là người trọng phú khinh bần, cho nên dầu có ao ước thế nào củng không sao cho phĩ nguyện được; nghĩ tới nó càng thêm bải hoãi tâm-thần, lấy làm thất vọng. Còn đang nghĩ vẩn nghĩ vơ, bổng thấy một nàng con gái, dung nhan đẹp đẻ, ngoài ngỏ bước vào, trong lòng hồi hộp không rõ là ai, chừng nàng ấy vào gần nhìn rõ lại mới biết là Trần-lệ-Dung người ở bên dinh quan phủ. Liền đứng dậy chào hỏi tử tế, và mời ngồi nơi bộ ván rồi hỏi luôn rằng: « Từ hôm đó tới nay, cô hai về nhà mạnh giỏi thể nào, có hề chi chăng cô?
— Dạ thưa không hề chi, nhờ có ông bà tôi rước thầy hốt thuốc, chị tôi uống đâu cũng chừng năm ba thang chi đó thì tinh-thần đã bình phục, đến nay chị tôi vẩn mạnh giỏi như thường; nhưng mà chị tôi thường than thở với bà tôi mà nhắc[đính chính 2] nhở cái ơn của thầy hoài; hôm nay ông tôi mắc đi hầu lệ, nên bà tôi sai tôi qua đây mà mời thầy, xin thầy chịu khó dời gót qua dinh cho bà tôi nói chuyện. »
Đổ-khắc-Xương nghe nói dứt lời bèn suy nghĩ trong lòng rằng: « Lạ nầy! hôm nọ bỡi quan phủ vẩn thấy ta nghèo mà rẻ rúng ta, ỷ của ỷ quyền, sai lính đem bạc mà cho ta; nên ta cũng làm cho người biết đứa sĩ khó nầy là kẻ thanh-bần, nhà tuy nghèo mà không hay tham chạ, trả bạc lại cho người. Hôm nay bà phủ lại dùng dịp ông mắc đi hầu lệ mà cho mời ta; trong thế đây chắc hai ông bà khác hẳn ý nhau, nên bà mời ta trong lúc ông đi khỏi, lẽ thì ta chẳng đi làm chi; ngặt vì, bấy lâu ta luốn những ước mơ, nếu sẵn có cái cơ-hội như vầy mà ta lại chẳng đi, thì từ đây chim Việt ngừa Hồ đôi đàng cách trở, biết bao giờ cho ta được gần gủi[đính chính 3] cái phương-dung của nàng lại nữa; thôi, ta cũng nên dùng cái dịp tốt nầy qua đó một phen coi thử ra sao? » Suy nghĩ một hồi rồi ngước mặt lên mà nói với Lệ-Dung rằng: « Xin cô về trước, để tôi vào thưa lại cho mẹ tôi hay, rồi tôi sẽ qua sau.
— Dạ, xin thầy hãy nhớ, mựa chớ diên trì mà bà tôi trông lắm nhẻ!
— Tôi đâu dám, hễ đã hứa chịu đi thì tôi phải đi liền, lẽ đâu lại thất tín. »
Lệ-Dung bèn từ giả ra về, dọc đàng nàng cũng kiếm mua vài chục trái cam đam về, y như lời bà phủ dặn vậy. Lệ-Dung về chẳng bao lâu, trong giây phút Đổ-khắc-Xương cũng vừa đến. Bà phủ mừng rở chào hỏi lăn-xăn, lại hối trẻ pha trà rồi ân cần mời đải. Đổ-khắc-Xương và uống trà và nói rằng: « Hôm nay cháu lấy làm vinh-hạnh mà được lịnh của bà kêu gọi đến đây; chẳng biết bà có đều chi dạy bảo?
— Xin thầy thong thả[đính chính 4], cứ uống nước ăn trầu, thỉnh-thoản rồi tôi sẽ tỏ cùng thầy một chuyện. »
Bà phủ và nói và day mặt vào trong mà kêu rằng: « Hai e! Có ân-huynh của con là thầy Đổ đã qua đây nầy! con hãy ra mà tạ ơn thầy đi con. »
Bà nói vừa dứt lời, bổng thấy trong buồng Lệ-Dung bước ra đi trước, có bưng một mâm quả-phẩm lễ-vật đem để trên bàn; còn Mộ-Trinh cũng nối gót theo sau, bước đến trước mặt Đổ-khắc-Xương, rồi chấp tay chào hỏi, giọng nói rất ngọt-ngào. Đổ-khắc-Xương cũng đứng dậy vội-vàng đáp lễ. Lúc bấy giờ, hai đàng gặp nhau, diện đối diện, hai miệng tuy chào hỏi lăng-xăng, mà bốn mắt cứ liếc nhau chằn-chằn; thật là một đàng rất phải mặt áo-khăn, còn một đàng lại nên trang đài-các. Cả hai trong lòng còn đương bát-ngát, chưa kịp nói chi; bổng nghe bà phủ nói rằng: « Thật tôi chẳng nói giấu chi thầy, hôm nọ con nhỏ của tôi nó đi chợ rủi bị chìm đò, may có thầy ra ơn cứu vớt, nếu không thì hổm nay nó đà xanh cỏ đi rồi; ngặt ông phủ nhà tôi ổng có cái tánh rất kỳ khôi, từ hôm ổng sai lính đem bạc cho thầy tới nay, thật tôi lấy làm ngại quá, sợ e thầy không rõ mà phiền; nên nay tôi phải mời thầy qua đây, tạm dùng chút đỉnh những lễ mọn nầy, trước là tôi chịu lỗi cùng thầy, sau là cho con nhỏ của tôi nó lạy thầy một đôi lạy mà đền ơn tái-tạo. » Nói dứt lời liền bảo Mộ-Trinh cúi lạy. Mộ-Trinh chưa kịp quì lạy mà Đổ-khắc-Xương đã vội-vàng đứng dậy bước tránh ra chỗ khác và nói lia-lịa rằng: « Đừng cô Hai, thôi, thôi, đừng, đừng có lạy cô Hai. » Rồi day lại xá bà phủ mà nói tiếp luôn rằng: « Dạ, bẩm bà, vã ông với bà là cha mẹ của dân, còn cháu đây là kẻ bất tài, lại là con dân trong quận; dầu cho việc gì lớn-lao đi nữa cháu cũng chẳng dám tiếc công thay, huống chi là việc tầm thường chút đỉnh, cháu đâu dám kể ơn mà thọ lãnh những hậu lễ của bà; miễn xin bà thương xót đến phận hèn nầy là đủ. » Bà phủ nói: « Ấy chẳng qua là thầy dùng lời quá khiêm đó mà thôi, chớ cái ơn tái-sanh nầy còn có chi bằng. » Đổ-khắc-Xương cũng cứ từ chối hoài, chớ chẳng hề chịu lãnh lễ-vật bạc-tiền chi hết. Bà phủ trong lòng khen thầm, nhơn hỏi thăm qua việc gia-tình, lại hỏi đến việc lứa đôi, hoặc đã có nơi nào hay chưa có. Đổ-khắc-Xương cũng thưa thiệt rằng: « Trong ba bốn năm trời, gia-đạo của cháu rất suy vi, phần thì cha cháu mắc đi ra Bắc, nay nhà cháu chỉ còn có một bà-thân cháu với cháu, mẹ con hủ-hỉ hôm sớm với nhau; hềm vì thiếu trước hụt sau, cho nên bề gia-thất cháu chưa nghĩ tới. » Bà phủ nghe nói ngùi-ngùi, lấy làm thương xót. Còn Mộ-Trinh thì trong lòng khấp-khởi mừng thầm. Còn đang chuyện vãn, ngoài sân bóng đã hầu trưa, Đổ-khắc-Xương liền đứng dậy cáo từ mà lui gót.
Khi Đổ-khắc-Xương đã về rồi, mà bà phủ vẫn còn trầm-trồ khen mãi, bà lại nói với Mộ-Trinh rằng: « Nầy con, má thấy Đổ-khắc-Xương thiệt má thương nó quá; thằng sao tuổi tuy còn nhỏ mà phẩm hạnh đoan trang, cử chỉ đàng hoàng, nói năng nho nhã, ngặt vì nhà nó thì nghèo, mà tánh cha con thì khó quá, chớ phải tánh cha con mà cũng được như tánh má đây vậy, chẳng cần sự giàu nghèo, miễn là tài đức cho vẹn toàn là đủ; thì má gả con cho nó để hầu sửa trắp nưng khăn, cho tròn ơn tròn nghĩa. » Mộ-Trinh nghe bà nói bấy nhiêu lời, dường như đánh trúng tim đen, nên nàng cũng muốn tỏ thiệt ý mình cho bà nghe, ngặt cái nghề con-gái mới lớn lên, hễ nói tới việc vợ chồng thì hay mắc-cỡ miệng, cho nên nàng dợm đã đôi ba phen, vừa muốn mở miệng ra, rồi nàng lại nín. Bà phủ thấy vậy đã biết ý con, bèn hỏi gạy đầu rằng: « Theo ý má thì như vậy, ý con nghĩ sao? » Mộ-Trinh ban đầu còn hơi xẻn-lẻn, hồi lâu nàng mới thưa rằng: « Nếu má quả có lòng thương chàng như vậy, thì con mới dám tỏ thiệt cái tâm-chí của con cho má nghe. Vã con có nghe danh Đổ-khắc-Xương rằng ở với mẹ cha rất nên chí-hiếu, ở với cô bác xóm-diềng lại có lễ nghĩa khiêm cung, nho-học cũng thông, tây-học cũng giỏi; giàu sang không bợ-đỡ, nghèo khó chẳng khinh-khi, thật là hiếu nghĩa vẹn hai, đức tài gồm đủ; nếu nay mà má muốn chọn được rể hiền, thì như chàng vậy con mới đành trao thân gởi phận. Huống chi cổ-ngữ có câu rằng: Nam nữ thọ thọ bất thân. Mà lúc con bị chìm đò chới-với giữa dòng, chàng ra ơn cứu vớt, bồng ẵm con mà đem được lên bờ; đã biết rằng vì gặp cơn nguy cấp thế ắt phải tùng quyền, song xét cho kỉ lại thì dường như con đã thất thân nơi chàng rồi, nếu ngày sau mà con chẳng được kết đôi bạn với chàng, thì thà là con ở vậy trọn đời, chớ con chẳng hề chịu mang danh thất tiết đâu. » Bà phủ nghe lời con nói phải, thì bà cũng khen thầm, song bà vẫn biết ý chồng, cho nên bà tỏ ý lo buồn và nói rằng: « Con nghĩ như vậy thật cũng phải lắm đó con; ngặt vì tánh-tình cha con thì khác, má không biết tính lẽ nào để thỉnh-thoản má dọ thử ý cha con coi thể nào cho biết. » Mộ-Trinh nghe nói cũng làm thinh, bèn trở vô buồng chuyện vãn với Lệ-Dung cho tiêu-khiển.
Chẳng dè lúc hai mẹ con đương nói chuyện với nhau, thì Lệ-Dung đã đứng núp dựa cữa buồng rình nghe rõ hết; nên khi Mộ-Trinh bước vào thì Lệ-Dung liền ngó mặt mà cười và nói rằng: « Ấy rõ ràng là Thiên tùng nhơn nguyện đó, nên mới khiến cho bà cũng đem dạ thương chàng, nếu vậy thì cái cuộc nhơn-duyên của chị sau nầy thiệt đã có ảnh-hướng rồi đó đa chị à. » Mộ-Trinh nói: « Ủa! Té ra những lời của má chị nói chuyện với chị nãy giờ đó, em đã rõ hết rồi sao? Thật khó quá đi em. Ý của má chị thì vậy, còn ý của cha chị thì khác hẳn đi thôi; không biết sau nầy mà chị có được mãn nguyện cùng chăng? Vã hôm nay chị đã xem thấy rõ ràng, như chàng vậy thiệt là người hào-hoa phong-nhã, tài-mạo lưỡng toàn; theo như lời em xem tướng mà luận với chị hôm nọ thiệt quả chẳng lầm. Nhưng vậy mà chị còn e nhiều nỗi lắm em.
— Việc gì mà chị lo nhiều lắm vậy?
— Không lo sao được. Nầy em! Một là chị e cho cha chị chê chàng nghèo mà không chịu gả; hai là chị lại e cho bên kia, không biết chàng có ý gì mà nghĩ đến chị hay chăng? Nếu chàng mà quả vô tình, còn mình đây, không lẽ mà mình tự đi làm mai-mối cho mình; thế ra, dầu chị em mình có tính gì cho lắm đi nữa cũng là vô ích.
— Việc đó em đã liệu rồi.
— Em liệu sao?
— Nếu muốn cho rõ được ý chàng, thì chị phải mua một hộp khăn mu-soa (khăn hỉ-mũi) cho thiệt tốt, rồi chị em mình phải chịu khó ít đêm mà thêu trong mỗi cái khăn một cặp chim oan-ương cho khéo, rồi đem mà cho chàng, mượn cớ rằng nhờ ơn cứu tử, nên phải tạm chút vật hèn để làm kỷ-niệm; vã lại hổm rày nào là bạc tiền, nào là lễ vật, ấy là mình toan ơn trả nghĩa đền, mà chàng đã nhứt-nhứt không dùng, thì cũng đã đành; chớ như nay mà mình tặng có 3 cái khăn nầy, không lẽ mà chàng đi nỡ đành lòng từ nữa; mà hễ chàng chịu lãnh mấy cái khăn nầy rồi thì việc ra thể nào, chị em ta ắt sẽ rõ được ý chàng, chớ không khó. » Mộ-Trinh nghe Lệ-Dung nói dứt lời thì mĩn cười mà nói rằng: « Tuổi em còn nhỏ mà kiến-thức rất cao, thiệt chị không bì kịp. » Nói rồi liền lấy tiền trao cho Lệ-Dung, bảo nàng ra chợ mua một hộp khăn và các thứ chỉ màu đem về mỗi đêm hai chị em thức thêu với nhau. Khi thêu rồi bèn đem cất để vào rương, chờ có dịp sẽ gởi cho Đổ-khắc-Xương mà dọ ý chàng-ta cho biết.
