Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa

Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa  (1925) 
của Phan Châu Trinh

Đây là bài diễn văn của cụ Phan Châu Trinh vào cuối năm 1925 tại Sài Gòn, sau khi Pháp thấy cụ gần chết vì lao phổi nên đưa cụ từ Pháp về Sài Gòn (để chết), Chân Phương ấn quán xuất bản ở Hà Nội năm 1926.

BÀI DIỄN THUYẾT

QUÂN-TRỊ CHỦ-NGHĨA

DÂN-TRỊ CHỦ-NGHĨA

của cụ

TÂY-HỒ
Phan-Châu-Trinh
Diễn tại Saigon cuối năm 1925.

« Đem đàng trỏ lối nấy cho ai?
« Dẫu mỏi gối chai vai ta há rúng!.....»...

(Hai câu này trích lục trong bài ca ở bộ giai-nhơn
kỳ ngộ của cụ, bộ ấy sắp in.)

Giá: 0$10

HANOI
CHÂN-PHƯƠNG ẤN-QUÁN
1926

BÀI DIỄN-THUYẾT
của cụ
PHAN TÂY-HỒ
nói về
Quân trị chủ-nghĩa (tức là nhân trị)

Dân trị chủ nghĩa (tức là pháp trị)

Thữa các anh-em chị-em đồng bào,

Từ khi tôi biết cái học mới đến bây giờ, thì trong trí tôi bức-tức, ngậm-nghĩ lấy làm lạ quá. Lạ vì trong xứ Á-đông nầy có 4 nước đồng văn, mà đều sùng cái chánh-thể Quân chủ, đều sùng-thượng nho giáo, (còn nước Lưu-cầu thì nhỏ quá không kể). Vậy làm sao mà từ hồi cái văn-minh bên Âu-châu tràn sang cõi Á-đông đến nay thì chỉ có người Nhật-Bản bỏ ngay cái học cũ mà theo lối mới, thì sự giàu-mạnh trông thấy liền trước mắt, chừng trong bốn năm mươi năm mà đã sánh vai với liệt-cường. (nay đã khôi-phục lại những cái học cũ cũng là tự-nhiên) Còn nước Xiêm ở gần bên ta, thì nó chẳng có đạo nho gì hết, nó chỉ có đạo Phật mà thôi, mà nay nó cũng đứng vào hạng vạn-quốc bình đẳng, Tại làm sao mà được như thế?

— Chẳng có sự gì lạ; hễ người Anh lại. nó cũng cho vào, người Pháp lại nó cũng cho vào, người Mỹ người Đức lại nó cùng đãi tử-tế, để nó theo học cái hay của mấy nước đó.

Chỉ chừa ra có ba nước là nước Tàu, nước Cao-ly và nước ta, dân thì nghèo, nước thì yếu, cái phần người dốt-nát thì chiếm đến 80 phần trăm (80.100). Còn gọi là thượng-lưu trung-lưu, chẳng qua là trong bọn « bát cổ »[1] đã chiếm hai phần ba trong nước, thiệt chẳng biết cái nho-học là gì. mà cũng nhắm mắt lại chê càn cái văn minh mới là mọi rợ! Đây là tôi nói Cao-ly và Tàu, còn Việt-nam ta để tôi nói lại sau.)

Nhưng mà nay cái phong-trào trong thế-giới nó mạnh-liệt lắm: ai thuận theo nó mà đi, thì thuận buồm xuôi gió, ai không thuận theo nó thì cũng bị xô-đẩy mà đổ-lướt đi như rác-cỏ.

Vậy cho nên bọn thiếu-niên Cao-ly họ đã tỉnh-ngộ dậy, mới có cái hồi vận-động năm 1919, làm cho Nhật-bản phải bỏ lòng hổ-lang đi, mà trả cái tự-do lại cho họ; Nước Tàu thì có sự vận-động bọn thanh-niên năm 1925, làm cho liệt-cường thế nào cũng phải lấy sự công-bình mà đối-đãi lại với họ.

Khốn-nạn thay cho cái dân-tộc nước Việt-nam ta, đến bây giờ trong dân-tộc mà gọi là các ông nho-học tức là các ông có học được ít chữ Tàu, mà nhứt là mấy ông đã đậu cử-nhơn tấn-sĩ; các ông đó tôi dám chắc rằng không hiểu nho-giáo là gì hết; Vậy mà mở miệng ra thì cứ đem nho-giáo ra để làm chổ dựa, để bài-bác cái văn-minh kim-thời, tức là cái văn-minh mà các ông tuyệt-nhiên không hiểu được một chút nào cả.

Còn nói về các anh thiếu-niên tân-học, trừ ra có đôi anh tự cái sức thông-minh của mình mà tìm-kiếm ra thấy được nhiều ít, kỳ-dư thì chỉ theo cách học cũ: mong kiếm lấy cái chức-phẩm gì, hay là coi cho rộng để viết-lách khoe-khoang mà thôi. Không có ông nào chịu đem cái sự học của Âu-tây để so-sánh lại với cái học cũ của ta, xem đều gì hay, đều gì dở, cho người ta xét-đoán mà tìm lấy đường tấn-tới về sau.

Tôi xin lỗi các anh-em chị-em đồng-bào, cái đề mà tôi lựa để diễn-thuyết bữa nay, quân-trị chủ-nghĩa, (tức là nhân-trị chủ-nghĩa) dân-trị chủ-nghĩa, (tức là pháp-trị chủ-nghĩa) cái đề mục đó thiệt là lớn-lao quá, không phải là sức tôi có giải-quyết ra cho minh-bạch được. Muốn giải-quyết ra cho minh-bạch thì phải tìm về Âu Á lịch-sử chánh-trị-học và chánh-trị-triết-học, mới có thể nói ra cho tinh-tường được.

Các anh-em chị-em có lạ gì tôi: cái học về đường lịch-sử chánh-trị Tàu thì tôi cũng hiểu được ít nhiều, còn về đường tây-học thì thực là kém lắm. Nhưng mà tôi cũng rán hết sức, đem cái việc mà tôi đã biết xin nói ra để anh-em nghe, còn các việc gì cao xa không thấu. thì để phần ông nào hiểu hơn tôi diễn giải ra cho anh-em chị-em rõ.

Nói về cái lịch-sử quân-trị chủ nghĩa.

Cuộc quân-chủ đến ngày nay thì cũng như một cái hoa tàn lá héo phất-phơ trong đời bây-giờ.

Xem như trong một xứ Á-đông nầy — không kể những ông vua đã mất nước rồi mà những nước mạnh họ chỉ để làm con nộm, con bồ-nhìn để đè dân bản-xứ — thì chỉ có vua Xiêm và vua Nhật đủ quyền-phép đáng xưng là ông vua mà thôi. Âu-châu bây giờ dân-chủ đã đến 14 nước mà quân-chủ chỉ sót lại có 12 nước.

Còn bên Mỹ-châu thì chẳng có một nước nào quân-chủ, Vậy thì ta có thể nói quyết rằng: trong trái đất nầy chỉ có 8.000 triệu người, mà số dân có vua thì không được một phần trong số mười.

