Sử liệu từng mảnh vụn
[KỲ 1]
Thuở triều Lê vua Thái Tôn (1434-1442), văn hóa nước ta cũng đã mở mang, vậy mà người mình còn mê tín dị đoan dữ lắm, ngay ở chốn triều đình cũng thế, coi như những chuyện nầy thì biết.
Năm đầu hiệu Thiệu Bình, vua Thái Tôn mới lên ngôi, tháng 5, ngày mồng một, có nhật thực.
Trước đó, quan Thái sử Bùi Thời Hanh có mật tấu rằng đến ngày ấy sẽ có con "hắc viên tinh" ăn mặt trời, nên mặt trời sẽ bị thực, và hễ nhật thực thì trong nước có tai biến. Rồi Thời Hanh có bày phép giết những con vượn (viên) sống để trừ ếm.
Lê Sát, làm quan Đại tư đồ, một vị đại thần lúc bấy giờ, rất tin lời Thời Hanh. Sau khi tâu lên vua, Sát ra sức cho các quan trấn Tuyên Quang, Thái Nguyên đốc dân vào trong núi bắt thiệt nhiều vượn đem nạp.
Đến ngày đó, duy có một mình Thời Hanh với viên Thị lang trước có làm đạo sĩ, tên là Trình Toàn Dương, làm phép trừ ếm ở trong cung cấm, chẳng hề có ai được dự biết họ làm những gì. Xong việc hai người được ban thưởng rất hậu.
Cũng vào năm ấy, trời đại hạn đã lâu mà nhà vua thì đương cất cây tháp Báo Thiên, công trình to tát và sưu dịch nặng nề lắm. Có người thợ sơn tên là Cao Sư Đãng, trong khi làm việc, lẩm bẩm nói chùng rằng: "Nhà vua bất đức nên mới gặp phải cái tai đại hạn; còn các đại thần thì ăn hối lộ, dùng toàn những người chẳng làm được việc chi. Không có lấy được một điều lành thì dù xây tháp thờ Phật cũng vô ích!".
Có kẻ đem lời phỉ báng ấy tố giác. Lê Sát giận lắm, nói với quan Thẩm hình Nguyễn Đình Lịch rằng: "Nó dám nói bậy đến quốc sự, chém quách nó đi!".
Hai vị ngôn quan Nguyễn Thiên Hiệu và Bùi Cầm Hổ tâu với vua xin đừng chém Cao Sư Đãng. Vua toan nghe lời. Nhưng Lê Sát lại nói:
‒ Nếu tha cho Cao Sư Đãng thì những đứa nói bậy chẳng còn biết sợ gì cả!
Thấy thế, Thiên Hiệu không dám nói nữa. Rồi Cao Sư Đãng bị chém. Trong ngày chém Sư Đãng, tình cờ có cơn mưa nhỏ. Sáng ngày ra, Lê Sát nói bô bô lên giữa triều rằng: "Nếu không nghe lời mấy ông ngự sử thì thôi, hôm qua làm gì có trận mưa?". Lê Ngân trả lời rằng: "Phải, giết kẻ dữ cho nhiều thì được mưa nhiều, nhưng chỉ e đường trơn khó đi đó thôi !".
(Chuyện lấy ở Việt sử thực lục, quyển 11)[1]
[KỲ 2]
Về cách tổ chức cai trị nước ta, theo bản triều thì tổng, làng là thuộc về cơ quan dân trị, từ huyện phủ trở lên mới thuộc về quan; nhưng theo Lê triều thì hình như làng cũng thuộc về quan cả.
Việt sử thực lục, Lê Thái Tôn Thiệu Bình nguyên niên chép:
"Tháng bảy, chỉ truyền từ đời này hết thảy quân dân có việc kiện nhỏ thì trước do "xã quan" ở xã mình mà khống cáo. Nếu xã quan không xử được mới đến huyện; huyện không xử được mới đến lộ, rồi đến phủ; phủ không xử được mới đến đạo, và đạo không xử được bấy giờ mới tâu lên vua".
"Xã quan" đó có lẽ cũng như lý trưởng bây giờ. Nhưng đã gọi rằng "quan" thì hẳn có ăn lương vua chứ không như lý trưởng ngày nay chỉ ăn "hướng điền" của làng vậy.
Và coi đó, cách tổ chức các cơ quan cai trị của triều Lê cũng có ngặt hơn triều Nguyễn. Vì theo chế độ bây giờ, từ làng đến tổng, rồi đến huyện, hoặc phủ, rồi đến tỉnh, rồi đến triều đình; nhưng theo chế độ triều Lê thì từ xã đến huyện, rồi đến lộ, rồi đến phủ, rồi đến đạo, rồi đến triều đình. Triều Lê từ dưới đến trên có sáu cơ quan; còn bây giờ, phủ, huyện, kể như một, chỉ có năm cơ quan.
Theo sử chép, lúc nhà Minh thống hạp nước ta, chỉ vì quan lại của họ tham bạo quá, dân tình oán hận, vua Lê Thái Tổ nhân đó mới khởi binh mà thu phục lại bản đồ. Đó về sau, nước ta với nhà Minh trở giao hảo cùng nhau như trước, sứ thần qua lại luôn luôn. Nhưng người nhà Minh vẫn còn chưa dứt được cái thói tham lam.
Việt sử thực lục:
"Bấy giờ sứ thần nhà Minh là bọn Từ Vĩnh Đạt, Chương Xưởng, Quách Tế trước sau sang sứ nước ta. Ngoài các thức cống phẩm, triều đình cũng có quy tặng họ vật nầy vật khác, nhưng nhất thiết họ đều không nhận. Tuy vậy, mỗi lần họ sang, đều có cho bọn tùng giả mang theo nhiều thức hàng Tàu, rồi đánh giá cao, ép triều đình ta phải mua".
