III

CHƯ BỒ-TÁT

諸 菩 薩

Bồ-tát 菩 薩 là do tiếng phạm bồ-đề tát-đóa 菩 提 薩 埵 (bodhisattva) gọi tắt mà thành ra, tức là danh-hiệu của những người tu-hành đạo Phật đã thành-tựu[1], có thể giác-ngộ được hết thảy các loài hữu-tình chúng sinh, nhưng còn kém Phật một bậc, cho nên còn phải tu một kiếp nữa mới thành Phật. Người Tàu từ đời nhà Tống trở đi, thường hay gọi các vị Đại Bồ-tát là Đại-sĩ 大 士.

Các Đại Bồ-tát đối với trên thì cầu được đạo Phật, mà đối với dưới thì cầu giáo-hóa chúng sinh; bao giờ cũng nặng về tình mà thương muôn vật, cho nên cứ tùy từng loại mà hiện thân ra để cứu-độ chúng sinh. Cái tâm của Bồ-tát là đại-từ và đại-bi. Đại-từ là yêu-mến và tưởng-nhớ đến chúng sinh, hễ ai sở cầu điều gì yên-vui, thì tùy lòng nguyện của người ấy mà nhiêu-ích cho được cái sở cầu; đại-bi là thương-xót hết thảy chúng sinh phải chịu mọi điều khổ-não, ra sức chửng cứu phổ-độ[2]. Cái lòng của Bồ-tát quảng-đại như thế, cho nên mới phát tâm tế-độ chúng sinh, khiến cho các loài ở trong tứ-sinh[3] và tam-giới[4] khắp hết đều được giải-thoát.

Chư Bồ-tát, khi mới phát tâm, ai nấy đều phát bốn điều thề lớn sau này, gọi là tứ-hoằng-thệ 四 弘 誓:

1.— Chúng sinh vô-biên, thệ nguyện-độ 衆 生 無 邊,誓 願 度. Thề xin độ hết chúng sinh vô-biên. Ấy là lấy Khổ đế làm duyên mà phát thệ.

2.— Phiền-não vô-số, thệ nguyện đoạn 煩 惱 無 數,誓 願 斷. Thề xin dứt hết phiền-não vô-số. Ấy là lấy Tập-đế làm duyên mà phát thệ.

3.— Pháp-môn vô-tận, thệ nguyện học 法 門 無 盡,誓 願 學. Thề xin học hết pháp-môn vô-tận. Ấy là lấy Đạo-đế làm duyên mà phát thệ.

4.— Phật đạo vô-thượng, thệ nguyện thành 佛 道 無 上,誓 願 成. Thề xin thành đạo Phật vô-thượng. Ấy là lấy Diệt-đế làm duyên mà phát thệ.

Đối với tâm thân mình, chư Bồ-tát phát bốn điều nguyện lớn sau này:

1.— Tâm như đại địa 心 如 大 地: Nguyện cái tâm mình như đất lớn, để nuôi lớn chúng sinh cho được thành chính-quả.

2.— Tâm như kiều thuyền 心 如 橋 船: Nguyện cái tâm mình như cái cầu, cái thuyền, để đưa chúng sinh sang bến bên kia.

3.— Tâm như đại hải 心 如 大 海: Nguyện cái tâm mình như bể lớn, để nuôi chứa chúng sinh trong chỗ chân nguyên[5].

4.— Thân như hư không 身 如 虛 空: Nguyện cái thân mình như hư không bao-hàm hết thảy vạn vật, cùng với chúng sinh bình-đẳng vô nhị.

Đối với chúng sinh, chư Bồ-tát phát bốn điều thệ nguyện lớn sau này:

1.— Vị độ giả, linh độ 未 度 者,令 度: Ai chưa độ, thì khiến được độ.

2.— Vị giải giả, linh giải 未 解 者,令 解: Ai chưa hiểu, thì khiến được hiểu.

3.— Vị an giả, linh an 未 安 者,令 安: Ai chưa được an, thì khiến được an.

4.— Vị nát-bàn giả, linh nát-bàn 未 湼 槃 者,令 湼 槃: Ai chưa được nát-bàn, thì khiến được nát-bàn.

Đối với phép tu-hành của chư Bồ-tát, thì có mười phép phương-tiện sau này:

1.— Người tu bồ-tát hạnh, thì lòng không keo-lận, bao giờ cũng sẵn lòng hỉ-xá thân mệnh và của mình, chỉ muốn lợi ích cho chúng sinh mà không cầu báo lại. Thế gọi là bố-thí phương-tiện.

