Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời tán về truyện Tư-Mã-Thiên

LỜI TÁN VỀ TRUYỆN TƯ-MÃ-THIÊN[1]

Từ xưa làm ra chữ-nghĩa, liền có chức quan chép sử. Sách vở của họ nhiều lắm. Đến họ Khổng sắp lại: Trên từ Đường Nghiêu, dưới tới Tần Mục-công. Trước đời Đường, Ngu, tuy có sách để lại, song lời lẽ hoang-đường. Cho nên về chuyện các vua Hoàng-Đế, Chuyên-Húc, không thể xét rõ được. Sau đó thày Khổng lại nhân sử nước Lỗ, mà làm Xuân-Thu; Tả-Khâu-Minh thì bàn, nhặt các việc để phụ vào làm truyện. Lại sắp những chỗ khác hay giống nhau mà viết ra Quốc-Ngữ. Lại có sách Thế-Bản, chép dòng dõi các đế, vương, công, hầu, khanh, đại-phu, do đâu mà ra, từ đời Hoàng-Đế cho đến đời Xuân-Thu. Sau đời Xuân-Thu, bẩy nước tranh-hùng rồi Tần gồm được cả Chư-Hầu. Bèn có Chiến-Quốc-sách. Nhà Hán lên, thay Tần trị Thiên-hạ, có Hán-Sở Xuân-Thu. Cho nên Tư-Mã-Thiên cứ theo Quốc-Ngữ của họ Tả, nhặt Thế-Bản, Chiến-Quốc Sách, thuật lại Hán Sở Xuân-Thu, chép tiếp các việc về sau, cho đến đời Thiên-Hán. Chỗ nói về Tần, Hán rất rõ. Đến như cóp nhặt những việc ở Kinh, Truyện, cùng rải-rắc ở sách các nhà, thì rất nhiều chỗ sơ-lược, đôi khi lại trái ngược nhau nữa. Còn như thiệp-liệp thì rất rộng: thông suốt Kinh, Truyện; dong ruổi cổ, kim; lên xuống khoảng mấy nghìn năm, kể đã siêng vậy! Nhưng những điều chê, khen, hơi sai với ý thánh-nhân: Bàn đạo lớn thì trước Hoàng, Lão mà sau Sáu-Kinh; chép truyện du-hiệp thì đè xử-sĩ mà nâng gian hùng; thuật việc buôn-bán thì trọng thế lợi mà lấy nghèo hèn làm xấu hổ. Đó là chỗ không được sáng suốt...

Thế nhưng từ Lưu-Hướng, Dương-Hùng, đọc rộng khắp các sách, đều khen Thiên có tài của một nhà chép sử giỏi. Bầy-sắp lẽ việc thì biện-bác mà không phù-hoa, mộc-mạc mà không quê mùa. Văn viết thẳng. Việc chép đúng. Không khen hão. Không giấu lỗi. Cho nên gọi là Thực-lục. Than ôi! Lấy người nghe rộng, biết nhiều như Thiên, mà chẳng có thể lấy trí để tự giữ mình! Khi đã mắc cực hình, buồn mà phát bực. quả có như lời trong thư (Thư trả lời Thiếu Khanh)! Xem như cớ ông sở-dĩ tự-thương-tủi, cũng là loài Hạng-Bá[2] trong thơ Tiểu-Nhã... Được như lời thơ Đại-Nhã « Đã sáng lại khôn, giữ được thân mình », khó lắm thay!

Lời bình của Lâm-Tây Trọng

Tử-Trường viết văn, vốn không thể lấy mực-thước mà đo sóng được! Trong lời tán nâng rồi nén, nén rồi nâng, càng rõ cái chỗ hay của văn ông. Đến như bảo khen chê có chỗ lầm, thì lối trị-dân của Hán, vốn chuộng Hoàng, Lão, nên ông cũng không khỏi uốn theo thói đời. Khi Tử-Trường bị tội, nhà nghèo không lấy gì để tự chuộc mình ưđợc, cho nên thuật truyện buôn bán. Các bạn hữu không ai nói đỡ một câu, cho nên làm truyện Du-hiệp. Đều là có cảm mà viết cả. Thế nhưng không thể coi là lời dậy thường ngày, cho nên gọi là những chỗ không được sáng-suốt. Thế nhưng cứ xem như lời Lưu-Hướng, Dương-Hùng, thì thanh giá của nhà viết sử giỏi nguyên chẳng vì thế mà giảm... Đương chê liền khen, cũng có thể gọi là lời phán-đoán công-bằng. Cuối bài vì có bức thư trả lời Nhâm-An, nên tiếc cho không thể lấy trí mà giữ mình. Lại vì trong khi buồn tủi, gồm có cả dọng ghét đời, nên đem ví với Hạng-Bá. Rồi đó cho việc « sáng, khôn, giữ mình » là khó, cảm-khái thêm mấy lời nữa. Ý nói lưới phép là món đáng sợ, đến nỗi kẻ biết nhiều nghe rộng cũng không giữ được trọn vẹn tấm thân, đáng thương biết là bao nhiêu! Bạn đọc đừng hiểu ra ý mỉa mai, càng thấy có dư-vị...

Hết

  1. Dịch nguyên-văn của Ban-Cố sử-thần đời Hậu Hán.
  2. Hạng-Bá cũng bị thiến mà làm ra những bài thơ có ý ai-oán.