Theo luật quốc tế ngày nay, việc buôn bán như thế là một việc phạm tội. Thuở đó cũng có tội vậy chớ. Nhưng người ta đã "ép" được thì còn có tội gì!
*
* *
Không những sứ Tàu mà sứ ta đời bấy giờ cũng có làm việc buôn bán trái phép ấy. Sử chép:
"Bọn Lê Vĩ, Nguyễn Truyền, hai người đều làm chánh sứ sang sứ nhà Minh, mỗi chuyến đi có mua nhiều hàng Tàu về bán đến hơn hai ba chục đài. Triều đình ghét thói con buôn, muốn làm cho họ biết xấu hổ, bèn sai người đến soát bắt hết thảy hàng hóa ấy đem ra bày ra giữa chốn điện đình, rồi sau cũng trả lại cho họ".
(Lấy ở Việt sử thực lục, quyển 11)
[KỲ 3]
Thuở nhà Lê, vua Thái Tôn, hiệu Thiệu Bình năm thứ hai, có hai ông sứ thần ta sang đi cống bên Tàu, thình lình gây chuyện rồi đánh lộn với nhau ở bên ấy, chuyện đến đáng ghét mà cũng đến buồn cười.
Số là lúc đó, Thái Quân Thực và Nguyễn Tôn Trụ cùng vâng mạng đi sứ một lần. Bộ Lễ sắp thứ lớp trước sau của hai người trên giấy, xưng Tôn Trụ là bồi thần, đứng trước; Quân Thực là kỳ nhân[2] đứng sau. Bấy giờ trong ý Quân Thực đã lấy làm bất bình rồi.
Sang đến Tàu, triều đình nhà Minh cứ theo thứ tự trên giấy ban áo cho Quân Thực, không có chữ dệt bằng vàng. Quân Thực tức mình, nói với người Tàu rằng: “Tôi làm quan đến tứ phẩm, sao lại ở dưới Tôn Trụ được?” Kịp đến khi đãi yến, Quân Thực không chịu mặc áo ban, chỉ mặc áo của mình có dệt chữ vàng mà vào dự tiệc.
Giữa tiệc, Quân Thực nhè kêu tên quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi ra mà mắng, vì ông nầy là người soạn các bổn tấu sớ đã để Quân Thực đứng sau. Lại mắng luôn quan Tham tri Đào Công Tuân, lấy cớ Tuân đã cử Tôn Trụ cùng đi với mình.
Thấy vậy, Tôn Trụ không nhịn được, bèn cãi nhau với Quân Thực, rồi hai người đánh nhau, Tôn Trụ bị vỡ mặt. Những người tùy tùng can họ không được. Hai người đem kiện nhau ở Hồng Lê Tự, nói xấu nhau chẳng chừa một chỗ.
Đến chừng xong việc sứ trở về, triều đình cho hai người làm như thế là nhục đến quốc thể, tội đáng chết. Nhưng nghĩ vì trước kia từng có công trạng, nên được giảm tử: Quân Thực bị đày đi Viễn Châu; Tôn Trụ đi Cận Châu.
*
* *
Thuở vua Thái Tôn nhà Lê, hình phạt nặng lắm, coi những cái án nầy thì biết.
Có bảy tên ăn trộm tái phạm, đều còn trẻ tuổi, bộ Hình nghĩ tội trảm. Vua hỏi Nguyễn Trãi có nên chém không, Trãi tâu rằng nhà vua nên lấy nhân nghĩa hóa dân, hơn dùng nghiêm hình mà trừng phạt chúng.
Nghe Trãi tâu như thế, bọn Lê Sát, Lê Ngân nói mát rằng: “Ông là người có nhân có nghĩa, hay hóa kẻ dữ làm kẻ lành, thôi thì xin đem bảy đứa kẻ trộm ấy phó cho ông, nhờ ông hóa chúng nó đi”.
Trãi nói: “Chúng nó hung ngoan, đến pháp luật triều đình còn không trị nổi, tôi làm sao hóa được?”.
Rồi quyết định chém hai đứa, đày năm đứa.
Lại có người đàn bà tên Nguyễn Thị Ngọc, lấy chồng có tám con rồi, nhân chồng phải ác tật, Thị Ngọc không lo nuôi nấng, trở đi lấy trộm của chồng và tư thông với tên Nguyễn Bạch làm chức Khố giám, chực việc lấy nhau. Việc phát ra, Thị Ngọc bị tội giảo.
Lại Nguyễn Liêm, làm quan Chuyển vận sứ huyện Thủy Đường, có lấy của người ta hai tấm lụa, phải tội trảm. Con trai của Liêm xin chết thay cho cha mình, không cho.
Lại Võ Văn Phỉ, làm quan Đãi chế ở Hàn lâm Viện, thông dâm với mẹ vợ. Việc phát giác ra, Phỉ bị tội trảm. Nhân xin chuộc, bèn đày Phỉ đi Viễn Châu.
Lại Lê Cảnh Xước, làm quan Nội mật viện sứ, phạm tội lâm tang hai chục lượng bạc, theo luật phải tội chết, vua thương vì có công giảng dạy bấy lâu, cho bãi chức về làm dân.
(Lấy ở Việt sử thực lục, quyển 11)
[KỲ 4]
Thuở Lê Thái Tôn, Cao Doãn Cung, Trình Hoằng Nghị, Nguyễn Bá Thanh, Mai Tử Kiệt, bốn người cùng làm quan Tham nghị ở Chánh sự Viện. Thình lình bị Ngự sử đàn hạch, bốn người phải xin trí sĩ một lần.