Vẽ-vang thay cái oai-quyền quân chủ! gớm ghê thay cái dục-vọng của quân-chủ! Đương hồi thượng-cổ trung-cổ, dân-chúng còn hèn-yếu ngu-dốt, cho nên bất-câu loài dân nào cũng phải có cái quyền quân chủ để bao bọc cho dân, dạy dỗ cho dân, che chở cho dân; đương cái thời đó, thì quân-chủ thiệt là một vị thuốc rất hay cho loài người hồi đó.

Khốn-nạn thay cái tính loài người: thấy người ta tôn-trọng mình bao-nhiêu thì mình lại thêm kiêu-ngạo bấy nhiêu; thấy người ta kính-nể mình bao-nhiêu thì mình lại càng tự thần thánh bấy nhiêu; thấy người ta chiều-chuộng mình thì mình lại muốn ngồi lên đầu ngưới ta! Không những thế, lại muốn truyền cho con cháu đời nầy qua đời khác, coi như cái gia-tài riêng của mình; Đất muốn cho ai thì cho như là bán ruộng, còn dân thì làm như bọn mọi vậy.

Ta thử xem từ xưa đến nay, bất cứ vua nào, hễ cướp được nước lên làm vua thì tìm đủ cách để truyền cho con cháu cho lâu dài; mà rút cuộc lại ho nào lâu lắm là ba trăm năm, còn mấy họ vắn thì năm mười năm thôi. Cái cuộc đó thì ở Á ở Âu gì cũng như thế cả. Nhưng mà ở Âu-châu thì đến thế-kỷ mười-bảy, mười-tám, các bậc hiền-triết ra xướng lên cái chủ-nghĩa dân-quyền: mấy ông vua nào hung-dữ chuyên-chế, phản-đối lại cái phong-trào dân-chủ thì bị nhào cả; còn anh nào điều-hòa với dân thì còn ngóc ngoải đến bây-giờ.

Về cái vấn-đề nầy là tôi cốt chỉ cho rõ Cái quân trị chủ-nghĩa bên Á-đông nầy thiệt không phải là gốc tự nho-giáo. Tôi xin chỉ vẽ rõ-ràng cái tư-tưởng sai lầm từ xưa đến nay cho anh-em chị-em hiểu.

Cứ theo các ông triết-học Âu-châu bàn về lịch sữ nhơn-loại: kể từ loài người mới sanh, rồi làm sao mà có gia-trưởng, làm sao mà có tù-trưởng, làm sao rồi thành vua thành chúa; cứ nói như thế thì mất hết thì-giờ, mà các ngài ngồi nghe cũng vô ích. Vậy cho nên tôi cứ theo sử Tàu mà cắt nghĩa để các ngài dễ hiểu hơn.

Tàu thì tôi cứ nói từ vua Hoàng-đế; vua Hoàng-đế là một ông vua mạnh nhứt ở xứ Tàu: từ ở núi Côn-lôn (phía Tây nước Tàu) tràn xuống phía bắc Tàu, rồi đánh với dân bản-xứ Tàu là dân Hữu-miêu ở miền Dương-tử-giang, giết được tướng nó là Xuy-vưu; ông ta thiệt là một ông vua lớn của nòi Tàu. Nhưng vậy mà đến khi ông Khổng-tử làm sách, ngài không muốn để tên ông Hoàng-đế đầu, vì ông ấy thượng binh thượng võ lắm. Ngài chỉ chép từ vua Nghiêu vua Thuấn mà thôi. Vì là hai vua ấy không có lòng gì muốn làm vua hết, chỉ bị các nước chư hầu bắt-buộc, họ bàu-cử lên mà thôi; cũng nối nghiệp ông Hoàng-đế đi đánh Hữu-miêu, nhưng trong một tháng không được thì rút binh về để lo sửa việc học-hành dạy-dỗ dân mà thôi.

Đời đó thì bày ra những là dạy dân cho có ngũ-luân; làm ra lịch có ngày tháng thì-giờ cho tiện người làm ruộng; đặt ra cân, ra thước, ra lường để cho tiện dân buôn bán, bày ra có áo xiêm, có lể-phục v. v. còn nhiều nữa tôi không có thể kể ra đây cho hết được. Đây các ngài nghe cho rõ: cái dân tộc Á-đông mà có nho-giáo ra là từ hai ông ấy. Nên ông Khổng xưng là « tổ thuật Nghiêu Thuấn » thầy Mạnh nói cũng chỉ khen Nghiêu Thuấn; mà bây-giờ ở nước ta những ông có học được một hai chữ Tàu, hễ mở miệng ra là nói đạo nho cũng vì cái lịch-sử lờ-mờ đó.

Đây tôi xin nhắc lại cái đời Nghiêu Thuấn, lúc đó thế nào? — Cái đời đó, vua Nghiêu vua Thuấn chẳng qua là một anh thủ-lãnh của đám tù-trưởng ở trong dân-tộc Trung-hoa hồi đó mà thôi.

Cứ theo cái dấu-tích lịch-sữ mà suy, thì lúc đó chư-hầu nước Tàu có ít cũng là đến 15 ngàn nước: vì sau trong hai trăm năm rồi vua Võ hội chư-hầu ở Đồ-sơn còn lại một vạn nước, tính theo số đó, thời đó, thì không sai-sút mấy. Vậy thì cái nghi-vệ và cái quyền-lợi của thiên-tử hồi đó ra thế nào? — Thiên-tử cũng là ở trong một nước nhỏ như các nước chư-hầu vậy thôi, chỉ có lập ra cái triều-nghi để cho các chư-hầu triều-cống. Cái quyền to nhất là cái quyền được tế trời đất, còn chư-hầu thì chỉ được tế những núi những sông ở xứ mình mà thôi. Thiên-tử có đi xem-xét ở các nước chư-hầu thì chư-hầu phải đón rước. Thiên-tử được cử người giỏi lên làm quan, có tội thì phạt, có công thì cũng được phong làm chư-hầu.

Vậy thì nói lược-lược qua đó anh-em chị-em đủ biết ông thiên-tử cũng như ông tổng-lý hội Vạn-quốc đời nay. Chỉ có được nhận lễ triều-cống, được cầm quyền chinh-phạt, là theo cái số nhiều chư-hầu mà phạt nước nầy thưởng nước kia.

Thương hại thay các ông học chữ Tàu nghe nói cái tên Nghiêu Thuấn thì các ông tưởng là ở nhà ngũ-phụng lâu, cỡi xe lục-long xa, tưởng là cũng ra vào hò-hét như các vua ta bây giờ. Nhưng mà ai có đọc địa-dư hay là có đi du-lịch đến chốn Bình-dương Bồ-bản, thì mới biết rằng cái kinh-đô của hai Ngài bằng hai cái thành con bây-giờ, nghĩa là không đầy hai ba dặm vuông mà thôi.