Ngày kia quan phủ lại tiếp được giấy của quan Tòa, phú cho ông tra xét một vụ kiện tranh điền thổ thuộc về trong quận của ông, nên ông phải dạy lính sắm sửa ghe hầu cho ông đi làm ăn-kết (enquête). Ở nhà hai chị em bàn tính với nhau, muốn dùng dịp ấy đặng đem hộp khăn qua mà cho chàng Đổ. Bàn tính xong rồi, Mộ-Trinh liền giã ý nhức đầu, sai Lệ-Dung đi kiếm lá xông, rồi thừa dịp đi luôn qua nhà chàng Đổ.
Nhằm lúc Đổ-khắc-Xương đương ngồi trong nhà mà xem nhựt-báo, bỗng nghe chó sủa om-sòm, bèn ngước mặt ngó ra, thấy Lệ-Dung nét mặt tươi cười, ngoài sân xâm-xuối bước vào. Chàng ta liền buông tờ nhựt-báo, đứng dậy chào mừng và hỏi rằng: « Hôm nay cô lại đến đây, hoặc cô đi chơi, hay là bà lại cho kêu tôi mà dạy bảo đều chi nữa chăng? » Lệ-Dung nói: « Dạ, thưa không phải bà tôi sai biểu; tôi qua đây là bỡi vâng lời chị hai tôi mà.. .. » Đổ-khắc-Xương nghe nói tới đó trong lòng khắp-khởi mừng thầm, liền vội-vàng rước hỏi nàng rằng: « Ủa! Nói vậy, té ra cô hai sai cô qua đây, mà có việc chi chăng cô? » Lệ-Dung chúm-chím miệng cười và đáp rằng: « Thưa có việc cần, nên em mới qua đây. » Và nói và mở hộp khăn ra, đem để trên bàn ngay trước mặt chàng, rồi nói tiếp thêm rằng: « Nhơn vì lúc nọ chị tôi nhờ ơn thầy cứu tử, thiệt cái ơn tái tạo nầy ví như sông biển, đền đáp đã ghe phen mà thầy không chịu lấy, từ ấy nhẫng nay, chị tôi vẩn hằng cạnh-cạnh nơi lòng, không hề quên được; nên nay chị tôi phải thêu một chục khăn nầy, dạy tôi đem qua cho thầy để làm kỷ-niệm, vật hèn chút đỉnh, thiệt chẳng đáng chi; nhưng mà, đó là cái công khó của chị tôi thức-thối mấy đêm, xin thầy chớ phụ. Khi tôi ra đi chị tôi lại đinh-ninh dặn bảo tôi rằng, nếu cái hộp khăn nầy mà nó được ở với thầy, thì dầu cho đến cũ đến rách, nó cũng còn nhờ hạnh-phước đó. » Đổ-khắc-Xương nghe nói mĩn cười và đáp rằng: « Ấy là lời của cô hai quá tặng đó mà thôi, chớ kẻ bất tài nầy là một người đức bạc, có phước chi đâu mà được như lời cô hai dạy vậy. » Và nói và mở hộp khăn xổ ra từ cái mà coi, thấy cái nào cũng có thêu một cặp oan-ương thật khéo, tuy là chim thêu trong vải mà xem ra rất có tinh-thần. Chàng ta vừa xem vừa nghĩ, thì đã hiểu cái thâm-ý của nàng rồi, trong lòng khắp khởi mừng thầm, bèn nói với Lệ-Dung rằng: « Công lao chút đỉnh, tôi đâu dám gọi là ơn, lẽ thì tôi chẳng dám thọ lãnh vật gì, ngặt vì tôi thấy cô hai đã dụng tâm như vầy, nếu tôi từ chối vật nầy thì thành ra tôi là người vô tình vô vị, cho nên tôi phải tạm lãnh của nầy. Vậy xin cô hãy tạm đình gót ngọc mà đợi tôi một vài phút đồng-hồ, để tôi viết một bức thơ mà đáp tạ hậu-tình, nhờ cô đam về trao giùm lại cho cô hai, thì tôi lấy làm may-mắn lắm đó. » Lệ-Dung gặt đầu và xin vâng lời. Đổ-khắc-Xương liền bước lại bàn viết ngồi suy nghĩ một mình rằng: « Nàng Từ-mộ-Trinh mượn cớ tạ ơn, lại thêu trong mỗi cái khăn mỗi cặp oan-ương mà cho ta như vầy đây thì kỳ trung nàng đã hữu tình hữu ý với ta rồi; gia dỉ những lời của Lệ-Dung đã nói khéo với ta nảy giờ đó, nếu gióng lại cho kỷ mà coi thì cũng quả quyết như lời ta liệu vậy, thế ra Từ-mộ-Trinh nầy quả là một người tri-kỷ của ta rồi, chớ chăng còn nghi ngờ chi nữa. Vậy thì bây giờ đây ta phải dụng ý cách nào mà hồi đáp với nàng, đặng làm cho nàng rõ được ý ta rằng cũng đồng tâm đồng chí với nàng vậy. » Suy nghĩ hồi lâu, vùng nhớ lại mấy cây quạt rất tốt của cha chàng mua ở Bắc-kỳ đã gởi về cho chàng mới hôm tuần trước. Chàng liền lựa lấy một cây thiệt tốt, rồi vẽ vào hai nhánh ngô-đồng, phía trên lại vẽ một cặp chim, tức là con chim loan với con chim phụng, hai con đậu trên hai nhánh ngô-đồng đương đâu mỏ với nhau. Vẽ xong xếp lại, cắt một rẻo vải quyến hình như sợi giải, lại lấy viết đề vào sợi giải một chữ đồng rất to, buộc chặt chung quanh cây quạt, rồi mới lấy giấy gói phong tử tế, đam lại trao cho Lệ-Dung chúm chím miệng cười mà nói rằng: « Gia-đạo bần hàng, thiệt không có vật chi là quí, vậy sẵn có cây quạt Bắc-kỳ, của nghiêm-thân tôi mới gởi về cho tôi đây, nên tôi học họa hồ-lô, bắt chước theo cô hai cũng vẽ một cặp chim, nhờ cô đem về trao giùm lại cho cô hai và thưa với cô hai cho rõ rằng tôi cũng tạm chút vật hèn nầy mà gọi là đáp lễ; nếu cô hai mà chẳng chê của tục vật hèn, thì trọn một đời của kẻ bất-tài nầy lấy làm may-mắn lắm vậy. » Lệ-Dung đứng dậy nét mặt tươi cười, hai tay lãnh lấy gói quạt, giấu để trong mình, rồi mới từ giả Khắc-Xương mà dời gót. Chàng Đổ cũng theo đưa ra tới cữa ngỏ phía ngoài, rồi mới trân trọng vài lời mà trở lại.
Khi Lệ-Dung về rồi, chàng Đổ ngồi lại một mình giở mấy cái khăn ra xem đi xem lại hoài, trong lòng mừng quá đổi mừng, đến khi chàng nhớ lại cái tánh-tình của quan phủ thì chàng lại giựt mình, vì biết cha chàng là người thanh-bạch, hoặc là ông không chịu làm suôi với quan phủ nầy, rồi mình phận làm con; mới biết liệu sao đây. Một mình suy tới nghĩ lui, rồi lại gặt đầu mà nói rằng: « Ờ! Bây giờ ta mới nhớ lại, lúc cha ta còn ở nhà, mỗi khi người nói chuyện với mẹ ta thì người vẩn thường hay nói câu nầy: « Thiệt là kỳ quá đi mụ, quan chủ-quận của mình đây là Từ-thế-Anh, vẫn là một người tánh tình sâu sắc, kiến lợi vong nghĩa, thiệt là một tay tham phú phụ bần; mà sao người lại sanh được một nàng con gái, nết na hiền hiếu, lại thêm ngôn hạnh đoan trang; ấy mới biết, cây đắng lại sanh trái ngọt, thật rõ ràng lời tục ví chẳng lầm. » Lúc ấy mẹ ta lại đáp rằng: « Hay là tại nàng nhờ cái đức của mẹ nàng chăng, vì tôi có nghe bà phủ nầy là người hiền-đức lắm mà! » Cha ta lại gặt đầu mà nói rằng: « Có khi phải đó. » Như thế thì ta ắt cũng còn có chỗ trông mong kết tóc xe tơ với nàng là nhờ có mấy câu chuyện nầy chăng. » Nghĩ như vậy rồi chàng mới bớt lo, bèn an lòng mà chờ dịp.
Đây nhắc lại việc nàng Lệ-Dung, khi ra về cũng giả ý kiếm một bó lá xông đem về giao cho người đờn-bà nấu ăn dưới bếp, dặn nấu để sôi cho được 10 phút đồng-hồ rồi sẽ bưng lên cho cô hai xông. Dặn xong, bèn trở lên nhà trên bước thẳng vào buồng; Mộ-Trinh vừa ngó thấy Lệ-Dung bước vào thì cười và nói bởn rằng: « « Mèn ơi! Tùy-Hà[3] đi Sứ đã về, thiệt tôi không hay mà viểng tiếp chớ! » Lệ-Dung cũng mĩn cười mà đáp lại rằng: « Mà cũng thật là may, nên mới khỏi nhục kỳ quân-mạng đó chị. » Nói rồi hai chị em lại cười xoà với nhau. Rồi đó Lệ-Dung liền lấy cái gói quạt ra trao cho Mộ-Trinh. Mộ-Trinh tiếp lấy, chưa hiểu thể nào, đến lúc mở ra, thấy đủ các món, bèn làm thinh nhắm nhía và suy nghĩ một hồi, rồi ngó Lệ-Dung miệng cười lỏn-lẻng mà nói rằng: « Nầy em! Chị đã hiểu ý chàng Đổ rồi đây em, còn em nghĩ thể nào? » Lệ-Dung nói: « Thì chị cứ giải rõ cho em nghe, thử coi có hiệp ý-kiến với nhau chăng? » Mộ-Trinh bèn chỉ từ món mà nói với Lệ-Dung rằng: « Nầy em! Đây là sợi giãi, mà chàng lại đề một chữ Đồng nơi phía trong lòng, mà lòng tức là chữ Tâm: ấy là giãi-đồng-tâm đó em, chàng lại lấy sợi giãi nầy mà buộc chặt vào cây quạt. Ấy có phải là chàng quyết kết chặt cái giãi-đồng-tâm, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. » Lệ-Dung gặt đầu, miệng cười tủm tỉm. Mộ-Trinh lại sè cây quạt ra, chĩ cho Lệ-Dung coi mà nói rằng: « Nầy là hai nhánh Ngô-đồng, cũng hiểu là hai chữ đồng-tâm. Chí như hai con chim loan và chim phụng mà đâu mỏ với nhau đây, là chàng tỏ ý rằng chàng muốn cho loan phụng hòa minh, đôi lứa sum vầy, trăm năm kết cánh đó, có phải vậy chăng em? » Lệ-Dung cười rằng: « Hay! Thiệt quả là hay!! Chị liệu sự như thần, thiệt không sai một mảy. » Mộ-Trinh lại nói với Lệ-Dung rằng: « Việc tuy thì làm vậy, song chị còn e vị tấc mà chàng biết được rằng chị đã hiểu ý chàng hay chưa. Vậy để chị viết thêm một phong thơ cho chàng chắc ý, và xin em hãy chịu khó với chị một phen nữa mới xong. » Nói rồi liền lấy giấy viết thơ, niêm phong tử tế, trao cho Lê-Dung mà dặn rằng: « Nầy em, hãy đi cho mau rồi về cho chóng em nghé! » Lệ-Dung vâng lời lãnh thơ đi liền.
Đây nói về Chàng Đổ, từ khi trao cây quạt cho Lệ-Dung đem về cho Mộ-Trình rồi, trong lòng thồi thộp chưa biết may rũi thể nào, bổng thấy Lệ-Dung ngoài ngõ bước vào miệng cười chúm-chím tay trao bức thơ và nói rằng: « Chị tôi mong ơn thầy gởi cho cây quạt, nên phải tạm kính đôi lời gọi là tỏ ý tạ ơn; vậy xin thầy hãy coi cho kỷ lấy bức thơ nầy thì mới rõ được tất dạ chí-thành của chị tôi vậy. » Đổ-khắc-Xương lòng mừng khắp khởi, vội vàng mở bức thơ liền, té ra chẳng thấy nói một câu gì, duy thấy có một tờ giấy xắp đôi, thoa keo chính giữa cho dính khắn lại, phía trước có đề một chữ Nhứt, mà phía sau cũng là một chữ Nhứt. Chàng-ta ngơ ngẫn, chưa hiểu làm sao, suy nghĩ hồi lâu rồi mới tỉnh ngộ, liền ngó Lệ-Dung mà cười và nói rằng: « Nầy là ý cô hai muốn nói: Khăn khắn một lòng thỉ chung như nhứt đây, có phải vậy chăng! Thiệt cô hai là một người thông-minh tuyệt thế, việc gì cô cũng hiểu rõ ý tôi; thế thì rõ ràng cô là một bạn tri-kỷ của tôi đấy. Vậy xin cô trở về thưa lại với cô hai cho rõ rằng kẻ bất-tài nầy xin lãnh ý của cô hai, dầu đến thác tôi cũng chẳng dám sai dời tất dạ vậy. » Lệ-Dung nghe nói rất khen thầm và kính phục chẳng cùng, rồi đó nàng liền đứng dậy từ giã quày quả ra về; đem hết mấy lời của chàng Đổ mà thuật rõ lại cho Mộ-Trinh nghe. Mộ-Trình thấy vậy lại càng khen phục, bèn dặn dò Lệ-Dung rằng: « Nay tuy là chàng đã rõ tấm lòng của chị, mà chị đây cũng biết được ý chàng rồi thì mặc dầu, song em cũng nên thủ khẩu như bình, chớ chẳng khá hớ hinh mà lậu việc; để thỉnh thoãn cho mẹ chị dọ thử ý cha chị xem coi thể nào rồi sau sẽ tùy cơ ứng biến. » Lệ-Dung nghe nói cũng gặt đầu khen phải.
Từ đó hai chị em ăn ngủ chẳng yên, ngày đêm vẩn cứ lo thầm, sợ e quan phủ chuộng chỗ giàu sang mà ép-uổng.
Ngày kia quan phủ đang ngồi trong dinh bổng thấy tên lính chạy vào bẩm rằng: « Bẩm ông, có ghe quan Đốc-phủ chủ-quận châu-thành đến viếng, ghe mới vừa đậu tại bến cầu. » Quan phủ nghe chưa dứt lời thì đã vội vàng đứng dậy đi liền, xuống đón tại bến cầu mà nghinh tiếp. (Nguyên quan Đốc-phủ-sứ nầy tên là Phạm-nhứt-Thanh, nhờ có quan trên yêu chuộng, cho nên oai thế của ngài ít ai bì kịp; các quan chủ-quận trong tĩnh, ông nào ông nấy cũng khiếp oai, làng tổng dân tình thảy đều sợ ngài cũng như sợ cọp.