Ngự sử Lưu Thúc Khiêm và Nguyễn Đạo dâng sớ hạch bốn người ấy, nói: “Bọn Doãn Cung, Hoằng Nghị làm đại thần nơi Chánh viện mà ở dưng chẳng làm gì cả, không có ích một chút gì. Vả chăng bọn họ đều đã hơn 70 tuổi, mắt mờ, tai điếc, thế mà còn ôm lấy quan mà làm, chẳng biết điều liêm sỉ, như thế thật có hại cho phong hoá, xin cho họ về cả đi”.
Thế rồi bốn người cùng dâng sớ xin trí sĩ. Vua đều chuẩn y cả.
Đào Công Tuẩn, Nguyễn Tử Tấn bấy giờ đương làm quan tại triều và đều đã đến tuổi, thấy vậy cũng dâng sớ xin về hưu. Nhưng người ta biết rằng hai người này còn thích làm quan lắm, không phải thật lòng muốn về đâu. Quả nhiên, sớ dâng lên vua không cho, hai người cúi lạy mà thôi, chứ không nài xin gì nữa hết. Sau đó, họ còn rủ nhau vào lạy tạ ân nữa, ai nghe cũng cười cho.
*
* *
Chuyện vua Thái Tôn nhà Lê chết do Nguyễn Thị Lộ, theo Việt sử thực lục chép thế này:
Năm Nhâm Tuất, hiệu Thiên Bảo năm thứ ba (Lê Thái Tôn làm vua chín năm, hai lần đổi niên hiệu: Thiệu Bình sáu năm, Thiệu Bảo ba năm) tháng bảy, ngày 27, vua đi ngự tỉnh Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi ra đón ngự giá về làng mình, vào chùa Côn Sơn.
Đạo ngự phát đi từ Đông Tân vào sông Thiên Đức. Đi qua cái cầu gọi là cầu Bông, thuộc làng Đại Toán, huyện Quế Dương, chỗ ngang ngôi mộ Bạch Sư, chiếc thuyền rồng không sao đi được nữa. Quân lính hết sức cột dây mà kéo thuyền cũng không nhúc nhích, như là có ai dằn lại.
Vua bèn sai thái giám đi hỏi khắp các người già cả ở đó thử có vị thần linh gì không. Các người già cả đều nói rằng: “Đời xưa có người tên là Bạch Sư, hồi sinh tiền tinh về pháp thuật, sau chết chôn kề bên sông, linh hiển lắm". Thái giám hỏi tế bằng vật gì. Các ông già bảo dùng một con nghé. Thái giám về tâu lại, vua truyền giết một con nghé để tế, rồi thuyền vua đi được như thường.
Đến tháng tám, ngày mồng 4, vua về đến huyện Gia Định, vườn Lệ Chi, thình lình mắc ngược tật, rồi băng ở đó.
Số là, quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi có người vợ nhỏ tên là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp lại biết chữ, làm văn hay. Vua từng vời nàng vào trong Nội, phong cho làm Lễ nghi học sĩ; ngày đêm nàng thường chầu bên vua, được vua yêu chuộng lắm.
Lúc vua đi đông tuần trở về, ngự đến vườn Lệ Chi, ở suốt đêm với Thị Lộ tại đó rồi băng.
Sau khi vua băng, các quan hộ giá đưa lặng về Kinh, sáu ngày mới đến. Vào cung lúc nửa đêm, triều đình mới bắt đầu tuyên bố sự vua băng và phát tang. Ai cũng bảo rằng chính Nguyễn Thị Lộ đã giết vua.
Qua ngày 16, giết quan Hành khiển Nguyễn Trãi cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ, tội lây đến ba họ.
Đến ngày mồng 9 tháng chín, lại giết hai tên hoạn quan là Đinh Phúc và Đinh Thắng nữa. Vì trước kia hai người này có nói với Nguyễn Trãi làm sao đó mà lúc Nguyễn Trãi lâm hình, có nói “Tiếc không làm theo lời của Thắng và Phúc”.
(Lấy ở Việt sử thực lục, quyển 11)
[KỲ 5]
Lê Thánh Tôn là một ông vua hiền có tiếng trong lịch sử nước ta. Nhưng xem trong sử, thấy vua hay mắng triều thần tàn tệ lắm. Ấy cũng tại một đằng vua có tánh khinh người, một đằng triều thần không biết tự trọng, thành thử chỗ vua tôi với nhau không còn có lễ nghĩa liêm sỉ nữa.
Một lần vua xuống dụ cho quan bộ Lại Nguyễn Như Đỗ rằng: “Năm ngoái, mày chịu tên Đỗ Bất Mốt lo lót thế nào, tâu xin cho nó làm chức Tổng tri vệ Bắc Binh. Sau đó, thấy dư luận chốn triều đình sôi nổi, mầy lại xin cho tên ấy về hưu trí. Thật mầy gian quá tay!”.
Lần khác, vua xuống dụ cho quan Đô Ngự sử Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng: “Lúc Lệ Đức Hầu thoán ngôi, Sĩ Liên và Nhân Thọ vẫn làm quan với hắn, được đãi ngộ rất hậu và ngôi thứ rất cao. Đến nay Lệ Đức Hầu vì ta mất nước, bọn mầy không vì chúa tử tiết, trở lại thờ ta. Dù ta không nói ra, bọn mầy cũng biết xấu hổ trong lòng chứ! Bọn mầy thật là lũ gian thần bán nước!”.