Từ đó vua Võ nối vua Thuấn, truyền ngôi cho con trị những nước chư-hầu lớn mà cứng đầu nhất, nghĩa là nó muốn giành ngôi thiên-tử; như là đời ông Võ thì giết ông Phòng-phong, đời ông Khải thì giết Hữu-hộ, đời ông Thiếu-khang thì giết Hậu-nghệ ở nước Hữu-cùng. Ấy tôi tạm đặt ra đó là cái thời kỳ bước thứ hai của Thiên-tử.

Từ đó về sau đến 400 năm, đến đời ông Kiệt. — Ông Kiệt thì tôi không cần nói những cái lỗi của ông ấy ra, các ngài cũng đã hiểu rồi. Đến khi đó thì các nước chư-hầu không phục ông Kiệt, mới tôn ông Thang là vua một nước chư-hầu nhỏ nhất làm đầu, mà đánh đuổi ông Kiệt đi, rồi thay vào ngôi Thiên-tử. Cái việc đã mấy nghìn năm rồi, có thật hay không không biết, nhưng mà tôi cũng cứ thuật lại mà nghe:

Khi ông Thang đã được chư-hầu cử lên làm thiên-tử, thì ông cáo với dân và các nước chư-hầu rằng « ông lấy cái sự đuổi ông Kiệt đó làm thẹn, nhưng vì ông muốn cứu dân nên phải ra làm ». Tuy ông nói thế, nhưng ch-hầu cũng cứ tôn ông lên ngôi Thiên-tử. Ấy là cái oai-quyền thiên-tử tấn tới về bước thứ ba.

Từ sau con cháu ông đến sáu bảy vua giỏi nối nhau làm vua, truyền đến 600 năm. Đến đời ông Trụ, dân không phục nữa mới mất nước. Hồi ấy dân ông Trụ ba phần thì đã hai phần phục theo ông Văn-vương rồi, thế mà ông Văn-vương cũng không chịu đuổi ông Trụ, đến đời con ông Văn-vương là ông Võ-vương) mới giết ông Trụ mà lên làm vua. Đến hồi đó thì trong sự đánh-dẹp, thấy tập luyện cũng đã gớm-ghê lắm rồi: thấy quân-lịnh cũng nghiêm-trang, binh-giáp cũng dữ-dội, cũng lấy giết người chảy máu nhiều làm danh-giá, bắt được tướng giặc thì cũng chặt đầu bêu lên; cũng đã làm cách giã-man như lối bây giờ vậy. Cho nên ông Khổng-tử khen ông Văn-vương là chí đức, chê ông Võ-vương là vị-tận-thiện là thế.

Từ ông Võ đến đây là hơn một nghìn năm, ông Võ tức là vua đầu nhà Hạ. Khi ông lên làm vua thì dưới quyền ông còn hơn một vạn nước, đến hồi vua Thang nhà Thương đuổi vua Kiệt, thì còn mấy nước chư-hầu, sử không thấy nói; đến đời ông Võ-vương nhà Châu đánh ông Trụ thì thấy chư-hầu không hẹn mà tới hội được 800 nước. Vậy thì trong độ một nghìn năm mà tuyệt mất hơn 9.000 nước. Đời ông Võ-vương nhà Châu thì oai-quyền to lắm, nên có thể nói rằng đến đời này là cái oai-quyền thiên-tử tấn-tới bước thứ tư.

Bây giờ tôi xin nói tóm lại: Khổng Mạnh và Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ, tức là những ông đã làm ra cái gương để cho các vua đời sau gọi là Nho-giáo đó. Ta phải xem xét cái thời thế phong tục của các vua đời sau so lại với Nho-giáo thì có giống chút nào không?

Từ sau Võ-vương giết vua Trụ, dân đã không phục, duy có đời vua Văn vua Võ, vua Thành, vua Khang, thì dân phục mà chư-hầu cũng phục. Đến đời vua U vua Lệ thì dân nó nổi lên giết các vua ấy, rồi ngôi thiên-tử của nhà Châu cũng từ đó mà mất theo. Một đoạn lịch-sử tốt đẹp như Tàu từ Nghiêu Thuấn cho đến Văn Võ, thiệt như là cái khí mùa xuân, như là cái ánh sáng mặt trời êm-ái, ai thấy mà không khen ngợi! Ai thấy mà không ước-ao! Vậy cho nên Đức Khổng thầy Mạnh nhơn đó mà lập ra cái đạo để bình trị thiên-hạ thì cũng phải lắm.

Lạ thay qua đến đời Xuân-thu là nửa đời Châu thì năm Nước Bá ra: chẳng cần gì đạo-đức nhân nghĩa như trước cả, chỉ lấy cái giả dối thay nhau, còn thiên-tử chỉ để cái hư hiệu mà thôi. Từ lúc đó thì còn được 300 nước; hơn một trăm năm nữa rồi chỉ còn bảy nước: không đầy một trăm năm nữa thì rút cuộc lại thống-nhứt về nhà Tần.

Về cái thời nầy tôi mới cắt nghĩa cái quân-trị chủ-nghĩa tức là nhân-trị chủ-nghĩa.

Ông Tần-Thủy-Hoàng khi mới lên làm vua thì ông làm cái gì? Ông đặt ông là ông vua đầu; ông truyền cho đến muôn nghìn đời về sau; ông sợ dân khôn thì ông đốt sách; ông sợ học-trò chống cãi lại thì ông chôn sống học-trò; sợ để gươm giáo trong dân-gian nhiều thì dân nó nổi giặc, ông phá ra đúc làm tượng để chơi; phá mấy cái thành cao, lấp mấy cái ao sâu, không cho dân dựa đó mà chống lại nhà-nước. Lại tin cái câu sấm « vong Tần giả Hồ » mà bắt cả dân già trẻ đi đắp cái Vạn-lý-trường-thành, khổ-não biết bao nhiêu! Cái mối loạn phát ra từ đó.

Ông làm như thế thì ông tưởng có cái gì mà sợ nữa. Ông làm ra cái cung điện A-phòng, bỏ vài ba nghìn con gái đẹp vào để chơi; ông làm ra cái lăng Li-sơn rộng ba bốn dặm, có đàng cách-đạo, trùng thành; còn nhiều cái sang đẹp nữa; ông lấy chữ « trẫm » để cho một mình ông hoàng-đế được xưng mà thôi

Đời xưa hễ xưng « hoàng » là « hoàng », xưng « đế » là « đế » khi trước đạo Nho lấy « vương » là quý, thì ông chỉ để phong cho đầy-tớ mình mà thôi.

Sung-sướng đặng bao nhiêu, chưa đầy 13 năm đã bị thằng Triệu-Cao nó giết; rồi sau con là Tần Nhi-thế cũng bị hoạn-quan giết, rồi thiên-hạ lại vào tay nhà Hán, quân-chủ lại vào tay nhà chuyên chế khác nữa.

