Quốc văn trích diễm/Ôn Như Hầu
ÔN-NHƯ HẦU 溫 如 侯
Ông Ôn-Như hầu là người soạn tập Cung-oán ngâm-khúc, chỉ truyền lại cái tước như vậy mà không biết tên họ sự nghiệp ông thế nào. Hình như ông ở về đời Lê, ý hẳn là người thông minh tài giỏi, trước được vua yêu dùng, sau vì vua nghe kẻ nịnh-thần gièm pha mà chán bỏ, nên mới mượn lời người cung-phi có tài-sắc mà phải ruồng bỏ, để thổ-lộ tâm sự mình ra, nên lời ai oán, giọng âm-thầm, như réo như rắt vậy.
CUNG-OÁN NGÂM-KHÚC
Khúc này làm theo lối lục-bát gián-thất là lời của một người cung-phi có tài sắc mà phải vua chán bỏ, than thở về phận mình, chia làm 5 đoạn, đại ý nói rằng:
I. — Kiếp má hồng thường hay phải mệnh bạc. Mình nguyên là một người con gái đủ cả tài sắc làm cho ai cũng phải mê mệt ngấp-nghé, chắc là duyên phận mình may-mắn sung sướng đến đâu.
II. — Nhưng nghĩ đến kiếp người thì như bóng phù-du, như giấc chiêm-bao, nghĩ đến cuộc đời thì như bến mê, như bể (biển) khổ, trăm chiều cay đắng, nghìn nỗi xót xa. Nghĩ đến thế mà cũng không muốn vào cuộc đời làm gì cho nhọc-nhằn tấm thân, đau khổ tấm lòng, thà rằng mượn cảnh Phật tu-hành cho thân được nhàn-hạ, lòng được thảnh-thơi.
III. — Nào ngờ trời lại không để cho yên! Lại phải kén làm cung-phi, thôi thì cung đàn tiếng địch, gối phượng chăn loan, thật là phỉ nguyền đẹp duyên, bõ công trang điểm.
IV. — Nào ngờ một ngày một nhạt (lạt), sau vua đam mê nơi khác không nhìn-nhõ gì đến mình, để đến nỗi chăn đơn gối chiếc, cửa mốc sân rêu, nỗi buồn bực kể sao cho xiết.
V. — Thấy thế thật sinh lòng chán nản, chả muốn tơ tưởng đến việc chồng con gì nữa. Sợ đến khi vua có lòng nghĩ lại thì giữ làm sao cho được môi son má hồng như xưa.