Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
V. — Phạm Lãi ba lần dời đổi...

V. — PHẠM LÃI BA LAN DỜI ĐỔI...

Phạm Lãi thờ vua việt là Câu-Tiễn, đã khổ thân nhọc sức, cùng Câu-Tiễn mưu toan hơn hai mươi năm, cho đến diệt được nước Ngô, rửa được cái nhục ở Cối-Kê. Sang Bắc, đem quân qua sông Hoài, nhòm dỏ Tề, Tấn, ra hiệu lệnh cho Trung-quốc phải tôn nhà Chu. Câu-Tiễn cầm quyền Bá-chủ mà Phạm-Lãi được tiếng Thượng-Tướng-quân. Khi về nước, Phạm-Lãi cho là dưới danh lớn, khó lòng ở được lâu. Vả lại Câu-Tiễn là người hoạn-nạn thì có nhau, nhưng yên vui thì khó lòng mà ở được! Bèn viết thư từ-biệt Câu-Tiễn rằng:

« Tôi nghe: Vua lo thì tôi phải nhọc; vua nhục thì tôi phải chết! Hồi xưa nhà vua chịu nhục ở Cối-kê, tôi sở-dĩ không chết là vì việc ấy... Nay đã rửa được nhục rồi, tôi xin chết theo tội ở Cối-Kê! »

Câu-Tiễn nói:

— Cô đương sắp chia nước cùng cai-trị với nhà thày! Không nữa, sẽ giết nhà thày đi!..

Phạm-Lãi nói:

— Vua có lệnh vua, thì tôi có ý tôi.., Bèn soạn gói các châu, ngọc và các của cải nhẹ, cùng với các đầy tớ riêng, buông thuyền vượt bể đi, suốt đời không trở lại nữa. Thế rồi Câu-Tiễn cắm núi Cối-Kê, để làm ấp thờ-phụng Phạm-Lãi.

Phạm-Lãi vượt bể sang Tề, đổi họ tên, tự gọi mình là Chi Di Tử-Bì, cầy ở bãi bể. Khổ thân cố sức, cha con cùng làm giầu. Ở không được bao lâu, của có đến mấy nghìn vạn. Người nước Tề nghe ông hiền, mời làm Tướng-quốc! Phạm-Lãi ngậm ngùi mà than rằng:

— Ở nhà thì có hàng nghìn lạng vàng; làm quan thì đến Khanh, Tướng; đó là tột bậc của kẻ áo vải. Nay lại nhận ngôi cao, không hay!

Bèn trả ấn Tướng-quốc, đem của cải cho hết cả bạn-hữu, làng xóm. Chỉ mang có những của thật quý, cất lén mà đi, sang ở đất Đào; cho nơi đó là giữa thiên-hạ, tiện đường đổi chác có không, có thể buôn mà nên giầu được. Thế rồi tự gọi mình là Đào-Chu-Công. Cha con lại đốc-thúc cầy-cấy và chăn nuôi. Mua trữ của rẻ, đợi thời bán lại, mong cái lãi một phần mười. Không bao lâu, làm nên giầu hàng mấy vạn vạn. Thiên-hạ gọi là Đào-Chu-Công.

Chu công ở Đào, sinh người con út. Khi người con út đã lớn, thì người con trai thứ của Chu-công giết người bị tù ở Sở. Chu-Công nói:

— Giết người mà chết là đáng rồi! Thế nhưng ta nghe: « con nhà nghìn vàng, không chết ở chợ ». Liền bảo người con út sang thăm anh. Lấy nghìn nén vàng, bọc vào trong đồ vải, chở bằng một cái xe bò, sai người con út đi. Con trai cả Chu-công cũng cố xin đi. Chu-công không nghe. Người con trưởng nói:

— Nhà có con cả, gọi là kẻ đốc-xuất trong nhà. Nay em có tội, Người chẳng sai con, lại sai em út. Thế ra con chẳng ra gì!

Nói rồi toan tự sát!

Người mẹ nói hộ rằng:

— Nay sai thằng út, chưa chắc đã cứu được thằng thứ sống, mà chết toi mất thằng cả trước! Biết làm thế nào?

Chu-công cực chẳng đã phải sai người con cả. Viết một phong thư, đưa cho người bạn cũ là Trang-sinh, dặn rằng:

— Đến thì dâng nghìn lạng vàng vào nhà Trang-sinh; mặc ông ta làm! Cẩn-thận! Chớ tranh khôn với ông ta!

Người con cả khi đi, cũng tự đem riêng vài trăm nén vàng sang Sở...

Trang-sinh, nhà ở kề thành ngoài, giữa đám rau cỏ. Tới cửa, coi vẻ rất nghèo... Nhưng người con cả cũng đưa thư, dâng nghìn vàng, theo như lời cha dặn. Trang-Sinh nói:

— Thôi! Anh nên đi ngay! Chớ có ở lại! Dù em ra, cũng chớ hỏi tại sao mà được tha?

