Sử ký Tư Mã Thiên/XXXIV-1
XXXIV. — KHOÁI THÔNG THUYẾT HÀN-TÍN.
Người nước Tề là Khoái-Thông biết quyền Thiên hạ ở tay Hàn-Tín, muốn tính chước lạ để cảm-động Hàn, bèn làm thày tướng nói với Hàn rằng:
— Tôi từng học phép xem tướng người!
Hàn-Tín hỏi:
— Thày xem tướng người ra sao?
Thưa rằng:
— Sang, hèn ở cả cốt cách; vui buồn hiện ra nét mặt; được, thua cần có quyết đoán... Hợp lại mà xem, muôn không lầm một!
Hàn-Tín nói:
— Hay! Thày coi tướng quả-nhân thế nào?
Thưa rằng:
— Xin cho vắng chút!
Tín nói:
— Các người hầu ra cả rồi!
Thông nói:
— Coi mặt ngài, bất quá đến phong hầu! Lại nguy mà không yên! Coi đến lưng ngài thì sang không thể nói được!
Hàn-Tín nói:
— Thế là nghĩa thế nào?
Khoái-Thông nói:
— Thiên hạ lúc mới loạn, các anh hùng, hào kiệt, cùng gào, cùng thét! Người trong thiên-hạ, sương đùn, mây họp, lửa bốc, gió nổi, cá mè một lứa... Trong lúc ấy, lo sao làm cho mất nhà Tần mà thôi! Bây giờ Hán, Sở tranh nhau, khiến cho những kẻ vô-tội dưới gầm trời, gan, óc lầy đất, cha, con phơi xương ở giữa đồng, không sao đếm xiết! Người Sở cất quân từ Bành-Thành, vừa đánh, vừa đuổi, đến mãi Huỳnh Dương. Nhân lợi thế, cuốn như cuốn chiếu, oai lừng lẫy thiên-hạ! Thế nhưng quân bị khốn ở khoảng Kinh, Sách, bức vì rẫy Tây Sơn không sao tiến được nữa, đã ba năm nay rồi! Vua Hán thì đem vài mươi vạn quân, giữ Củng, Lạc, nhờ cái hiểm-trở của núi sông, Nhưng một ngày đánh mấy trận, không được lấy tấc công! Thua chạy không ai cứu, bại ở Huỳnh-Dương, bị thương ở Thành-Cao, bèn chạy sang miền Uyển, Khí. Thật là « khỏe cũng khốn mà khôn cũng khốn » Nhuệ khí thì nhụt trước cửa-ải! Lương thực thì hết ở kho trong! Trăm họ khổ sở kêu ca, nhong-nhóng không nơi nương tựa! Cứ lấy tôi tính ra, thì trừ-phi hạng Hiền Thánh trong đời, không sao rẹp yên nổi tai-vạ trong đời... Hiện nay tính mạnh hai vua, treo cả ở tay Ngài. Ngài giúp Hán thì Hán được, mà sang Sở thì Sở được! Tôi xin mở lòng dạ, phơi gan mật, bầy kế ngu, chỉ sợ ngài không biết dùng. Nếu Ngài thực biết nghe kế của tôi, thì không gì bằng giúp cả đôi mà để họ còn cả!.. Chia ba thiên-hạ ra đứng như ba chân vạc, thế tất không ai dám động-binh trước! Lấy một tay Thánh Hiền như ngài, sẵn nhiều quân lính, khí giới, giữ nước Tề, hợp với Yên, Triệu, ra nhằm chỗ trống-rỗng mà kìm đàng sau họ; nhân lòng muốn của dân, quay sang Tây xin cho họ được sống, thì thiên-hạ tất chạy như gió mà thưa như vang, nào ai dám không nghe! Cắt bớt nước lớn, chia yếu nước mạnh, để lập Chư-Hầu. Chư-Hầu lập rồi, thiên-hạ tin theo mà kể ơn nhờ ở Tề. Theo nước Tề cũ, lấy đất Giao, Tứ, được lòng biết ơn của Chư-Hầu, chắp tay vái nhường mà các vua trong Thiên-hạ cũng đem nhau sang chầu vua Tề! Trộm nghe: « Trời cho chẳng lấy, sẽ mang lỗi đấy! Thời đến chẳng hay, sẽ chịu vạ lây! » Xin ngài nghĩ cho kỹ điều đó!
Hàn-Tín nói:
— Vua Hán đãi tôi rất hậu, tự đem xe cho tôi đi! Tự cổi áo cho tôi mặc! Tự xẻ cơm cho tôi ăn! Tôi nghe: Đi xe người ta thì mang lo cho người ta! Mặc áo người ta thì bận nghĩ vì người ta! Ăn cơm người ta, thì chết về việc của người ta! Tôi há lại nên hám lợi mà quên nghĩa?