Khi quan phủ rước ngài vào dinh rồi liền hối lính hầu khui rượu la-ve ra cho ngài giải khát. Lúc hai đàng đương ngồi uống rượu với nhau, quan phủ bèn hỏi rằng: « Không mấy khi quan-lớn đến đây, làm cho bồng-tấc sanh huy, thiệt tôi lấy làm vinh hạnh chẳng cùng, song chẳng biết có công-sự chi chi, hay là tư sự? » Quan Đốc-phủ mĩn cười và nói rằng: « Không, chẳng có việc chi, chẳng qua là tôi dùng dịp trong hai ngày lễ nghỉ hầu mà đi chơi, nhơn đi ngang qua đây, tiện đường tôi ghé[đính chính 5] thăm ngài để đàm đạo chơi vậy mà.
— Thiệt tôi rất cám ơn quan-lớn. Trẻ bây! rót rượu thêm cho Quan-lớn đây bây.
— À! tôi có nghe lịnh-ái năm nay cũng đã trộng rồi há! Chẳng hay cháu nó đã được mấy tuổi rồi vậy ngài?
— Dạ. bẩm quan-lớn, năm nay nó mới được 18 tuổi, mà nó còn khờ quá đi quan lớn.
— Hứ! Ấy chẳng qua là ngài quá khiêm đó mà thôi, chớ tôi có nghe người ta đồn đãi ngợi khen nó lắm mà! Được đa, tuổi đó vừa lắm đa. Nầy ngài! Chuyện anh em mình chớ không phải người nào, vậy để tôi xin lỗi với ngài mà nói xắp một cái cho rồi..............
— Dạ, bẩm quan-lớn, có việc chi thì quan-lớn cứ nói, không hề chi, vì tôi là em-út của quan-lớn.
— Nầy ngài! có một chỗ, họ muốn cậy tôi làm mai, đi nói con cháu đây, thằng đó năm nay mới có hai mươi tuổi mà cha mẹ nó giàu quá đi ngài.
— Chẳng hay con ai ở đâu vậy quan-lớn?
— Người đó là anh em chú bác với tôi, tên là Phạm-hữu-Ngọt, nhà cữa ở tại Ba-Xuyên, giàu lớn lắm, mỗi năm thâu lúa ruộng hơn hai trăm ngàn giạ lận đa ngài; nhờ có mấy kỳ quốc-trái ảnh giúp cho nhà nước vay nhiều quá, nên ãnh được thưởng chức huyện hàm.
— Thằng đó có học hành chi chăng quan-lớn? mà nó tên gì?
Quan Đốc-phủ-Sứ ngần ngừ một hồi rồi nói: — Có chớ! mà đều.........
— Mà đều......... mà đều........ sao a quan-lớn?
— Mà đều nó học ít một chút, mắc nó là con câng, vì anh huyện tôi, sanh có một mình nó là trai, cho nên ảnh chỉ hay câng nó quá. Bỡi vậy nó học trường tĩnh gần thi lấy xẹt-típ-phi-ca (certificat) rồi nó thôi, không chịu học nữa, để thả đi chơi hoài, hai vợ chồng anh huyện tôi mới tính kiếm vợ cho nó, đặng có buộc chơn buộc cẳng nó lại đa ngài. Tên nó là Phạm-hữu-Chanh.
— Tuổi còn trai tráng, niên phú lực cường, sao nó không lo học cho tới, để bỏ uổng quá quan-lớn há!
— Ngài nói cũng phải, nhưng mà, Ối! Buổi nầy là buổi huỳnh-kim thế giái, có chi mạnh cho bằng thế-lực kim-tiền đâu ngài. Nó dốt thây kệ nó, miễn là lúa cho đầy bồ, bạc cho đầy tủ thì thôi, một năm hai ba trăm ngàn giạ lúa ruộng chớ ít ỏi gì sao, dầu nó dốt thì dốt, chớ nó có sợ ai. Phải vậy không ngài?
Quan phủ nghe nói ít học thì có hơi buồn, song vì hai trăm ngàn giạ lúa ruộng mỗi năm, nó làm cho ngài cũng phải điếc tai chóa mắt; nhưng mà, ngài vẩn biết ý bà, nên tính để dọ lại coi, chớ chưa dám hứa; bèn nói với quan Đốc-phủ rằng: « Bẫm quan-lớn, đã biết rằng tôi đây là nhứt gia vi trưởng thì mặc dầu, song tôi cũng còn phải hỏi lại mẹ-bầy-trẻ tôi, coi ý bả thể nào, rồi trong vài bữa tôi sẽ cho quan-lớn hay.
— Vậy cũng được, thôi, để tôi kiếu ngài tôi về, rồi bề nào xin ngài cũng cho tôi hay cho sớm sớm vậy nghé, tôi có lòng trông tin ngài lắm đa. Á mà nầy ngài! Ráng lấy nghé! Chỗ đó giàu lớn lắm đa!! Đừng bỏ qua, uổng lắm đa ngài.
Quan phủ theo đưa quan Đốc-phủ xuống ghe rồi mới trở lên, đi thẳng vào nhà tư, kêu bà phủ ra mà nói rằng: « Nầy mụ! Nay có quan Đốc-phủ-sứ Phạm-nhứt-Thanh đến thăm tôi và ngài lại làm mai, muốn nói con gái mình cho thằng cháu của ngài, nó kêu ngài bằng chú, nhà nó ở dưới Ba-Xuyên; cha nó là ông huyện hàm Ngọt, giàu có lớn lắm, ngặt có một đều thằng đó nó ít học một chút, chớ lúa ruộng của cha nó mỗi năm tới hai ba trăm ngàn giạ lận bà. » Bà phủ nghe ông nói dứt lời thì sắc mặt bà không vui, bà bèn trả lời một cách rất lạt lẽo rằng: « Nó giàu thì giàu, chớ tôi không ham, vậy chớ ông không biết ý con-gái của ông hay sao?
— Sao? Mụ nói sao? Ý con gái tôi sao? Nó cải tôi được hay sao???
— Vã con-gái của mình là một đứa biết đều, học hành cũng giỏi, cầm kỳ thi họa chẳng thua ai, nay ông muốn đem nó mà gã cho một đứa ít học, tôi e nó chẳng vừa lòng, vậy chẳng là tội nghiệp cho nó lắm chăng ông?
— Nó ít học mà nó giàu to kia kìa!
— Ai lại chẳng biết nó giàu, tưởng là ai kìa, chớ thằng con trai của ông huyện Ngọt; ông tưởng tôi không biết nó hay sao? Cái thằng làm sao mà chẳng những là dốt nát mà thôi, lại thêm hình dung thô-bỉ, ăn nói cộc-cằng, đen thui đen thít; chắc là cỏn nó có chịu ở đâu.
— Mà người ta nói nó giàu đây nè! lúa ruộng hai trăm ngàn giạ mỗi năm, mụ biết hông?
— Ông cứ chưng cái giàu của nó với tôi hoài, mấy trăm ngàn giạ thì mấy trăm ngàn giạ chớ! Vậy chớ ông không nghe câu tục-diệu người ta hát đó sao?
— Câu tục diêu gì? Họ hát làm sao??
— Câu tục-diêu người ta hát rằng: Chẳng tham bồ lúa anh đầy, tham ba hàng chữ cho tày thế gian. Câu tục-diêu đó, chớ câu tục-diêu gì.
— Hứ! Khéo bày đặt không? Hay chữ cho bằng giữ ăn? Mụ đừng có cải tôi mà! »
Bà phủ thấy ông, ý muốn đổ quạu, bà liền day mặt chỗ khác mà nói một cách rất nhỏ nhẹ rằng: « Ai mà cải ông làm gì, đều tôi nghĩ lại cái công của tôi sanh ra được có một chút gái, mình hạt xương mai, lại thông minh tót chúng, tôi cũng muốn chọn cho được một đứa rể hiền, chẳng luận giàu nghèo, miễn làm sao cho tài đức vẹn toàn, đặng mà gả nó cho xứng đôi vừa lứa thì tôi mới được đẹp mặt nở mày; không dè mà ngày nay, ông ham có hai trăm ngàn giạ lúa ruộng mỗi năm, mà ông muốn vùi dập con gái tôi như vầy, nên tôi mới nói cho ông nghe, chớ tôi có cải ông làm chi; nó là con của ông, ông muốn gả nó cho ai cũng tự ý, duy tôi chỉ xin ông phải nghĩ lại một đều nầy là đều cần nhứt: Phàm hễ vợ chồng mà thương yêu nhau, quyến luyến nhau, là bỡi có cái mối ái-tình, nếu nó không có ái-tình mà mình cứ ỷ quyền cha mẹ ép-uổn nó, thì về sau ắt cũng dở-dang, chớ không có thế nào buộc nó ở đời với nhau cho lâu được; thế thì ép nó mà có ích gì? Tuy nói thì nói vậy, chớ nó là con của ông, ông cứ hỏi lấy nó, chớ tôi đâu dám cải. » Quan phủ liền kêu Mộ-Trinh ra, đặng hỏi ý con cho biết.
Chẳng dè những câu chuyện của hai ông bà tranh cải với nhau nảy giờ, Mộ-Trinh đã núp lén rình nghe, đầu đuôi đà rõ hết, nên nàng ở trong buồng đã khóc lóc với Lệ-Dung rồi. Khi nghe quan phủ kêu tới tên nàng, thì nàng cũng phải ép lòng rén rén bước ra, mặt hoa ủ-dột, lụy ngọc dầm-dề. Quan phủ đương sẵn trớn giận bà, lại thấy tình-hình của nàng như vậy, nên ngài cũng giận luôn, bèn nạt lớn lên rằng: « Chuyện gì mà khóc? Khéo không? Hèn chi người ta hay nói, hễ mẹ nào thì con nấy, thiệt cũng phải lắm chút! Sao? Chỗ giàu sang như vậy mà con còn chê hay sao?? Đó! con nghĩ coi, nhà người ta thì giàu có lung, lại cũng là một ông huyện hàm chớ phải lôi thôi hay sao? Huống chi Bác của nó là quan Đốc-phủ-sứ, vẩn là một người rất có quyền-thế hơn cha, mà nay người lại đứng làm mai cho nó nữa, thì là chỗ giàu sang tột bực, còn ức hiếp nỗi gì? Con hãy nghe lời cha mà ưng phứt cho rồi, đừng có nghịch ý mà làm cho cha thêm giận. » Mộ-Trinh thấy cha đương lúc nóng nãy nên nàng chẳng dám nói chi, cứ đứng khóc hoài. Bà phủ thấy vậy, lại rước mà nói rằng: « Tôi xin ông bớt giận mà để cho tôi phân rõ một đôi đều, phàm hễ vợ chồng mà biết quí trọng nhau, biết yêu thương nhau, là bỡi có cái mối ái-tình cao thượng, có ái-tình rồi mới tương đắt với nhau, chừng ấy chồng lo việc ngoài, vợ lo việc trong, mỗi người đều giữ theo chức-nhiệm của mình, tương y tương ỷ với nhau, thượng hòa hạ mục[đính chính 6], phu xướng phụ tùy; không ai khinh thị ai, không ai hiếp chế ai, chung vui chung buồn, đồng tâm hiệp ý; được như vậy, dầu cho làm vợ một tên sĩ nghèo cũng còn có thú vui, chớ như ham mấy chỗ sang giàu, rủi nhằm công-tử Bột, những hạng người ấy, phần đông đều là bọn ỷ của, dâm dật tánh thành, họ coi đờn-bà con-gái cũng như một món đồ chơi, để vuốt ve nựng niệu trửng bỡn cho thỏa lòng; thoản như có đều nào mà không vừa ý họ, thì đã thấy họ ly dị liền, chớ họ có biết chi là đạo tình thâm nghĩa trọng. Còn nói tới việc tình, thì họ lại lấy đều dâm-dục luyến-ái mà gọi là tình, chớ họ có rõ đâu được cái mối tình cho chánh-đáng. Tình mà chánh-đáng ấy, là phát ư lễ, chỉ ư nghĩa, chẳng dâm chẳng loạn, mới gọi là tình; bằng chẳng vậy thì là cầm thú chi tình, chớ ai gọi là tình cao thượng! Chí như ông Ngọt mà được thưởng chức huyện hàm, thì bất quá là nhờ có thế-lực kim-tiền, chớ ổng có công-lao hạn-mã chi đâu, mà cũng chẳng phải là ổng có tài bộ gì, thì cái hàm ấy ai cho là quí. » Quan phủ nghe bà nói tới đó thì lại càng nổi xung, vùng nạt lớn lên rằng: « Mụ đừng có nhiều chuyện, khéo bắt chước ai mà nói cái giọng cầu cao; nếu mẹ con mụ mà cải lời tôi, thì đừng trách số. » Quan phủ miệng thì la ó, mà mặt thì cứ hầm hầm. Mộ-Trinh thấy cha tánh tình nóng nãy, lại thêm đương lúc giận-duổi mà nổi trận lôi đình, nên nàng cứ làm thinh, chỉ có khóc ròng, mà bà phủ cũng nín luôn, chẳng dám nói rằng chi nữa hết.
Cách chẳng bao lâu, ông lại tiếp được thơ của quan Đốc-phủ Phạm-nhứt-Thanh gởi đến cho ông mà cần thúc hỏi thăm việc ấy. Việc cấp bức như vậy, ông chẳng biết tính sao, nếu gởi thơ trả lời mà hẹn nữa, thì lại sợ mít lòng quan Đốc-phủ, nên ông tính hồi âm mà chịu bốc cho êm; rồi lần lần sẽ dụng lời ngon ngọt dỗ dành, không lẽ mà con mình nó dám cải. Nghĩ như vậy rồi ông liền viết thơ hồi âm cho quan Đốc-phủ mà hứa chịu gả con gái của ông cho con trai ông huyện Ngọt.
Khi quan Đốc-phủ Phạm-nhứt-Thanh tiếp được tin lành, mừng vui chẳng xiết, liền viết thơ gởi xuống Ba-Xuyên mà cho quan huyện Ngọt hay, bảo phải chọn ngày và sắm đủ lễ-vật đem lên, đặng có đi bỏ trầu cau cho sớm.