Người con cả ra rồi, không lại qua Trang-sinh mà ngầm ở lại, lấy của đem riêng, dâng cho một quý nhân có quyền thế ở Sở.

Trang-sinh tuy ở một xóm hẻo lánh, song có tiếng liêm và thẳng với cả nước. Từ vua Sở trở xuống đều tôn là bậc thày... Kịp khi Chu-công đưa vàng, không phải có ý muốn nhận đâu: muốn sau khi xong việc sẽ lại đưa trả; để làm tin mà thôi! Cho nên khi vàng đưa đến, ông bảo vợ rằng:

— Đây là vàng của ông Chu! Nhớ tôi có ốm không sống được cách đêm, thì dặn sau này cũng phải đưa trả, chớ có động đến!

Nhưng con cả Chu-công không biết ý ấy, cho là chả có « mầu dài » gì!.

Trang-sinh thong-thả vào ra mắt vua Sở, nói:

— Sao mỗ đóng ở chỗ mỗ, cái đó hại cho nước Sở....

Vua Sở vốn tin Trang-sinh, liền hỏi:

— Giờ biết làm thế nào?

Trang-sinh nói:

— Chỉ có cách dùng đức là có thể trừ được nó.

Vua Sở nói:

— Thưa thày về nghỉ! Quả-nhân sẽ làm theo...

Vua bèn sai Sứ-giả niêm-phong ba kho tiền...

Quý-nhân nước Sở kinh-ngạc, bảo người con cả Chu-công rằng:

— Nhà vua sắp đại-xá!

— Thưa, sao biết ạ?

— Mỗi lần nhà vua sắp đại xá, thường cho niêm-phong ba kho tiền. Chiều qua, nhà vua sai sứ đi niêm-phong...

Người con cả Chu-công cho là: nếu đại-xá thì thế nào em cũng được tha. Tiếc nghìn vàng đem cho hão Trang-sinh không được việc gì, bèn lại ra mắt Trang-sinh. Trang-sinh giật-mình hỏi:

— Anh chưa về a?

Người con trưởng nói:

— Thưa, vẫn chưa ạ! Trước kia vì việc thằng em. Nay em nó may được hưởng lệnh xá, cho nên lại đây chào cụ để về...

Trang-sinh biết ý hắn muốn lấy lại vàng, liền nói:

— Anh vào trong nhà mà lấy-lấy vàng!

Người con trưởng liền tự vào nhà lấy vàng đem ra, lòng riêng mừng khấp-khởi...

Trang-sinh xấu-hổ vì bị đứa trẻ con đánh lừa, bèn vào ra mắt vua Sở mà nói rằng:

— Tôi trước có nói chuyện về ngôi sao mỗ. Nhà vua nói sẽ sửa đức để bù lại. Nay tôi ra đường, đâu cũng đồn rằng: Đứa con Chu-công là một nhà giầu ở Đào, giết người bị tù ở Sở. Nhà nó đem nhiều vàng bạc, đút lót các quan hầu nhà-vua. Vậy nhà-vua không phải biết thương nước Sở mà xá đâu, chỉ vì chuyện con Chu-công đó thôi!

Vua Sở cả giận mà rằng:

— Quả nhân tuy kém đức thật! Lẽ nào lại vì cớ con Chu-công mà phải ra ơn!

Liền làm án giết con Chu-Công. Ngày mai bèn xuống lệnh xá. Con cả Chu-công rút lại đưa được đám tang em trở về!.. Người mẹ và người làng đều lấy làm xót-thương. Chỉ có Chu-công cười một mình mà rằng:

— Ta đã biết thế nào nó cũng giết em nó! Không phải nó không yêu em nó đâu, nhưng có điều nó không thể rửng-rưng nổi! Nó từ nhỏ đã từng chịu khổ cùng ta, thấy việc làm ăn khó, cho nên bỏ của thì tiếc! Đến như thằng em nhỏ nó đẻ ra đã thấy ta giầu. Cưỡi xe bền, dong ngựa tốt, theo đuổi cầy, cáo, nào biết của từ đâu mà đến, cho nên phung-phí thường, chẳng tiếc rẻ gì! Hôm trước ta sở-dĩ muốn sai thằng út, chỉ là vì cớ nó biết coi thường tiền-bạc đó thôi! Thằng cả thì không biết thế, vì vậy mà làm chết em nó! Lẽ đời là thế, có gì đáng thương! Thì ngày đêm ta vẫn mong nó đưa đám tang về!

Cho nên Phạm-Lãi ba lần dời đổi mà thành danh ở đời. Không phải coi thường sự bỏ đi mà thôi, ở đâu tất nên danh đấy. Sau già chết ở Đào, cho nên đời gọi là Đào-Chu-Công.