Đó! Xin các ngài nghe rõ một khúc nầy nữa. — Nay những ông nho-học ở nước Tàu, nước ta, các ông yêu-mến đạo Nho mà các ông ghét nhà Tần biết bao nhiêu: vì các ông thấy nhà Tần bội đạo Nho. Nhưng mà vua của các ông có xấu thế nào các ông cũng cứ ví với Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ, không khi nào các ông ví với vua Tần. Nhưng mà các anh em thử nghĩ xem – Vua mà xưng « Trẫm » là theo đạo Nho hay là theo Tần? Vua mà xưng « hoàng đế » là theo đâu? Vua mà có luật giết ba họ người có phải theo Tần không? Vua mà dâm-dục ở trong cung với một bầy hàng trăm hàng nghìn cung-nữ có phải là bắt chước theo Tần không? Vậy mà ông vua nói mình theo đạo Nho; tự ông nói vậy là phải; các quan nịnh theo vua thì họ nói theo cũng phải bọn đó không kể, còn các ông đồ-già cũng rán gân-cổ lên mà cãi rằng:

Vua mình theo đạo Nho!

Triều-đình mình sùng đạo nho!

Nước nhà mình theo đạo nho!

Dân mình theo đạo Nho!

Vậy thì đạo Nho ở đâu???

Do nhà Hán đến nhà Đường, do nhà Đường đến nhà Tống, do nhà Tống đến nhà Nguyên, do nhà Nguyên đến nhà Minh, do nhà Minh đến nhà Thanh, nghĩa là trong độ 2.200 năm đó, cách chánh-trị của nhà Hán cũng không có cái gì rộng-rãi công bình; nhưng Hán cũng còn hơn Đường, Đường cũng còn hơn Tống, Tống cũng còn hơn Nguyên. Nguyên cũng còn hơn Minh, Minh cũng còn hơn Thanh. Xét cái lịch-sử quân-chủ ở Á-đông nầy thì chúng ta biết rằng từ Tần-Thủy-Hoàng về sau, các nước nói theo đạo Nho đó kỳ-thiệt trong nước không có thi-hành một chút đạo Nho nào, chỉ còn sót lại một hai đều ở trong gia-đình mà thôi. Kỳ dư là những đều mấy ông vua chuyên-chế dựa vào đạo Nho để đè nén dân mà thôi.

Cách chuyên-chế ở Á-đông khéo hơn Âu-châu thế nào?

Vua Âu-châu ở xứ thượng-võ, cho nên làm cái gì cũng hung hăng mà ngay thực, cho đến sự độc-ác cũng vậy. Lúc trước muốn đè nén dân thì phải thông đồng với giáo-hội; bày đặt ra nói ông vua là ông Thần Trời, thay mặt cho Thần Trời, hay là Thần Trời hóa thành ra; nghĩa là ông vua không phải một loài với dân. thì dân phải tôn-kính ông vua. Nhưng mà những cái lẽ đó là cạn cùng giả-dối, chỉ có phỉnh dân ngu được một lúc mà thôi, cho nên sau rồi ở Âu-châu cái dân quyền càng mạnh chừng nào thì quân-quyền càng xếp lại chừng nấy. Vua Á-đông thì họ không làm như thế. Họ lựa ở trong cái lời nói ông Khổng ông Mạnh hoặc ở trong sách cổ những câu nói có nhiều nghĩa đê họ dựa vào đó; họ lập ra pháp luật để bó buộc cái trí dân; cái ngôi vua thì gọi là con Trời, nhưng họ cũng cứ xưng họ là người; chẳng những họ không đứng ra ngoài cái hàng bà-con của dần, mà họ lại đứng vào cái hàng thân-thiết của dân, như là ta thường nói « quân, sư, phụ », lại thường nói « vua, cha, chồng ». Dầu ở chốn hương thôn dốt nát không biết ông vua là thế nào, nhưng mà họ thấy đứng vào hàng cha, thầy, chồng, thì họ cũng cho vào đám thân-thiết. Dân ngu thì họ cứ kính cứ yêu, chớ họ có biết đâu đến hồi giận của ông vua thì ông giết cả ba họ người ta, mà còn ông cha ông thầy ông chồng, thì chỉ có làm ích cho ta chớ có khi nào làm hại làm ác như thế. Còn khi cha mẹ ta đẻ ta ra thì đói, no, sống, chết, thế nào cũng ở trong tay cha mẹ ta, nào ông vua có biết đến đâu. Thế mà đến hồi tuổi ta lồng-lỗng lớn lên thì đánh một tiếng là « tôi trời con vua, » ông vua muốn cho sống thì được sống, ông vua muốn cho chết thì phải chết, ta không có thể chối cải lại được, là nghĩa lý gì?

Dân bên Âu-châu thượng võ, cho nên dòng quý-tộc chư-hầu phải có võ-công mới lên được, mà đã lên được thì khó mất lắm. Còn bên Á-đông nầy, cái cách quý-tộc lại chuộng thi văn, mà trong thi văn đó ai đậu mới được làm quan, ai không đậu được thì thôi, bên quan võ thì chỉ hồi có giặc giã hay là hồi khai quốc mới có người tài thật; kỳ-dư thì võ-chức chỉ là để thưởng cho những người dốt nát. Thí dụ như một người đi lính, dù dốt-nát mấy nhưng mà đi lính từ 20 tuổi đến 50 tuổi, thì thế nào cũng lên được cái lãnh binh, cái đề-đốc, hưởng được cái mùi phú-quí ít năm, nghĩa là mình ăn-ở miễn cho người ta đừng ghét là được. Ấy là cái mưu quân-chủ rèn-tập cái trí dân ở xứ Á-đông làm cho khờ-khỉnh. Ta thí-dụ nước ta đã mất nước mấy mươi năm rồi, mà đến kỳ thi ai cũng khí-khủm lo cho đậu được một chút mới thôi. Hễ đậu được thì cho là mồ mả ông cha có phước. Còn người có thế hay là có tiền thì cũng vác đi lo làm quan, cũng kiếm một cái hư-hàm. Chừ chúng ta đi ra Hanoi ra Huế, ta thấy những là bọn mang thẻ-bài ngà nó đi đụng đầu với nhau, còn một bọn thì đang vác tiền đi lo, thì ta cho là một bọn điên-cuồng ngu dại, ta không biết cái óc của chúng nó ra thế nào, nhưng mà ta không biết rằng cái giống đó là cái giống đã gieo mầm từ các đời vua trước đã mấy ngàn năm rồi.

Nói tóm lại, cái cách chuyên-chế ở Á-đông nầy là tôn lên mấy lời tà-thuyết, như là câu « lọt lòng mẹ ra đã phải chịu cái nghĩa vua tôi ». Nhưng mà ta có biết rằng « quân thần dĩ nghĩa hiệp » là nghĩa làm sao? Vậy cho nên có người họ chán họ bỏ đi ở ẩn, thì bọn chuyên-chế nó lại lập ra cái luật « hữu tài bất vi quân dụng » nghĩa là có tài mà không cho vua dùng, nó lập ra cái luật « yêu quân », nghĩa là làm nũng vua, để mà phạt bọn người ấy. Nó sợ rằng dân biết chánh-trị nhiều thì dân nổi lên cách mệnh, cho nên nó cấm học trò và dân không được nói đến chánh-trị. Hết thảy những cách chuyên-chế đó nghĩa là họ bảo dân rằng: « Mầy muốn làm gì thì làm, nhưng mà đừng động đến cái ngôi vua của con-cháu tao ».