Nguyên sau khi vua Thái Tôn băng, hoàng thái tử Bang Ky lập, được 17 năm, bị Lượng Sơn Vương Nghi Dân giết đi và cướp ngôi. Bấy giờ Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ vẫn làm quan ở triều. Sau lại, triều thần bỏ Nghi Dân, giáng phong Lệ Đức Hầu, nghênh lập vua Thánh Tôn, hai người cũng vẫn tại chức. Cho nên vua mắng như thế. Ngô Sĩ Liên tức là người sau vua Thánh Tôn cất cho làm sử quan bảo tu quốc sử bắt đầu từ đời Hồng Bàng.
*
* *
Nước ta thuở xưa thực hành cái chánh sách “bế quan toả cảng” và quen theo cái thói “trọng nông khinh thương”, hai việc ấy còn có dấu tích trong lịch sử.
Lê Thánh Tôn Quang Thuận nguyên niên, vua xuống chỉ dụ cho các quan cai trị các phủ, lộ, trấn, châu, huyện nào ở về chốn biên thùy, phải giữ gìn quan ải cho cẩn thận, không được giao thông với các dân “hóa ngoại”.
(Hóa ngoại nghĩa là những dân tộc khác, ở ngoài văn hóa của dân tộc ta).
Quang Thuận nhị niên, vua xuống chỉ dụ cho các quan cai trị các phủ, huyện, lộ, trấn, xã: từ nay về sau phải khuyên dạy nghề nông sao cho quân dân đều chăm chỉ sinh nghiệp của mình để được đủ ăn đủ mặc; phải cấm chúng không được bỏ nghề gốc (nông) theo nghề ngọn (thương) và mượn tiếng đi buôn bán, làm nghề nghiệp mà đi chơi bời lêu lổng. Ai mà bỏ bê không trồng tỉa, các quan cai trị sẽ bắt giải trị tội.
(Lấy ở Việt sử thực lục, quyển 12)
[KỲ 6]
Trước kia, cũng mục này, có nói vua Lê Thánh Tôn hay mắng triều thần, không giữ thể diện cho họ. Nhưng theo sử chép, không những mắng, vua đối đãi với bầy tôi còn có điều quá hơn nữa kia.
Sử chép việc dưới này đầu đuôi không rõ. Nếu cứ theo đó thì sự thưởng phạt của vua lại không có thể tin được nữa.
Hồng Đức nguyên niên, tháng chạp, vua ngự giá đi đánh Chiêm Thành. Ngày mồng ba, đạo ngự đi từ Thiết Sơn, có xuống chỉ dụ thưởng tiền cho bọn Đinh Thúc Thông, Nguyễn Tài, đều là quan Án sát sứ, mỗi người một món tiền nhiều hay ít. Trong lời dụ, vua nói quan Thái sư Đinh Liệt cầm quân không có kỷ luật, như trò trẻ con, vậy mà bọn Đinh Thúc Thông biết dâng sớ đàn hạch, thế là đáng khen lắm, cho nên vua thưởng.
Nhưng sau đó mấy hôm, bọn Án sát sứ Đinh Thúc Thông bị vua đòi đến hành tại,[3] hạch hỏi cái tội hủ nho làm hỏng việc, rồi bắt mỗi người cất mũ xuống và vua đái vào trong để làm nhục họ.
Sở dĩ có sự trừng phạt kỳ khôi đó, sử chỉ nói tại những người ấy “tấu nghị vu vọng”, thì không biết là tấu nghị về việc khác hay là chính việc đàn hạch vừa nói trên kia?
Xưa chỉ có Hán Cao Tổ có đái vào mũ nhà nho một lần, cũng để làm nhục chơi. Hán Cao Tổ là người bất học nên mới đang tâm làm việc ấy. Còn Lê Thánh Tôn là ông vua nho nhã, sao cũng lại bắt chước làm như thế? Mà sử Thực lục này do sử thần nhà Lê chép, chắc không dám đặt điều nói dối đâu.
*
* *
Vua Thánh Tôn đi thân chinh Chiêm Thành, theo sử chép, vua đem đi hơn một ngàn chiếc chiến thuyền và hơn bảy mươi vạn tinh binh.
Con số nói về tinh binh ấy lớn quá, e không thật. Nước ta thuở nhà Lê, bản đồ so với ngày nay, chỉ có cả xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ thì mới đến Quảng Nam, dân số được bao nhiêu mà tinh binh có đến những bảy mươi vạn? Đó chắc là sử nói thêm để khoe khoang cho rột mà thôi.
Sự nói dối bao giờ cũng thò đuôi, không giữ được. Đáng nực cười hơn nữa là sự thò đuôi ấy lại chính bởi sự tự khai ra cho chúng ta biết! Không kể bởi những chỗ này mà thấy ra sử lại mâu thuẫn với sử.
Trước khi đi thân chinh, vua Thánh Tôn có làm lễ cáo với Thái miếu, sử chép lời vua cáo rằng:
“Ngày mồng sáu tháng này, sai quan Chinh Lỗ, tướng quân Đinh Liệt cùng với phó tướng Lê Niệm lãnh mười vạn thủy quân đi tiên phong. Đến ngày mười sáu, chính mình thần (vua tự xưng) đem mười lăm vạn thủy quân tiếp tới...”.
Thế là chỉ có hai mươi lăm vạn, mà sao nói đến bảy mươi lăm vạn? Chúng ta nên tin lời Lê Thánh Tôn hơn là lời sử thần!
Người ta nói đời xưa đi đánh giặc, mang lương khô theo mà ăn. “Lương khô” nghĩa là gạo nấu chín rồi phơi khô đi vậy.
