PHỤ LỤC

NẺO PHẬT GIÁO VÀO
NƯỚC NAM.

Người Nam ta tiêm nhiễm phật giáo đã lâu đời rồi. Hiện những người không đi chùa, không thờ phật, không có chút ý thức gì về phật giáo, cũng có thể có tư tưởng phật giáo, hoặc tiểu thừa, hoặc đại thừa.

Như thế tưởng cũng nên tìm biết phật giáo do thời nào và do đường nào truyền sang xứ ta.

Đây xin trích lục một bài tác giả đã cho đăng vào báo Phụ Nữ Tân Văn, ở Sài Gòn cách mươi năm nay, để giới thiệu bài khảo về « Phật giáo ở xứ Annam, từ hồi nó mới sang cho tới thế kỷ thứ XIII », của ông Trần Văn Giáp đăng trong Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient 32• année, tome 32, fascicule 1 (Hanoï, 1932).

«...Tìm biết con đường của phật giáo vào Nam, là một chuyện gian-nan, một là vì lịch-sử xứ nầy còn hàm hồ lắm, một là vì trong sự khảo-cứu nầy cần phải rõ giáo lý mới biết được cách truyền-bá của phật-giáo, và nhân đó mà dò xét con đường truyền bá của nó. Bao nhiêu những nỗi khó khăn, ông Trần dường như không ngại, vì ông sẵn học, sẵn thầy, mà nhứt là sẵn sách.

Trước khi sang Pháp ông có cái duyên mà gặp ở Hải Phòng, một pho sách rất hiếm, tên là Thuyền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, trong đó có lịch sử của những vị danh tăng trong Thiên-tôn, từ thế kỷ thứ VI tới thế kỹ thứ XIII. Pho Thuyền Uyển nầy nó sẽ giúp ông làm cái sườn cho bài khảo-cứu của ông hôm nay.

Phật giáo phát nguyên bên Ấn-Độ là xứ cách nước Nam biết bao nhiêu là núi cao biển rộng, thời nó làm cách nào mà truyền sang hồi lúc đường sá không có giao thông, xe tàu chưa xuất hiện?

Đi đường bộ, trải qua Tây Tạng, Trung Hoa, rồi từ đây mới bọc xuống phía nam mà vào nước Nam.

Cái ức thuyết ấy, xưa nay nhiều người đề xướng.

Song cứ như sự khảo cứu của ông Trần, thời con đường bộ đó không phải là con đường có một không hai của phật giáo để sang xứ ta. Mà còn một đường nữa, ít ai nghĩ đến; là con đường biển. Tập Thuyền Uyển chứng nhận cái ức-thuyết nầy.

Cứ như trong tập ấy, thời phật giáo noi con đường biển, vịn theo những hòn-đảo mà lần hồi đi từ Ceylan qua Java. qua Indonésie, rồi sang xứ Nam.

Sang đến xứ Nam thời có lẽ vào lối thế kỷ thứ ba, vì cứ quyển sách tàu tên Ngô Chí, viết ra trong thế kỷ thứ tư, thời thấy nói, ở thế kỷ thứ ba, có người nước ngoài cư trú tại Bắc Kỳ.

Phật giáo đã vào được xứ Nam rồi, thời truyền bá ra, ngày một xa dần.

Ông Trần chia lịch sử phật giáo xứ Nam làm bốn thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhứt, chạy dài từ đầu thế kỷ thứ ba, đến cuối thế kỷ thứ tư, là thời kỳ Khương Tăng Hội (lối năm 280 sau Chúa giáng sanh) làm cho phật giáo chiến thắng. Trong thời kỳ nầy, thấy có người Tàu, tên là Mâu Bác, muốn học phật, phải đi xuống miền nam nước Tàu, nhứt là đi Bắc Kỳ. Sự nầy chỉ rõ rằng phật giáo noi đường biển mà vào Nam.

Thời kỳ thứ hai, là thời kỳ Tì-Ni-Đa Lưu-Chi (Vinitaruci) đem truyền Thiền tôn ở Bắc Kỳ, và lập ở Bắc Ninh (lối năm 580 sau Chúa giáng sanh) một phái để tên mình.

Thời kỳ thứ ba, thuộc về thế kỷ thứ chín, là thời kỳ phật-giáo của nước Tàu phát thạnh nhứt, có Vô Ngôn Thông, từ Quảng Châu chạy sang An-Nam, vào ở chùa Kiến Sơ (tỉnh Phú Thọ), lập một phái « thiền » mới, dùng phép « Bích Quan » của Bồ-tát Đạt Ma (Bôdhidharma). Đó là Thiền-tôn thuần-túy.

Thời kỳ thứ tư, ở vào thế kỷ thứ mười một, là thời kỳ phật giáo đại thạnh ở xứ Nam. Các nhà vua thời nầy không theo giáo hệ của Bồ-tát Đạt-Ma, mà lại chọn một vị thiền-sư người Tàu, tên là Thảo Bưởng, ở Chiêm-Thành, đem về làm thầy. Đó là thời kỳ phái thiền tôn « an-nam » phát hiện.

Bài khảo cứu ngừng ngay chỗ đó...»