Có hay đâu giữ khéo quá thì dân trong nước không động đến ngôi vua của con cháu họ thiệt, nhưng mà ngoại-quốc đến lấy thì dễ như chơi, bởi vì dân nó ngu, nó không biết nước là cái gì cả. Ta thử xem cái gương nhà Tống: trước thì mất với Liêu, rồi sau mất với Kim, rồi sau mất với Mông-cổ, còn nhà Minh thì mất với Mãn-châu, Cao-ly thì mất với Nhật-bổn, An-nam thì mất với Tây.

Thương-hại thay trong hai nghìn năm các nhà vua chẳng ngó chi đến cái lợi hại dân-tộc, chỉ lo tính toán mà đè-nén cái trí dân, để mà giữ chặt cái chìa khóa tủ sắt ngôi thiên-tử cho con cháu mình. Nhưng mà có hay đâu dân đã ngu thì nước phải yếu, vua quan lại nghinh ngang tham nhũng nữa, như thế tất loạn, loạn thì ngôi vua mất. Nếu dân ngu quá, yếu quá, không đủ dấy loạn được, thì các nước khác nó tràn vào, ấy là cái lẽ tự-nhiên, làm gì thế nào cũng không khỏi mất. Cho nên xưa nay cái ngôi vua thay đổi luôn, cũng như cái ghế hạng nhất ở rạp hát vậy.

Cái quân-chủ lợi hại thế nào?

Vậy bây giờ ta tóm lại để coi cái lợi hại về quân-chủ ra thế nào, thì ta thấy bất câu là Á, là Âu, là xứ nào, dân-tộc nào mà lập-thành nước để đến bây giờ là đều nhờ những anh-hùng hào-kiệt đời xưa họ ra họ cầm đầu cho dân, ngoài thì đối-phó với các dân-tộc khác, trong thì sửa sang lại việc hòa-bình ở trong nước. Những cái công đức của các ông đó ta cũng nên khen ngợi, đáng ghi nhớ, chớ không phải không. Còn cũng có dòng dân, trước còn đứng được, sau lại không có anh-hùng hào-kiệt đứng ra chống chọi, thì lại bị nước khác nuốt mất. Xem vậy thì cái lợi của quân chủ ở đời thượng-co, trung-cổ, quý không gì bằng. Tuy các ông cũng có mưu về lợi riêng, nhưng chúng ta cũng có thể tha thứ cho được. Còn cũng có một cái nhịp dùng cái quyền quân-chủ rất tốt, như nước Nhật, nước Xiêm, khi người Âu-châu mới qua thì dân còn ngơ-ngác không biết gì, thế mà nhờ trên có ông vua anh-hùng, dưới có các quan tài trí, đem đường chỉ lối cho dân, thì dân tấn tới lại càng mau. Vậy thì cũng là một sự hay. Còn từ đó sắp sau, chỗ nào dân không thể nhờ được nhịp đó thì cái quân-chủ là một đồ vô-dụng.

Ta xem bên Tàu 30 năm trước, vua Quang-tự đã hạ chiếu duy-tân, vì có một người thiếp (vợ bé) của cha, mê trai tham của, không chịu thay đổi chính trị, chẳng những làm cho dòng vua Mãn-châu mất, mà làm cho dân Tàu đến nay hãy còn khốn đốn. Vua Cao-ly, một bên vợ thì duy-tân, bên cha thì thủ-cựu, đánh nhau mãi, giết nhau mãi, rút cuộc lại, cha thì bị ở tù, vợ thì bị giết, mình thì hai tay bưng nước đưa cho Nhật-bổn, rồi thì bị cách chức!

Nhắc qua đến ông vua của nước ta là ông Tự-đức mà đến bây giờ mấy anh quan già và mấy anh đồ già còn ca tụng là « thánh quân » khi người Tây mới qua. quan binh thì cũng có như ông Nguyễn-Tri-phương ông Võ-Trọng-Bình xin đánh; mà nói có muốn đánh thì phải xuất tiền đi ngoại-quốc mua súng ống về, mới có thể đánh được. Nhưng mà ông vua ấy có tánh thương tiền tiếc bạc, cứ muốn chôn dưới đất, chẳng muốn đem mua cái gì cả, ông trả lời với các quan binh rằng: « Các anh muốn đánh thì đánh, nhưng mà các anh đánh không hơn thì các anh để mẹ con trẫm vào đâu? » Làm ép cho mấy ông quan võ như là ông Võ-trọng-Bình bỏ về, còn ông Nguyễn tri-Phương để cho Tây bắt, rồi không ăn mà chết. Cũng có người học-thức như ông Nguyễn-tường-Tộ, khuyên vua dạo qua bên Tây, xem xét cái văn-minh của họ, rồi cho người qua học; các quan văn cũng có nhiều người xin như thế; mà ông vua trả lời rằng: « Nhật-bổn nó là dòng mọi, Xiêm nó là dòng mọi; mọi thì nó học với mọi được, chớ như ta là con thần cháu thánh, lẽ nào ta lại đi học mọi hay sao? »

Thôi! tôi không đoán cái hay cái dở của ông vua đó; để các ngài nghe rồi các ngài sẽ đoán xét cái ông vua đó là ông vua gì. Mẹ con ông chết thì có chổ chôn, còn mẹ con hai mươi triệu bơ vơ đến bây giờ đó thì sao? bọn mà ông cho là mọi rợ thì bây giờ nó đã tấn-tới hết cả, hai mươi triệu khi xưa không đến mọi rợ mà bây giờ chẳng những hóa ra mọi, mà lại hóa ra tôi-đòi hèn-hạ nữa.

Quân-trị tức là nhân-trị. (người trị người)

Đây hãy nói tóm lại Quân-trị tức là nhơn-trị. Quân-trị chủ-nghĩa tuy có phép luật mặc lòng, nhưng mà phép luật cứ tự tay ông vua lập ra, chớ còn dân thì không biết gì hết. Vậy cho nên khi nào gặp một ông vua thông-minh anh-hùng, hiểu được cái sự quan-hệ của dân với nước là thế nào, mà trừng-trị lũ quan tham lại nhũng, để cho dân được yên-lặng làm ăn, thì dân giàu nước mạnh, mà cái thì-giờ của vua sống được bao nhiêu thì nước còn được thái bình bấy nhiêu.

