QUI KẾT

Trong thế giới không có cái gì là độc lập, mà cái gì cũng phải có tương quan. Một học thuyết cũng như thế. Tức phật giáo không phải là vật ở tự vô mà ra hữu. Nó do học thuyết ở trước nó, do xã hội, do thời thế, do nhân trí, mà xuất hiện. Nhưng, đã chịu bao nhiêu những ảnh hưởng, phật giáo—hay học thuyết nào cũng thế—thành hình biệt lập được, tất phải có chỗ đặc sắc của nó.

Trước thời phật giáo ra đời, ở xứ Ấn Độ có những nền triết học, sâm si chẳng đều nhau, cùng chủ trương phiếm thần luận như nhau. Brahma là căn bổn của vũ trụ. Nhứt thiết sự vật đều là hình thái của brahma. Vạn hữu đều ở brahma mà sanh ra. Lúc trụ thì ở tại brahma. Lúc diệt trở về brahma. Brahma như thế. Nó vô thỉ vô chung. Con người cũng là một hình thái của brahma. Sống đây là sống gởi. Chết sẽ trở về brahma, đời đời khoái lạc.

Phiếm thần luận ấy, là nền triết học căn bổn của xứ Ấn-Độ từ thuở nào đến bây giờ.

Phật giáo ra đời, không có chủ trương gì khác. Duy noi theo thuyết phiếm thần mà kiến thiết giáo lý. Brahma sẽ là như như, hay nhứt như, hay chân như.

Nhưng ở đây không còn giữ ý nghĩa thần cách nữa. Phật giáo vô thần.

Khởi điểm của phật giáo ở nơi nhận cuộc đời là khổ. Biết khổ thì tìm đường thoát khổ là lẽ tự nhiên. Nhưng, muốn tìm đường thoát khổ, phải biết đường nào là khổ, phải biết nguồn khổ là đâu.

Tứ diệu đế và thập nhị nhân duyên của Çâkya Muni thuyết minh về chỗ ấy.

Nguồn khổ là vô minh.
Đường khổ là tập.
Có tập bởi tại nghiệp.

Vậy, minh được lý của vũ trụ, minh được lý của chân như, là biết được đường thoát khổ: phá tập, diệt nghiệp.

Cả nền triết học của phật giáo xây dựng trên thuyết chân như. Tông phái hoặc có phân ra nhiều, kinh điển hoặc có đặt ra mấy vạn, cũng không ngoài chỗ thuyết minh chân như.

Ta biết gì về chân như? Ta biết được đến đâu? Đây là vấn đề nhận thức. Xốc xáo hết các hóc hẻm của tri thức, phật giáo kết luận bằng phi lượng, là một thứ trực quan; tức cho rằng: lý trí bất lực trong khi dùng để tìm bổn thể, duy tình chứng nhận mà thôi.

Tình chứng nhận chân như. Lý sẽ bảo nó không không cũng không có, có cùng không đều không phải bổn thể của chân như. Tinh thần của đại thừa giáo ở nơi thuyết trung đạo.

Ta cùng chân như quan hệ nhau như nước cùng sóng. Tức chân như là bổn thể, ta là hiện tướng.

Giải thoát là làm cho tâm ta không mê vọng, để cùng với chân như nhứt trí.

Cứ xem qua triết học của phật giáo, ta thấy nó không phải là mê tín, không phải là yếm thế, không phải là thần bí. Hoặc trong các quyển kinh có những lời, những chuyện mê tín dị đoan, đó chẳng qua là tín đồ thêu dệt, chớ cơ sở của Phật giáo không phải nằm trên những chỗ đất ấy. Ta có thể trích một đoạn văn ở kinh Lăng Già (Lankâvatâra sûtra) làm chứng và kết luận về giáo lý của Phật giáo;

Thế gian ly sanh, diệt,
Do như hư-không hoa.
Tri bất đắc hữu, vô,
Nhi hưng đại bi tâm.
Nhứt thiết pháp như huyễn,
Viễn ly ư tâm thức,
Tri bất đắc hữu, vô
Nhi hưng đại-bi tâm
Viễn ly đoạn, thường,
Thế-gian hằng như mộng,
Tri bất đắc hữu, vô,
Nhi hưng đại bi tâm.
Tri: nhân, pháp, vô ngã,
Phiền-não, cập nhĩ-diệm[1]
Thường thanh tịnh, vô tướng,
Nhi hưng đại bi tâm.
Nhứt-thiết vô niết-bàn,
Vô hữu niết bàn phật,
Vô hữu phật-niết-bàn.
Viễn ly giác, sở giác,
Nhược hữu, nhược vô hữu,
Thị nhị tất câu ly.

Mâu-ni tịch tinh quan
Thị tắc viễn ly sanh,
Thị danh vi bất-thủ,
Kim thế, hậu thế tịnh.

Không có niết bàn, không có phật nào ở niết bàn, không có niết bàn nào của phật. Như thế có thể nào bảo là thần bí?

Duy chỉ có tâm tức phật, ta tức là chân như. Nhưng còn vô minh, còn vọng kiến, thì không sao cùng chân như nhứt trí bình đẳng được.

HẾT

  1. Nhĩ diệm, là tiếng phạn, nghĩa là sở trì hay tri chướng.