Ngày giờ thấm thoát, lật bật mà đã trót một tháng ngoài, dưới kia ông huyện Ngọt đã coi được ngày, tương lễ-vật bỉ bàn, đi một chiếc tàu hơi rất to, lên ghé tại Mytho rước quan Đốc-phủ Phạm-nhứt-Thanh, rồi thẳng xuống đến dinh quan phủ Từ-thế-Anh mà đi lễ hỏi.
(Lúc nầy Ký-giả chưa kịp nói ra, mà tưởng khi khán-quan ai ai cũng biết chắc rằng nàng Từ-mộ-Trinh, thì áo nảo âu sầu, cứ rút ở trong buồng, chớ không chịu ra; còn nàng Trần-lệ-Dung thế nào cũng núp lén rình coi cái nhơn-phẫm của công-tử thể nào cho biết).
Mà thiệt quả như vậy đó chút! Khi hai chị em nghe được tin quan phủ đã hứa hôn và bên trai đã tới mà đi lễ hỏi rồi, thình lình như sét đánh vào tai, Từ-mộ-Trinh tâm-thần rủ liệt, bải hoải tay chơn, nước mắt chảy tuôn ra như suối, còn Lệ-Dung thì lén lại đứng núp giựa cữa buồng mà dòm ra, thấy ông mai là quan Đốc-phủ, mặc một cái áo tố màu huân bông lớn, trong lót màu hồ-thủy, đầu bịt khăn đen, nơi trước ngực có đeo 5, 6 cái mề-đay rựt rỡ; còn quan huyện hàm (ông suôi trai) thì mặt một cái áo nhung đen, trong lót màu trứng sáo, kết một bộ nút vàng rất to, gần bằng ngón tay cái; hai bàn tay, bàn nào cũng có đeo chiên-chiên con dấu đỏ lòm, chơn mang một đôi giày hàm ếch thêu cườm, miệng ăn trầu đỏ hoét. Duy có chàng rể là cậu hai Chanh, mặc một cái áo xa-ten, 5 cái nút bằng vàng cũng to bằng viên đạn chiến. Đeo một sợi dây chiền đồng-hồ bằng vàng, tự nách thòng xuống tới lưng quần, ước cũng hơn 5 lượng: đầu cậu bịt khăn đen mà khăn đóng, chơn cậu mang đôi giày ăn-phôn láng ngời, tay chơn kịt cợm, diện mạo tầm thường. Lệ-Dung xem rõ hết mấy người rồi quày trở vô buồng, cứ ngó Mộ-Trinh mà chắc lưỡi lắt đầu thở ra thở vào, chớ cũng chẳng biết nói làm sao cho được.
Khi làm lễ xong rồi bên trai bèn dở cái quả, lấy ra một đôi bông-tai có nhận ngọc xoàn, giá đáng 200 đồng; 3 chiếc cà-rá cũng nhận ngọc xoàn, đáng 9 trăm đồng và 2 lượng hột vàng mà cho nàng dâu, gọi là lễ buột tay. Quan phủ phới phở trong lòng, song ông biết khó mà bảo Mộ-Trinh ra chào cho được, nên ông kiếm chuyện mà kiếu rằng: « Lẽ gì tôi phải bảo con gái tôi ra chào cha chồng nó mới phải, ngặt rủi vì nó rét mấy bữa rày, bây giờ nó lại đương làm cử; vậy xin quan-lớn cùng anh suôi miễn lễ cho nó. » Quan Đốc-phủ liền rước mà nói rằng: « Hay cùng gì thứ cái chào đó, con nít thì nó hay mắc cỡ, dầu nó không đau cũng vậy, đời văn-minh nầy, ta cũng nên chế bớt đi, bó buộc làm chi cho cực lòng con cháu. » Nói rồi vùng cười xoà. Rồi đó hai đàng trò chuyện giao kết với nhau đâu đó xong xuôi thì đồng hồ đã gỏ 11 giờ. Quan phủ liền hối kẻ ở trong nhà dọn tiệc rượu ra, chủ khách ăn uống chuyện vảng vui cười đến 1 giờ trưa mới mãn tiệc. Ngày ấy bà phủ kiếu bịnh không ra, để cho quan phủ làm sao thì làm lấy, hóng chỏ cũng một mình, chớ bà không biết tới.
Tiệc mãn rồi quan Đốc-phủ và hai cha con ông huyện hàm Ngọt liền đứng dậy kiếu từ mà lui gót.
Đây nhắc lại việc nàng Mộ-Trinh, từ ngày thấy cha mình đã chịu bướn cho bên trai tới bỏ trầu cau rồi, ngày đêm hằng áo nảo âu sầu, chứa chan giọt lụy, bỏ ăn quên ngủ, mặt ủ dàu dàu, thốn thức canh chầy, thạn thân trách phận. Lệ-Dung thấy cái quang-cảnh như vậy, tuy cũng buồn lòng, song phải gắn gượng kiếm lời mà an ủi Mô-Trinh rằng: « Nầy chị ơi! Cơ trời dời đổi, dâu biển không chừng, lúc đang rối-rắm, họa phước khó lường; vậy xin chị hãy ráng mà bảo trọng lấy vóc ngọc mình vàng, mà lo lần gở mối tơ vương; nếu chị cứ để ngồi mà khóc lóc mải như vầy thì đã chẳng có ích chi, lại còn làm cho vóc ủ mình gầy, thoản như rủi mà chị có bề nào đi rồi, thì té ra chị lại phụ tình chàng Đổ lắm chăng chi. » Mộ-Trinh nghe Lệ-Dung nhắc tới cái tiếng phụ tình chàng Đổ, thì nàng lại càng động lòng chua xót, giọt lụy tuông rơi mà nói rằng: « Nầy em ơi! Với ai thì chị không dám nói, chớ với em, thì em đã rõ hết cái tâm-sự của chị rồi, thì chị còn giấu giếm em nữa mà làm chi; em nghĩ lấy đó mà coi, vã chị cùng chàng Đổ, tuy chưa chung chăn gối mặc dầu, chớ cùng nhau đã nguyền hai chữ đồng tâm, trăm năm thề chẳng âm thầm cùng ai. Thế mà nay cha chị lại ép bức chị, đem chị mà gả cho một đứa thất-phu kia, thì chị chỉ còn có quyết liều một thác mà thôi, chớ hai chữ hiếu tình không sao cho trọn đươc, mà cái thân bạc-mạng nầy cũng chẳng còn trông mong gì nữa rồi em ơi! Nhưng mà, chị lại còn lo một đều nữa là sau khi chị có nhắm mắt đi rồi thì chị chẳng biết cậy ai mà tỏ nỗi bi hận sầu tràng nầy cùng chàng Đổ; họa là chị nhờ có em đây mà thôi, song chẳng biết em có hết lòng với chị cùng chăng? » Nói tới đó lại động mối thương tâm, mấy đoạn ruột tằm quặn đau chín khúc, nước mắt ròng ròng, chảy tuôn như suối.
— Chị ơi! Xin chị chớ nói làm chi những lời bất tường như vậy, không nên đâu chị à!
— Nầy em ơi! Tài mạng chẳng ưa nhau, trời già hay định vậy; sợ mà khỏi hay sao em?
— Chị ơi! Đã biết rằng: Thiên định thắng nhơn, mà nhơn định cố năng thắng Thiên[4]. Vậy xin chị hãy dằng lòng ẩn nhẩn, gắn gượng một đôi ngày, không lẽ mà ông trời già kia đi nỡ đày ta cho đến thế, sao chị.
— Em ơi! Đã biết rằng: Có trời mà cũng có ta; nhưng mà, xưa nay dễ áo mặt qua khỏi đầu. Nay cha chị đã cho người ta đi lễ hỏi rồi, thế thì còn trông mong trốn tránh đường nào cho khỏi được sao em, chỉ còn có một đều là phải chết mà thôi. Nói tới đó lại khóc ròng. Từ đó Mộ-Trinh chẳng còn chuyện vãn thiệt hơn chi với Lệ-Dung như trước nữa, chỉ cứ nằm liều, như dại như ngây. Tuy có những lời ngon tiếng ngọt của Lệ-Dung khuyên giải hằng ngày thì mặc dầu, song nàng cũng cứ dàu dàu, chẳng hề khuây lảng được; vì vậy mà phải vóc ốm mình gầy, lần lần bèn sanh bịnh, ban đầu còn ít, sau xít ra nhiều; chừng ấy vợ chồng quan phủ mới phát lo, cầu thầy chạy thuốc hết phương mà bịnh của nàng càng ngày càng thêm trầm trọng.
Bà phủ lo sợ xăn-văn, quan phủ cũng điến hồn, liền viết thơ sai người lên tĩnh rước quan thầy thuốc tây về để khán bịnh cho nàng. Nguyên quan thầy nầy tên là ông Giọt (Georges) vẩn là Y-khoa Tấn-sỉ xuất thân, nghề trị bịnh của ông cũng đà nổi tiếng. Khi ông xem bịnh Mộ-Trinh rồi thì ông lắt đầu mà nói với quan phủ rằng: « Bịnh nầy là tâm-bịnh, do nơi lòng buồn rầu ưu uất mà ra, phần thì không ăn uống đã lâu, cho nên tạng phủ gì cũng đều suy hết, thiệt là khó trị lắm, chớ chẳng phải dễ gì. » Vợ chồng quan phủ cứ theo năn nỉ hoài, xin ông cứu trị con mình, dầu hao tốn bao nhiêu cũng không dám nệ. Quan thầy thuốc bèn nói rằng: « Bịnh nầy mà muốn cho mạnh được thì phải có chừng nửa lít máu sống của người mà hoà với thuốc thì họa may nàng mới qua khỏi cùng chăng? Bằng chẳng vậy thì tôi e chẳng quá 5 ngày mà nàng phải xa chơi dị-lộ rồi. » Bà phủ nghe nói khóc ròng: Một ông hại con tôi, hai ông hại con tôi. Bà than trách ông luôn, chẳng hề ngớt miệng. Quan phủ thấy vậy lại càng xốn xang bứt rứt, không biết tính làm sao, vùng nhớ lại Phạm-hữu-Chanh là rể của ông mới lên ở tại nhà quan Đốc-phủ. Ông liền vội vả viết thơ sai người đem đến cho quan Đốc-phủ mà phân rõ căng bịnh của con gái mình, cùng thuật những lời của quan thầy thuốc bình luận chứng bịnh và tỏ ý muốn xin chừng nửa lít máu của rể mình mà hòa thuốc.
(Nguyên lúc nàng Mộ-Trinh nhuốm bịnh quan phủ đã có cho quan Đốc-phủ hay, quan Đốc-phủ lại đánh dây thép liền xuống Ba-Xuyên cho ông huyện hàm Ngọt hay; nhưng vì ông huyện Ngọt còn mắc việc nhà, đi lên không được, duy có bà huyện với công-tử Chanh, hai mẹ con dắc nhau lên ở tại nhà quan Đốc-phủ cho tiện bề tới lui thăm viếng.)
Khi công-tử Chanh nghe quan Đốc-phủ vừa đọc dứt cái thơ của quan phủ rồi thì cậu ta xịt miệng một cái rất mạnh mà nói rằng: « (Sic) Trong thế ông phủ nầy ổng thấy con gái của ổng đau nặng nên ổng đã điên tri rồi; thuở nay người ta thường ăn đồ bổ dưỡng mà kiếm cho có máu, chớ ai lại điên gì đi chích mà lấy máu ra như vậy bao giờ. » Nói rồi liền bỏ lảng ra đường, hối sốp-phơ quây máy ô-tô mà đi hứng gió. Người của quan phủ sai đem thơ thấy cái quang-cảnh như vậy, liền trở về thuật y như lời của công-tử Chanh cho quan phủ nghe. Quan phủ tức giận bồi hồi, bèn nói lớn lên rằng: « Nếu có ai mà dám chịu cho con gái ta chừng nửa lít máu, cho nó được mạnh lành, thì ta sẽ gả không con gái ta cho người ấy. »
Đây lại nói qua việc Đổ-khắc-Xương từ ngày chàng được lời vàng đá của Mộ-Trinh thì chàng lấy làm đắc chí, vì chàng tưởng nhứt sanh của chàng chẳng còn có cái sự mừng nào như vậy nữa. Thiệt là mừng nầy còn có mừng nào cho hơn!
Nào ngờ, chẳng được bao lâu thì chàng lại nghe tin quan phủ đã chịu gả nàng cho công-tử Chanh là con trai ông huyện Ngọt ở dưới Ba-Xuyên, thì chàng lại lấy làm thất vọng, thốn thức canh chầy, bồi hồi tức giận, trách sao quan phủ lại tham giàu mà đi nỡ gả một người con gái như hoa tợ ngọc cho một tay công-tử bột.
Đến sau chàng lại nghe rõ rằng Từ-mộ-Trinh chẳng khứng, bà phủ cũng chẳng cam tâm, duy có quan phủ ép bức nàng mà gả bướn, làm cho nàng ưu uất mà phát đau. Khi nghe rõ hết trước sau, thì chàng lại mặt ủ mày châu, muôn thảm ngàn sầu, chẳng biết làm sao cho được đến thăm nàng mà tạ lòng tri-kỷ.
Cách ít ngày chàng lại nghe được việc quan phủ muốn cầu người xin máu mà cứu nàng. Chàng liền vội vã đến dinh, gởi thiệp xin vào ra mắt quan phủ và tỏ thiệt ý mình. Quan phủ mừng rở chẳng cùng, liền mời chàng vào trong, trà nước ân cần thết đải, rồi viết thơ cho ô-tô lên tĩnh, rước quan thầy thuốc xuống tức thì.
