Phật lục của Trần Trọng Kim
V. Sự thờ-phụng và cách bài-trí các tượng ở trong chùa

V

SỰ THỜ-PHỤNG VÀ CÁCH BÀI-TRÍ CÁC TƯỢNG TRONG CHÙA

Cách bài-trí các tượng chư Phật, chư Bồ-tát cùng các vị thần thánh ở trong chùa, tuy vẫn có qui-thức và ý-nghĩa rõ-ràng, nhưng vì xưa nay không có sách-vở nào ghi chép cho tinh-tường, thành thử người ta vào chùa không phân-biệt được pho tượng nào thờ vị nào. Nay ta muốn biết rõ, thì trước hết phải phân-biệt tượng thờ chư Phật và tượng thờ chư Bồ-tát.

Tượng thờ chư Phật tạc theo những tướng lạ đã nói ở trong kinh, nhất là những tướng đã biểu-lộ ra ngoài, như là trên đỉnh đầu có cái gồ thịt nổi cao lên tựa búi tóc, mặt tròn và ở phía dưới trán, chỗ hai lông mày giao với nhau, có cái nốt thịt gọi là bạch-ngọc-hào, hai tai dày và dài, ngực có ngấn chữ vạn 卐, mình vàng sắc hoàng-kim. Tượng nào cũng để ngồi lối phù-giả, nghĩa là ngồi xếp-bằng trên tòa sen, dáng-điệu thuyết-pháp hoặc làm hiệu bố-thí. Bởi vì tượng Phật thường làm lộ viên-đỉnh[1] không mấy khi đội mũ, để tóc xoăn như con ốc, cho nên tục gọi là tượng Bụt ốc.

Tượng thờ chư Đại Bồ-tát, thì đầu đội mũ bào-quan, cổ đeo anh-lạc, nghĩa là đeo dây châu báu, hoặc ngồi, hoặc đứng trên tòa sen, có khi cưỡi trên con thú, tay cầm pháp bảo hay cầm quyết, là hiệu riêng của từng vị.

Tại sao tượng chư Phật và chư Đại-Bồ-tát thường để ngồi hay đứng trên hoa sen? Nguyên trong các thứ hoa, có hoa sen biểu-thị được rõ-ràng cái ý-nghĩa đạo Phật. Một là đạo Phật, nói rút lại, là đạo nói về nhân với quả: nhân không lìa quả, quả không lìa nhân, mà hoa sen là hoa có cả nhân và quả, đồng thời cùng sinh ra một lúc. Hai là hoa sen sinh trưởng ở chỗ có bùn có nước, nổi lên trên mặt bùn mặt nước, mà không nhiễm mùi bùn mùi nước. Ví như Phật sinh trưởng ở thế-gian, làm những điều ra ngoài thế-gian, mà không nhiễm chư pháp của thế-gian. Vậy nên nhà Phật lấy hoa sen làm biểu-hiệu để hiện-lộ ra cái chính-giác của Phật không có chút gì là nhiễm-trược cả. (Trung A-hàm uế-phẩm thanh-bạch liên-hoa dụ, quyển VI)

Vì cái nghĩa ấy, cho nên nói rằng: « Liên-hoa li chư nhiễm-ố 蓮 花 離 諸 染 汙: hoa sen lìa bỏ các thứ dơ bẩn », và thường lấy hoa sen mà đặt những tên như Diệu-pháp liên-hoa kinh 妙 法 蓮 花 經, liên-hoa ấn 蓮 花 印, liên-hoa tọa 蓮 花 座 , v.v.

Phái Tĩnh-thổ trong đạo Phật cũng lấy hoa sen mà ví đất Tĩnh-thổ, bởi vậy mới nói rằng: « Di-đà chi Tĩnh-thổ, dĩ liên-hoa vi sở cư, cố chỉ Tĩnh-thổ viết liên 彌 陀 之 淨 土,以 蓮 花 為 所 居,故 指 淨 土 曰 蓮: Đất Tĩnh-thổ của Phật Di-đà là lấy hoa sen làm chỗ ở, cho nên gọi Tĩnh-thổ là sen ». Cũng vì thế, cho nên nói rằng những người được Phật độ về cõi Tĩnh-thổ đều do hoa sen mà hóa sinh ra ở cõi ấy.

Cái nghĩa chư Phật và chư Đại Bồ-tát ngồi trên tòa sen là thế. Đã lấy hoa sen làm cái biểu-hiệu xuất thế-gian, tức là có cái nghĩa hàm tàng cả thế-gian, cho nên trong kinh nói rằng: « Chư Phật thường dĩ liên-hoa vi tọa sàng giả, cái thủ liên-hoa tàng thế-giới chi nghĩa. Liên hoa tàng thế-giới giả, báo thân Phật chi Tĩnh-thổ giã: 諸 佛 常 以 蓮 花 為 坐 床 者,蓋 取 蓮 花 藏 世 界 之 義。蓮 花 藏 世 界 者,報 身 佛 之 淨 土 也: Chư Phật thường lấy hoa sen làm chỗ ngồi, là lấy cái nghĩa hàm tàng thế-giới, tức là cõi Tĩnh-thổ của báo-thân Phật ».

