Quyền ngôn luận tự do với báo giới nghiệp đoàn

Quyền ngôn luận tự do với báo giới nghiệp đoàn  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 27 (6 Fevrier 1937), trang 1.

Cái thuyết “chánh danh” của Khổng Tử mà tôi đã nhiều lần biểu dương nó ra, thì lần nầy lại thấy phải cần đến nó nữa.

Việc thiên hạ, có lắm việc, hai bên không khác ý kiến nhau là mấy, mà chỉ vì những danh từ dùng trong đó mỗi bên cắt nghĩa một khác, hiểu một khác, thành ra hai bên phản đối nhau cả đến cái việc định làm.

Như bài xã thuyết của tờ báo nầy số trước, hiện nay có một vài bạn đồng nghiệp ở Trung Kỳ đương lo việc xin lập báo giới nghiệp đoàn, mà tôi lại phản đối: sự ấy, tôi nghĩ ra, cũng tại hai bên hiểu cái chữ “nghiệp đoàn” không giống nhau.

Hình như các bạn ấy hiểu rằng báo giới nghiệp đoàn là để binh vực cho quyền ngôn luận tự do, cho nên muốn được ngôn luận tự do thì trước phải thành lập báo giới nghiệp đoàn. Nhưng tôi thì hiểu khác. Cũng bởi sự hiểu khác ấy mà tôi không đồng ý với các bạn.

Báo Đông Dương hoạt động, một tờ tuần báo mới ra ở Vinh, trong số 3, có bài hô hào làng báo nên “thành lập liên đoàn”, toàn là phát biểu cái ý đúng như trên đó.

Nội một sự dùng chữ “liên đoàn”, đã phải cho tôi lấy làm lạ. Hiệp nhiều cái nghiệp đoàn lại mới gọi là “liên đoàn”, cớ sao đây mới mong thành lập chỉ một cái nghiệp đoàn mà đã kêu là “liên đoàn”? Vậy có phải các ông định nói về sự lập “Syndicat de la Presse” không? Nếu định nói thế, thì ta phải rập nhau kêu cái ấy là “báo giới nghiệp đoàn”, rồi nói gì hãy nói.

Báo Đông Dương hoạt động còn nói sai một điều quan hệ nữa. Muốn cho độc giả khỏi bị lầm, tôi cần phải đính chánh.

Báo ấy nói: “Các đồng nghiệp ở Nam Kỳ, cái xứ mà chế độ báo giới có lẽ còn dễ chịu gấp trăm chế độ báo giới ở hai xứ Trung, Bắc ta, mà anh em đồng nghiệp trong ấy đã lo xong việc liên đoàn (?) từ đời nào rồi...”.

Một câu ấy, thật nó lù mù quá. Đọc nó ai cũng phải nghĩ rằng báo giới ta trong Nam Kỳ đã có nghiệp đoàn rồi; nhưng sự thực, nào đã có đâu?

Ở Sài Gòn, bên báo giới người Pháp thì đã có nghiệp đoàn. Nhưng câu trên đây hẳn không chỉ vào làng báo Pháp mà chỉ vào làng báo An Nam.

Báo An Nam thì chưa hề có nghiệp đoàn nào hết. Trước đây ba năm, anh em báo giới trong ấy có lập ra một hội gọi là “Báo giới liên hữu”. Liên hữu thì có phải là nghiệp đoàn đâu, vì amicale không phải là syndicat!

Nam Kỳ tuy là thuộc địa, chứ về báo chí cũng vẫn ở dưới một chế độ như Trung, Bắc. Nào có ai hề thấy báo giới trong ấy được hưởng cái đặc quyền gì hơn ngoài này đâu? (Trừ ra các báo Trung Kỳ ở dưới pháp luật Nam triều là một trường hợp riêng không kể). Thế mà Đông Dương hoạt động dám nói chế độ trong Nam dễ chịu hơn Trung, Bắc gấp trăm, cho nên mới buột miệng nói luôn rằng có nghiệp đoàn rồi, cũng phải.

Cả bài của báo Đông Dương hoạt động, cái ý gốc ở câu nầy: “Cứ lo lập liên đoàn (?) đi đã, rồi tự nhiên mọi cái tự do ngôn luận, tự do báo chí... sẽ đến sau...”.

Rõ thật như trên đã nói, các bạn ở báo Đông Dương hoạt động cũng như ít nhiều người khác, họ hiểu rằng báo giới nghiệp đoàn là để binh vực cho quyền ngôn luận tự do, muốn được ngôn luận tự do thì trước phải thành lập báo giới nghiệp đoàn.

Tôi không hiểu như thế. Tôi hiểu rằng tự do ngôn luận là một việc khác, còn báo giới nghiệp đoàn là một việc khác.

Quyền tự do ngôn luận, theo tôi hiểu, là một quyền trong các thứ dân quyền; muốn cướp được quyền ấy thường phải trải qua một cuộc chánh trị cách mạng; việc ấy là việc thuộc về vấn đề chánh trị. Còn báo giới nghiệp đoàn cũng như nghiệp đoàn của những nghề khác, nó chỉ là cái cơ quan để binh vực quyền lợi của một đoàn thể cùng làm một nghề nghiệp giống nhau; việc ấy là việc thuộc về vấn đề kinh tế.

Tôi không tin rằng cứ lập nghiệp đoàn đi rồi sự tự do ngôn luận sẽ đến sau. Tôi chỉ tin rằng hễ có nghiệp đoàn thì những người làm báo sẽ không bị các chủ báo bạc đãi hay áp chế.

Tôi không tin rằng quyền tự do ngôn luận sẽ nhờ báo giới nghiệp đoàn mà có. Tôi chỉ tin rằng cái quyền ấy có bởi hiến pháp, và hiến pháp có bởi sức mạnh, và dân ta hiện chưa có cái sức ấy thì hãy khoan nói chuyện ngôn luận tự do.

Tôi cho sự đi xin quyền ngôn luận tự do là một sự vô lý, cho nên tôi không tán thành. Nhưng nếu, như có nói ở bài xã thuyết số trước, đi xin với một cách vừa phải, để có hy vọng người ta cho mình được, thì tôi cũng đồng ý mà đi xin với.

Đến chuyện lập báo giới nghiệp đoàn, nếu cái thực cho đúng với cái tên nó thì chỉ có những người làm trong các nhà báo lập với nhau và ngoại các chủ báo ra; tôi hiện nay đã nhỡ làm chủ báo, quyền lợi trái nhau, có lẽ nào tôi vào với họ được? Trừ ra khi nào chỉ có cái danh nghiệp đoàn mà cái thực là liên hữu hay tương tế, cũng như báo giới nghiệp đoàn của người Pháp ở Sài Gòn, tiếng là syndicat mà thực thì không khác amicale hay mutuelle, thì khi ấy, các chủ báo và các người làm báo mới có thể chung nhau.

Đó, về quyền ngôn luận tự do với báo giới nghiệp đoàn, các bạn hiểu là thế, mà tôi hiểu là thế, nên mới có sự tương phản. Tôi tưởng nếu người ta cũng hiểu như tôi thì người ta cũng sẽ lấy đồng một thái độ như tôi vậy.

PHAN KHÔI