Còn đến mấy ông vua hôn-ám thì ông sống với đàn-bà con-gái, với bọn hoạn-quan, còn biết gì đến nước, trao chánh-quyền vào trong tay mấy đứa nịnh-thần, người đã hư thì nước cũng đổ thôi. Cho nên ông Khổng-tử có nói rằng « Văn Võ chi chánh bố tại phương-sách, kỳ nhơn tồn tắc kỳ chánh cử, kỳ nhơn vong tắc kỳ chánh tức. » nghĩa là cái chánh-trị vua Văn vua Võ còn chép ở trong sách, có người chánh-trị giỏi thí cái chánh-trị trong sách đó mới thi-hành ra, nếu không có người giỏi thì cái chánh trị ấy mất. Tuân-tử thì nói rằng « hữu trị nhơn, vô trị pháp » nghĩa là có người ra làm hay, chớ không có cái phép-luật nào hay được. Ông Mạnh thì kiêm cả hai ông mà nói rằng « đồ thiện bất túc dĩ vi chánh, đồ pháp bất năng dĩ tự hành » nghĩa là có người giỏi mà không có pháp-luật thì cũng không làm được chánh-trị, có pháp-luật mà không có người giỏi thì pháp-luật cũng không tự làm lấy được.

Mấy nghìn năm nay mấy ông vua giỏi, tướng giỏi hết sức mà tránh cho khỏi cái chữ quân-trị là nhơn-trị, nhưng mà không được, vì là lập phép nầy phép kia cũng tự tay vua, đến khi đạp đổ đi thì cũng tự vua.

Ấy tôi nói những ông vua biết lo mà chữa cho khỏi chữ nhơn-trị, là từ đời Tống đời Đường sắp lên, những ông vua hiền minh thì thế. Còn từ đó sắp xuống thì chuyên-chế quá lắm. Xem như ông Minh Thái-Tổ đặt ra cái luật « hữu tài bất vi quân dụng » nghĩa là đặt ra cái luật hễ ai có tài mà không ra cho vua dùng thì có tội. Ấy là để bắt người ta phải ra cho mình áp-chế hết cả, chớ không cho ai ở ẩn nữa. Về đời Càn-long lại đặt ra luật « yêu quân » nghĩa là có tài mà buộc vua phải cầu-cạnh mình thì có tội. Những cái luật đó thì còn có ích gì cho dân-tộc, cho nhà nước đâu, chỉ làm cho sướng cái óc kiêu-ngạo, làm cho sướng cái xác thịt của ông « hoàng-đế » đó thôi.

Vua đời xưa thì còn cầu hiền hạ sĩ, chớ vua đời sau thì cứ nằm ngửa đó, thằng nào có tài mà không ra cho tao dùng thì tao bỏ tù: thì còn gì sang trọng hơn nữa!

Từ nãy đến giờ tôi nói về cái lịch-sử và triết-học quân-trị là nhơn-trị, đây tôi xin cử thêm vài cái chứng thật cho anh em chị em dễ hiểu. Nhơn-trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay là nghiêm-khắc chỉ tùy theo lòng vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi; phép-luật tuy có cũng như không.

Thí-dụ như ông Gia-long lấy cái luật của đời Càn-long nước Tàu để trị dân An-nam, trong cái luật đó nói rằng « phi quân công bất hầu » nghĩa là không có công đánh được giặc thì không phong tước hầu. Vậy thì ông Nguyễn-văn-Thành phong tước hầu và làm lên đến trung-quân, chẳng qua là ông Cia-long vui trí mà cho đó thôi, chớ không phải ông Gia-long có cái lòng công-bình mà xét cho cái công trạng của ông ấy theo đánh giặc từ nhỏ đến lớn. Sao tôi dám nói vậy? Bởi vì sau đó con ông Thành có làm một bài thơ chơi, nghĩ cũng chẳng tội lỗi gì, mà ông Gia-long ông giết đến ba họ. Như vậy chẳng qua là khi cơn giận ông lên thì ông giết, chớ có phép-luật gì đâu có!

Tôi nhắc qua một cái tích của ông Tự-đức mà tôi đã nói trên kia: Năm Tự-đức thứ 25, dân Trung-kỳ chết đói, nhà nước đã lo phát chẩn được một ít rồi, các quan lại xin trích tiền thuế trong các tỉnh các phủ huyện, đẻ trử lại trong xã-thương các làng, phòng năm khác dân có đói chăng; thì ông ta cho phép dân được đem tiền đem lúa ra nạp quyên mà lấy bá-hộ, bát-phẩm, cửu-phẩm; nhưng mà dân nó đói quá có lúa có tiền đâu mà quyên. Ông xuống dụ cho các quan cho dân quyên chịu đã, nghĩa là số quyên một lần một ngàn quan tiền thì cứ đóng trước đi 300 quan, rồi phát bằng cho đã, chừng nào đóng đủ số tiền đó thì sẽ phong sắc cho. Còn tiền đóng thì cứ để lại kho làng ấy. Cái dụ xuống nói rõ ràng như thế. Cách một năm thì thấy cái dụ khác kể hết tiền chưa đóng và đã đóng rồi bắt phải đem hết ra tỉnh để cấp cho lính đánh giặc. Tỉnh sức xuống phủ huyện, phủ huyện sức xuống các làng. Dân trả lời rằng vua cho phép quyên chịu, chớ không có bắt đóng ngay, năm nầy mất mùa dân không chịu đóng, làm gì nó cũng không có mà đóng. Quan tỉnh tư bộ, bộ tâu vua, vua buộc phải làm tội hết những dân ấy. Nhưng mà trong luật An-nam những cái luật tiền bạc thuộc về dân qua lại với nhà nước thì ít thấy lắm, các quan không biết theo mặt luật gì mà làm án, phải tâu lên vua hỏi phải làm án gì, thì vua bắt làm theo luật « thượng thư bất dĩ thiệt » nghĩa là chiếu theo cái luật các quan dâng thơ cho vua nói về chánh trị mà không thật. Quan bộ cứ đó mà làm tội, đến khi tư về các tỉnh, người thì sáu năm, người thì 8 năm, người thì 12 năm tù, gia-dĩ đương khi đói khát, cha xa con, vợ bỏ chồng, tưởng quyên cái bát cửu phẩm để lấy làm vui, hay đâu không được vui mà lại phải ở tù! Thế nên cả nhà cả họ ai nấy cũng đều lấy làm đau lòng xót ruột. May đâu cái án đó đi đến Quảng-ngãi, gặp một ông án-sát, ông ấy thì giỏi luật-lệ, mà có lòng thương dân lo việc nước, (ông ấy là người Bến-tre về tỉnh Vĩnh-long, tên là Nguyễn Thông, hiệu là Kỳ-xuyên, sau Lục-tỉnh mất thì ông chạy ra Phan-thiết), ông ấy cứ từ câu mà bẻ hết cả cái án, rồi ông gởi trả lại cho bộ, ông nói rằng « cái vạ nầy là chỉ có vua với quan nói dối dân, chớ dân không nói dối ai chút nào cả; còn chiếu theo cái luật « thượng thư bất dĩ thiệt » thì không đúng vào đâu cả. » ông Tự-đức biết mình lỗi, nhưng mà mắc cở; xui cho người khác kiện ông Nguyễn-Thông, rồi cách chức ông đi, muốn trị tội nặng; nhưng dân Quảng-ngãi và dân các tỉnh hết sức bênh vực cho ông ta, cho nên cũng chẳng làm hại ông được, chỉ đuổi ông ta đi mà thôi.