Vậy chư Phật và chư Đại Bồ-tát là bậc ra ngoài thế-gian, cho nên để ngồi trên tòa sen, còn những bậc thần thánh ở trong thế-gian, thì có tượng thờ Phạm-thiên và Đế-Thích mặc áo long-bào, đội mũ miện, ngồi ngai như vị hoàng-đế; tượng thờ bốn vị Bồ-tát hình dáng thiên-thần; tượng thờ tám vị Kim-cương mặc áo giáp, đội mũ trụ, cầm binh khí, hình dáng vô tướng.

Ta đã nhận rõ hình dáng các tượng ở trong chùa như thế rồi bây giờ muốn biết cách bài-trí các tượng ở trong chùa thế nào là đúng qui-thức, thì tưởng nên chia nhà chùa ra làm bốn lớp như sau này: Điện thờ Phật, — nhà bái-đường ở trước điện thờ Phật, — nhà hành-lang ở hai bên chùa, — nhà tăng-đường hay nhà tổ.

A. — ĐIỆN THỜ PHẬT

Chùa nào ở trước chính điện cũng có ba cửa Tam-quan làm rộng lớn, tầng trên thường để làm gác chuông. Tam quan 三 觀 nghĩa là ba điều xem-xét cho rõ trong đạo Phật. Ba điều ấy là không-quan 空 觀, dả-quan 假 觀 và trung-quan 中 觀. Không-quan là xét sự vật gì cũng không có thực tính và thực tướng, tức là cái gì cũng không cả; dả-quan là xét đủ hết cả chư pháp đều biến hóa vô thường, tức là dả cả; trung-quan là xét theo cái lẽ không phải là không và không phải là dả, trung chính ở giữa có cả không và dả, đó là chỗ yếu-trọng ở con đường vào cửa Phật. Bởi vậy người ta mới làm ba cái cửa để biểu-thị ba cái lẽ chân thực ấy.

Khi đã vào trong chùa, thì chỗ cần xem nhất là điện thờ Phật. Cách bài-trí các tượng ở trong chùa rất có ý-nghĩa: lớp trên cùng ở trong xa, thờ hết thảy chư Phật; lớp dưới ở giữa điện thờ Phật và Bồ-tát chủ việc tiếp-dẫn chúng sinh về Cực-lạc; lớp thứ ba thờ Phật và Bồ-tát chủ việc giáo-hóa chúng sinh ở cõi Sa-bà, là cõi thế-giới ta ở đây; lớp thứ tư thờ Phật Thích-ca mới giáng sinh ra ở đời và hai vị Thiên-vương làm chủ-tể trên cõi trời; các lớp ngoài nữa thờ bốn vị Thiên-vương và Thiên-thần chủ việc hộ-trì Phật pháp. Theo cái ý-nghĩa ấy, thì ở trong điện thờ Phật phải có bốn lớp hay là sáu lớp kể từ trong cùng điện ra đến ngoài bái-đường.

a) Tượng tam-thế. Lớp trên cùng tột, ở chỗ giáp vách gần nóc chùa, có ba pho tượng nhỏ để ngang một dãy, khuôn khổ bằng nhau, hình dáng giống nhau, gọi là tượng Tam-thế 三 世. Tam-thế là nói tổng-hợp hết thảy chư Phật ở đời quá-khứ, đời hiện-tại và đời vị-lai, tức là trỏ chung các cõi Phật trong thời-gian, cho nên để chỗ rất cao mãi trong xa.

Tượng Tam thế quá-khứ, hiện-tại, tương-lai Phật

b) Tượng Di-đà tam-tôn. Lớp thứ hai có ba pho tượng lớn; pho tượng ngồi giữa là tượng đức A-di-đà, pho tượng đứng bên tả là tượng đức Quan-thế-âm, pho tượng đứng bên hữu là tượng đức Đại-thế-chí. Ba pho tượng này thờ đức Phật và hai đức Bồ-tát ở Tây-phương Cực-lạc, chủ việc cứu độ chúng sinh. Tuy cõi Cực-lạc là cõi Phật, nhưng có duyên với cõi Sa-bà là cõi trần ta này, cho nên để gần hơn lớp thờ Phật tam thế.

c) Tượng đức Thích-ca giáo-chủ. Lớp thứ ba có ba pho tượng lớn: Pho tượng lớn ngồi giữa là đức Thích-ca mầu-ni, pho tượng ở bên tả hoặc đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con sư-tử xanh, là tượng đức Văn-thù Bồ-tát, pho tượng ở bên hữu hoặc đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con voi trắng là tượng đức Phổ-hiền Bồ-tát.

Ở lớp thứ ba này có nhiều chùa làm tượng đức Thích-ca mầu-ni ngồi cầm hoa sen, gọi là tượng niêm-hoa để ở giữa, bên tả để tượng Ca-diếp tôn-giả vẻ mặt già, bên hữu để tượng A-nan-đà tôn-giả vẻ mặt trẻ, là hai vị đại đệ-tử của Phật Thích-ca lúc còn ở thế-gian. Tượng hai vị tôn-giả ấy đều tạc đứng, hình dáng hai người tỉ-khâu.

