Quốc văn trích diễm/Nguyễn Đình Chiểu

Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
Nguyễn Đình Chiểu

NGUYỄN-ĐÌNH-CHIỂU 阮 廷 炤

Tục thường gọi là cụ Đồ-Chiểu, người làng Tân-khánh, huyện Bình-dương, tỉnh Gia-định trong Nam-kỳ; đậu tú-tài năm Thiệu-Trị thứ ba (1863). Chẳng may được ít lâu mắc đau, mù cả hai con mắt, cụ mới mở trường dạy học-trò ở tỉnh Biên-hòa, nhiều người nghe tiếng cụ đến theo học đông lắm.

Hồi quân Pháp sang đánh Nam-kỳ, cụ cũng theo các thân sĩ trong ấy chống cự lại, nay đây mai đó thật là gian-truân. Sau yên ổn rồi, cụ lại về Bến-tre lập một trường học, sinh-đồ càng ngày càng đông.

Nhà-nước biết cụ là người có tài mà chẳng may gặp cảnh khổ, định cấp cho cụ một số tiền để dưỡng lão, song cụ từ chối không lĩnh.

Về sau cụ ngày một yếu thêm, mắt đã mù tai lại điếc, thật là khối óc tinh anh phải giam hãm trong tấm thân tàn-tật; đáng ái ngại thay!

Những lúc nhàn-hạ, cụ bảo học-trò đọc cho nghe quyển truyện Tây-Minh của Tàu, nhân thấy có nhiều cảnh-ngộ thảm thương tựa thân-thế mình, cụ bèn theo đấy mà soạn thành quyển truyện Lục-vân-Tiên.

LỤC-VÂN-TIÊN

Truyện này là một quyển luân-lý tiểu-thuyết, cốt dạy người ta đạo làm người. Ngay đoạn mở đầu cụ đã nói rõ cái chủ-ý truyện:

Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu sửa mình.

Cụ muốn đem gương người xưa mà khuyên người ta về đường cương-thường đạo-nghĩa, trong truyện cụ khéo phản chiếu kẻ hay người dở, kẻ thiện người ác, mà kết cấu thành ra kẻ hay người thiện dù có gặp nỗi gian-truân khổ-sở, sau cũng được phần vinh-hoa sung-sướng, mà kẻ dở người ác dù có lúc giầu sang rực-rỡ, rút cục lại cũng đến tội vạ khốn cùng, để khuyên người ta nên:

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.

Đại lược truyện có thể chia ra làm 4 đoạn như vầy:

I. — Nguyên Lục-vân-Tiên, là một người học-trò có nết, có tài, con nhà phúc-hậu, đã đính-hôn với Vũ-thái-Loan, nhân gặp khoa thi, lên kinh-đô để kịp ngày vào trường. Lúc đi đường gặp nàng Kiều-nguyệt-Nga bị đảng giặc bắt, chàng bèn ra tay gỡ nàng thoát nạn. Sau hai bên từ-biệt nhau, nàng về nơi lỵ-sở nghiêm-đường, chàng đến chốn kinh-kỳ để kịp ngày vào thi.

II. — Chàng vừa đến nơi, chợt nghe tin thân-mẫu mất, vội vàng lìa chốn khoa-trường về nhà chịu tang. Đi đường vì nỗi đau buồn thụ bệnh mắt mù, đã gặp bọn dung-y pháp-sĩ lừa dối, tiền mất tật mang, lại gặp người bạn bất lương lập mưu hại. Sau tìm tới nhà nhạc-gia thì đã không cứu giúp lại sinh lòng nham-hiểm đem bỏ vào hang sâu. Sau may gặp một tiều-ông cứu ra, rồi gặp bạn hiền đem đến ở một ngôi chùa.

III. — Về phần Kiều-nguyệt-Nga, vì có một tên nịnh-thần muốn ép duyên không chịu, nhân có giặc Phiên sang quấy nhiễu, tên ấy bèn tâu với vua Sở bắt nàng sang cống vua Phiên. Nàng định thủ tiết, đi nửa đường đâm đầu xuống sông tự vẫn. May gặp ngư-ông quăng lưới vớt lên, sau đến ở một cái chùa.

IV. — Lục-vân-Tiên sau nhờ có thuốc tiên uống khỏi mắt, về nhà thăm nghiêm-đường, thăm Kiều-công (cha Nguyệt-Nga), rồi gặp khoa đi thi đỗ (đậu) trạng-nguyên; nhân có giặc Phiên lại sang quấy nhiễu, vua sai đi đánh, giặc thua tan. Lúc về chợt gặp Kiều-nguyệt-Nga ở chùa, hai bên nhận nhau, rồi lại được xum-họp một nhà. Sau nhân vua không có con, mới truyền ngôi cho Lục-vân-Tiên, thật là vinh-quang sung sướng. Còn như bọn gian-nịnh tham-ác trước đều bị tội vạ cực khổ cả.

Lời văn truyện này bình thường giản-dị, dù không có tài điêu-luyện như văn truyện Kiều, có giọng réo-rắt như văn Cung-Oán, nhưng cũng chải-chuốt thanh-tao, cũng là một áng văn hay trong nền quốc-âm ta.