Ô-tô đi chừng một giờ đồng-hồ thì rước đã được quan thầy thuốc về dinh, quan phủ bước ra chào mừng, rồi giới thiệu cho quan thầy biết Đổ-khắc-Xương và tỏ việc chàng bằng lòng cho người chích máu. Quan thầy cũng mừng, lại nghe nói lúc trước chàng đã liều mình mà cứu nàng một phen khỏi chết trong lúc chìm đò, nay thấy nàng bịnh nguy, lại còn vui lòng cho người chích máu mà cứu nàng phen nữa; liền bước lại bắt tay Đổ-khắc-Xương và khen ngợi cái lòng nghĩa dõng của chàng, rồi mới lấy đồ nghề ra chích nơi cánh tay chàng mà lấy chừng nửa lít máu tươi hòa vào ve thuốc của ông đã chế sẵn rồi để đó; lo đặt thuốc hàng cầm máu và bó rịt cho Đổ-khắc-Xương, lại rót ra một ly thuốc nước mà cho chàng uống, để bổ sức lại. Đâu đó xong xuôi, rồi ông mới lấy ve thuốc có hòa máu đó mà định phân ra làm hai chục phần, đem cho Mộ-Trinh uống liền nội hồi đó một phần, còn lại bao nhiêu thì ông dặn phải để chừng vài giờ sẽ cho nàng uống một phần, qua đến chiều tối sẽ cho uống thêm một phần thứ ba nữa, rồi cứ một ngày cho uống 3 lần, uống cho hết ve thuốc ấy rồi thì ắt thấy hiệu nghiệm như thần. Lại cứ mỗi ngày phải mua thịt bò đem về ép máu mà cho nàng uống luôn luôn cho đến khi thiệt mạnh.
Quan thầy thuốc dặn dò quan phủ các việc xong rồi, lại lấy giấy viết toa, giao cho Đổ-khắc-Xương, bảo phải mua thuốc theo cái toa ấy mà uống, và mỗi bữa cũng phải ép thịt bò lấy máu mà uống, cho đủ 20 ngày thì mới bổ sức lại được.
Rồi đó quan thầy liền từ giả quan phủ, lên ô-tô mà trở về trên tĩnh; Đỗ-khắc-Xương cũng đứng dậy từ giả về luôn. Quan phủ dùng lời ngon ngọt cảm tạ ân cần, lại hứa để ít ngày coi nàng uống thuốc thể nào rồi ông sẽ cho hay và rước chàng qua chơi một bữa.
Nhắc lại nàng Từ-mộ-Trinh, trong thì nhờ có thuốc hay điều trị, còn ngoài thì nhờ có một bà mẹ hiền và một người bạn thiết, ngày đêm thường ngồi bên cạnh dùng những lời ngon tiếng ngọt an ủi vổ về, cho nên căng bịnh của nàng càng ngày càng giảm. Chừng đó Lệ-Dung mới đem những việc quan thầy phân đoán chứng bịnh của nàng, cùng những lời vô tình vô nghĩa của Công-tử Chanh đã nói làm sao; còn chàng Đổ tình nguyện chịu cho chích máu cách nào và quan phủ đã hứa làm sao; trước sau ngành ngọn thuật hết một hồi, Mộ-Trinh nghe rõ đầu đuôi, thì nàng lại ngùi ngùi, rất cảm tình chàng Đổ.
Còn bà phủ, khi thấy bịnh con đã giảm được nhiều thì bà vui mừng chẳng xiết. Mộ-Trinh bèn rỉ rén mà thưa với bà rằng: « Nầy má, vã Đổ-khắc-Xương đã hai phen cứu con khỏi chết, thì cái ơn tái-tạo của chàng còn có chi bằng. Huống chi cha con đã có hứa như vậy rồi, thì xin má hãy vì con mà thưa giùm lại với cha con, rằng con quyết trao thân gởi phận cho chàng, gọi là ơn đền nghĩa trả cho toàn thỉ toàn chung; và cũng giữ được tròn cái lời hứa của cha. Nếu ngày nào mà bịnh con đã được mạnh lành rồi, vạn nhứt mà cha lại thay dạ đổi lòng chẳng chịu nhìn lời hứa, cứ đem cái thủ-đoạn gia-đình chuyên chế ra mà đoạt cái chí của con, thì thà là con đành liều một thác mà tạ lòng tri kỷ cho rồi, chớ chẳng thà là để phải thất thân với một kẻ thất phu vô dụng kia vậy. » Bà phủ nghe nói bấy nhiêu lời thì bà cũng động lòng. Bèn thừa dịp rãnh rang, đem hết mấy lời ấy mà tỏ cùng quan phủ. Chẳng dè quan phủ lại là người lòng một dạ hai, khi thấy con mình bịnh ngặt, đau chơn phải hả miệng mà hứa bướn cho có chừng; nay thấy bịnh con đã giãm, thì ông lại muốn nuốt lời; vì, một là thấy Đổ-khắc-Xương nghèo, hai là ham hai trăm ngàn giạ lúa mỗi năm, ba là sợ quyền thế của quan Đốc-phủ. Muốn cho được lưởng toàn, ông liền cho mời Đổ-khắc-Xương đến dinh, trà nước một hồi, rồi lấy ra một trăm đồng bạc, để trong một cái dĩa rồi nói với Đổ-khắc-Xương rằng: « Hôm trước tôi có hứa lời như vậy, ngặt vì con gái tôi đã cho người bỏ trầu cau trước rồi; nên nay không lẽ tôi bỏ phép mà nhìn lời hứa với thầy cho được; nhưng mà, thầy cứu con tôi vẩn đã hai phen, cái ơn ấy cũng là trọng thiệt, vậy xin thầy hãy vui lòng với tôi mà nhậm lấy của nầy, gọi là ơn đền nghĩa trả vậy. » Đổ-khắc-Xương nghe quan phủ nói vừa dứt lời, vùng ngó sững mặt ông mà cười lạt rằng: « Tôi có nghe: Sỉ vị tri-kỷ giả tử. Vì vậy cho nên, tôi chẳng tiếc nửa lít máu của tôi mà cứu tiểu-thơ đây là sở dĩ để đáp tình người tri-kỷ đó mà thôi; chớ tôi có phải đem máu đi bán hay sao mà ông hòng trả tiền trả bạc. Tôi cam lỗi mà tỏ thiệt cùng ông, nhà tôi tuy nghèo, song là nhà thanh bạch, chuộng nhơn nghĩa, chớ chẳng chuộng bạc tiền; vậy xin ông chớ lấy bạc tiền đối đải với tôi mà tội-nghiệp cho tôi lắm vậy. » Nói rồi liền quày quả ra về, chẳng thèm giả từ chi hết.
Quan phủ tuy nghe chàng nói bấy nhiêu lời thì ông cũng có ý hổ thầm, song chẳng biết nói sao, nên phải bỏ qua cho rồi việc.
Còn Từ-mộ-Trinh hay được việc ấy thì rầu rĩ chẳng cùng, bèn thừa dịp lén sai Lệ-Dung qua an ủi Đổ-khắc-Xương rằng: « Chị tôi biết việc chẳng xong, nên sai tôi qua đây mà tỏ thiệt cùng thầy, vì chị tôi vẫn biết thầy là một đấng tài-ba, không phải chịu nghèo đời đâu mà sợ, vậy thì khắp trong Lục-tĩnh Nam-kỳ nầy mà thầy há chẳng chọn được một người vợ nào cho thiệt hiền đức hay sao? Còn phận chị tôi thì xin để kiếp sau sẽ làm thân trâu ngựa mà đền nghì trước mai; chớ kiếp nầy thì thế ắt chẳng được gần nhau rồi, bề nào chị tôi cũng quyết liều một thác; đặng mà, một là để tạ lòng tri-kỷ của thầy, hai là để phá hoại cái thế-lực gia-đình chuyên-chế đó đi mà cứu kẻ hậu lai cho thoát ly cái tệ tục. Chí như chị tôi mà có thác đi rồi, cũng chẳng hại chi, miễn là được đôi ba giọt lụy tình của thầy rơi trên nắm đất, thì chị tôi cũng an lòng mà ngậm cười nơi chín suối vậy. »
Đổ-khắc-Xương nói: « Tôi mà trọng cô hai đây là trọng vì tài-đức, chớ chẳng phải trọng vì nhan-sắc; e rằng cô hai vị tấc đã thiệt biết tôi đó mà thôi, chớ như cô hai mà quả thiệt biết tôi rồi, dầu xong chẳng xong lại hại chi sao? Hà tấc phải chung chăn lộn gối mới gọi là thương? » Lệ-Dung nghe nói dứt lời, trong lòng kính phục chẳng cùng. Liền từ giả trở về thuật lại cho Mộ-Trinh nghe. Mộ-Trinh nghe rõ trước sau, càng nghĩ đến chừng nào, càng yêu vì nết, càng phục vì tình, từ đó đến sau, mối cảm-hoài càng thêm lai láng, vì thế mà căng bịnh của nàng chỉ cứ giây dưa mãi năm nầy sang tháng nọ; chẳng đau thêm, mà cũng không thấy bớt. Làm cho đàng trai cũng phải để vậy mà chờ, chớ không lẽ đi cưới vợ đau về để nuôi báo cô cho được.
Một bữa kia Đổ-khắc-Xương đương ngồi trong nhà mà xem sách, bổng thấy một tên lính trạm ngoài ngỏ bước vào trao cho chàng một tin dây-thép, Đổ-khắc-Xương không biết việc chi, lành dữ thể nào, mà cũng không hiểu ở đâu đánh lại, liền mở ra xem rõ trước sau, mặt mày chàng biến sắc; liền vào nhà trong nói lại cho mẹ chàng là bà Đoàn-Thị hay. Té ra cái dây-thép ấy là dây-thép của ông Hoàng-hữu-Tâm ở Bắc-Kỳ, gởi vào mà cho chàng hay rằng cha chàng đau nặng, phải ra lập tức, đặng coi săn sóc cho ông.
Hay được tin như vậy, hai mẹ con rưng rưng nước mắt, cứ ngồi nhìn sửng mặt nhau, chớ không biết tính làm sao cho tiện. Vã đây mà ra đất Bắc, đường sá rất xa xuôi, bạc trăm đi mới tới, mà hiện nay trong nhà, một đồng một chữ cũng không ngơ, biết lấy chi mà làm lộ-phí. Còn đương lúng túng chưa biết liệu phương nào, Đổ-khắc-Xương vùng nhớ lại bèn nói với mẹ rằng: « Nầy mẹ, con nghĩ cho mẹ con ta lúc nầy thiệt cũng đã cùng đường rồi, vậy con tính đi lên chợ thành mà tỏ với cô giượng con coi, may khi mà được việc. » Bà Đoàn-thị nghe nói lắt đầu, cãng con lại mà nói rằng: « Tưởng ai thì mẹ không cãng con, chớ nói đến Cô ba con, thì con chớ nên đi làm chi vô ích, vậy chớ con không biết ý vợ chồng nó hay sao?
— Dạ, thưa mẹ, con biết lắm chớ, bỡi con biết ý cô giượng của con, nên mới tính đi lên đó chớ.
— Con đã biết ý vợ chồng nó rồi, còn lên mà nói với nó làm chi?
— Thưa mẹ, vả chăng cô giượng của con thuở nay chỉ lấy có một nghề cho vay hoặc là cố ruộng cầm vườn mà làm kế sanh-nhái; vậy bây giờ đây thì mình chỉ còn có một cái nhà ngói 5 căng, với một miếng vườn một mẩu; mà cha con thì đau nặng, xa xuôi nơi đất khách quê người, không lẽ mà mẹ con ta cứ để ngồi khoanh tay nhìn nhau mà khóc; nên con tính lên nói với cô giượng con mà cố phứt cái nhà và miếng vườn nầy cho rồi, đặng kím ít trăm đồng để làm lộ-phí mà đi cho đến Bắc-kỳ và để phòng lo lắn thuốc men cho cha con luôn thể; chẳng hay mẹ nghĩ thể nào? »
Đoàn-thị nghe con nói dứt lời thì rưng rưng nước mắt mà nói rằng: « Cái nhà nầy vốn của ông cố con để lại, đã biết rằng cha con cải chánh cho con đứng bộ đã 2 năm nay, tuy vậy chớ cũng là của tổ-phụ lưu truyền, lẽ thì chẳng nên cầm bán cho ai, ngặt vì nay gặp cơn nguy khuẩn như vầy, thế túng phải tùng quyền, chớ biết sao bây giờ; thôi, con hãy đi đi, thoãn như may mà xong việc, thì lấy bạc đem về đặng có sắm sửa mà đi cho sớm đi con. »
Nguyên Đổ-khắc-Xương còn một người cô ruột thứ ba tên là Đổ-thị-Bườn, còn người giượng rể tên là Phùng-văn-Chỉnh, mà thứ tám, thiên hạ thấy có tiền, nên kêu tưng rằng cậu Tám-Chỉnh, nhà ở phía trong chợ thành, cách chừng vài ba ngàn thước. Hai vợ chồng tròi trọi, chẳng có con cái chi, chuyên có một nghề cho vay cắt cổ mà làm giàu. Bỡi vậy cho nên ông Đổ-khắc-Thới không ưa, tuy là anh em ruột thịt mặc dầu, nhưng mà hai người coi nhau như mặt trăng với mặt trời, năm chí cuối chẳng ai tới lui ai hết thảy. Nay vì thế bức, nên Đổ-khắc-Xương túng phải tùng quyền. Khi chàng thấy mẹ đã an lòng, liền mở tủ lấy giấy-tờ và bằng-khoán đem theo; lại kêu một đứa nhỏ ở trong nhà tên là thằng Hành đi theo cho có bạn.
