Quốc văn trích diễm/137
137 — SỐNG CHẾT MẶC BAY
(Tả-chân tiểu-thuyết)
Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị-hà lên to quá; khúc đê làng *** thuộc phủ *** xem chừng núng thế lắm, không khéo thì vỡ mất.
Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức gìn giữ, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì-bõm dưới bùn lầy, ngập quá khỉu chân, người nào người ấy, lướt-thướt như chuột lột. Tình cảnh này trông thật là thảm.
Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao-xác, gọi nhau sang-hộ, nhưng xem chừng ai ai cũng đã mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời mưa vẫn tầm-tã trút xuông, dưới sông thời nước cuồn cuộn bốc lên. Than ơi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại với thế nước! Lo thay! nguy thay! Khúc đê này hỏng mất!...
Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu mà đối với sức mưa to nước lớn, để bảo-thủ lấy tánh-mạng, gia-tài; thế thời quan cha mẹ ở đâu?
Thưa rằng: Đang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững trãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.
Trong đình, đèn thắp sáng chưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập mới kê ở gian giữa, có một mình quan phụ-mẫu, uy-nghi chễm-chện ngồi. Xung quanh sập bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan, thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội-nhất, thầy thông-nhì, sau hết giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh-tổng sở-tại cùng ngồi hầu bài.
Ngoài kia tuy mưa gió ầm-ầm, dân phu rối-rít; nhưng trong này xem chừng tĩnh-mịch nghiêm-trang lắm, trừ quan phụ-mẫu ra mọi người không ai dám to tiếng. So với cái cảnh trăm họ đang vất-vả lấm-láp, gội gió tắm mưa, như đoàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn-nhã, đường-bệ, nguy-nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới; người nhà, lính lệ khoanh tay sắp hàng, nghi-vệ tôn-nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ-mẫu gọi: « Điếu, mày! » tiếng tên lính thưa: « Dạ »; » tiếng thầy Đề hỏi: « Bẩm, bốc? » tiếng quan lớn truyền: « Ừ. » Kẻ này: « Bát-xách... Ăn, » người kia: « Thất-văn... Phỗng, » lúc mau lúc khoan, ung-dung êm-ái, khi cười, khi nói, vui-vẻ dịu-dàng. Thật là tôn-kính, xứng đáng với một vì phúc-tinh...
Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọc, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang trời dậy đất. Mọi người đều giật nẩy mình, duy quan vẫn điềm-nhiên, chỉ lăm-le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.
Có người khẽ nói:
— Bẩm, đê có khi vỡ!
Ngài cau mặt gắt rằng:
— Mặc kệ!
Rồi ngài xếp bài lại, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình, bảo thầy đề-lại:
— Có ăn không thì bốc chứ!
Thầy đề vội vàng:
— Dạ, bẩm bốc.
Vừa lúc đó, thì tiếng người kêu rầm-rĩ, càng nghe càng lớn. Lại có tiếng ào-ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.
Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn-nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm-láp, tất-tả chạy xông vào, thở không ra lời:
— Bẩm....... quan-lớn,..... Đê vỡ rồi!
Quan lớn đỏ mặt, tía tai, quay ra, quát rằng:
— Đê vỡ rồi!..... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?...... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng-xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
— Dạ, bẩm......
— Đuổi cổ nó ra!
Ngài quay vào, hỏi thầy đề:
— Thầy bốc quân gì thế?
— Dạ, bẩm con chưa bốc.
— Thì bốc đi chứ!
Thầy đề, tay run cầm-cập, thò vào đĩa nọc, rút một con bài lật ngửa, xướng rằng:
— Chi-chi!
Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:
Đây rồi!..... Thế chứ lại!
Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười vừa nói:
— Ù! Thông tôm, chi-chi nẩy!..... Điếu mày!.....
· | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · |
Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh-láng, soáy thành vực sâu, nhà cửa chôi băng, lúa má ngập hết: kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh-đênh mặt nước, chiếc bóng bơ-vơ, tình-cảnh thảm sầu, kể sao cho siết!
CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Thế nào gọi là tả-chân tiểu-thuyết? Bài này cốt tả tình-cảnh gì? — Cách kết-cấu bài này thế nào?
2. Trong bài này tác-giả đem hai cảnh gì đối với nhau? Hai cảnh ấy trái ngược nhau thế nào?
3. Đọc xong bài này cảm-giác cùng tư-tưởng anh thế nào?
II. Lời văn — 1. Cắt nghĩa những chữ núng, cừ. — Lướt thướt như chuột lột: sao nói thế? — Trống liên thanh, ốc vô hồi: nghĩa gì? — Nghĩa chữ sang hộ? — Quan cha mẹ, quan phụ mẫu: nói ai? Sao gọi thế? — Nói qua về những danh hiệu: thầy đề, đội nhất, thông nhì, lính lệ. — Cắt nghĩa những tiếng dùng trong cuộc đánh bài: bốc, ăn, phỗng, ù, chờ v. v, — Phúc-tinh: nghĩa đen, nghĩa bóng
2. Trích trong bài văn này những đoạn nào đặc sắc nhất để chứng giải rằng bài này tả thực rất khéo. — Nhặt (lặt) những câu nào mô tả cái tâm-địa ông quan rõ rệt nhất.
Tác-giả có bình-phẩm gì đến hạnh-kiểm ông quan nói trong bài này không? Cứ cách tự-thuật trong truyện thì cái ngụ-ý của tác-giả có nẩy ra không?