Đây nói lược qua một hai điều cho các ngài nghe, chớ tôi kể hết cái sử Tàu và sử An-nam thì mấy ngày cũng không hết.

Nói qua Dân-trị chủ-nghĩa

Nay khắp cả thế-giới những nước nào đã theo kịp được một ít văn-minh Âu-châu, hay là hiểu được một ít tư-tưởng -do, ngôn-luận tự-do, thì ai cũng hiểu được cái tiếng dân-chủ là thế nào, hay là dân-trị là thế nào.

Bên Âu-châu có mấy nước quân-chủ mặc lòng, nhưng nước nào cũng có đảng dân-chủ ở trong thượng hạ nghị-viện cả; duy có nước ta thì như trong Lục-tỉnh nầy thuộc với Tây đã hơn 60 năm, cái chữ « république » thì nói luôn trên miệng, nhưng mà chẳng tìm kiếm nghĩa-lý ra thế nào, so sánh với quân trị chánh-thể cũ của nước ta ra thế nào! Ấy là nói những người có ăn học, ý tôi xem hình như các ngài đoán trước rằng có quân-chủ là hơn. Còn nhứt là dân nhà quê, chẳng những là không biết dân-chủ là gì, mà đối với vua thì thờ trên đầu như thần như thánh; chẳng những không dám nghĩ đến sự « phải có hay là không » mà như hình có ai nghĩ đến việc đó thì phải bị sét đánh đá dằn, voi chà ngựa xé. Khi nào nghe nói bất luận là ông vua nào, nghe qua thì trong lòng đã vui mừng hớn-hở, nghĩa là ông ấy chắc là mình trông-cậy được; rất dở là mới rồi đây, việc thằng Phan-xích-Long còn xảy ra trong xứ này; vậy mới biết rằng cái độc quân-chủ vào trong óc dân ta sâu quá mà cái trình-độ của dân ta cũng thấp quá, chỉ một người mà nói: « mầy phải trung với người nầy, phải kính người nầy » thì nó mới hiểu; mà nếu ngồi cử ra cái tên nước An-nam, nói rằng « ấy là nước ông cha mầy, mầy phải thương » thì tay nó không rờ được. mắt nó không trông thấy được, thì nó không thể làm thế nào mà nó thương được. Vậy thì nó cứ trừ ra một cái nhà, một cái vườn, vài mẫu đất, nội chỗ con mắt nó thấy đó thì nó thương mà thôi. Đã mấy năm nay tôi thường thấy nhà nhật-trình hay nhà diễn-thuyết, hễ mở miệng ra thì nói nước có hai mươi triệu quốc dân, trong cái giọng nói thì như hình có danh giá, có sự khoe khoang, có sự tin cậy, nhưng mà tôi nghĩ trong 20 triệu ai cũng biết có nhà mà không biết có nước: như thấy trong cái nhà nào trong lúc rủi ro có 5, 3 thằng con trai bị chết tuyệt tự; hay nhà nào nhiều ruộng nhiều đất mà bị kiện thưa, hay là bị con ham cờ bạc, thì xúm lại nói ồn ào khắp dân-gian, cho là việc quan hệ nhứt ở trong xứ nầy; còn nói đến việc « mất nước » thì chẳng ai mơ-màng vào đâu. Lấy một dân-tộc mà nó đối với nước lơ-láo lạt lẽo như thế cũng khốn nạn thật! Dân như vậy mà muốn bỏ vua đi mà lập ra dân-quốc, chắc trong các ngài có ong cũng lấy làm lạ. Nhưng mà tôi nghĩ rằng vì cái độc quân-chủ nó giết hẳn cái lòng ái-quốc của dân Việt-nam ta, bây giờ muốn cho dân Việt-nam ta biết nước là của chung chúng nó, thì phải đem cái tụi bù-nhìn đó vất hết cả đi, thì nó mới có thể tìm kiếm cái nước đó là nước của ai; mà nòi giống ta thông-minh, có lẽ một ngày kia sẽ gặp thấy rằng ở trong cái miếng đất mấy ngàn năm lưu truyền lại đây, cái quyền lợi của nó hảy còn nhiều, cái quyền phép của nó cũng có nhiều; rồi nó sẽ hiểu rằng xưa nay người mà gọi rằng vua rằng quan đó, chẳng qua là người thay mặt làm việc cho nó, nếu làm không xong thì nó đuổi đi cũng không có lỗi gì.

Khi nào dân đã hiểu như thế thì nó mới biết thương nước, mà nó có biết thương nước thì một ngày kia mới mong tự-do độc-lập được, chớ không thế thì cứ đời đời làm tôi mọi mãi.

Sao gọi là dân-chủ?

Câu này ở Âu-châu thì không cần phải cắt nghĩa cho nhiều, nhưng mà ở trong xứ mình thì tôi cắt nghĩa mau mau để cho người ta hiểu cái đại-lược.

Lịch-sử. — Bất cứ là dân nước nào, số người học-thức cũng là phần ít cả, thường thường nhờ cái đảng thượng-lưu trung-lưu dìu dắt nó đi, ấy là lẽ thường. Nhưng mà duy có dân Âu-châu khác với dân ta có một việc: là từ khi bắt đầu mới khởi ra thì họ cũng sùng-trọng quân chủ; nhưng không biết thế nào đến hồi nước Hy-lạp họ lại có cái hội gọi là Trưởng-giả-hội-nghị, thì do ông vua nhóm họp lại những tụi quý-tộc mà lập phép-luật ban cho dân: lại có một cái hội tên là Quốc-dân-hội-nghị, phàm những luật-lệ mà ông vua cùng mấy người quý-tộc đã đặt ra thì phải giao cho hội ấy xem-xét có bằng lòng thì mới được làm. Sau đến nước La-mã thì có hội-nghị. « Một-trăm-người », thì lấy trong quân-lính mà sắp đặt ra hội ấy, phàm xứ ấy có việc gì thì hội ấy bàn. Còn sau đến hồi dòng vua La-mã đã mất rồi, thì có một cái hội « La-mã nguyên-lão-viện » lại một hội « La-mã bình-dân-viện ». Cho nên sau khi La-mã đổi làm đế-quốc chuyên-chế mà cái phép La-mã cũng phát đạt luôn luôn. Bây giờ các nước đâu đâu cũng bắt chước La-mã cả.

Trong một lối từ khi mọi Nhật-nhĩ-Man tràn xuống phá La-mã đế-quốc, các nước Âu-châu được độc-lập hết cả, thì cái chánh-thể hội-nghị ấy đã mất đi đến mấy trăm năm trong cái lục-địa Âu-châu.