Lớp này thờ đức Phật làm giáo-chủ ở Sa-bà thế-giới và các vị Bồ-tát giúp Phật mà giáo-hóa chúng sinh, cho nên để gần ở ngoài.

d) Tượng Cửu-long. Lớp thứ tư có pho tượng Cửu-long để giữa. Tượng này làm theo điển nói khi đức Thích-ca mầu-ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm, đoạn rồi ngài bước đi bảy bước, tay tả chỉ lên trời, tay hữu chỉ xuống đất mà kêu lên rằng: « Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn 天 上 天 下 唯 我 獨 尊: Trên trời, dưới trời chỉ có ta là tôn-quí hơn cả ». Bởi vậy tượng Cửu-long làm chín con rồng vây bọc chung quanh và ở trên những đám mây có chư Phật, chư thiên, nhã nhạc, cờ phướn và bát bộ Kim-cương, ở giữa có một pho tượng nhỏ, đứng một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất. Đó là tượng đức Thích-ca mầu-ni lúc sơ sinh.

Bên tả tượng Cửu-long có tượng Đế-Thích ngồi ngai, mặc áo đội mũ hoàng-đế, bên hữu có tượng Đại-Phạm-thiên cùng một kiểu như tượng Đế-Thích. Đó là theo điển nói hai vị Đại-Thiên-vương này làm chủ-tể ở cõi Sa-bà thế-giới và lúc nào cũng hộ-trì đức Thích-ca khi ngài chưa thành Phật. Sa-bà thế-giới là cõi đời ta ở đây, cho nên mới để tượng Cửu-long và tượng Phạm-thiên Đế-Thích ở lớp ngoài cùng.

Những chùa thường, ở trong điện thờ Phật chỉ bày có thế mà thôi. Còn những chùa rộng lớn thì bày thêm hai lớp tượng nữa, là:

e) Tượng tứ Thiên-vương. Ở ngoài tượng Cửu-long để bốn pho tượng tứ Thiên-vương mặc áo vương phục, bày làm hai dãy đối nhau, tức là bốn vị hộ-thế.

f) Tượng tứ Bồ-tát. Có chùa bỏ tượng tứ Thiên-vương mà bày tượng bốn vị Bồ-tát, tạc hình thiên thần, gọi là Ái Bồ-tát 愛 菩 薩, tay cầm cái tên; Sách Bồ-tát 索 菩 薩, tay cầm cái dây; Ngữ Bồ-tát 語 菩 薩 tay cái lưỡi; Quyển Bồ-tát 拳 菩 薩 tay nắm lại và để vào ngực.

g) Tượng bát bộ Kim-cương. Có nhiều chùa tạc tượng tám vị Kim-cương, là thần tướng trên trời, thường gọi là bát bộ Kim-cương:

1— Thanh-trừ-tai Kim-cương 青 除 災 金 剛.

2— Tích-độc-thần Kim-cương 積 毒 神 金 剛.

3— Hoàng-tùy-cầu Kim-cương 黃 隨 求 金 剛.

4— Bạch-tĩnh-thúy Kim-cương 白 淨 水 金 剛.

5— Xích-thanh-hỏa Kim-cương 赤 青 火 金 剛.

6— Định-trừ-tai Kim-cương 定 除 災 金 剛.

7— Tử-hiền Kim-cương 紫 賢 金 剛.

8— Đại-thần-lực Kim-cương 大 神 力 金 剛.

Bốn vị Bồ-tát và tám vị Kim-cương này, theo những điển ở trong các kinh, thì có nhiều thuyết khác nhau, song đại ý là nói những bậc thần đã phát bồ-đề-tâm, đem thần lực mà hộ-trì Phật pháp.

Theo cho đúng qui-thức, thì ở trong điện thờ Phật phải bày như thế, mới có ý-nghĩa. Vì rằng chư Phật là bậc đại-giác viên-mãn đã xuất thế-gian rồi, thì ở xa trên cùng. Đức Phật A-di-đà chủ việc cứu-thế ở cõi Cực-lạc và đức Phật Thích-ca mầu-ni chủ việc giáo-hóa ở cõi Sa-bà, thì để chính giữa điện. Các vị Bồ-tát là những bậc có lòng từ-bi bác-ái đem trí-tuệ và chân-lý mà giúp Phật trong việc cứu-độ chúng sinh, thì để hai bên cạnh Phật. Còn những bậc ở trong thế-gian mà có thần-uy thế-lực như các vị Thiên-vương và có sức mạnh rất lớn như các vị Kim-cương, thì để ở ngoài cùng để hộ-trì Phật pháp.

Cách bài trí khác ở các chùa.— Ở các chùa, có nhiều chùa hoặc vì không biết, hoặc vì tùy tiện, hoặc vì lẽ gì ta không rõ, bày các tượng thờ ở trong điện không đúng cái qui-thức đã nói ở trên. Đại khái thì chùa nào cũng có tượng Tam-thế, và tượng đức A-di-đà, nhưng từ lớp thứ ba trở xuống thì có mấy cách khác như sau này:

1.— Một cách là ở lớp thứ ba bỏ ba pho tượng Thích-ca mầu-ni, Văn-thù và Phổ-hiền, mà để tượng đức Di-lặc thay vào.