Khi lên đến nơi, hai thầy trò vừa bước vào nhà, người cô cũng chào hỏi gọi là cho qua buổi, một chặp lâu mà Đổ-khắc-Xương chẳng thấy cô mình hỏi thăm tới cha mẹ mình thì chàng đã có ý buồn; nhưng mà, cực chẳng đã nên phải dằn lòng, ngồi cà rà một hồi rồi mới bày chuyện mình mới được dây thép nói rằng cha mình đau ở ngoài Bắc, nay muốn đi thăm mà ngặt......... » Mới nói tới đó thì người giượng rể là Tám-Chĩnh ở trong buồng mang giày hàm-ếch lẹp xẹp bước ra mà nói chận họng rằng: « Thiệt Anh hai ãnh kỳ quá, ở trong nầy gần gủi vợ con và em út lại không chịu ở, để vượt vồng mà đi ra ngoài Bắc làm gì. Nay lại đau ốm như vầy, mới liệu làm sao? Lại rủi lúc nầy thiệt tao cũng túng điến, ấy cũng tại cô ba mầy nó ham cho tiền lúa, có bao nhiêu cũng tuông ra hết mà cho vay; rủi năm nay thiên hạ lại thất mùa, làm cho tao với cô mầy cũng phải chịu nghèo với họ. » Đổ-khắc-Xương biết ý bèn nói thiệt ra rằng: « Nay cha cháu đã đau mà lại ở xa xuôi nơi đất Bắc, mẹ con cháu ở nhà không lẽ để ngồi mà điềm nhiên tọa thị cho đành; bỡi vậy cho nên mẹ cháu mới sai cháu lên đây mà thưa cùng cô giượng, xin cô giượng làm ơn mà cho mẹ con cháu cố đở cái nhà và miếng vườn chừng bốn trăm đồng, đặng cháu dùng làm lộ-phí ra Bắc-kỳ mà thăm cha cháu, hạn trong một năm thì cháu sẽ đam đủ lời vốn mà chuộc về, xin giượng cùng cô rộng lòng giùm giúp. »
Nguyên lúc vợ chồng Tám-Chỉnh vừa mới nghe Đổ-khắc-Xương nói chuyện cha chàng đau nặng, thì sợ chàng đến quơ tạm vậy thôi, nên đã kiếm chuyện than nghèo, rên trời rên đất; lại ra mòi lạt-lẽo bản-lảng bơ-lơ. Đến khi nghe chàng nói tới việc cầm đất cố nhà là một miếng mồi thơm của vợ chồng mơ ước từ bấy lâu nay. Liền đổi buồn làm vui mà nói rằng: « Thiệt giượng lúc nầy cũng túng quá đi cháu à! Nhưng mà, không mấy khi chị hai và cháu có việc cần dùng, vậy thì giượng cũng ráng mà nhín giùm cho cháu chừng lối 3 trăm; chớ số bốn trăm thì thiệt giượng không có đủ. » Đổ-khắc-Xương biết ý, liệu bề này nỉ cũng chẳng ích chi, bèn đáp rằng: « Số 3 trăm cũng được, song cháu chưa rõ giượng tính tiền lời mỗi tháng là mấy phân?
— Cháu là con cháu trong nhà, chớ chẳng phải người nào, vậy thì giượng cũng tính cho cháu, cứ lợi 3 phân trong mỗi tháng.
— Giượng tính tới 3 phân thì nặng cho cháu quá, xin giượng nghĩ tình cha mẹ cháu mà bớt cho cháu một phân, cháu xin trả nhờ cho giượng 2 phân trong mỗi tháng, ước có được chăng?
— Được đâu cháu, thuở nay giượng cho người ta vay bạc 4, 5 phân, mà cháu là cháu ruột của bả ở nhà và cũng có cố đất cầm nhà, nên giượng mới tính cho cháu có 3 phân thiệt là nhẹ quá, còn xin bớt nỗi gì. Vậy cháu có bằng lòng thì về làm giấy cho chị điểm-chỉ rồi đem lên đây mà lấy bạc, bằng cháu có chê mắt, thì tự ý cháu kiếm được chỗ nào rẽ đó thì cháu kiếm lấy, chớ giượng không có ép. »
Cực chẳng đã Đỗ-khắc-Xương không biết tính làm sao, bèn để thằng Hành ở lại đó, mướn xe chạy riết về nhà nói lại cho mẹ hay. Đoàn-Thị liền sa nước mắt mà nói rằng: « Tánh tình của cô giượng con, mẹ đà biết cháng, đợi gì con phải nói, thuở nay vợ chồng, nó chỉ có cái nghề cho vay rồi khắc bạc nhà nghèo mà làm giàu làm có; nay nó thấy mẹ con nhà ta cấp bức như vầy, nên nó cũng dùng cái thủ-đoạn ấy mà siết họng luôn, chớ nó có kể chi là tình chị-em cô-cháu. Thôi, đương lúc túng cùng, phải sao hay vậy, chớ biết sao bây giờ? »
Đổ-khắc-Xương liền lấy giấy viết tờ đem cho mẹ điểm chĩ xong xuôi, liền quày xe chạy lên nhà cô mà lấy bạc. Khi đến nơi, chàng liền xuống xe đi thẳng vô nhà đem giấy trao cho Tám-Chỉnh coi và hỏi mượn viết mực ký tên mình vào đó.
Tám-Chỉnh coi tờ giấy xong rồi lại nói rằng: « Lẽ thì phải có làng xã thị nhận và đem đóng tiền cầu chứng mới được; nhưng mà việc cháu thì cũng gắp, thôi, giượng cũng chẳng cầu chứng mà làm chi, song cháu phải chịu khó đem về cho làng xã thị nhận cho đủ phép rồi sẽ trở lên đây mà lấy bạc. » Đổ-khắc-xương nghe nói nghẹn ngào, hai hàng nước mắt rưng rưng, chẳng biết tính làm sao, lại phải mướn xe, trở về cậy làng thị nhận. Lúc bấy giờ, thằng Hành tuổi mới 15, nhưng mà nó thấy cái nhơn-tình khe khắc như vầy nên nó cũng chắt lưỡi lắt đầu mà than thầm giùm cho cậu nó.
Còn Đổ-khắc-Xương, khi làng xã thị nhận xong xuôi rồi, liền vội vã trở lên đem tờ giấy giao cho Tám-Chỉnh. Tám-Chỉnh thấy có làng xã thị nhận đủ rồi, chừng đó mới chịu mở tủ sắt lấy bạc đem ra đếm để trên bàn, kêu chàng Đổ bảo lại mà lấy. Độ-khắc-Xương bước tới, thấy sao ít quá, trong lòng phát nghi, bèn đếm lại mà coi, thì thấy có:
1 tấm giấy xăng (cent) là |
100$00 | |
5 tấm giấy hoảnh (vingt) là |
100,00 | |
8 tấm giấy phiêu 5$ (five) là |
40,00 | |
6 tấm giấy một (une) là |
6,00 | |
Cọng |
= 246$00 |
Cọng lại hết thãy thì có hai trăm bốn mươi sáu đồng mà thôi, Đổ-khắc-Xương liền nói rằng: « Thưa giượng đếm lộn, đây chưa đủ 3 trăm. »
— Đủ mà! cháu đếm hết thãy đó là bao nhiêu mà nói giượng đếm lộn?
— Dạ, thưa đây có 246 đồng mà thôi.
— À! thì đủ rồi đó, còn lộn nỗi gì?
— Dạ, thưa trong giấy cháu làm đó là 3 trăm đồng mà!
— À! thì phải vậy chớ sao? cháu cố cái nhà và miếng vườn cho giượng giá bạc là 3 trăm đồng phải hông?
— Dạ, thưa phải.
— À, mà trong giấy cháu làm cho giượng đây thì cháu chịu trã lời cho giượng 3 phân và trong hạn một năm thì cháu chuộc lại phải hông?
— Dạ, thưa phải.
— À! vậy mà ức hiếp nỗi gì, cháu còn la thiếu la đủ? Để giượng cắt nghĩa cho rành rẻ cho cháu nghe. Trong số vốn 3 trăm đồng mà bạc 3 phân, thì nhằm mỗi tháng là 9 đồng bạc lời, mà trong một năm 12 tháng thì là: 12 × 9$00 = 108$00. Thế thì trong hạn một năm nhằm 108 đồng bạc lời. Nhưng bỡi cháu là con cháu trong nhà, nên giượng chận trước đi có 6 tháng tiền lời là 54 đồng mà thôi; còn lại của cháu cái số chắc là 246 đồng, còn cái gì nữa. »
Thằng Hành đứng ở ngoài xa nghe Tám-Chỉnh nói như vậy thì nó bắt ghê mà le lưỡi. Còn Đổ-khắc-Xương nghe rõ trước sau thì chưng hửng, tháo mồ hôi, bèn ngó chừng cô ruột của mình mà nói rằng: « Cháu tưởng cái món tiền lời nầy là để tới ngày kỳ hẹn, nếu có đủ thì trả tấc vốn và lời, bằng không có vốn thì trả lời mà làm tờ giấy lại; chớ bạc vốn thì chưa vào tới tay cháu đồng nào, mà giượng lại tính lời mà trừ ngang cấn dọc trước như vầy thì chẳng là tội nghiệp cho kẻ nghèo lắm chăng giượng.
— Ủa! Thằng nói niết!! Việc gì cũng vậy, phải cứ phép mà làm, cháu sợ tội nghiệp cho kẻ nghèo, vậy còn giượng đây, ai mà tội nghiệp cho giượng đó? »
Thị Bườn tiếp nói: « Giượng cháu tính vậy, là ổng thương cháu lắm đa, chớ người ta thì không bao giờ được vậy đâu cháu. Thôi, cháu hãy đem bạc về đặng có lo tính mà đi thăm anh Hai cho sớm đi cháu. »
Đổ-khắc-Xương nghe nói mà ngán ngầm, cực chẳng đã, vì nóng ruột thương cha, nên phải ôm lòng lấy 246 đồng bạc đó bỏ vào túi rồi từ giã bước ra kêu thằng Hành ra chợ tìm quán ăn cơm rồi sẽ về; vì mắc đi lên đi xuống đã đôi ba phen, đến khi xong việc thì đã 3 giờ chiều, chừng ấy mới nhớ lại thầy trò chưa ăn cơm sớm mai. Khi vào quán, hai thầy trò ngồi lại ăn cơm, thằng Hành bèn thỏ thẻ mà nói với cậu nó rằng: « Thiệt tôi ở với ông bà và cậu, từ hồi 7 tuổi cho đến bây giờ, đã 7, 8 năm nay; lúc nhà ông còn khá, người ta tới vay hỏi cũng thường, mà ông với bà chẳng có làm cái thói cắt cổ như cái ông già đó bao giờ; mà mỗi lần có ai tới hỏi, thì ông cứ mở tủ trao bạc ra liền, chớ không có làm khó nhọc cho ai, mà cũng chẳng có trừ ngang cấn dọc mà chận tiền lời trước như vậy bao giờ? Cái người giượng của cậu đây thiệt là ác đức quá cậu há! Vậy mà tự hồi sớm mơi cho tới bây giờ cơm nước gì cũng không ngơ, chẳng thấy ổng bả mời lơi cậu cháu mình lấy một tiếng. Hèn gì họ giàu quá cũng phải; còn ông với bà ở nhà mà cho vay, ai trả cũng tốt, không trả cũng chẳng đòi, đã vậy mà ông lại hay bố thí cho kẻ nghèo hoài, bị vậy mà ông không hết tiền sao được. » Đổ-khắc-Xương nghe thằng Hành nói bấy nhiêu lời, chàng nghĩ tới việc đời càng thêm cháng ngán. Thằng Hành lại nói: « Nầy cậu, cái bà đó là cô ruột của cậu, mà sao kỳ quá cậu há! » Đổ-khắc-Xương nói: « Bà con cật ruột sao cho qua đồng tiền. Thôi, hãy ăn riết cho rồi mà về cho sớm em. »
Khi cơm nước xong xuôi, hai cậu cháu liền kêu xe về nhà thưa lại cho mẹ nghe. Đoàn-Thị nghe con nói rõ trước sau thì khóc ròng rồi lại than rằng: « Thiệt cô giượng của con, chúng nó bất nhơn đà thái thậm, coi đồng tiền là trọng chớ nó chẳng kể gì là cốt-nhục tình thâm; thôi, việc đã như vậy rồi, dầu có nói chi cũng vô ích. Vậy con cứ lo sắm sửa hành-lý mà đi, song con có đi thì phải đi đường bộ cho chắc ý hơn, chớ đừng có đi đường biển mà sóng gió khó lòng, vã cha con sanh có một mình con, vậy thì con phải ráng mà bảo trọng lấy thân con, phòng sau cho có kẻ gìn giữ bát nước vùa hương cho nhà họ Đổ. Huống chi lúc nầy nước nhà đương buổi phân vân, thì xã-hội Việt-Nam nầy chỉ có trông mong vào đám thanh-niên. Vậy thì con cũng ráng mà giữ gìn cái thân hữu dụng, để phòng ra sức mà giúp được một hai đều công-ích mãy-may gì cho xã-hội tương-lai...... » Bà nói tới đó nước mắt chảy ra ròng ròng. Bà liền lấy khăn mà lau rồi nói tiếp thêm rằng: « Vã đây mà ra đến Bắc, đường sá xa xuôi, núi non đèo ải, cách trở gặp ghình. Vậy thì con hãy đem thằng Hành đi theo với con cho có bạn, sớm trưa cậu cháu hủ hỉ với nhau, chớ như phận mẹ ở nhà đây, một mình con Hoa cũng đủ. » Đỗ-khắc-Xương bèn trích trong số bạc ấy, lấy ra ba chục đồng mà để lại nhà cho mẹ, còn bao nhiêu thì bỏ hết theo mình, sắm sửa hành-lý sẵn sàng rồi mới đốt hương nơi bàn thờ, vái lạy tổ tiên và ra lạy mẹ già, rồi lại đi từ giã xóm-diềng mà gởi gắm mẹ mình, phòng khi tối lửa tắc đèn, nhờ có bà con chòm xóm. Sắp đặt việc nhà đâu đó song xuôi, xế lại hai cậu cháu mới dắc nhau quảy đồ đi thẳng lên ga, mua giấy đi Saigon cho kịp xe chiến chót.
