Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XXXIII. — Tùy-Hà thuyết Cửu-Giang-vương

XXXIII. — TÙY-HÀ THUYẾT CỬU-GIANG-VƯƠNG.

Tùy-Hà nói:

— Hán-Vương sai tôi kính dâng thư trước quan-hầu Đại-Vương! Thiết nghĩ lấy làm lạ: sao Đại-Vương thân với Sở thế?

Hoài-Nam vương nói:

— Quả-nhân còn quay mặt sang phía Bắc mà thờ làm vua nữa!

Tùy-Hà nói:

— Đại Vương cùng Hạng-Vương đều kể là vua Chư-Hầu. Quay mặt sang Bắc mà thờ, chắc cho Sở là mạnh, có thể gửi nước được! Hạng-Vương đánh Tề, mình mang lá chắn để đi trước quân lính! Đại-Vương nên chính mình làm tướng, đem hết quân Hoài-Nam, làm tiên-phong cho quân Sở! Nay lại đưa có bốn nghìn người sang giúp Sở! Quay mặt sang Bắc, làm tôi người ta mà lại thế sao? Nay Hán-Vương đánh ở Bành-Thành, Hạng-Vương thì chưa ra khỏi Tề. Đại-Vương nên quét hết quân Hoài-Nam, vượt sông Hoài để ngày đêm đánh hôi ở dưới Bành-Thành. Đại-Vương cầm hàng vạn quân, không cho một người nào qua sông Hoài, rủ áo, chắp tay, xem rồi bên nào được! Gửi nước ở người ta mà như thế sao? Đại-Vương đem cái tiếng hão quay sang Sở, mà muốn nhờ nhiều ở người ta, tôi trộm nghĩ chê hộ đại-vương điều đó! Vậy mà Đại-vương không quay lưng lại Sở vì cho Hán là yếu... Quân Sở tuy mạnh thật, nhưng thiên-hạ buộc cho tiếng bất-nghĩa, vì vua Sở trái lời thề mà giết Nghĩa-Đế! Nhưng vua Sở cậy đánh giỏi tự lấy mình làm mạnh. Vua Hán thì thu-phục Chư-Hầu, về giữ Thành-Cao, Huỳnh-Dương, đem thóc ở Thục, Hán ra; sâu hào, cao lũy; chia quân giữ các ải, các chỗ hiểm... Sở đem quân về, bị nghẽn vì đất Lương! (Bành-Việt giữ Lương, đã về với Hán, làm tuyệt đường vận lương của Sở). Vào sâu địch-quốc tám, chín trăm dậm! muốn đánh không ai đánh với! Phá thành thì sức không phá nổi! Bọn già-yếu vận lương tự ngoài nghìn dậm! Quân Sở đến Huỳnh-Dương, Thành-Cao, bên Hán giữ vững không nhúc-nhích! Sở tiến lên không được đánh! lui về không gỡ thoát! Cho nên tôi nói: Quân Sở không nhờ-cậy được đâu! Ví phỏng Sở được Hán nữa thì Chư-Hầu sẽ sợ-hãi mà cứu lẫn nhau! Cái mạnh của Sở, chỉ đủ trêu cho Thiên-hạ đem quân xúm lại! Cho nên Sở không bằng Hán, thế đó dễ trông thấy lắm. Nay Đại-Vương không đi với Hán có thế vạn-toàn, mà lại nương-nhờ vào Sở đương lúc nguy vong, tôi thiết nghĩ lấy làm ngờ hộ Đại-Vương điều đó! Không phải tôi cho quân Hoài Nam là đánh mất nổi Sở đâu! Đại vương đem quân đánh lại Sở, Hạng-vương tất lưu lại. Lưu lại vài tháng thì Hán lấy Thiên-hạ có thể vạn-toàn! Tôi xin cùng Đại-Vương chống gươm mà về Hán, vua Hán tất xé đất mà phong Đại-Vương. Kể chi Hoài-Nam, Hoài-Nam là của sẵn của Đại-Vương rồi! Cho nên vua Hán kính sai sứ-thần dâng kế dại-dột, xin Đại-vương lưu ý xét cho!