Phật giáo triết học/I-2
Tư tưởng triết học nhóm lên.
Thái cổ thời đại ở xứ Ấn độ gọi là thời-đại veda. Bấy giờ lưu truyền có bốn cuốn kinh, gọi là kinh Veda. Bốn kinh ấy phái brahmane thờ làm sách thần.
Veda nghĩa là gì? Chữ này có nhiều chỗ dịch nghĩa khác nhau. Nghĩa thông hành hơn hết, là: tỏ-rõ, sáng suốt. Nghĩa là kinh nầy làm cho sáng suốt tỏ-rõ sự thật — (Dịch theo tiếng français, thì là: la Science)
Nhờ bộ kinh rất xưa ấy mà ngày nay người ta lược biết trình độ văn minh, cùng trạng thái tư tưởng của xã hội Ấn độ thời thái cổ.
Cuối thời đại veda, dân tộc Ấn độ lần lần dời xuống phía nam. Nhân phong thổ đổi khác, tư tưởng cũng chuyển biến. Phía nam nóng bức, con người uể oải, thành ra ưa ngồi trầm tư minh tưởng. Do đó mà triết học được xương thạnh. Triết học càng xương thạnh, thần thoại càng phải lui dần. Người ta không theo thần thoại mà hiểu vũ trụ nữa. Người ta lấy triết học mà khảo sát vũ trụ.
Bấy giờ lần lượt xuất hiện nhiều phái triết học.
Trong những phái ấy, có phái cũng còn tin theo kinh Veda, nhưng lại siễn phát kinh nầy, làm cho nó có hệ thống. Phái nầy gọi là phái Upanishad.
Còn thì có nhiều phái thoát ly hẳn kinh Veda mà lấy khách quan khảo sát hiện tượng, tự gầy dựng lấy nền triết học riêng. Tức như phái cho rằng đất là gốc của vạn hữu, phái cho rằng nước là gốc, phái cho rằng lửa là gốc, phái cho rằng gió là gốc, v. v... Triết học về thiên nhiên lập thuyết như thế, mường tượng triết học hy-lạp ở thời Anaxagore và Anaximène (thế kỷ thứ năm trước chúa Jésus ra đời.)
Tấn bộ một nấc nữa, người ta bỏ vật chất (đất, nước, lửa. gió, v. v...) mà vượt lên chỗ trừu tượng. Tức có những phái nỗi lên xướng ra thời gian luận, phương hướng luận, không gian luận, vì v..
Bấy giờ trong giới triết học người ta tự do khảo cứu. Các phái hoặc xung đột nhau, hoặc dung hiệp nhau, mà khách quan, chủ quan, trừu tượng, cụ thể, nhứt nguyên, đa nguyên, chủ tịnh, chủ động, bao nhiêu những nguồn tư tưởng tuôn ra, làm thành một thời đại rất đỗi là hỗn độn cho xứ Ấn độ.
Trong các phái ở thời nầy có phái Upanishad là trọng yếu hơn hết. Phái nầy bảo rằng brahma là nguồn gốc của vạn hữu, gây dựng ra vạn hữu.
Lại có phái bảo rằng brahma không phải là một vật, mà brahma là lực, là tinh thần. Thế giới do brahma mà sai biệt. Sai biệt như thế là «ác». Bỏ cho được sai biệt, mà trở về nơi cỗi nguồn bình đẳng, tức là nơi brahma, là «thiện». Đó là thuyết giải thoát. Chủ trương thuyết nầy là phái Vedanta.
Lại có phái cũng giải thích kinh Veda, mà có tư tưởng tôn trọng giáo quyền, cố thuyết minh và bảo tồn nghi thức, chủ trương thuyết: « thanh thường trụ ». Ấy là phái Mimansă.
Phản lại thuyết «thanh thường trụ» có phái Nyaya, chủ trương thuyết «Nhân minh».
Mấy phái trên đó đều theo chủ nghĩa quan niệm và khuynh hướng về hữu thần trong khi cắt nghĩa bổn thể của vũ trụ.
Phản động lại các phái quan niệm luận ấy, có phái theo thiên nhiên triết học, theo kinh nghiệm luận, tức là theo duy vật luận. Ấy là phái Vaisesika (phái thắng luận).
Đứng ra giữa hai cái tư triều quan niệm luận và duy vật luận, mà dung hoà tổng hiệp hai đàng, thì có phái chủ trương « vật tâm nhị nguyên luận ». Ấy là phái Samkhya (phái số luận).
Đại ước, trước hồi Phật giáo ra đời, ở xứ Ấn độ có sáu nguồn tư tưởng chánh, kể ra trên đó: upanishad, vedanta, mimansa, nyaya, vaisesika và samkhya.