Khi lên tới Saigon thì trời đã tối, hai thầy trò bèn quãy đồ vào nhà khách-sạng mà nghĩ ngơi, cơm nước xong rồi, Đổ-khắc-Xương mới tính đi tìm nhà anh em bạn học khi trước mà hỏi thăm việc xin giấy thông-hành phải làm cách nào cho tiện. Thằng Hành thuở nay mới lên tới đầt Saigon nên cũng xin đi theo, đặng xem phố-xá chốn kinh-thành chơi cho biết. Đổ-khắc-Xương liền khóa phòng lại rồi thầy trò mới dắc nhau ra đi. Nguyên người anh em bạn học của Đổ-khắc-Xương nhà ở tại đường Bangkok, gần trước cữa đất thánh Tây. Khi hai thầy trò lên đó, hỏi thăm công việc đã xong, chuyện vãn một hồi thì trời đã khuya lơ khuya lắc. Đổ-khắc-Xương bèn đứng dậy giã từ, rồi hai thầy trò mới dắc nhau đi bộ trở về chỗ ngụ. Khi đi tới trước cữa nhà thờ, tại đầu đường Catinat, ngang lối chỗ hình Đông-cung và hình Cha-cã, tình cờ vùng thấy giữa đàng có một xắp giấy nằm sờ sờ, không biết là giấy chi, thằng Hành liền lượm lên coi, té ra là giấy bạc. Đổ-khắc-Xương chưng hững, không biết của ai rơi rớt như vầy; thầy trò về phòng đóng cữa lại rồi mới mở ra đếm thử mà coi; chừng ấy mới hay, một số bạc rất to, rõ ràng là 2 ngàn 6 trăm 5 mươi lăm đồng chẵn (2655$00). Thằng Hành mầng quá đổi mầng, bèn nói rằng: « May quá cậu há! cái nầy là của trời cho, vậy thì ngày mai cậu hãy mua măn-đa mà gởi về ít trăm trước cho bà, bảo bà hãy đem lên trên cái ông già giượng đó mà chuộc phứt miếng vườn và cái nhà lại cho rồi, kẻo để lâu đây rồi không biết chừng ổng còn sanh tâm mà trận sỏi nữa đa cậu à! » Đổ-khắc-Xương nghe thằng Hành nói vậy thì mĩn cười và nói rằng: « Bạc nầy là bạc của người ta rơi rớt, mình xí-được thì mình mừng, còn cái người làm mất đó chắc là họ phải khóc; họ khóc mà mình cười, thì cười sao cho được đó em? Hoặc của nầy là của một người giàu-có dư-giã thì chẳng hại gì, họ mất cái số bạc nầy, bất quá cũng như lúa trong một bồ, hao năm ba hột. Thoản như nhằm của một người nghèo túng, mới vay bợ của người ta, hoặc là họ cũng gặp việc nguy bức như mình mà phải bán nhà hay là cố ruộng mới có được cái số bạc nầy để mà giải nguy; nay họ bị rủi ro rơi rớt, về tay mình được lại giấu để mà xài; làm cho người phải bị việc hiểm-nguy, hoặc cũng vì số bạc ấy mà phải liều mình tự tử; thì cái lương-tâm của mình há đi vui hưởng cho đành sao em? Thôi, vậy thì hay vậy, em chớ nói vấy không nên; để nghe rõ lại coi cho biết của ai rồi sẽ cho người ta lại. »
Đêm ấy thằng Hành thì cứ chỏng cẳng ngủ khò, còn Đổ-khắc-Xương thì những mảng bồi hồi, lăn qua trở lại, lo tới lo lui, nỗi lo cho cha già ở nơi đất Bắc, không rõ hôm nay bịnh thế thể nào; nỗi lo cho mẹ ở nhà, tròi trọi một mình, vắn trước quạnh sau, không ai phụng dưỡng; nỗi lo cho nàng Từ-mộ-Trinh, không biết rồi đây nàng có được mạnh lành, hay là vì ưu uất cái cuộc duyên nợ trớ trinh mà nàng phải liều mình, trầm hương đấm ngọc. Một mình trằn trọc, thốn thức bàng hoàn; đêm khuya khắc lụn canh tàng, đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời.
Còn đang nghĩ vẩn nghĩ vơ, bổng nghe tiếng kiển nhà thờ đã đổ vang rềnh, Đổ-khắc-Xương giựt mình, liền lấy đồng-hồ nhỏ ra xem; chừng ấy mới hay là 5 giờ sáng.
Trời đã bình minh, Đổ-khắc-Xương bèn ngồi dậy rửa mặt rửa mày, đổi thay quần áo, rồi lo đi ghi giấy thông-hành, đâu đấy xong xuôi thì đã 10 giờ rồi, bèn trở về Lử-quán cơm nước nghỉ ngơi, chờ đến sáng mai tớ thầy sẽ lên xe lửa mà đi ra Bắc.
Chẳng dè trưa lại ngày ấy thằng Hành vùng phát đau bụng nhào lăn, Đổ-khắc-Xương lo chạy lăn xăng trọn cả đêm ngày mới bớt. Vì vậy mà làm cho Đổ-khắc-Xương phải đình đải cuộc hành-trình lại thêm vài ngày, chờ cho thằng Hành thiệt mạnh rồi mới dám lên đường.
Đêm ấy Đổ-khắc-Xương nhơn vì tâm-sự đa đoan, bèn lấy nhựt-báo ra xem chơi cho tiêu khiển. Khi xem đến mục « Nam-kỳ thời-sự » thấy có một khoản như vầy:
« SANG ĐOẠT
« Mới hôm qua đây, có thầy Nguyễn-văn-Thiệt, giúp việc tại hảng rượu R. M. Đ. P. đi đòi tiền cho hảng, làm mất hết một số bạc rất to, 2 ngàn 6 trăm năm mươi lăm đồng (2.655$00). Theo lời thầy ấy khai thì thầy nói rằng vì sự vô ý rủi ro làm rơi mà mất; còn ông chủ hảng thì không tin, (ai mà tin được) nghi quyết rằng thầy ấy cố ý sang đoạt của hảng, nên cò bót đã bắt Nguyễn-văn-Thiệt mà giải lên cho quan Biện-lý. Hiện nay thầy ấy đã bị giam rồi, việc chưa biết thiệt giả thể nào, để chờ quan Bồi-thẩm tra hỏi phân minh, rồi kỳ Báo sau sẽ đăng tiếp. »
Đổ-khắc-Xương xem đi đọc lại đôi ba lần rồi mới để tờ nhựt-báo xuống, lấy số bạc đem ra đếm lại mà coi, thì cũng rõ ràng là 2 ngàn 6 trăm năm mươi lăm đồng, chẳng dư chẳng thiếu; rất phù hạp với số bạc đã nói trong tờ nhựt-báo, bèn kêu thằng Hành mà nói rằng: « Đó! Em có thấy không? Cái số bạc đương nằm trong rương trong trấp của chúng ta đó, nó làm cho một người lương-thiện kia phải chịu lao tù trong khám đó, em có thấy chưa? »
— Vậy rồi bây giờ cậu tính sao?
— Thì phải đem mà trả hết lại cho người ta chớ tính sao?
— Cha! uổng quá cậu há!!
— Ậy! Của người ta thì trả lại cho người ta, chớ phải của mình hay sao mà em gọi rằng uổng.
— Thiệt ít ai như cậu vậy quá! mà tánh cậu cũng giống ông quá! Hèn chi cậu nghèo cũng phải.
— Nầy em! con người ta ở đời chẳng phải là lo nghèo, chỉ lo không có đức-hạnh kia mà thôi; phàm những của chẳng phải nghĩa thì chớ nên tham quấy. Thôi, em hãy uống thuốc đi cho mau mạnh đặng có lên đường. »
Sáng ra bữa sau, vào lối 7 giờ, Đổ-khắc-xương đổi thay y-phục xong rồi, bèn lấy số bạc ấy đem theo, kêu xe kéo chạy ngay đến bót xin vào ra mắt ông Cò, trình gói bạc ra và bẩm rằng: « Hôm nọ tôi đi đường, có xí được một gói giấy bạc nầy nằm tại đầu đường Catinat, gần lối hình đức Đông-cung và Cha-cả. Tôi không biết của ai, nay xem trong nhựt-báo mới hay là của Nguyễn-văn-Thiệt làm rớt mà thầy ấy còn đương bị giam tra; tôi không nỡ giấu nhẹm ăn xài, mà để cho người bị hàm oan tội nghiệp, nên tôi phải đem đến mà trình nạp cho ông, xin ông hãy đệ trình cho quan Biện-lý được hay mà tha người làm phước. » Ông Cò thấy vậy cũng ngạt nhiên, bèn nhìn sửng Đổ-khắc-Xương, thấy chàng tuổi tuy còn nhỏ mà khí vỏ hiên ngang, lại có lòng hào-hiệp khẳn-khái như vầy, lại thấy chàng nói tiếng Lang-sa cũng giỏi, liền bắt tay chàng mà khen ngợi chẳng cùng.
Rồi đó ông Cò liền đánh dây-thép-nói lên mà trình cho quan Biện-lý hay. Trong 5, 7 phút đồng-hồ, thì trên quan Biện-lý lại đánh dây-thép-nói xuống, dạy ông Cò phải đem số bạc ấy lên mà nạp cho quan Bồi-Thẫm và cũng mời luôn Đổ-khắc-Xương lên tại phòng quan Bồi-Thẫm. Vì tuân phép nước, nên Đổ-khắc-Xương cũng phải theo ông Cò mà đi lên Toà. Khi lên đến nơi, vừa bước vào phòng quan Bồi-Thẫm, thì thấy có ông chủ hảng rượu cũng vừa mới đến. (Ấy là khi quan Bồi-Thẫm được tin ông Cò trình-bẫm, thì ngài cũng đánh dây-thép-nói liền nội hồi đó mà mời ông Chủ hảng rượu lên). Ông Cò bước vào trình diện Đổ-khắc-Xương cho quan Bồi-Thẫm, thì quan Bồi-Thẫm liền đưa tay ra bắt-xua (Bonjour) Đổ-khắc-Xương; ông chủ hảng rượu cũng bước lại bắt tay Đổ-khắc-Xương mà khen phục chẳng cùng. Khi Quan Bồi-Thẫm hỏi tên-họ tuổi-tác và chức-nghiệp của Đổ-khắc-Xương vừa rồi thì kế thấy lính sơn-đầm ở dưới khám đã dẫn Nguyễn-văn-Thiệt lên vừa tới. Quan Bồi-Thẫm liền dạy mở còng ra rồi chỉ Đổ-khắc-Xương mà nói với Nguyễn-văn-Thiệt rằng: « Số bạc 2.655$00 của thầy làm mất đó, mà thầy Đổ-khắc-Xương là người nầy đây, đã xí-được và đã đam nạp đủ cho ta đây rồi, (và nói và đưa xắp giấy bạc ra cho Nguyễn-văn-Thiệt coi). Ấy vậy thì cái lời của thầy đã khai với ta đó quả là lời khai thiệt; xét lại thì thầy là người vô tội, nên ta tha thầy đó. » Nguyễn-văn-Thiệt mừng rỡ chẳng cùng, liền tạ ơn quan Bồi-Thẫm, rồi day lại mà tạ ơn Đổ-khắc-Xương. Rồi đó quan Bồi-Thẫm liền giao nguyên số bạc ấy lại cho ông chủ hảng rượu lãnh lấy đem về. Đổ-khắc-Xương cũng đứng dậy từ tạ quan Bồi-Thẫm mà lui chơn. Về đến Lử-quán, Đổ-khắc-Xương bèn vội vàng tính trả tiền phòng rồi hối thằng Hành kêu xe chở đồ hành-lý dời đi tiệm khác mà nghỉ, đặng sáng mai thầy tớ sẽ thượng trình.
Còn thằng Hành, khi nghe cậu nó hối đi kêu xe thì nó cứ việc kêu xe, hối nó dọn đi thì nó cũng cứ việc dọn đi chớ không rõ việc chi hết cả. Đến chừng nó thấy dời lại chỗ Lử-quán khác thì nó mới lấy làm lạ mà hỏi rằng: « Sáng mai nầy thì mình mới đi, sao không ở chỗ đó đặng mai mà đi luôn, lại dời đến chỗ nầy làm chi, đã mất công mà lại còn tốn thêm tiền xe kéo vậy cậu? » Đổ-khắc-Xương nói: « Vì thầy Nguyễn-văn-Thiệt nhờ trả số bạc lại nên thẩy mới được tha; chắc sao thẩy cũng tiềm mình mà đền ơn đáp nghĩa, vì vậy nên qua phải dời đi, nếu để thẩy tiềm được mà đem lễ-vật tới rộn ràng, ý qua không muốn. » Thằng Hành nghe nói thì mĩn cười, rồi cũng nói rằng: « Thiệt ít ai như vậy quá! » Mà quả chẳng hỏi như lời của Đỗ-khắc-Xương liệu trước; nên trưa lại bữa ấy, Nguyễn-văn-Thiệt mua sắm lễ-vật một mâm vung chùng, đi tiềm Đỗ-khắc-Xương mà đền ơn. song đi một ngày mà hỏi không ra tung-tích, cực chẳng đã nên phải đem về; rồi mướn nhựt-báo ấn hành những đều đích-thiệt về vụ mất bạc ấy ra cho công-chúng được hay, trước là nêu cái gương tốt của người ơn mình, sau là để tỏ cái sự thiệt của mình là người vô tội v.v....
Đây nhắc lại hai thầy trò Đỗ-khắc-Xương, sáng ra bữa sau dắc nhau lên xe lửa đi tối một ngày ra mới đến Nha-trang (ấy là tĩnh Khánh-hòa). Hai thầy trò bèn dắc nhau đi tìm chỗ nghỉ đỡ một đêm, rồi sáng mai hoặc đi bộ, hoặc đi cáng mà lần ra Cữa-Hàng, (Tourane) là chỗ mối đường xe lửa.
Đường đi từ Nha-trang ra đến Cữa-Hàng (chỗ nầy Annam ta kêu là Cữa-Hàng, hoặc kêu là Đà-Nẵng, còn người Tây thì lại kêu là Tourane; cọng là 562 cây số, (kilomètres) phân ra làm hai chặn: một chặn từ Nha-trang ra tới Qui-nhơn, 240 cây-số; còn một chặng từ Qui-nhơn ra tới Cữa-Hàng, 322 cây số. Hai chặn đường nầy chưa có đường xe lửa, chỉ có vài cái ô-tô để đưa hành-khách vậy thôi, ngặt vì giá tiền mắc-mỏ lắm: còn thầy trò Đỗ-khắc-Xương trong mình tiền bạc chẳng nhiều, nếu đi ô-tô thì tổn phí rất nhiều, đã lo bận đi còn phòng bận về, phần thì để dành chạy thuốc cho cha, vì vậy cho nên hai thầy trò mới tính dắc nhau đi bộ, hễ khoẻ thì đi bộ với nhau, bằng có mệt lắm thì lại mướn cáng mà đi cho đỡ chơn một vài khúc.
Ngày đi đêm nghỉ, lần lần ra gần tới núi Cù-mông, hai thầy trò còn đương xàm-xuối dậm trường, bổng thấy một bọn ăn cướp hơn chín mười người, thình lình trong bụi xông ra chận đường, bắt hết cả hai thầy trò, lục lưng lấy hết bạc tiền, rồi trói lại dẩn đem về núi, giam nơi sau trại.
Đêm ấy trời trong trăng tỏ, cảnh vật êm đềm, tên đầu-đãng của bọn cướp ấy nhơn buồn vì tâm-sự, bèn rảo bước đi ra phía sau, xem trăng hứng gió mà chơi cho tiêu khiển.