Lúc Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành về, phó cho dinh Thuận Hóa tàng trữ lương thực. Lương của Nguyễn Văn Chất tải đến đều là gạo nấu chín cả. Vua thấy vậy bèn hỏi: “Gạo nấu chín rồi có thể để được mười năm không?". Chất tâu rằng: “Gạo nấu chín từ hồi đi đánh Chiêm Thành trong niên hiệu Thái Hòa để đến năm đi đánh Bồn Man, trải hai mươi sáu năm mà còn ăn được”. Vua phán: “Gạo tốt lắm mới được thế, chớ tài gì lại không mục ra? Đại khái thì để được mười năm là nhiều”.
(Lấy ở Việt sử thực lục, quyển 12)
[KỲ 7]
Lần vua Thánh Tôn đi thân chinh Chiêm Thành đã được đại thắng. Sử chép bắt tù người Chiêm hơn ba vạn, chém đầu hơn bốn vạn, và bắt sống được Trà Toàn là vua Chiêm.
Lúc chưa hạ thành Đồ Bàn, vua xuống dụ cho quân sĩ nếu bắt gặp được Trà Toàn thì chớ giết mà hãy để sống đem nạp cho vua.
Về sau quân Thuận Hóa bắt được Trà Toàn, dẫn đến trước mặt vua, Toàn liền quỳ mọp xuống. Vua cùng vua Chiêm nói chuyện đều dùng thông ngôn:
‒ Mầy có phải vua Chiêm Thành không?
‒ Thưa phải.
‒ Mầy có biết ta là ai không?
‒ Tôi trông phong thể đã biết là Thánh thượng rồi.
‒ Mầy được mấy đứa con?
‒ Tôi có hơn mười đứa.
Bấy giờ Đỗ Hoàn là một vị tướng quân có mặt ở đó, xin với vua rằng: "Trà Toàn tình nguyện làm tôi mọi, xin bệ hạ tha nó mà đừng giết".
Vua bèn phán cùng Trà Toàn:
‒ Trong vòng gươm giáo, ta chỉ sợ cho mầy ngộ hại. May mà bắt sống được, thật thỏa lòng ta.
Thế rồi vua dạy đem Toàn ra cho ở cái nhà nhỏ phía ngoài đền vua. Quân lính kéo Trà Toàn đi hơi gấp. Vua quở rằng: "Hãy thong thả! Người ta là ông vua một nước, có thể làm quẩn bách như vậy được đâu?".
Đến lúc kéo quân về Bắc, đem Trà Toàn theo. Vua lấy cớ rằng chiếc thuyền của Trà Toàn ngồi quá hẹp, không có thể dung được cả vợ hầu của y, bèn khiến chọn một người trong bọn đi với Trà Toàn, còn bao nhiêu (đi thuyền khác) về đến Kinh mới trả lại.
Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng y là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung, chiếm cứ đất ấy mà xưng là vua Chiêm Thành. Bô Trì Trì choán được một phần năm nước Chiêm Thành khi trước, khiến sứ xưng thần tấn cống; vua cũng phong cho làm Chiêm Thành Vương.
Một hôm, vua bảo Đỗ Hoàn chỉ Lê Thọ Vức mà nói với Trà Toàn rằng "Đây là quan Điện tiền Đô đốc, khi đánh thành Đồ Bàn, chính người này đã đăng thành trước hết". Trà Toàn nghe thấy thế, bèn nhìn sững Thọ Vức một hồi lâu.
Đi dọc đường, Trà Toàn lo sợ phát bệnh, đến Nghệ An thì chết. Vua sức chém lấy đầu, còn cái thân thì đốt ra tro mà ném xuống sông. Vua bắt chở cái đầu Trà Toàn trong thuyền mà đi, trước mũi thuyền cắm cây cờ trắng, đề mấy chữ: "Đây là cái đầu Trà Toàn ‒ kẻ nguyên ác của nước Chiêm Thành".
Khi về đến Thanh Hoá, đem đầu Trà Toàn làm lễ "hiến phù" tại nhà Thái miếu Lam Kinh.
Đọc đoạn sử này ta nên chú ý ở mấy chỗ:
Đối với vua Chiêm Thành, trước thì Thánh Tôn làm ra rộng rãi tử tế mà sau thì đến đã chết còn chặt lấy đầu. Thế cho biết sự rộng rãi tử tế ban sơ là làm bộ, mà thế nào khi về đến nơi Trà Toàn cũng bị chém. Có lẽ Toàn biết vậy nên đã tự tử chăng.
Chiếc thuyền hẹp thì đổi chiếc khác rộng hơn chẳng được sao? Làm gì lại phải bắt vợ hầu người ta đi thuyền khác rồi còn hẹn về đến Kinh mới trả? Đàn bà Chiêm Thành thuở xưa có tiếng là đẹp lắm. Cái tiếng ấy làm cho người ta sinh nghi trong việc này!
(Lấy ở Việt sử thực lục, quyển 12)
[KỲ 8]
Thuở Lê Thánh Tôn có những điều chỉ dụ, cấm lệnh quan về chế độ phong tục lúc bấy giờ, xin góp chép vào một dui dưới này hầu giúp cho các nhà khảo cứu khỏi phải mở sách tìm từng cái một.
Hồng Đức năm thứ 5, tháng 5, sắc cho Bộ Lễ yết thị cấm bách quan cùng nhà binh, người có chức sắc, từ nay nếu không phải đối với người có phẩm vọng, bậc danh nhân ngôi cao, đức thịnh thì không được xưng là "tiên sinh".
