Quân minh thần lương - 君明臣良
của Lê Thánh Tông

Tựa đề "Quân minh thần lương" là lấy ra bốn chữ ngắn gọn từ các dòng viết của nhà vua ở đầu đề bài thơ.

Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

御製予靜坐深宮遐思古昔君明臣良與當今基業之盛偶成一律:

高帝英雄蓋世名
文皇智勇撫盈成
抑齋心上光奎藻
武穆胸中列甲兵
十鄭第兄聯貴顯
二申父子佩恩榮
孝孫洪德承丕緒
八百姬周樂治平

Ngự chế: Dư tĩnh tọa thâm cung hà tư cổ tích, quân minh thần lương, dữ đương kim cơ nghiệp chi thịnh, ngẫu thành nhất luật:

Cao Đế[1] anh hùng cái thế danh,
Văn Hoàng[2] trí dũng phủ doanh thành.
Ức Trai[3] tâm thượng quang khuê tảo[4],
Vũ Mục[5] hung trung liệt giáp binh.
Thập Trịnh[6] đệ huynh liên quý hiển,
Nhị Thân[7] phụ tử bội ân vinh.
Hiếu tôn Hồng Đức[8] thừa phi tự,
Bát bách Cơ Chu[9] lạc trị bình

Ta lặng ngồi trong cung điện, nghĩ tới các bậc "Vua sáng tôi hiền" thời xưa và cơ nghiệp thịnh vượng ngày nay, ngẫu tác bài thơ luật này:

Đức Cao Đế là bậc anh hùng, danh trùm thiên hạ,
Đức Văn Hoàng trí dũng, giữ yên nghiệp lớn.
Lòng Ức Trai rạng tỏa văn chương,
Bụng Vũ Mục chứa đầy binh giáp.
Mười anh em họ Trịnh đều vẻ vang phú quý,
Hai cha con họ Thân nhiều ân sủng vinh hoa.
Cháu hiếu Hồng Đức kế thừa nghiệp lớn,
Vui hưởng trị bình như nhà Chu dài tám trăm năm.

   




Chú thích

  1. Cao Đế: Vua Thái Tổ Cao Hoàng Đế dấu tích ở Lam Sơn, khi cờ nghĩa dấy lên, giặc Minh thua chạy, khôi phục đất nước, hai Kinh vững vàng. Hơn 20 thành mở cửa đầu hàng, dựng cơ nghiệp muôn thuở, giải phóng trăm họ, lập thành công lớn, từ xưa chưa thấy. (Nguyên chú của tác giả)
  2. Văn Hoàng: Vua Thái Tông Văn Hoàng Đế kế thừa nghiệp lớn, trong lặng ngoài yên, văn giáo mở mang, vũ oai lừng lẫy, thóc gạo thừa thãi, nhân vật phồn thịnh. (Nguyên chú của tác giả)
  3. Ức Trai: Thừa chỉ Quan Phục hầu Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai đậu khoa bảng từ đời Hồ. Khi Thánh Tổ mới mở cơ nghiệp, theo về nơi Lỗi Giang, bên trong thì trù tính phương lược, bên ngoài thì thảo văn thư chiếu dụ các thành, văn chương của Ông làm vẻ vang cho nước, rất được vua yêu quý tin dùng. (Nguyên chú của tác giả)
  4. Ánh sao Khuê và ánh rong biển tượng trưng cho văn chương có giá trị
  5. Vũ Mục: Tư Mã Lê Khôi, thụy là Vũ Mục, cháu gọi Thái Tổ Cao Hoàng Đế bằng chú, thâm trầm hùng dũng, tài lược hơn người, đánh quân Minh tới đâu được đấy, trấn thủ thành Thuận Hóa, người Chiêm Thành khiếp sợ. (Nguyên chú của tác giả)
  6. Thập Trịnh: Thái úy Trịnh Khả, con là Trịnh Bá Quát, Trịnh Công Lộ, Trịnh Công Ngộ, Trịnh Đạt, Trịnh Quý Thuật, Trịnh Quý Địch, Trịnh Hựu, Trịnh Giang, ... Anh em hơn mười người, đều làm quan, rất là quý hiển. (Nguyên chú của tác giả)
  7. Nhị Thân: Thân Nhân Trung 申仁忠, con là Thân Nhân Tín, trước sau nối gót, khoa bảng đậu cao. Nhân Trung quan nhị phẩm, chức luận tư. Nhân Tín giữ chức từ lâm, vào hàng Ngọc thự (tức Viện Hàn Lâm). (Nguyên chú của tác giả)
  8. Hồng Đức: Năm Kỷ Mão gặp đại biến. Lạng Sơn Vương (tức Nghi Dân) giết Vua, tội phản nghịch, mượn uy quyền, khinh phép nước. Năm Canh Thìn ngày 6, các quan văn võ dẹp tan bọn giặc, diệt tụi gian đảng, rước ta từ nơi ở riêng về lên ngôi, vỗ về yên ủi muôn dân. Từ Quang Thuận Hồng Đức đến nay được 25 năm (tức từ năm 1460 đến 1494). (Nguyên chú của tác giả)
  9. Cơ Chu: Nhà Chu họ Cơ ở Trung Quốc, làm vua 35 đời hơn 800 năm trước Công Nguyên