2.— Người tu bồ-tát hạnh, thì kiên giữ các điều cấm-giới, mình có đủ uy-nghi, không khinh-dể kẻ khác và đối với các trần-cảnh[6] lòng không nhiễm-trược[7]. Thế gọi là trì-giới phương-tiện.

3.— Người tu bồ-tát hạnh, thì xa lìa những sự điên-đảo sân-khuể và không có cái tưởng bỉ với ngã, đối với chúng sinh giả sử có kẻ ngang tàng xâm-phạm đến mình, cũng chịu nhịn, tâm không động. Thế gọi là nhận-nhục phương-tiện.

4.— Người tu bồ-tát hạnh, đối với mọi việc trong sạch, phải chịu khó nhọc, dũng-mãnh không lười; học được phép gì thì tưởng nhớ suy nghĩ luôn, không để quên-nhãng. Thế gọi là tinh-tiến phương-tiện.

5.— Người tu bồ-tát hạnh, xa bỏ hết thảy ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) và mọi điều phiền-não mà đối với mọi phép thiền-định giải-thoát, thì có nhuệ ý tu tập, cầu chứng được Phật quả. Thế gọi là thiền-định phương-tiện.

6.— Người tu bồ-tát hạnh xa lìa những điều ngu-si phiền-não, nuôi cho lớn thêm hết thảy các công-đức, mừng-rỡ yên-vui, lòng không chán-nản, khai-phát cái tuệ-giải, thành-tựu đạo bồ-đề. Thế gọi là trí-tuệ phương-tiện.

7.— Người tu bồ-tát hạnh, vận cái tâm bình-đẳng đại-từ làm lợi-lạc cho hết thảy chúng sinh, tuy trải bao nhiêu kiếp ở trần-gian mà không mỏi-chán. Thế gọi là đại-từ phương-tiện.

8.— Người tu bồ-tát hạnh, tuy hiểu rõ chư pháp là vốn không có tự tính, nhưng vẫn lấy cái tâm bình-đẳng đại-bi thay cho hết thảy chúng sinh mà chịu mọi điều khổ-não, dẫu trải bao nhiêu kiếp ở trần-gian cũng không mỏi chán. Thế gọi là đại-bi phương-tiện.

9.— Người tu bồ-tát hạnh lấy cái vô-ngại trí-tuệ mà mở bảo cho hết thảy chúng sinh, khiến cho liễu-ngộ[8] cái giác-tính bản hữu, không có điều gì nghi-hoặc nữa. Thế gọi là giác-ngộ phương-tiện.

10.— Người tu bồ-tát hạnh, chuyển cái pháp-luân vô-thượng, hóa-đạo hết thảy chúng sinh khiến theo sự dạy mà sửa cái học, làm cho thêm lớn cái bồ-đề hạnh ở ngôi bất-thoái. Thế gọi là chuyển bất-thoái pháp-luân phương-tiện.

Đại khái cái thực-đức của chư Bồ-tát là mở rộng lòng từ-bi, khéo dùng các phương-tiện ở trong tam-giới, không ở hẳn ở cõi nát-bàn, vẫn cứ ra vào chỗ sinh tử, để hóa độ chúng sinh, lấy phép « tự giác giác tha 自 覺 覺 他 » làm cốt-yếu. Vậy nên công-đức của các vị đại Bồ-tát thật là rộng lớn. Sau này nói lược qua sự-tích và danh-hiệu của mấy vị đại Bồ-tát, thờ ở các chùa và thường hay tụng niệm đến luôn, như Di-lặc Bồ-tát, Quan-thế-âm Bồ-tát, Đại-thế-chí Bồ-tát, Văn-thù Bồ-tát, Phổ hiền Bồ-tát và Địa-tạng Bồ-tát.

  1. Thành-tựu: Thành công, kết quả.
  2. Chửng-cứu phổ-độ: Cứu vớt và độ khắp cả chúng sinh.
  3. Tứ sinh: Bốn cách sinh là: ở trứng sinh ra, ở thai sinh ra, ở nước sinh ra, hóa mà sinh ra.
  4. Tam-giới: Ba cõi dục-giới, sắc-giới, và vô-sắc-giới.
  5. Mối đầu chân-thực phát-sinh ra vạn vật.
  6. Trần-cảnh: Cảnh ở trần-gian
  7. Nhiễm-trược: Thấm nhuộm bám bíu.
  8. Liễu-ngộ: Hiểu biết rõ.