Coi đó thì thấy như ở nhà Lê, người mình kêu nhau bằng "tiên sinh" thường lắm, cũng như ngày nay ta gọi nhau bằng "quan", bằng "cụ", nên mới có cái lệnh cấm ấy.
*
* *
Mùa đông, tháng 11 năm ấy, sắc chỉ cho bách quan từ nay vào chầu không được nhổ gõ trầu[4] ở nơi sân đền.
Một cái thói xấu bị cấm đi bốn, năm trăm năm nay mà còn chưa dứt hẳn. Ngày nay ở sân chầu chắc không còn có gõ trầu nữa ‒ vì phần nhiều các quan bây giờ không ăn trầu và dù có ăn cũng nhịn trong lúc vào chầu; ‒ nhưng mới năm 1935 vừa rồi, người ta có phát kiến được những vết gõ trầu ở sân đền các tôn lăng và trong Nội, các bà bách tánh bị tình nghi trong việc đó nên từ đó hơi khó cho họ về sự xin giấy đi cung chiêm.
*
* *
Hồng Đức năm thứ 6, gặp khoa thi hội Ất Vị, các cử nhân ứng thí có đến 3200 người. Lấy đỗ trúng cách 43 người. Thi vào tháng ba.
Trường nhất: thi kinh nghĩa: Luận ngữ ba đề, Mạnh Tử bốn đề, Trung dung một đề, cộng tám đề. Thí sinh tự chọn lấy bốn đề mà làm, không được thiếu. Ấy là về tứ thư. Còn ngũ kinh: mỗi kinh đều ba đề, duy Xuân Thu bốn đề.
Trường nhì: một bài thi dùng đường luật, một bài phú dùng thể Lý Bạch.
Trường ba: một bài chiếu, một bài chế, một bài biểu.
Trường tư: một bài văn sách dài, hỏi về các nghĩa đồng nhau và khác nhau trong kinh sử cùng những chỗ khó trong binh thư.
Xong rồi đến ngày mồng 1 tháng 5, thi Đình. Vua ngự đền Kính Thiên ra đề văn sách hỏi về các vua tôi đời trước. Lấy đỗ tiến sĩ cập đệ 3 người, tiến sĩ xuất thân 13 người, đồng tiến sĩ xuất thân 27 người.
*
* *
Tháng sáu năm ấy thi cháu nội trai của các quan viên. Phép thi: một bài biểu, một bài toán.
Ta nên chú ý ở cách thi của nhà Lê, có hai món mà trong các thí thức của bản triều không có: ấy là hỏi toán và hỏi về sách thuốc.
*
* *
Tháng 10 năm ấy, sắc chỉ cho các làng lập sổ đinh, cùng trong một làng hễ đàn ông đàn bà đã trùng họ thì không được trùng tên. Nếu có hai người trùng họ trùng tên nhau thì người mới trục vào phải đổi tên, không được để trùng với người trước.
Sử chép chỉ có ngần ấy chữ, không đủ cho ta khảo cứu về cả chế độ đinh của đời Lê. Nhưng trong đó sự phát kiến lớn, là nhờ đó thấy ra thứ ấy trong đinh tịch có cả tên đàn bà, chứ không như bây giờ chỉ đàn ông mà thôi.
(Lấy ở Việt sử thực lục, quyển 12)
[KỲ 9]
Lê Thánh Tôn Quang Thuận năm thứ 8, ngày mồng 10 tháng 5, vua hạ lệnh cho quân năm phủ chế tạo đồ binh khí, ban đầu theo một kiểu mẫu khác. Nhân đó trong quân lính có nhiều người phàn nàn. Một người lính thuộc về vệ Oai lôi, tên Văn Lư, dâng sớ can vua, đại lược nói rằng:
"Thần trộm thấy tháng giêng năm nay, Bệ hạ đã ban kiểu mẫu khiến các tướng chế tạo đồ binh khí, rồi bây giờ lại ban cho họ một kiểu mẫu khác bắt phải làm theo. Chính lệnh như thế là không nhất định...".
Vua bèn khiến các quan Bộ Lại bảo Văn Lư rằng: "Mầy nói không đúng, chỉ có một kiểu mẫu mà thôi".
Bấy giờ Lương Như Hộc, Thị lang Bộ Lễ, nói riêng với Văn Lư: "Mầy không phải Ngự sử, sao dám nói bướng đến việc nước?".
Văn Lư thưa rằng: "Nước lấy dân làm gốc mà binh là để bảo vệ dân. Nay hiệu lệnh của nhà vua chẳng tin, quân dân đều buồn rầu than thở, thế mà các quan đại thần đều làm thinh không nói. Tôi thấy mà nói, là chỉ vì tấm lòng yêu vua mà thôi".
Nghe thế, Lương Như Hộc nín thinh.
Xem qua cái sử tích nầy chúng ta nên chú ý ở hai điều:
Một là thuở nhà Lê, trong hàng lính tráng hẳn có nhiều người biết chữ và có học thức. Như Văn Lư đây chỉ là một tên lính mà cũng hiểu được cái nguyên tắc của sự hành chánh là cốt ở có đức tin đối với dân; một tên lính mà viết nổi tờ sớ dâng cho vua thì học lực cũng khá lắm.
Hai là thuở ấy cái tình trên dưới thông nhau, không bị ngăn trở. Ở triều quân chủ chuyên chế, một người dân hay lính mà muốn tỏ ý kiến mình với vua, là sự hết sức khó. Vì ở giữa vua và dân hay lính, còn có biết bao nhiêu người có quyền thế kiếm đủ cách mà rào đón cho đừng thông nhau. Sớ dâng lên mà các quan dìm đi thì làm sao cho đến tay vua được? Đây là nhờ vua Thánh Tôn đã có tính minh sát mà lại có oai nghiêm, nên không đến bị các ông đại thần bịt tai che mắt mình.
