Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
135 — Cái cách cạnh-tranh của người mình của Dương Bá Trạc

135 — CÁI CÁCH CẠNH-TRANH CỦA NGƯỜI MÌNH

Cạnh-tranh là một cái tính phổ-thông của nhân-loại; mà cái mục-đích cạnh-tranh, suốt xưa nay, khắp muôn nước, cũng tóm lại chỉ có hai điều: Một là cạnh tranh vì danh, hai là cạnh tranh vì lợi; song, danh có cái danh thực, cũng lại có cái danh hư; lợi có cái lợi to, cũng lại có cái lợi nhỏ; nên cái kết quả cạnh tranh, có cái hay, cũng lại có cái dở khác nhau. Cạnh-tranh vì cái danh thực, cái lợi to, thì càng cạnh tranh bao nhiêu, càng gây nên được những công-nghiệp vĩ đại, càng thu hoạch được những quyền lợi rộng lớn bấy nhiêu, mà nhân cách của mình nhờ đó mà càng tôn quí, nước nhà của mình nhờ đó mà càng thịnh vượng, nhân-loại của mình nhờ đó mà càng tiến-hóa thêm. Nếu cạnh-tranh vì cái danh hư, cái lợi nhỏ thì càng cạnh-tranh chừng nào, càng nuôi nên cái xấu đê hèn đểu-dả, càng bỏ mất cái mối lợi to tát xa xôi chừng nấy mà nhân cách của mình bị thế mà càng thấp kém, nước nhà của mình bị thế mà càng suy-sút, nhân loại của mình bị thế mà không khỏi thoái-hóa có ngày.

Ta thử xét xưa nay những bực danh nhân kiệt-sĩ, kẻ đua tài, người chọi sức, day tay mắm miệng, làm nên được những sự-nghiệp phi thường, phúc dân lợi nước, để dấu thơm muôn thuở, bia đá tượng đồng, chẳng là vì cái danh thực mà cạnh-tranh đấy ư? Lại thử xem những bực phú-hào bên các nước Âu, Mỹ, mở những nơi công xưởng hàng mấy vạn người làm công, lập những cửa hàng buôn hàng mấy trăm triệu tiền vốn, cắm những con đường xe-lửa hàng mấy ngàn ki-lô-mét, trăng những dây điện thông tin hàng mấy muôn hải-lý, khẩn những cánh đồng hoang hàng mấy tỉnh một, nuôi những loài súc sản hàng mấy triệu con, xí lấy những cái cù-lao mới ở tận giữa biển khơi, dành lấy những cái khoáng huyệt lớn ở tận ngoài nước khác, làm nên cho dân được thịnh, nước được giầu, chẳng là vì một cái lợi to mà cạnh-tranh đấy ư?

Nay hỏi đến cách cạnh-tranh của người mình thế nào? Đi học thì cạnh-tranh nhau cầu cho được lương hậu bổng nhiều mà trí-thức rộng hẹp, phẩm-hạnh thấp cao, lại không hề cạnh-tranh đến. Làm quan thì cạnh-tranh nhau cầu cho được tiền nhiều chức lớn, mà đạo-đức tốt xấu, chính-tích hay hèn, lại không hề cạnh-tranh đến. Ở trong làng thì cạnh-tranh nhau chỗ ăn chỗ ngồi, ngôi trên ngôi dưới, ngoài cái đó không hề so sánh hơn thua, ai thiện ai ác, ai hiền ai ngu nữa. Ra ngoài đường thì cạnh-tranh nhau kẻ khó người giầu, manh quần tấm áo, ngoài cái đó không hề phân biệt nhân-phẩm ông hay là thằng, bà hay là con nữa. Làm ruộng thì cạnh-tranh nhau tấc ruộng thước vườn, mẩu bờ tí nước, mà đến những đồng bãi mông mênh kể hàng ngàn hàng muôn mẫu thì có ai nhìn. Buôn bán thì cạnh-tranh nhau luồn lỏi mua cho được, mánh-khóe bán cho trôi, mà đến những đại-tôn giao-dịch kể trăm thứ ngàn thứ hàng thì có ai biết. Làm thợ thì cạnh-tranh nhau bán rẻ phá giá, làm điêu đỡ công, mà chưa từng có được một cái đoàn-thể đồng-nghiệp cho hẳn-hoi, để khoáng-trương lợi ích. Ấy sự cạnh-tranh của người mình, toàn có một cái mục-đích nhỏ-nhen hèn-hạ như thế cả; như thế mà cạnh-tranh cũng hăng-hái dữ-tợn quá cũng chẳng khác gì người các nước họ cạnh-tranh vì cái danh thực cái lợi to.

Nay phải đổi cái mục-đích thấp hèn mà đem hết cái sức cạnh-tranh hăng-hái dữ-tợn của mình về cái danh thực, cái lợi to, là cái danh của các bực danh-nhân kiệt-sĩ xưa nay, cái lợi của các bực phú-hào bên Âu, Mỹ. Tây-triết đã có câu: « Cạnh-tranh là mẹ tiến-hóa. » Cạnh-tranh không phải là một tính xấu, xấu hay tốt là cốt ở cái mục-đích cạnh-tranh cao thấp lớn nhỏ thế nào vậy.

(Giở lên hai bài, trích ở quyển Tiếng gọi đàn)