55. — ÔNG PHỖNG ĐÁ

Mưỡu

Người đâu tên họ là gì?
Khéo thay chích-chích chi-chi nực cười.
Giang tay ngửa mặt lên trời,
Hay là còn nghĩ sự đời chi đây?

Nói

Trông phỗng đá lạ lùng muốn hỏi:
Cớ làm sao len-lỏi đến chi đây?
Hay tưởng trông cây cỏ nước non này?
Chí cũng rắp chen chân vào hội Lạc 1?
Thanh-sơn tự tiếu đầu tương hạc,
      靑 山 自 笑 頭 將 鶴
Thương-hải thùy tri ngã diệc âu 2?
      滄 海 誰 知 我 亦 鷗
Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu,
Túi vũ-trụ mặc đàn em sau gánh vác.
Duyên kỳ-ngộ là duyên tuổi-tác,
Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác,
Cuộc tỉnh say say tỉnh cùng nhau.
Nên chăng đá cũng gật đầu!

Nguyễn-Khuyến[1]

CHÚ THICH. — 1. Tức là hội Lạc-xã kỳ-anh là hội các ông già về đời nhà Tống. — 2. Nghĩa hai câu thơ: núi xanh tự cười đầu ta sắp trắng như lông con hạc, ý nói đầu đã bạc; bể (biển) biếc nào hay ta cũng là con chim âu (giống vịt nước hai bên đầu có hai chòm lông: mũ ni các cụ già đội cũng có hai miếng vải hai bên để che tai); ý nói cảnh già.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Trong bài này tác giả muốn tả ý-chí gì? Tác-giả mượn vật gì để tả cái ý-chí ấy?

2. Bốn câu mưỡu tả gì? Tác-giả tả ông phỗng đá chú trọng về điều gì? Tại sao vậy?

3. Tác-giả thấy phỗng đá liền thổ lộ cái ý-chí gì của mình ra? Cách chuyển ý có tự-nhiên không?

4. Hai câu thơ cốt nói ý gì?

5. Cái quan-niệm về sự nhàn của các cụ ta thế nào? Cái quan-niệm ấy đối với tình-thế ngày nay có thích-hợp không?

6. So bài này với bài họa lại của ông Phan-văn-Ái.

II. Lời văn. — 1. Chích-chích chi-chi: 4 chữ ấy nói ý gì? — Hội Lạc là hội gì? — Chuyện đâu đâu là những chuyện gì? — Vũ-trụ: nghĩa đen hai chữ ấy. — Túi vũ-trụ nói ý gì? — Duyên kỳ-ngộ là duyên gì? — Cuộc tỉnh say là cuộc gì? sao gọi thế?

2. Cách bố-cục bài hát nói này có trúng cách không? Nói qua về thể-cách một bài hát nói chính-thức

   




Chú thích

  1. Coi tiểu-truyện tác-giả trang 20.