14. — KHÓC BẰNG-PHI

TIỂU DẪN. — Thị Bằng là một người cung-phi của vua Tự-Đức. Lúc nàng mất, ngài làm bài thơ này.

Ớ thị Bằng ơi! đã mất rồi!
Ớ tình, ớ nghĩa, ớ duyên ôi!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi. 1
Đập cổ-kính 2 ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn-y 3 lại, để dành hơi.
Mối tình muốn dứt, càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

CHÚ THÍCH. — 1. Hai câu này tả cái dáng-điệu của nàng khi còn sống, ăn nói khéo-léo như chim oanh, đứng ngồi mềm-mại như cây liễu. — 2. Là cái gương (kiếng) cũ nàng vẫn soi. — 3. Là cái áo nát nàng mặc trước.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Bài thơ này về thể gì? Đức Tự-Đức nhân việc gì mà làm bài thơ này và cốt tả ý gì?

2. Tình, nghĩa, duyên: sao lại dùng ba chữ ấy mà than? Thử giải-thích ba mối liên-lạc ấy.

3. Hai câu thực ngài tả gì? Có phải một câu nói về ngôn và một câu nói về dung không?

4. Hai câu luận ngài nói ý gì? Cách tả tình trong hai câu thơ ấy có khéo không?

5. Ý câu kết có tự-nhiên không?

II. Lời văn. — 1. Chim oanh cây liễu có cái gì đặc-sắc nhất? Nói công-dụng hai chữ ấy trong văn ta và văn Tầu. — Nghĩa chữ dứt, chữ bận trong bài này? Hai chữ ấy có ăn với chữ mối tình ở trên không?

2. Nhặt (lặt) mấy câu hoặc mấy chữ trong bài này mà chứng giải rằng bài thơ này có giọng thống-thiết.