Phật giáo triết học/III-I
PHẦN THỨ BA
TRIẾT HỌC CỦA PHẬT GIÁO
SAU KHI PHẬT NHẬP DIỆT
I. Vũ trụ luận
Khảo về Phật giáo là một việc làm không phải dễ dàng, không phải mau chóng được. Vì Phật giáo không như các giáo khác, mà nó chia ra đến mười mấy tông, nó có những tám ngàn ngoài bộ kinh và luận. Phật giáo trải qua thời gian những hai ngàn năm trăm năm, trải qua không gian những mấy nước, tràn gần khắp cõi Á-đông rộng lớn. Ấn độ theo phật giáo thì đã đành, ngoài ra còn những nước Thái (Xiêm), Miến Điện, Tây Tạng, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhựt Bổn, Đông Pháp.
Tuy nhiên, về phương diện tông giáo, phật giáo có phân phái nhiều như thế, về phương diện triết học, nó, cũng như các nền triết học khác, cũng xây quanh bao quẩn có mấy vấn đề mà thôi.
Nay ta xét phật giáo về ba phương diện. Một là phương diện vũ trụ luận, hai là phương diện giải thoát luận, ba là phương diện luân lý.
Vũ trụ bởi đâu mà có?
Từ thuở nào đến giờ, trí con người vừa hiểu biết, là vừa phát ra câu hỏi đó. Tông giáo nào, triết học nào, cũng phải băn khoăn với câu hỏi đó.
Trong vũ trụ có những hiện tượng. Mà có hiện tượng tất có thật thể. Vậy triết học đi tìm khảo sát hai phương diện ấy của vũ trụ. Chẳng những khảo sát riêng hiện tượng và tự thân của thật thể, triết học còn khảo sát thêm một từng nữa cho biết hiện tượng với tự thân của thật thể quan hệ nhau làm sao. Một khi đã thấy, hoặc tưởng là đã thấy chỗ quan hệ ấy rồi triết học còn khảo sát xem hiện tượng sanh ra cách nào. Xong, mới qui kết vũ trụ luận.
Giáo hệ nào chủ trương hữu thần, thì cho rằng vũ trụ là do một vị tạo-vật-chủ dựng nên. Như thế là vũ trụ có thỉ (commencement). Và có khi cũng có chung (fin), như Thiên chúa giáo chủ trương.
Phật giáo rành rành là vô thần giáo, nó không chủ trương có tạo vật chủ, nó dựa nơi phiếm thần luận. Đối với phật giáo, thì vạn hữu sanh ra, không nhờ phép nào ở ngoài nó cả, mà chỉ tự kỷ nhân quả nối tiếp nhau mà thôi. Cái quả ở bây giờ là do cái nhân ở trước, cái nhân ở trước là do cái quả ở trước nữa, cứ như thế đi ngược trở lên mãi, nhân nầy do quả nọ, quả ấy do nhân trước, không bao giờ cùng. Tức là đối với phật giáo, vũ trụ vô thỉ. Và nó cũng vô chung. Vì, theo luận điệu trên đó, quả ở bây giờ là nhân cho cái quả sau nầy, rồi quả sau nầy làm nhân cho cái quả kế nữa. Cứ như thế mãi.
Nhân quả nối tiếp xây vần không bao giờ đứt. Đó là cái đạo lý của phiếm thần luận.
Trong cuộc nhân quả tương tiếp tương thừa ấy, nếu lấy riêng một vật, thì vật nầy thấy như có thỉ có chung, tức là có sanh có hoại. Nhưng mà hoại lại là cái nhân cho tái sanh. Mất rồi lại có. Có rồi lại mất. Đảo đi đảo lại vô cùng tận. Như thế cho nên nhân của cái nhân, thì vô thỉ. Mà đã có nhân thì có quả. Quả của cái quả thì vô chung.
Trong hiện tượng giới, ta thấy có sanh có diệt, có thỉ có chung, ta cho là vô thường. Nhưng nếu xét toàn thể vũ trụ, đứng về thật tại giới, thì chẳng còn sanh diệt, mà vạn hữu là thường trụ.
Khảo về hiện tượng giới, phật giáo có « duyên khởi luận ». Khảo về thật tại giới, phật giáo có « thật tướng luận ». Nhưng phân ra hai luận như thế để xét về hai phương diện, kỳ thật kết cuộc lại chỉ cốt đến chỗ rõ « nhứt như ».