Tượng Di-lặc ở nước ta thường làm một ông rất béo đẫy, bụng phệ-nệ, ngồi ngửa lưng về đằng sau, miệng cười hớn-hở có vẻ rất sung-sướng, tỏ ý là không có lo buồn điều gì. Bởi vậy tục thường gọi là « ông Vô-lo ». Cũng có chùa làm đủ ba pho tượng Di-lặc tam-tôn: ở giữa là đức Di-lặc, bên tả là tượng Pháp-hoa-lâm Bồ-tát, bên hữu là tượng Đại-diệu-tướng Bồ-tát. Có nhiều người không biết, gọi lầm hai vị Bồ-tát ấy là Quan-thế-âm và Đại-thế-chí.

Cũng có chùa trên để tượng Tuyết-sơn là tượng đức Thích-ca khi tu phép khổ-hạnh ở trong núi Tuyết-sơn, hình-dáng gầy-còm, da bọc lấy xương; dưới để thêm tượng Di-lặc. Người thường thấy tượng Di-lặc béo tốt, chỉ mặc có manh áo lơ-thơ, để phơi cả ngực và bụng ra, mà tượng Tuyết-sơn thì lại gầy-còm mà lại có áo che kín, bèn gọi là tượng Di-lặc là « ông nhịn mặc mà ăn » và tượng Tuyết-sơn là « ông nhịn ăn mà mặc ».

2.— Một cách là ở lớp thứ ba để tượng Di-lặc và ở lớp dưới để tượng Thiên-thủ thiên-nhãn Quan-thế-âm, rồi mới đến tượng Cửu-long. Cũng có chùa gọi tượng Thiên-thủ ấy là tượng đức Chuẩn-đề Quan-âm.

3.— Một cách là có nhiều chùa bỏ hai tượng Đại-Phạm-thiên và Đế-Thích, mà bày ra ngoài tượng Cửu-long ba pho: giữa là tượng Ngọc-hoàng, bên tả là tượng thần Nam-tào, bên hữu là tượng thần Bắc-đẩu. Ngọc-hoàng là chủ-tể trên cõi trời, Nam-tào là thần coi việc sinh, Bắc-đẩu là thần coi việc tử. Ba vị thần này thuộc về Đạo-giáo, nhưng không hiểu tại sao lại đem vào thờ với Phật. Có lẽ là về những đời Đường đời Tống bên Tàu, Đạo-giáo rất thịnh-hành, có khi lấn cả Phật-giáo, chư tăng bên Phật-giáo mới đem những vị thần bên Đạo-giáo vào thờ trong chùa, để tỏ ý dung-hòa cả hai tôn-giáo chăng. Có người lại nói rằng đó là chỉ để thờ những vị thần coi việc sinh tử họa phúc ở thế-gian mà thôi, chứ không có ý gì khác cả.

4.— Một cách là bày thêm ở hai bên nách chùa về phía trong cùng, tượng đức Quan-thế-âm và tượng đức Đại-thế-chí, hoặc tượng đức Văn-thù và tượng đức Phổ-hiền. Có khi lại bày một bên là tượng đức Phật-bà Điệu-Thiện, một bên là tượng đức Quan-âm tọa-sơn hay là tượng đức Quan-âm tống-tử, tức là đức Quan-âm Thị-Kính. Cũng có khi cả hai bên bày hai tượng hóa-thân của đức Quan-âm, hoặc tượng đức Di-lặc và tượng đức Địa-tạng.

Đại khái cách bài-trí trong điện thờ Phật ở những chùa xứ Bắc-kỳ là thế. Ít lâu nay có nơi làm chùa mới, chỉ tạc có một pho tượng Phật để thờ ở giữa điện. Như thế, người ta không biết rõ là tượng thờ đức A-di-đà hay là tượng thờ đức Thích-ca mầu-ni, thành ra lại khó hiểu lắm và không đúng cái ý-chỉ của phái Đại-thặng.

Các kiểu tượng.— Ta nên biết rằng trong chư Phật chư Bồ-tát thờ ở các chùa nước Nam ta, chỉ có tượng đức Thích-ca và đức Quan-thế-âm là có nhiều kiểu hơn cả.

Tượng đức Thích-ca có bốn kiểu như sau này:

1⋅) Tượng Cửu-long tạc theo điển lúc đức Thích-ca sơ sinh.

2⋅) Tượng Tuyết-sơn tạc theo điển lúc đức Thích-ca tu khổ-hạnh.

Hiện nay ở Bắc-kỳ, chùa Tây-phương, thuộc phủ Quốc-oai, tỉnh Sơn-tây, có cái tượng Tuyết-sơn tạc rất khéo, và chùa Bút-tháp thuộc phủ Thuận-thành tỉnh Bắc-ninh, có pho tượng Tuyết-sơn cũng có mỹ-thuật. Hai pho tượng ấy thật đáng xem.

3⋅) Tượng Thuyết-pháp hay tượng Niêm-hoa tạc theo điển lúc đức Thích-ca đã thành Phật.

