Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
78 — Kiều nặng tình Kim-Trọng dặn em thay lời của Nguyễn Du

78 — KIỀU NẶNG TÌNH KIM-TRỌNG DẶN EM THAY LỜI

TIỂU DẪN. — Thúy-Kiều sau khi đã gắn bó với Kim-Trọng rồi, sẩy gặp gia-biến: cha nàng là Vương-ông bị vu oan phải bắt giam. Muốn cứu cha tất phải có tiền mà trong nhà khánh-kiệt, nàng mới quyết chí bán mình để chuộc tội cho cha. Đoạn này là chỗ nàng sắp từ biệt nhà để đi theo Mã-giám-Sinh là người đã mua mình, nhớ đến lời ước cũ với tình-nhân không thể đành lòng, mới dặn em thay mình mà lấy Kim-Trọng.

Một mình nàng ngọn đèn khuya,
Áo đầm giọt lệ, tóc xe mái sầu.
« Phận rầu, rầu vậy cũng rầu,
« Xót lòng đeo-đẳng, bấy lâu một lời!
« Công trình kể biết mấy mươi!
« Vì ta khăng-khít cho người dở-dang!
« Thề hoa chưa ráo chén vàng,
« Lỗi thề thôi đã phũ-phàng với hoa!
« Trời Liêu 1 non nước bao xa!
« Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà từ tôi!
« Biết bao duyên nợ thề bồi!
« Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?
« Tái sinh chưa dứt hương thề,
« Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai 2!
« Nợ tình chưa trả cho ai,
« Khối tình 3 mang xuống tuyền-đài chưa tan! »
Niềm riêng, riêng những bàn-hoàn,
Dầu chong 4 trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.
Thúy-Vân chợt tỉnh giấc xuân,
Dưới đèn ghé đến ân-cần hỏi-han:
« Cơ trời dâu bể đa đoan,
« Một nhà để chị riêng oan một mình!
« Cớ gì ngồi nhẫn tàn canh,
« Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây? »
Rằng: « Lòng đương thổn-thức đầy,
« Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong.
« Hở môi ra cũng thẹn thùng,

« Để lòng thì phụ tấm lòng với ai!
« Cậy em, em có chịu lời,
« Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
« Giữa đường đứt gánh tương-tư,
« Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em.
« Kể từ khi gặp chàng Kim,
« Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề 5.
« Sự đâu sóng gió bất kỳ!
« Hiếu tình có dễ (lẽ) hai bề vẹn hai!
« Ngày xuân em hãy còn dài,
« Xót tình máu mủ, thay lời nước non;
« Chị dù (dầu) thịt nát, xương mòn,
« Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây!
« Chiếc thoa (vành) với bức tờ mây 6.
« Duyên này thì giữ vật này của chung;
« Dù em nên vợ nên chồng,
« Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên.
« Mất người còn chút của tin,
« Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
« Mai sau, dù có bao giờ,
« Đốt lò hương ấy, xe tơ phím này;
« Trông ra ngọn cỏ lá cây,
« Thấy hiu-hiu gió, thì hay chị về.
« Hồn còn mang nặng lời thề,
« Nát thân bồ-liễu 7 đền nghì trúc-mai.
« Dạ-đài 8 cách mặt khuất lời,
« Vẩy xin chén nước cho người thác oan!
« Bây giờ trâm gẫy gương tan,
« Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
« Trăm nghìn gửi lạy tình-quân,
« Tơ duyên ngắn-ngủi[1] có ngần ấy thôi;
« Phận sao phận bạc như vôi?
« Đã đành nước chảy hoa trôi nhỡ-nhàng[2].
« Ối Kim-lang! hỡi Kim-lang!
« Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây! »

CHÚ THÍCH. — 1. Là Liêu-dương, quê Kim-Trọng. — 2. Thân trâu ngựa: theo phép luân-hồi thời những người nào lúc sống mắc nợ ai mà chưa trả được thì đến kiếp sau phải hóa làm trâu ngựa để trả nợ cũ; trúc mai là cây trúc cây mai là hai thứ cây thường đi với nhau trong các bức họa của Tàu; đây nói người tình-nhân đã gắn bó với mình. — 3. Điển cũ: xưa có một người con gái phải lòng người lái buôn, ốm tương-tư chết. Lúc đem hỏa-táng, xương thịt cháy cả, duy trong bụng còn một cục không cháy; đến lúc người lái buôn đến khóc, nước mắt chảy xuống, cục ấy mới tan ra huyết. — 4. Tiếng đường trong nghĩa như giong: đèn thắp mãi đến lúc hết dầu, đáy đĩa phơi ra. — 5. quạt ước: cái quạt trao cho nhau để làm tin; chén thề: chén rượu cùng nhau uống để thề. — 6. Là tờ giấy viết thư có vẽ mây của người Tàu. — 7. Là cây bồ (cói), cây liễu, ví với thân người đàn bà yếu ớt. — 8. Là đền đêm, tức là âm-phủ.

   




Chú thích

  1. Ngủn. —
  2. Lỡ-làng.