Lạ lùng thay người nước Anh còn giữ lại được những cái hội gọi bằng « Nhơn-dân hội-nghị », Hiền-giả-hội-nghị », hai hội ấy đều là vua nhóm những kẻ tài trí trong dân để giao cho cái quyền « lập pháp ». Đến nay thành ra cái hạ-nghị-viện của Anh bây-giờ, mà đến thế-kỷ mười-bảy mười-tám, lại truyền bá ra cả lục-địa Âu-châu. Ấy là tôi nói lược qua cái lịch-sử dân-quyền Âu-châu,

Đây tôi xin nói qua chánh-thể dân-chủ là thế nào.

Bây giờ bên Âu-châu trừ nước nào dân còn ngu-dại như là Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, thì cái cách chánh-trị trong nước họ không giống như cách chánh-trị trong mấy nước Âu-châu khác. Còn các nước nào dân đã khôn, trình-độ đã bằng nhau, dầu một nước có vua, một nước không vua, khác nhau chỉ có ông tổng thống thì bảy năm cử lại một lần, còn vua thì cứ cha truyền con nối mãi, khác nhau là cái đó mà thôi, đến như cái chánh-thể dân-quyền thì cũng như nhau cả.

Đây tôi nói về cái chánh-thể bên Pháp. — ở trong nước có một hạ-nghị-viện là viện quan-hệ thứ nhất. Số nghị-viên thì độ trên dưới sáu trăm. Dân đúng 21 tuổi trở lên thì được ra bầu-cử. Dân mà được 25 tuổi trở lên thì được ra ứng cử. Được cử rồi gọi là hạ nghị-viên. Cái số-phận của nước Tây cầm ở trong tay cái hội ấy, hội ấy thì chủ-quyền để lập pháp-luật. Thứ nữa có một Nguyên=lão-nghị-viện. Cái viện ấy lại không phải dân cử: Các hội-đồng ở trong các tỉnh, các hội gì mà nhà-nước đã nhận có cái nhơn-cách, và những người làm việc nhà nước thì được ra ứng cử; hội ấy thì để coi về việc tiền bạc.

Khi nào bắt đầu đặt tổng-thống, hay là thiếu-tổng thống mà đặt lại, thì họp số người trong hai viện ấy lại mà bỏ thăm. Người ra ứng cử cũng là ở trong hai viện ấy. Ai được nhiều thăm thì làm tổng-thống. Khi tổng-thống đã được bầu cử rồi, thì phải thề trước mặt hai viện ấy rằng: « cứ giữ theo hiến-pháp dân-chủ, không phản bạn, không theo đảng nầy chống đảng kia, cứ giử công bình, nếu có làm bậy thì dân cứ truất ngay ». Trước thì có Macmahon, sau thì Millerand bị cách chức, cũng là vì phạm hiến-pháp.

Còn chánh-phủ thì cũng bởi trong hai viện ấy mà ra. Nhưng mà giao quyền cho đảng nào chiếm số nhiều ở trong hai viện ấy thì được tổ-chức Quốc-vụ viện. (tức là chánh phủ) Theo Quốc-vụ-viện bây giờ chừng đâu cũng đến vài chục bộ, nhưng mà không phải ăn rồi ngồi không, vênh râu lên đó như mấy ông thượng-thư ta đâu. Ông nào cũng có trách-nhiệm ông ấy cả; nếu cái gì mà làm không bằng lòng dân, thế nào cũng có người chỉ-trích. Bởi vì ở trong hạ-nghị-viện thế nào cũng có hai đảng, một đảng tả, một đảng hữu; nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước, thì đảng hữu nó xem xét chỉ trích, cho nên có muốn làm bậy cũng khó lắm. Tôi thấy nhiều người chỉ-trích cái chế-độ của dân-chủ Pháp, nói rằng ở trong nước không có một người nào chịu trách nhiệm. Ấy là những đảng quân-chủ họ nói như thế; chớ còn cứ theo cái trí tôi tưởng, thì trình-độ dân chủ Pháp cặp kè với dân nước Anh chẳng kém gì cho lắm.

(Bài này trong bản thảo của cụ chỉ thấy chép đến đấy thôi, chắc còn sót một đoạn nữa,. nay xin tiếp thêm mấy câu sau này cho hết nghĩa).

Dù lúc thế nào đi nữa, trong nước đã có hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng hiến-pháp; cái quyền Chánh-phủ cũng bởi hiến-pháp quy định cho, lười biếng không được, mà dẫu muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì phạm đến pháp-luật thì người nào cũng như người nào, từ ông tổng-thống cho đến một người nhà-quê cũng đều chịu theo một pháp-luật như nhau,

Các quan chức về việc cai-trị chỉ có quyền hành-chánh mà thôi, còn quyền xử đoán thì giao cho các quan án là những người đã học giỏi luật-lệ, có bằng-cấp, có thể xét ra việc nào trái với luật việc nào không trái với luật, chức quan án đó không phải là các quan cai-trị kiêm lấy như ở xứ ta, nhứt là ở Trung-kỳ đâu. Các quan án thì chỉ coi về việc xử đoán, có quyền độc-lập, cứ theo lương-tâm công bình, chiếu-theo pháp-luật mà xử, xử chánh-phủ cũng như xử một người dân. Các quan án ở về một viện riêng, gọi là viện tư-pháp.

Quyền tư-pháp, cũng như quyền hành-chánh của chánh-phủ và quyền lập-pháp của nghị-viện, đều đứng riêng ra, không hiệp lại trong tay một người nào.

Đây là nói sơ lược mà thôi, muốn hiểu kỹ cái chánh-thể dân-trị thì phải học chuyên-môn mới được.

Xem vậy thì biết dân-trị tức là pháp-trị (lấy phép mà trị người) vì rằng quyền lợi và bổn-phân của mọi người trong nước đều có pháp-luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi tự do, muốn bước tới bao nhiêu cũng không ai ngăn trở, chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền lợi của người khác thì không được, vì đối với pháp-luật thì mọi người đều bình-đẳng, không có ai là quan ai là dân cả.

So sánh hai cái chủ-nghĩa quân-trị và dân-trị, thì ta thấy cái chủ-nghĩa dân-tri hay hơn cái chủ-nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều-đình mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê được no ấm vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ tùy theo lòng của người chăn dê; còn như theo cái chủ-nghĩa dân-trị, thì tự quốc-dân lập ra hiến-pháp luật-lệ, đặt ra các cơ-quan đễ lo việc chung cả nước, lòng quốc-dân muốn thế nào thì làm thế ấy; dẫu không có người tài giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nỗi phải đè đầu khốn nạn làm tôi mọi một nhà một họ nào.

Xét lịch-sử xưa nay, dân nào khôn ngoan biết lo tự-cường tự-lập, mưu lấy sự lợi ích chung của mình, thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ, còn dân nào ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả các quyền-lợi của mình vào trong tay một người hay là một chánh-phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành-động, không bàn-luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn-khổ mọi đường.

Anh em chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước, mới mong có ngày cất đầu lên nổi.

HẾT

  1. Bài kinh-nghĩa, có tám cổ, thường gọi là văn bát-cổ, bọn bát cổ tức là những người học đi thi cử ngày xưa.


Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộngHoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.


Tác giả mất năm 1926, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.