4⋅) Tượng Nát-bàn tạc theo điển lúc đức Thích-ca vào Nát-bàn, nằm nghiêng về bên tả, gối đầu về bên cánh tay tả. Kiểu này ở nước ta không có mấy, chỉ ở bên Lào và bên Xiêm, thuộc về phái Tiểu-thặng mới có nhiều.

Tượng đức Quan-thế-âm có sáu kiểu như sau này:

1⋅) Tượng đức Chuẩn-đề Quan-âm, theo đúng trong sách, thì phải làm có 3 mắt và 18 tay cầm pháp bảo, nhưng thường chỉ làm có nhiều tay mà thôi.

2⋅) Tượng đức Thiên-thủ Thiên-nhỡn Quan-thế-âm, tạc theo điển bà Diệu-Thiện, nhưng thường chỉ làm được một trăm tay là cùng. Chỉ có chùa Búp-tháp, thuộc tỉnh Bắc-ninh, làm được một kiểu có nhiều đầu và có nghìn tay nghìn mắt rất là tinh-xảo.

3⋅) Tượng Phật-bà Quan-âm đội mũ ni, hoặc đứng hoặc ngồi trên tòa-sen, tay cầm lọ nước cam-lộ và cành dương-liễu.

4⋅) Tượng Quan-âm tọa-sơn, làm ngồi trên núi đá.

5⋅) Tượng Phật-bà Quan-âm ngồi trên tòa sen để trên đầu một người. Đó là theo cái điển nói có giống yêu-quái hay hiện ra làm tên lái-đò để quấy-nhiễu hành khách. Đức Quan-âm làm phép bắt nó phải đội tòa sen, để trừ hại cho chúng sinh.

6⋅) Tượng Phật-bà Thị-kính hay là Quan-âm tống-từ, tạc theo điển nàng Thị-Kính, người nước Cao-ly, lấy chồng là Thiện-sĩ, bị chồng ngờ là thất tiết. Nàng bên cải nam hình đi tu, pháp-danh là Kính-tâm, lại bị Thị-mầu đổ oan tình cho, nàng phải nuôi một đứa trẻ thơ. Sau được chứng chính-quả thành Phật. Tượng này làm ngài ngồi bế đứa trẻ ở bên cạnh có con vẹt đậu trên núi đá. Con vẹt ấy là hậu thân của Thiện-sĩ.

Những tượng Quan-âm ở nước ta thường là nữ tướng cả chỉ có tượng Chuẩn-đề và tượng Thiên-thủ thiên-nhỡn là không phân biệt nam hay nữ.

B.— NHÀ BÁI ĐƯỜNG

a) Tượng Hộ-pháp.— Ở nhà bái-đường là nhà ngang liền với điện thờ Phật, thì các chùa thường có hai pho tượng rất lớn, mặc áo giáp đội mũ trụ, cầm binh khí, hình dáng hai người võ-sĩ rất dữ-tợn, hoặc đứng hoặc cưỡi trên hai con sấu. Đó là tượng hai vị Hộ-pháp, bên tả là vị Khuyến-thiện, bên hữu là vị Trừng-ác. Người ta thường gọi tắt là ông Thiện và ông Ác. Những điển nói về hai ông Hộ-pháp này có nhiều chỗ khác nhau. Nhưng chung qui cũng là hai vị thiên thần có sức mạnh chuyên coi việc hộ-trì Phật pháp.

Những chùa thật cổ chỉ làm có một vị Hộ-pháp gọi là Vi-đà thiên-tướng-quân 韋 馱 天 將 軍, tức là một vị thiên tướng vâng sắc chỉ của Phật hộ-trì Phật pháp trong ba châu là Đông-châu, Tây-châu và Nam-châu, cho nên người ta thường gọi là Tam-châu Hộ-pháp 三 洲 護 法.

b) Ban thờ Thổ-địa-thần. Ở nhà bái-đường có ban thờ Thổ-địa-thần, tức là vị thần coi giữ cõi đất. Sách Tượng-khí 像 器 nói rằng: « Thổ-địa-đường, tức là nhà bái-đường, thờ Thổ-địa-thần và Hộ-pháp-thần, mà ban thờ Thổ-địa-thần thì ở

Tượng Hộ-pháp

phía đông phật điện ». Ở các chùa, thì ban thờ Thổ-địa-thần để về bên tả bái-đường, có pho tượng tạc mặt đỏ, trông rất uy-nghiêm, tục gọi là đức ông trông-coi tài-sản và các khí vật trong chùa, khiến kẻ gian-phi không được xâm-phạm. Cũng có chùa tạc tượng Thổ-địa-thần làm một người già râu bạc, mặt trông hiền-hậu. Nhưng người ta cho như thế không đúng cái nghĩa thờ Thổ-địa-thần.

c) Ban thờ Long-thần. Ở bên cạnh ban thờ Thổ-địa-thần có ban thờ Long-thần. Người ta nói vị Long-thần này là một Long-vương đã quy Phật và có công hộ-trì Phật pháp. Nhưng xét ra trong các kinh thường nói rằng: « Khi Phật thuyết pháp thì có thiên long bát bộ 天 龍 八 部 đều đến nghe ». Thiên là các bậc ở cõi trời, long là các long-thần, và sáu bậc quỉ thần khác nữa, gọi gồm cả là bát bộ. Có lẽ người ta không hiểu rõ nghĩa bốn chữ ấy mà nhận lầm là một vị Long-thần chăng.