Chàng Khoái nói:
— Ngài tự cho là thân với vua Hán, muốn dựng cơ-nghiệp muôn đời! Tôi trộm nghĩ là lầm lắm! Xưa khi Thường-Sơn vương cùng Thành An-Quân, lúc còn áo vải, cùng nhau kết làm « bạn cắt cổ »! Về sau cãi nhau về chuyện Trương-Áp, Trần-Trạch, hai người thù nhau, Thường-Sơn vương (Trương Nhĩ) phản Hạng-vương, đem đầu-lâu Hạng-Anh mà trốn sang với Hán-vương, nhờ quân Hán-vương xuống miền đông, giết Thành-An-Quân (Trần Dư) ở phía Nam sông Kỳ, đầu một nơi, chân một nẻo! Rút lại làm trò cười cho Thiên-hạ! Hai người ấy là hai người chơi với nhau thân nhất ở trong đời, vậy mà rút đến giết lẫn nhau là vì sao? Hại sinh ra bởi muốn nhiều điều, mà lòng người khó mà lường được! Nay ngài muốn giữ trung-tín để cầu-thân với vua Hán, tất cũng không sao bền hơn là tình bầy bạn của hai người kia! Thế mà việc thì nhiều việc lớn hơn là chuyện Trương-Áp, Trần-Trạch! Vậy nên tôi cho ngài tin vua Hán quyết không hại mình, âu cũng là lầm! Đại-phu Chủng và Phạm Lãi, làm cho nước Việt mất được lại còn, vua Câu Tiễn được nên nghiệp Bá, nên công, thành danh mà thân thì kẻ chết, người trốn! « Muông nội đã hết, chó săn sẽ giết thịt! » Kể nói về bạn bè, thì không được bằng Trương-Nhĩ với Thành-An-Quân! Nói về trung-tín, thì chẳng qua như Đại-phu Chủng, Phạm-Lãi đối với Câu-Tiễn! Cứ xem như hai người đó là đủ! Xin ngài nghĩ cho sâu điều đó! Vả lại tôi nghe: « dũng-lược át cả chủ thì khốn thân! Công lớn trùm cả đời thì mất thưởng ». Nay tôi xin kể những công-lược của Đại-Vương: Ngài sang qua Tây Hà, tóm vua Ngụy, bắt Hạ-Thuyết! Dẫn quân xuống Tỉnh-Hình, giết Thành-An-Quân! tuần đất Triệu! hiếp đất Yên! định đất Tề! sang Nam đánh gẫy quân Sở hai mươi vạn! qua Đông giết Long-Thư! quay về Tây để trả lời... Kể ra thì Công ấy trong thiên-hạ không hai, mà lược ấy không mấy đời đã có! Nay ngài đem cái oai át cả chủ, cầm cái công mất lối thưởng, về Sở, người Sở không tin! Về Hán, người Hán hoản sợ! Ngài định mang cái đó về đâu? Thế ở địa vị kẻ làm tôi mà có cái oai át cả chủ, danh cao nhất thiên-hạ! Trộm nghĩ lấy làm nguy cho ngài!
Hàn-Tín cám ơn mà rằng:
— Thày hãy về nghỉ, tôi sẽ nghĩ xem!
Sau vài ngày, Khoái-Thông lại tới, nói rằng:
— Nghe là chừng của việc mà mưu là cơ của việc... Nghe nhãng, mưu lỡ mà yên được lâu là sự ít có! Nghe xem không nhầm một, hai, thì không nên quấy rối bằng lời nói! Mưu tính không lẫn gốc, ngọn, thì không nên trộn lộn bằng văn chương... Theo những việc tôi-tớ thì mất quyền muôn-xe! Giữ món lương gánh, hộc, thì lỡ ngôi Khanh, Tướng! Cho nên quyết đoán cần cho người khôn, ngờ-vực làm hại công việc!... Rõ chước nhỏ mảy lông sẽ bỏ sót chuyện lớn trong đời! Trí ta đã biết rõ, gan ta không dám làm, trăm sự tai-hại vì thế cả! Cho nên nói rằng: « Hùm thiêng lần-lữa không bằng ong độc liều đốt! Kỳ, ký xo-ro, không bằng ngựa hèn chắc chắn bước! Mạnh-Bôn do-dự, không bằng kẻ thường đi tới nơi! Tuy khôn bằng Thuấn, Vũ, ngậm miệng không nói, không bằng kẻ câm, điếc lấy tay chỉ, vẫy! »
Lời nói ấy, biết làm mới là quý! Công là cái khó nên mà dễ hỏng! Thời là thứ khó được mà dễ mất! Thời ơi! Thời ơi! không trở lại! Xin ngài xét rõ cho!
Hàn-Tín nấn-ná không nỡ phụ Hán. Lại tự cho là nhiều công, dù sao Hán cũng không cướp nước Tề của mình, bèn từ tạ Khoái-Thông!