*
* *
Ở mục nầy, trước kia có kể ra vua Thánh Tôn nhục mạ triều thần nhiều lần mà chưa kể đến lần mắng Nguyễn Phục. Vào năm Quang Thuận thứ 9, sử chép:
Vua xuống dụ quở quan Đô chỉ huy Nguyễn Phục: "Hồi trước, hồi mầy còn làm gia thần ta, mầy đi nói rêu rao rằng ta sẽ làm Thiên tử. Mầy là đấng Thượng đế dư? Mày là quỷ thần dư? Làm sao mà mầy tiên tri như thế được? Mầy làm quan phụ đạo mà lại làm cái việc nguy hiểm cầu may... Nhưng ta không phụ mầy có sáu điều mà mầy đã phụ ta đến mười một điều. Thật mầy là đồ gian thần! Là đồ loạn thần! Là đồ tặc thần đi thôi!".
Nguyễn Phục là người thế nào, và những điều y đã phụ vua ra sao, nay chúng ta không thể biết được. Chúng ta chỉ thấy như thế mà lấy làm tội nghiệp. Một ông đại thần mà bị nhục mạ đến như thế thì còn mặt mũi nào trông thấy sĩ dân trong nước là hạng người dưới mình? Có lẽ là nhờ bị mắng ở một nơi, mà xưng "cụ lớn", hách dịch, tôn nghiêm ở một nơi khác, nên cũng đỡ!
Trong bức thư cho chánh phủ Pháp, ông Phan Châu Trinh có nói câu nầy: "Sĩ phu liêm sỉ chi đạo táng: Sĩ phu An Nam đã mất hết cái đạo liêm sỉ rồi". Ấy là nói chuyện 50 năm trở lại đây. Nhưng truy nguyên ra, một cái "nạn" lớn như thế không phải tự ai gây ra trong một mai một chiều mà được. Cái nạn vô sỉ ở nước ta cũng có một phần gây ra bởi vua chúa. Lê Thánh Tôn là người đứng đầu chịu trách nhiệm trong việc ấy.
(Lấy ở Việt sử thực lục, quyển 12)
[KỲ 10]
Lê Thánh Tôn, Quang Thuận năm thứ 10, chia trong nước làm 12 thừa tuyên. Thuở Thái Tôn còn gọi là đạo, đến đây mới đổi ra tên ấy. Tức là cái cơ quan đứng đầu của từng địa phương một, bây giờ gọi là tỉnh. Nguyên trong chữ Hán có cái thành ngữ rằng "thừa lưu tuyên hóa", nói về các quan địa phương vâng theo cái ơn huệ và bủa ra cái đức hóa của nhà vua cho khắp cả thần dân. Nhân đó mà đặt ra chữ "thừa tuyên", thật nghe nó có văn chương một cách ngô nghê lạ.
Mỗi một thừa tuyên gồm có các phủ, châu, huyện, xã, trang. Mười hai thừa tuyên bấy giờ chia như dưới nầy:
- Thanh Hoa (Hoa, không phải Hóa): 4 phủ, 16 huyện, 4 châu;
- Nghệ An: 9 phủ, 27 huyện, 2 châu;
- Thuận Hóa: 2 phủ, 7 huyện, 4 châu;
- Hải Dương: 4 phủ, 18 huyện;
- Sơn Nam: 11 phủ, 42 huyện;
- Sơn Tây: 6 phủ, 24 huyện;
- Kinh Bắc: 4 phủ, 19 huyện;
- An Bang: 1 phủ, 3 huyện, 3 châu;
- Tuyên Quang: 1 phủ, 2 huyện, 5 châu;
- Hưng Hóa: 3 phủ, 4 huyện, 17 châu;
- Lượng Sơn: 1 huyện, 7 châu;
- Vinh Sóc: 1 phủ, 7 huyện gồm phủ Phụng Thiên 2 huyện.
*
* *
Hồng Đức nguyên niên (Quang Thuận được 10 năm rồi vua Thánh Tôn cải biên là Hồng Đức), vua xuống sắc chỉ và sắc chỉ nầy tức là luật:
Con ở tang cha mẹ, vợ ở tang chồng phải theo lệ thường là ba năm, không được làm theo ý riêng mà trái lễ, nghịch phép.
Con ở tang cha mẹ mà vợ hoặc vợ bé có chửa, sẽ bị tội đày.
Vợ ở tang chồng mà buông làm sự dâm loạn, hoặc tang chưa mãn mà đã bỏ đồ chở, mặc đồ thường, và trước khi thông tin để cải giá, luôn với kẻ cưới người đàn bà ấy đều phải tội chết. Còn như đương ở tang, mặc đồ tang đi ra xem hát thì phải tội đày. Đến như kẻ nào vì tham của cải, mê nhan sắc mà lấy người vợ hoặc người vợ bé ác nghịch cùng những người mường mọi lấy vợ hoặc vợ bé của anh em mình chết rồi, luôn với những người làm quan lại mà ăn hối lộ đều phải tội.
(Lấy ở Việt sử thực lục, quyển 12)
[KỲ 11]
Bài văn sách thi Đạo giáo thuở nhà Trần
Thuở nhà Trần vua Thái Tôn, niên hiệu Kiến Trung năm thứ ba, có bắt đầu mở khoa thi cho con nhà tam giáo. Theo sử chép bằng chữ Nho gọi là "thí tam giáo tử", nghĩa là thi những người tin theo Nho hoặc Đạo hoặc Thích, ba giáo ấy mà đời con nối nghiệp đời cha.