d) Ban thờ thánh-tăng. Ở phía bên hữu nhà bái-đường, các chùa ta còn có ban thờ vị Thánh-tăng. Sự thờ vị Thánh-tăng sẽ nói ở mục nhà tăng-đường.

e) Động Thập-điện. Ở nhà bái-đường những chùa lớn thường làm ở vách hai bên tả hữu mười cái động ở âm-ty, gọi là động thập-điện. Đáng lẽ nên để tượng 18 vị La-hán ở hai bên nhà bái-đường, mà để động thập-điện ở nhà hành-lang thì mới đúng. Vì các vị La-hán là đệ-tử Phật, vâng sắc-lệnh của Phật ở lại thế-gian mà gửi Phật pháp. Nhưng có lẽ vì không đủ chỗ, cho nên mới đem để các vị La-hán ở nhà hành-lang mà để động thập-điện ở nhà bái-đường.

Những động này thường làm theo điển đã nói ở trong kinh Địa-tạng bản-nguyện, phô bày những hình phạt ở âm-ty để trừng-giới những kẻ gian-ác. Trong những động ấy có tượng các vua Diêm-vương, các phán quan cùng những ngục-tốt là quỉ-sứ đầu trâu mặt ngựa rất là hung-tợn, và bày ra các ngục hình, như bàn trông, vạc dầu vân vân, rất gớm ghê.

Sách nhà Phật nói rằng: « Ở dưới âm-ty có 10 ông vua coi 10 điện, gọi là Thập-điện Diêm-vương. Mười ông vua ấy là:

1— Tần-quang-vương 秦 廣 王, coi điện thứ nhất.

2— Sở-giang-vương 楚 江 王, coi điện thứ hai.

3— Tống-đế-vương 宋 帝 王, coi điện thứ ba.

4— Ngũ-quan-vương 伍 官 王, coi điện thứ tư.

5— Diêm-la-vương 閻 羅 王, coi điện thứ năm.

6— Biến-thành-vương 變 成 王, coi điện thứ sáu.

7— Thái-sơn-vương 泰 山 王, coi điện thứ bảy.

8— Bình-đẳng-vương 平 等 王, coi điện thứ tám.

9— Đô-thị-vương 都 市 王, coi điện thứ chín.

10— Chuyển-luân-vương 轉 輪 王, coi điện thứ mười.

Theo các điện trong sách, hễ người nào chết, thì linh hồn phải qua mười điện ấy để Diêm-vương xét hỏi các công-đức và các tội-lỗi mà định sự thưởng sự phạt theo cái nghiệp-báo của người ấy.

Chùa nào có động Thập-điện thì hay làm riêng ra một chỗ ở đàng sau điện thờ Phật. Cũng có nhiều chùa không làm thành động chỉ làm tượng mười vị Diêm-vương và đặt ban thờ hoặc ở hai bên điện thờ Phật, hoặc ở hai bên nhà bái-đường, mỗi ban để thờ năm-vị.

C.— NHÀ HÀNH-LANG

Nhà hành-lang là hai dãy nhà dài làm ở hai bên chùa đi thông vào nhà hậu-đường. Ở giáp tường nhà hành-lang thường có mỗi bên chín pho tượng, có khi làm to bằng người thật, ngồi trên núi đá hoặc ở gốc cây, hình-dáng pho nào cũng có bộ nghĩ-ngợi trầm-mặc, gọi gồm cả là Thập-bát La-hán 十 八 羅 漢.

La-hán là do chữ phạm A-la-hán 阿 羅 漢 (Arahat) gọi tắt. Đạo Phật gọi A-la-hán là những bậc đã tu đến chỗ không sinh không tử, không có gì phải học nữa, cho nên có nghĩa là vô-học 無 學, hay là vô-sinh 無 生 và lại có nghĩa là sát-tặc 殺 賊, tức là nói giết được cái giặc phiền-não.

Ở các chùa bên Tây-tạng, bên Tàu và bên Việt-nam ta thường làm mười-tám vị La-hán, nhưng trong các sách chỉ

Tượng Hộ-pháp

nói có mười-sáu vị mà thôi. Sách Pháp-trụ-ký 法 住 記 chép rằng. « Mười-sáu vị A-la-hán vâng sắc-mệnh của Phật ở lại thế-gian mà thủ hộ chính pháp, đến nay vẫn chưa nhập diệt ». Mười-sáu vị A-la-hán ấy là:

1 — Tân-độ-la Bạt-ra-nọa-xa Tôn-giả 賓 度 羅 跋 囉 惰 闍 尊 者 (Pindola Bharadvaja)

2 — Ca-nặc-ca Phạt-xa Tôn-giả 迦 諾 迦 伐 蹉 尊 者 (Kanakavatsa).

3 — Ca-nặc-ca Bạt-lị-nọa-xa Tôn-giả 迦 諾 迦 跋 厘 惰 闍 尊 者 (Kanaka Bharadvaja).

