Quốc văn trích diễm/Truyện, ngâm
TRUYỆN, NGÂM
Các truyện nôm của ta làm theo thể lục-bát, hoặc biến thể lục-bát; còn các ngâm-khúc làm theo thể song-thất lục-bát.
I. Thể lục-bát. — Lục-bát nghĩa đen là sáu tám. Phép đặt câu theo thể này cứ lần lượt một câu sáu chữ lại một câu tám chữ, muốn đặt dài bao nhiêu cũng được.
Phép hạ vần thì cứ chữ cuối câu trên phải vần với chữ sáu câu dưới; bốn câu có ba vần thành ra một đoạn nhỏ.
Âm-điệu thì bắt đầu hai tiếng bằng, rồi lần lượt đến hai tiếng trắc lại đến hai tiếng bằng, v. v. Trừ có chữ cuối câu tám đáng trắc lại đặt bằng để hiệp theo vần bằng. Còn chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm theo phép « nhất, tam, ngũ bất luận » không cần phải theo đúng điệu.
Trích lục mấy câu truyện Kiều làm mẫu:
Trăm năm trong cõi người ta (v. 1)
Chữ tài chữ mệnh khéo là (v. 1) ghét nhau (v. 2)
Trải qua một cuộc bể dâu (v. 2)
Những điều trông thấy mà đau (v. 2) đớn lòng (v. 3)
II. Thể song-thất lục-bát (hay lục-bát gián-thất). — Cách đặt câu cứ hai câu bảy chữ rồi đến một câu sáu và một câu tám, cứ thế mà đặt dài mãi ra.
Cách hiệp vận thì chữ cuối câu bảy trên vần với chữ năm câu bảy dưới, rồi chữ cuối câu bảy dưới vần với chữ cuối câu sáu; chữ cuối câu sáu lại vần với chữ sáu câu tám (theo như thể lục-bát.) Bốn câu có bốn vần thành một đoạn nhỏ. Đặt sang đoạn sau thì chữ cuối câu tám ở đoạn trên lại bắt vần với chữ năm câu bảy ở dưới.
Âm điệu hai câu bảy thì phải làm sao cho chữ cuối câu bảy trên là tiếng trắc mà chữ cuối câu bảy dưới là tiếng bằng. Đại loại thường câu bảy trên hai tiếng 2, 3 đặt trắc trắc rồi đến hai tiếng bằng để hạ xuống vần trắc; đến câu bảy dưới hai tiếng 2, 3 lại đặt bằng bằng, rồi đến 2 tiếng trắc để hạ xuống vần bằng.
Trích lục mấy câu Cung-Oán làm mẫu:
Chải vách quế gió vàng hiu hắt (v. t. 1),
Mảnh vũ y lạnh ngắt (v. t. 1) như đồng (v. b. 2)
Oán chi những khách tiêu phòng (v. b. 2),
Mà đem phận bạc nằm trong (v. b. 2) má đào (v. b. 3).
Duyên đã may cớ sao (v. b. 1) lại rủi (v. t. 2),
Nghĩ nguồn cơn dở dói (v. t. 2) sao đang (v. b. 3).
Vì đâu nên nỗi dở dang (v. b. 3),
Nghĩ mình mình lại nên thương (v. b. 3) nỗi mình (v. b. 4).
III. Biến-thể lục-bát. — Thể này tức cũng là thể lục-bát hơi thay đổi một chút, vì thuỷnh-thoảng chữ cuối câu sáu lại vần với chữ thứ tư (chứ không phải chữ thứ sáu) câu tám. Tức như thể truyện Quan-Âm, Phạm-Công, v. v.
Trích lục mấy câu Quan-Âm làm mẫu:
Này sự con vua thủy-thần,
Thái-tử đi tuần đội lốt lý ngư.
Đi nhầm mắc lưới vẩn-vơ,
Chẳng chậm một giờ đao thớt phải sa.