Phật giáo triết học/III-I-a-1
a. Duyên khởi luận. —
Duyên khởi luận trong phật giáo có nhiều thuyết.
1. Nghiệp cảm duyên khởi. — Nghiệp cảm duyên khởi luận ở trong nguyên thỉ phật giáo, phát đoan ở tứ diệu đế và thập nhị nhân duyên thuyết. Tứ diệu đế, trên đã thuật, là khổ, tập, diệt, đạo. Hai đế diệt đạo thuộc về giải thoát luận. Hai đế khổ tập, thuyết minh duyên khởi của nhân sanh. Hai đế khổ tập diễn rộng ra, tức là thập nhị nhân duyên.
Thập nhị nhân duyên, nhắc lại là: vô minh, hành, thức, danh sắc, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, và lão tử. Gom lại mà nói, thập nhị nhân duyên để cắt nghĩa cái nghiệp lực của tự ta làm ra, và cắt nghĩa cuộc nhân quả tuần hoàn. Cái nghiệp lực của ta, từ vô thỉ mà dẫn đến, sanh tử luân chuyển vô cùng. Chí như vạn hữu cũng chẳng qua là nghiệp lực của ta cảm ứng mà có. Ấy gọi là tự nghiệp, tự đắc.
Ta ở hiện tại có hình hài như thế nầy, là do ở đời trước tạo nghiệp mà ra. Tâm thân của ta là do ở một cuộc tập hiệp mà có. Tâm thân tập hiệp nầy lại lầm tạo nghiệp, để sẽ làm nguyên nhân cho cuộc tập hiệp về sau. Ấy gọi là dẫn nghiệp.
Sự hành vi của ta hằng ngày, sanh ra tam nghiệp (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp)— Tam nghiệp cứ lớp trước tàn lớp sau nối, liên liên như những khoen dây xích. Thân tâm ta bởi đó mà tiếp dẩn với chủ quan giới và khách quan giới. Ấy gọi là nghiệp cảm duyên khởi.
Phật giáo chủ trương như thế, không có ý gì nói đến sự luân hồi của linh hồn, mà chỉ về cái tác nghiệp vô hình, là cái khiến cho ngũ uẩn tập khởi. Cũng như hoa tàn thì quả kết, không phải hoa biến thành quả, nghiệp lực không phải biến thành ngũ uẩn, mà ngũ uẩn nếu không có nghiệp lực cũng là thành không.
Quả không phải đồng thời sanh với hoa. Có hoa rồi mới có quả. Hoa là nhân của quả vậy. Hoa chưa tàn quả chẳng kết được. Hoa với quả tuy là hai vật khác nhau, mà thật cùng nhau có quan hệ như thế.
Quả rồi sẽ sanh ra cây. Cây rồi sẽ khai hoa. Hoa rồi sẽ kết quả. Cứ như thế tuần hoàn vô cùng.
Vạn hữu cũng thế, ta ở trong vạn hữu cũng thế, cũng như hoa quả kia, có sanh, trụ, dị, diệt, một lớp vinh một lớp khô, vinh khô tiêu trưởng, luân hồi triển chuyển, từ vô thỉ cho đến vô chung.