4 — Tô-tần-đà Tôn-giả 蘇 頻 陀 尊 者 (Suivinda).

5 — Nặc-cự-la Tôn-giả 諾 距 羅 尊 者 (Nakula).

6 — Bạt-đà Tôn-giả 跋 陀 尊 者 (Bhadra).

7 — Ca-ri-ca Tôn-giả 迦 理 迦 尊 者 (Karika).

8 — Phạt-xa-la-phất-đa-la Tôn-giả 伐 闍 羅 弗 多 羅 尊 者 (Vajravutra).

9 — Thú-bác-ca Tôn-giả 戍 博 迦 尊 者 (Svaka).

10 — Bán-thác-ca Tôn-giả 半 託 迦 尊 者 (Panthaka).

11 — Ra-hộ-la Tôn-giả 羅 怙 羅 尊 者 (Râhula).

12 — Na-ka-tê-na Tôn-giả 那 伽 犀 那 尊 者 (Nagaséna).

13 — Nhân-kết-đà Tôn-giả 因 揭 陀 尊 者 (Ingata).

14 — Phạt-na-bà-tư Tôn-giả 伐 那 婆 斯 尊 者 (Vanavâsin).

15 — A-thị-đa Tôn-giả 阿 氏 多 尊 者 (Ajita).

16 — Chú-đồ bán-thác-ca Tôn-giả 注 荼 半 托 迦 尊 者 (Cudapanthaka).

Tương truyền rằng tượng 16 vị La-hán này là do ngươi Quán Hưu 貫 休 đời nhà Lương nằm chiêm bao thấy mà vẽ ra.

Sách La-hán-đồ-tán-tập 羅 漢 圖 讚 集 vẽ 18 vị, là thêm một vị tên là Khánh-hữu Tôn-giả 慶 友 尊 者 và một vị tên là Tân-đầu-lư Tôn-giả 賓 頭 慮 尊 者. Người ta cho Tân-đầu-lư chính là Tân-độ-la Bạt-ra-nọa-xa, nhưng chỉ lấy hai chữ tên tự ở trên dịch hơi sai âm của tiếng phạm và bỏ mấy chữ tên họ ở dưới đi, mà đặt ra một vị khác. Còn Khánh-hữu là dịch theo nghĩa tiếng Nan-đề-mật-đa-la 難 提 密 多 羅 là tên người làm bộ sách Pháp-trụ-ký vào quãng tám trăm năm sau Phật Thích-ca đã nhập diệt.

Lại có một thuyết nói rằng: Họ Trương ở Kim-thủy đất Thục vẽ tranh 18 vị La-hán và Tô Đông-pha làm bài tụng tán. Theo thuyết này thì hai vị thêm vào sau là Ca-diếp Tôn-giả và Quân-đồ bát-thán Tôn-giả 軍 徒 鉢 歎 尊 者.

Bên Tây-tạng, thì tương truyền rằng hai vị sau là Ma-gia phu-nhân và Di-lặc.

Vậy theo đúng trong sách, thì chỉ có 16 vị mà thôi, còn hai vị nữa là đời sau người ta nhận lầm mà thêm ra và không biết đích xác là danh hiệu người nào.

Dù thế nào mặc lòng, bởi có những điển nói về những vị A-la-hán ấy, mà gây thành ra nhiều kiểu rất đẹp về nghề điêu-khắc hay là nghề hội-họa. Hiện nay còn nhiều chùa cổ có những tượng A-la-hán rất khéo và một đôi khi thấy có những bức tranh vẽ các vị A-la-hán rất có tinh-thần.

D.— NHÀ TĂNG-ĐƯỜNG

a) Tượng Thánh-tăng. Nhà tăng-đường hay là nhà tổ ở sau điện thờ Phật, có ban thờ các vị sư tổ đã tu ở chùa. Ở trên ban thờ ấy có pho tượng thờ vị Thánh-tăng.

Vị Thánh-tăng này, theo như sách Tượng-khí, thì bên Tiểu thặng thờ một vị đại đệ-tử của Phật, như Kiều-trần-như (Kaundinya) hoặc là Đại-Ca-diếp (Kaçyapa) hoặc là Tu-bồ-đề (Subhuti) mà bên Đại-thặng thì thờ đức Văn-thù bồ-tát làm hình-dáng một người tăng nhân. Song ở bên Việt-nam ta ở các nhà tổ trong chùa thấy thờ đức A-nan-đà làm Thánh-tăng.

Thờ đức Văn-thù là có ý lấy trí-tuệ mà tu đạo Phật, mà thờ đức A-nan-đà là lấy sự nghe nhiều nhớ nhiều mà tu đạo Phật. Tuy hai vị cùng là đệ-tử Phật, nhưng cái ý-nghĩa có chỗ khác nhau như thế.

Theo trong sách thì vị Thánh-tăng chỉ thờ ở nhà tăng-đường mà thôi, song ở nước ta, các chùa đặt thêm ban thờ ở nhà bái-đường nữa.

b) Tượng đức Tổ-tây. Trên bàn thờ các vị tổ ở tăng-đường, thường có một pho tượng tạc dung-mạo người Tây-trúc (Ấn-độ), mũi cao, tóc quăn, râu quai nón, tục gọi là đức Tổ-tây hay là Tổ Đạt-ma.