Về phép thi, sử không chép đủ. Chỉ thấy trong dã sử có lục lại hai bài văn sách hỏi về Đạo và Thích cùng hai bài làm và trúng tuyển. Bài văn sách về Nho giáo, chắc người ta cho là thường lắm nên không lục lại.
Chúng tôi thử dịch bài văn sách về Đạo giáo và đăng trước lên đây cho bạn đọc xem. Còn bài về Phật giáo hơi khó dịch, để xem nếu có thể dịch được chúng tôi sẽ đăng nốt.
Vả Đạo giáo tức là đạo mà ông Lão Tử làm giáo chủ, lấy hư vô làm chân lý, lấy phản phác hoàn chân làm mục đích, nó vốn không có quan hệ với pháp môn phù thủy chút nào. Thế mà trong bài văn sách này hỏi về pháp môn phù thủy cũng kể được là Đạo giáo. Vậy cho biết cái đạo ấy truyền vào nước ta đây nó đã biến tướng đi nhiều lắm.
Lại nhân đây cũng được biết rằng nước ta về thuở nhà Trần, nhà nước coi đạo Nho cùng ngang hàng với các đạo khác; và bọn thầy phù thủy hồi ấy cũng được coi như những người theo "chánh đạo", không giống bây giờ; người ta vẫn dùng phù thủy nhưng lại cho là tà thuật.
Trong bài hỏi và bài đáp dưới đây, người dịch đều đã lược bớt một câu đầu và một câu cuối.
*
* *
Hỏi: Pháp môn là gì? Phù thủy là gì? Pháp môn lấy ai làm thánh? Phù thủy lấy ai làm thầy? Tứ thánh, tứ giác, tứ tung, tứ duy, có ý thế nào? Ôn, Hoàng, Dịch, Lệ sinh ra thuở nào? Tốn, Ly, Khôn, Đoài sinh được mấy con? "Hành mãn tam thiên số, thời đương tứ vạn niên", câu ấy nghĩa là gì? "Đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh" nói về ông thầy nào? Vả cái phép tróc tà phược quỷ dùng linh phù nào, đọc thần chú nào mà đến nỗi tà kia trốn dấu, quỷ nọ lặng hình được dư?
Đáp: Chúng pháp quy tôn, muôn đời chẳng đổi, muôn thánh ngàn thần, một môn đồng hội, ấy gọi là pháp môn. Khí âm, khí dương lộn mà làm linh, dùng nước đài bi phun cho ma sợ, ấy gọi là phù thủy. Pháp môn do Thái thượng Lão quân lập ra, cho nên lấy ngài làm thánh. Phù thủy do Chơn Võ tiên sanh lập ra cho nên tôn ngài làm thầy. Thiên Bồng, Thiên Du, Bảo Đức, Bắc Sát gọi là tứ thánh. Kiền, Khôn, Tốn, Cấn gọi là tứ giác. Thiên hoa, địa hoa, lão hạc, đồng trụ gọi là tứ tung. Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu gọi là tứ duy. Dục giới, sắc giới, vô sắc giới ấy là tam giới. Ngọc thanh, thương thanh, thái thanh, ấy là tam thanh. Động chơn, động huyền, động vi ấy là tam động. Lôi đinh, linh bảo, thái huyền, ấy là tam ty. Vua Hoàng đế có bốn người con bất tài, tục là Ôn, Hoàng, Dịch, Lệ sinh ra đời Xuyên Húc. Tốn, Ly, Khôn, Đoài sinh ra cộng hai mươi sáu con: Tốn sinh ra bốn con, đông, tây, nam, bắc; Ly sinh ra chín con: từ nhất bạch nhị hắc đến bát bạch cửu tử (tía); Khôn sinh ra sáu con tức là thái âm lục khí; Đoài sinh ra bảy con tức là bắc đẩu thất tinh. Số trời thành một ngàn, số đất thành một ngàn, số người thành một ngàn, ấy là hành mãn tam thiên số. Từ thái dịch đến thái sơ một vạn năm, từ thái sơ đến thái thuỷ một vạn năm, từ thái thủy đến thái tố một vạn năm, từ thái tố đến thái cực một vạn năm: ấy là thời đương tứ vạn niên. Long là dương tinh, hổ là âm tinh mà đều phục đạo cao; quỷ là khí tán, thần là khí tinh mà đều kính đức trọng: ấy là Phổ âm Thiền sự vậy. Vả cái học phù thủy là để tróc tà phược quỷ; mà sự tróc tà phược quỷ cũng phải có phương pháp mới được. Nếu được đàn tràng cho nghiêm chỉnh, pháp tịch cho hẳn hoi, niệm thông tam giới mà vạn thánh tề lâm, trống đánh ba hồi mà chư thần tất tập, trước phải trịch tướng, thứ đến sai hành, tưởng thiên khôi mà mật mật bành phù, bắt tay ấn mà linh linh trứ bút, dùng những phù bạch xà độc cước, đọc những chú thái thượng tề thiên, tự nhiên tà đều trốn dấu, quỷ thảy lặng thinh, không có khó gì hết vậy....
Chú thích
- ▲ Bài trong mục này không ghi tên soạn giả; có lẽ mục này do chủ bút Phan Khôi biên dịch.
- ▲ Kỳ nhân nghĩa là người kỳ cựu, người già (nguyên chú)
- ▲ Nhà vua ngự ra ngoài ở lại chỗ nào thì chỗ ở đó gọi là “hành tại” (nguyên chú)
- ▲ gõ trầu: bã trầu.