Còn đương rảo bước thung dung, vùng nghe có tiếng hai người chuyện vản than thở với nhau rằng: « Rũi quá cậu há! Ông đau ở ngoài không biết thể nào, bà ở nhà có một mình trước sau hiu quạnh; còn thầy trò mình lại bị bọn cướp nó bắt như vầy thì làm sao mà đi cho thấu tới ông? » Rồi lại nghe tiếng người sau nói: « Quân cướp nầy thiệt là bất nhơn quá, bỡi ta nghe cha ta đau, nên ta phải đem hết nhà đất mà cầm cố được có bấy nhiêu tiền, tưởng để đem ra mà rước cha ta về, cùng là lo than thuốc cho người. Chẳng dè đã bi cô với giượng ta tính tiền lời cho quá lẽ mà chận đầu chận đuôi cướp hết một mớ rồi, nay còn có bấy nhiêu, đi mới tới đây, lại bị bọn nầy nó giựt hết, lại còn bắt thầy trò ta mà nhốt lại đây, làm cho ta đi đâu cũng chẳng tới đâu, vạn nhứt mà cha ta rũi có bề nào thì ta ắt trốn chẳng khỏi cái danh bất hiếu. » Nói đến đó vùng sa nước mắt. Tên đầu-đãng nghe nói mấy lời như vậy thì cảm xúc chẳng cùng, bèn lén bước lại gần mà nghe cho rõ. Vừa bước tới lại nghe người trước nói rằng: « Tôi nghĩ lại thiệt không biết thiên lý ở đâu? Lẽ gì người lành như cậu vậy thì gặp phước mới phải chớ, có đâu mà lại cứ gặp ăn cướp như vầy hoài: đã có của đem mà cầm cố cho họ, họ đã tính lời cho quá lẽ, lại còn chận mà trừ trước hết 6 tháng tiền lời, có phải là quá ăn cướp không? Ý là cô ruột đa, chớ phải người dưng mới bực nào nữa; rồi nay đi mới tới đây lại còn bị bọn ăn cướp nầy nữa, thiệt số cậu sao xui quá! May là hôm ở Saigon cậu đem 2 ngàn mấy trăm đồng bạc xí được mà cho người ấy lại cũng còn có ơn, chớ phải cậu nghe lời tôi nhẩm lấy mà đem theo, thì cái lũ nầy nó cũng lục lưng mà lấy ráo, chớ chẳng có ích gì. Mà cậu đã hay làm đoan làm phước như vậy, lại gặp tai họa luôn luôn, nếu trời đất mà để như vầy thì ai thèm làm phước nữa. »
Tên đầu-đãng đứng ngoài nghe rõ hết trước sau thì gặt đầu và nói thầm rằng: « Nếu vậy người nầy quả là người hào-hiệp trượng-phu, ta cũng nên tha người mà làm nghĩa. » Nghĩ rồi liền bước tới tằng-hắng lên một tiếng, mở cữa bước vào. Thầy trò Đỗ-khắc-Xương còn đương than thở với nhau, bổng nghe có tiếng người tằng-hắng bèn lẳn lặn làm thinh, kế thấy cữa mở tung ra, có một người trai-tơ trạt chừng hai mươi ngoài tuổi, hình dung tuấn tú, diện mạo khôi ngô, xô cữa bước vào, rồi đi thẳng tới xá Đỗ-khắc-Xương và nói rằng: « Trẻ ở của tôi nó không biết mà bắt lầm, làm cho thầy lo sợ, thiệt là tội lỗi quá, vậy tôi xin mời thầy theo tôi ra nơi nhà trước rồi tôi sẽ phân trần lai-lịch cho thầy nghe. » Lúc bấy giờ, cả hai thầy trò Đỗ-khắc-Xương thiệt là tuyệt địa phùng sinh, không biết ất giáp gì, nên cũng cứ việc đi theo ra nơi nhà trước xem thử lẽ nào cho biết.
Ra tới nơi người trai-tơ ấy chỉ ghế mời ngồi, rót trà mời uống, rồi mới nói rằng: « Tôi đứng ngoài nghe thầy nói chuyện với thằng em đây, thì tôi mới biết thầy là người hiền lương phương chánh; song tôi cũng không biết lịnh-tôn đau ở tại đâu, mà thầy phải cầm cố vườn đất mà đi thăm như vậy, xin thầy hãy nói hết cho tôi nghe, hoặc tôi có thể mà giúp sức với thầy trong chỗ thầy bất cập. » Đổ-khắc-Xương thấy người trai-tơ ấy nết na nghiêm nghị, ăn nói đàng hoàn, thì lấy làm lạ mà nghĩ thầm rằng: « Ta xem thái-độ và cử-chỉ của người nầy thiệt chẳng phải là người tầm-thường, sao lại tụ chúng nơi chốn san-đầu mà đi ăn cướp, hoặc là kỳ trung cũng có duyên-cớ chi đây; thôi, ta là người thanh bạch, cũng chẳng cang chi mà phải giấu ai, để ta tỏ thiệt gia-sự của ta cho chàng nghe, rồi lần lần ta sẽ dò la, coi chàng là người thể nào cho biết. » Đỗ-khắc-Xương mới đem hết việc nhà tự thỉ chí chung, từ ngày còn học trong trường, học tới năm thứ năm, thi hai lần mà không đậu; gia vận suy vi, cha mình phải đi ra Bắc, đến khi nghe tin cha đau, mới đi cố nhà cầm đất, lại bị cô với giượng mình cho vay ăn lời siết họng, cho đến khi đi tới đây mà bị bắt, đầu đuôi gốc ngọn thuật hết một hồi cho người ấy nghe. Người ấy nghe Đỗ-khắc-Xương nói dứt lời, bèn chíp miệng than dài rồi nói rằng: « Từ xưa đến nay những đấng tài-tình thường bị ông xanh ghen ghét, ấy cũng là lẽ tự nhiên, duy có một đều là khi nãy tôi có nghe thằng em đây nó nói chuyện rằng thầy có xí được một số bạc hơn hai ngàn mấy trăm đồng, lại nhằm lúc thầy đương khuẩn bức túng cùng, thầy không để mà xài, lại đem mà trả lại cho người, thiệt là đều ấy thế gian cũng hi hữu, tôi kính phục chẳng cùng. Chí như cái việc mà thầy bị bà cô với ông giượng cho vay cắt cổ, chẳng kể chi cốt nhục thân tình đó, thiệt tôi nghe nói mà ngán ngầm, không hiểu tại sao mà đời có nhiều người ham tiền bạc quá; nhà giàu thì cứ bức sách kẻ nghèo, còn người có chức phận thì cứ dụng quyền-thế mà rút rĩa dân lương-thiện. Tôi nói thiệt với thầy, tôi đây vẩn là người Bình-Định, tên tôi là Nguyễn-hạo-Nhiên, mẹ tôi mất sớm, cha tôi xưa ngồi Tri-phủ tại phủ Qui-nhơn, cũng bỡi tánh tình cang trực, không ưa xu phụ, chẳng chịu phùng nghinh; lại thêm bĩnh tánh thanh liêm, nên không có của dư mà lễ lộc với Thượng-ti, vì vậy mà họ không ưa, mới kiếm cớ mà hại cho cha tôi bị cách. Cha tôi về nhà chẳng được bao lâu rồi lại thọ bịnh mà qua đời. Lúc cha tôi còn sanh tiền, còn đương tại chức, người có giao hôn với một ông Huấn-đạo tên là Trần-xuân-Khôi; lúc ấy tôi và con gái của ông tuổi còn xung ấu, nên chưa tính việc hôn nhơn, nhưng cũng vì họ ghét cha tôi mà làm lây cho tới ông Huấn-đạo cũng đồng bị cách luôn với cha tôi một lược. Ông Huấn-đạo thất chí buồn lòng, bèn dắc hết cả gia-quyến vào ở Nam-Kỳ dạy học chữ nho và chuyên nghề làm thuốc. Nghe nói ông vào trong ấy mấy năm làm ăn cũng là phát đạt lắm, rũi sao hai ông bà lại kẻ trước người sau, nối nhau mà tạ thế đi hết, còn nàng ấy không biết lưu lạc xứ nào, tôi cũng là hết sức hỏi thăm mà không ai rõ được; nói tới đây mà tôi lại ngùi ngùi. Chí như phận tôi, tuy mẹ cha đã khuất hết thì mặc dầu, song tôi cũng phấn chí học văn tập vỏ, chờ ngày ra ứng cử, họa may có thi đậu để hầu kế chí cho cha tôi. Chẳng dè tôi lại gặp những tham-quan ô-lại, nó chận nẻo đón đường nếu chẳng có của hối thì khó trông mà đậu được. Trong nẻo quan-trường thì như vậy, còn ngoài đường đời thì lại nhiều nỗi gay go. Tôi coi thiên hạ làm sao mà phần nhiều đều là tay nham hiểm nịnh tà, tham lam dối giã; những kẻ giàu sang mà dầu cho hư đọa nhơ nhớp cách nào, họ cũng kính cũng tôn, nhuốt nhơ hơn hết là những bọn loạn-luân mà hễ nó có tiền thì họ cũng bưng cũng bợ, còn như người nghèo khó, dầu có phải cách nào họ cũng xúm nhau mà khi ngạo dể khinh, thiệt nói tới cái nhơn-tình mà tôi chán ngán, nó làm cho tôi tức giận tràng hông, thầy nghĩ đó mà coi kẻ làm quan thì chĩ biết có một đều tham nhủng, mong lòng sâu mọt, thâu liểm của dân, chuyện chết nói sống, chuyện sống nói chết; ai than ai khóc mặc ai, cứ dùng quyền-lực của mình mà bỏ đầy cái túi tham cho thõa thích, còn những kẻ giàu thì cũng chĩ cứ dùng cái thế-lực kim-tiền mà bức sách kẻ nghèo, lo tom góp cho đầy tủ đầy rương, rồi để cho những lũ con hư, mặc sức nó ăn xài phá táng, chớ chẳng thấy ai là người yêu nước thương dân, đành nới cái miệng túi ra mà chung cùng lo lắng mở mang học-thuật cho đám thanh-niên, hầu sau có chấn chỉnh cái vận mạng của nước nhà cho vẻ vang cùng thế-đạo. Ai đi, đương buổi thế-giái phong trào quốc-gia điên đão nầy mà nông tệ cũng không hay, thương hư cũng chẳng kể, cũng chẳng biết quốc-gia xã-hội là chi, chỉ cứ mạnh ai thì nấy lo cho vinh thân phì gia, ăn sung mặt sướng, bỏ liều hai mươi mấy triệu con Lạc cháu Hồng, mặc dầu sống say thác ngủ. Thầy nghĩ mà coi, có đáng buồn không? Bỡi buồn, bỡi giận, bỡi tức như vậy, nên tôi mới dắc hết gia-dịch của tôi lên núp ẩn tại chốn nầy, chịu mang danh ăn cướp, để đón những tham-quan ô-lại cùng những quân vi phú bất nhân, bắt chúng nó mà rửa hờn, hoặc cho gia-quyến chúng nó chuộc lại, để lấy tiền mà phân phát cho những nhà đói khó; mấy năm hạn lục, dân Trung-Kỳ đói rách khốn cùng, cũng nhờ của ấy, mà tôi phân phát giúp đỡ cho nhiều nhà khỏi chết; lại cũng nhờ có đồng tiền bất nghĩa của bọn vi phú bất nhân ấy mà mới trong năm rồi đây tôi đã lén giúp được cho hai người học-sanh nghèo sang Tây du-học, rồi từ đây nếu tôi tích trử được ít nhiều, hễ tôi coi có hội nào để lo mở mang công-ích cho đồng-bào, thì tôi cũng tìm cách ẩn danh gởi dâng cho Hội ấy. Nay may mà tôi gặp được thầy là người cao nghĩa, nếu thầy chăng chê tôi làm nghề đê tiện, thì tôi quyết kết làm sanh tữ đệ huynh, xin thầy chớ phụ. » Đổ-khắc-Xương nghe nói dứt lời, ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: « Tôi xem cái việc cử thố của thầy đây thiệt là hào-hùng nghĩa-hiệp, chẳng phải kẻ tầm thường mà làm như vậy được đâu; nếu thầy chẳng chê tôi là kẻ nhu nhược mà tưởng đến tôi, thì tôi cũng nguyện kết làm bằng hữu. » Hạo-Nhiên nghe nói rất mừng, bèn hỏi thăm cho biết tuổi nhau. Té ra Nguyễn-hạo-Nhiên có 22 tuổi phải làm em, còn Đổ-khắc-Xương 24 tuổi lớn hơn, nên làm anh cho nhằm thứ tự; hai đàng gặp nhau ý hiệp tâm đầu, những mảng chuyện trò mà trời gần sáng. Hạo-Nhiên liền kêu gia-dịch hối làm gà vịt nấu cơm cho hai thầy trò Đô-khắc-Xương ăn, đặng có lên đường cho sớm; rồi day lại nói với Đổ-khắc-Xương rằng: « Anh em ta mới gặp, lẽ thì em phải làm một tiệc cho xứng đáng mà đãi anh và cầm anh ở lại chơi năm mười ngày mới là phỉ dạ; ngặt vì Bác quí-thể bất an, anh gắp đi thăm Bác, em chẳng dám cầm, nên phải tạm dùng đạm bạc, đôi ba món đồ hèn mà đưa anh thượng lộ. » Khắc-Xương khiêm nhượng vài lời rồi mới ngồi lại dùng cơm với nhau. Còn thằng Hành thì cũng ăn cơm nơi nhà sau với bọn gia-dịch.
(Xin hãy xem qua cuốn thứ nhì mới dứt chuyện).
- ▲ Theo lệ thường những học-sanh tại trường Bổn-quốc, hễ học được 4 năm (quatrième année) thì đã thi lãnh bằng Tất-nghiệp mà ra. Đỗ-khắc-Xương năm thứ tư thi rớt; nên phải đóng tiền mà học thêm tới năm thứ 5.
- ▲ Khuê-trung lương-hửu, là bạn hiền trong chốn buồng the.
- ▲ Tùy-Hà là Sứ của vua Cao-Tổ đời Hớn, người có tài thiệt biện; lưỡi bén như gươm, nói xui như chảy.
- ▲ Trời định hơn người, mà người định cũng có khi hơn trời được vậy.