Chính pháp-danh của Ngài là Bồ-đề-đạt-ma 菩 提 達 磨 (Bodhidharma), người dòng-dõi phái quí-tộc ở phía nam Ấn-độ, xuất-gia tu hành đạo Phật và chuyên học về môn Thiền-na (Dhyana). Năm Phổ-thông nguyên-niên (520) đời vua Võ-đế nhà Lương, ngài đi đường biển sang Quảng-châu. Vua Lương Võ-đế mời ngài vào kinh-đô ở Kiến-nghiệp tức là thành Nam-kinh bây giờ. Ngài vào yết-kiến vua Võ-đế, nhưng thấy vua không hiểu đến chỗ mầu-nhiệm của đạo Phật, Ngài bèn qua sông Dương-tử, sang nước Bắc-Ngụy, trụ ở chùa Thiếu-lâm, tu pháp tham-thiền, suốt ngày ngồi nhìn vào vách, tục gọi là ông thầy tu xem vách.

Tương truyền rằng Bồ-đề-đạt-ma là tổ thứ 28 của phái Thiền-tôn bên Ấn-độ, sang Tàu làm sơ tổ ở cõi Đông-thổ truyền đạo pháp và áo cà-sa cho đệ-tử là Tuệ-khả 慧 可 làm đệ nhị tổ. Ngài tịch vào ngày rằm tháng mười năm Đại-thông thứ hai (530) đời vua Võ-đế nhà Lương.

c) Ban thờ Chư-vị — Đáng lẽ ở nhà tăng-đường chỉ thờ vị Thánh-tăng và chư tổ đã tu ở chùa mà thôi, song thường thấy ở gian giữa nhà ấy có ban thờ Phật, gian bên tả có ban thờ Chư-vị và gian bên hữu có ban thờ các tổ.

Chư-vị là nói chung các vị thần thánh của phái đồng-bóng, tại khái như tứ phủ, là Thiên-phủ, Địa-phủ, Thủy-phủ và Nhạc-phủ, cùng các Thánh-mẫu, các Đức-ông, các quan-lớn, vân vân.. Phái Chư-vị không có quan-hệ gì đến đạo Phật, nhưng vì sự mê-tín của dân-gian thường tin là các vị thần thánh ấy hay can-thiệp đến việc họa phúc của người đời, cho nên có nhiều người, nhất là đàn-bà, con gái hay theo về phái ấy và rất sùng sự thờ-phụng Chư-vị. Bởi vậy nhà chùa muốn có nhiều người đến lễ bái, mới lập ra ban thờ Chư-vị, để các con-công đệ-tử đến dâng bát hương, hoặc là ngày rằm, ngày mồng-một, sau khi lễ Phật rồi, ra ngồi đồng, ngồi bóng. Cũng vì thế, cho nên có chùa phải làm ra điện riêng bên cạnh để thờ Chư-vị.

Cách thờ-phụng như thế thật là hỗn-tạp[2], không đúng với cái tôn-chỉ của đạo Phật chút nào, vì rằng đạo Phật là đạo tối kị sự mê-hoặc[3] mà lại đem sự mê-hoặc để làm mờ-tối lòng người, thì thật là một sự rất trái đạo vậy.

Nói tóm lại, sự thờ-phụng, cách bài-trí ở trong chùa, tuy có ý-nghĩa và qui-thức rõ-ràng, nhưng vì người trong tăng-già hiểu không rõ và lại hay lạm-dụng hai chữ « phương-tiện », thành ra có nhiều sự sai-lầm, làm mất cái ý nhất-trí[4] của tôn-giáo.

Xét kỹ ra, thì căn-do là bởi hai lẽ này: Một là các sơn-môn không có mối thống-nhất và sự học đạo không được uyên-thâm, việc gì cũng tùy tiện, lâu sinh ra nhiều sự hồ-đồ bác-tạp[5] mà không ai biết. Hai là người ta cho đạo Phật là đạo viên-dung[6], cốt có thờ Phật thờ thánh thì thôi, còn sự thờ-phụng thêm bớt và cách bài-trí bề ngoài, dù có một đôi chỗ sai-lầm, cũng không ai lấy làm quan-ngại và cũng chẳng có ai bẻ-bắt gì, thành thử dần dần hóa quen, không muốn thay đổi nữa.

Đó là những chỗ khuyết-điểm trong sự thờ-phụng của đạo Phật ở nước ta, ta nên biết mà sửa đổi lại cho thích-hợp với cái đạo tôn-nghiêm của Phật-giáo.

  1. Viên đỉnh: Đỉnh đầu tròn
  2. Hỗn-tạp: Lẫn lộn.
  3. Mê-hoặc: Mờ-tối lầm-lỗi.
  4. Nhất-trí: Suốt là một.
  5. Hồ-đồ bác-tạp: Không rõ-ràng rành-mạch.
  6. Viên-dung: Tròn-vẹn hòa-hợp.